4.1. Khái niệm truyện kể trào phúng
Thơ văn trào phúng xuất hiện rất sớm ở bất kỳ một nền văn học nào, khi xã hội bắt đầu có sự phân chia giai cấp. Đối với văn học dân gian, thể loại đặc trưng của nó là truyện cười và ca dao, dân ca trào phúng. Còn ở văn học viết, thơ văn trào phúng ẩn mình trong nhiều thể loại khác nhau như thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, phóng sự, hài kịch... Trong lịch sử văn học Việt Nam, thơ văn trào phúng xuất hiện ở mọi thời kỳ, giai đoạn, song phát triển mạnh mẽ hơn cả là cuối thời kỳ văn học trung đại với một số tác giả tiêu biểu như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương và thời kỳ nửa đầu thế kỷ XX với các tác giả như Tú Mỡ, Nguyễn Công Hoan, Tam Lang, Vũ Trọng Phụng, Đồ Phồn, Phùng Tất Đắc, Nam Cao, Bùi Hiển... Những cây bút được coi là “sở trường”, phong cách “chuyên nghiệp” về văn xuôi trào phúng có thể kể đến Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Một số cây bút khác, tuy không chuyên về trào phúng nhưng họ lại có những đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn học trào phúng như Bùi Hiển, Nam Cao, Ngô Tất Tố...
Trào phúng là một loại đặc biệt của sáng tác văn học và đồng thời cũng là một nguyên tắc phản ánh nghệ thuật trong đó có các yếu tố, cấp độ của tiếng cười (tiếng cười khôi hài; tiếng cười mỉa mai; tiếng cười châm biếm; tiếng cười chế giễu, nhạo báng; tiếng cười đả kích). Theo Từ điển văn học do Lê Bá Hán, Trần Đình
Sử, Nguyễn Khắc Phi chủ biên thì “trào phùng” theo nghĩa từ nguyên là: “dùng lời lẽ bóng bẩy, kín đáo để cười nhạo, mỉa mai kẻ khác, song trong lĩnh vực văn học, trào phúng gắn liền với phạm trù mỹ học và cái hài với các cung bậc hài hước (umua), châm biếm. Văn học trào phúng bao hàm một lĩnh vực rộng lớn với những cung bậc cái hài khác nhau từ truyện cười tiếu lâm đến tiểu thuyết, từ các vở hài kịch cho đến những bài thơ trào phúng, châm biếm” [49; 306]. Về mặt lí thuyết, “trào phúng” là một khái niệm rất phức tạp, nội hàm phong phú. Đã có rất nhiều cách hiểu về trào phúng trong các định nghĩa của Aristote, Kant, Hegel, Bergson, Schelling, Secnusepxki... Mỗi cách hiểu có những độc đáo và hạn chế riêng. Ở đây, chúng tôi quan niệm chung về trào phúng theo ý nghĩa khái quát nhất là tính chất gây cười. Tiếng cười trong tác phẩm trào phúng chủ yếu là tiếng cười châm biếm, chế giễu, phê phán, đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội. Tiếng cười này được nảy sinh trên luồng cảm hứng chủ đạo là “cảm hứng châm biếm” (E.G.Rudneva). Cảm hứng châm biếm do những đặc tính mang chất hài khách quan đời sống quy
định, ở đấy sự cười cợt mỉa mai chất hài của đời sống được kết hợp với sự tố cáo, công phẫn. Do đó, nó không phụ thuộc vào tùy hứng của nhà văn, vào ý muốn cá nhân định đem một cái gì đó ra cười cợt. Nó đòi hỏi “một đối tượng tương ứng - chất hài của bản thân một đời sống đáng cười. Cái cười châm biếm là một cái cười rất sâu sắc và nghiêm túc” [170; 173]. Những đặc điểm nổi bật này được Gôgol nhận định: “Cái cười hệ trọng và sâu sắc hơn người ta tưởng rất nhiều. Đó không phải là cái cười sinh ra do nỗi bực dọc chốt lát, do những tính khí cáu kỉnh, bệnh tật; cũng không phải cái cười dễ dãi tiêu khiển vu vơ giải trí của người ta, mà là cái cười... đào sâu vào đối tượng, buộc nó phải bộc lộ rõ ra những gì, nếu thiếu một sức mạnh xuyên thấm qua nó, thì nó sẽ trôi tuột đi và những điều nhỏ nhặt và trống rỗng sẽ không làm người ta kinh sợ” [170; 173]. Khi tìm hiểu tiếng cười của Rabelais, nhà nghiên cứu văn học M.Bakhtin cũng phát biểu: “tiếng cười có ý nghĩa thế giới quan sâu sắc; đó là một trong những hình thức rất cơ bản về chân lí của thế giới như một tổng thể, về lịch sử và con người; đó là một góc độ nhìn nhận thế giới đặc biệt, cho phép thấy thế giới một cách khác, nhưng cũng sâu sắc không kém (nếu không hơn) cách nhìn trang nghiêm” [9; 162].
Thiên hướng khám phá ra tiếng cười trong đời sống và tái tạo nó trong tác phẩm không chỉ là do những đặc điểm tài năng bẩm sinh của nhiều nhà văn mà còn do những đặc điểm thế giới quan làm cho họ tập trung chú ý vào sự không phù hợp giữa kì vọng và khả năng thực tế của những con người thuộc một giai tầng xã hội nhất định. Trong phần kết luận luận án tiến sĩ Ba phong cách trào phúng trong văn học Việt Nam thời kỳ 1930 – 1945: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, tác giả Trần Văn Hiếu đã đề xuất khái niệm truyện trào
phúng có sự gần gũi với các khái niệm được giới nghiên cứu sử dụng phổ biến hiện nay: “Truyện trào phúng là thể loại văn xuôi gồm truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết dùng tiếng cười để phê phán, châm biếm, đả kích cái xấu, cái phi lôgic, trái tự nhiên của sự việc, hiện tượng, con người nhằm xây dựng tư tưởng tình cảm cho con người theo quan điểm thẩm mĩ thời đại” [59; 190]. Thêm nữa, theo chúng tôi, mỗi tác phẩm trào phúng là một cấu trúc năng động gồm hệ thống các kí hiệu hoạt động theo một cơ chế “vô thức” tạo thành những truyện kể như là hình thức về thế giới vô hạn. Loại hình truyện kể này định hình trên các đặc điểm đặc trưng của thế giới: không gian của cái đương đại đang tiếp diễn, câu chuyện về cái nực cười, bức tranh thế giới như một sân khấu hài đời và nhân vật truyện kể như là hệ thống các chức năng...