“Ra đi” một ứng xử thẩm mĩ

Một phần của tài liệu Loại hình truyện kể (qua văn xuôi việt nam 1930 1945) (Trang 42 - 46)

Cuối những năm 1920 phong trào yêu nước sục sôi trong tầng lớp trí thức, học sinh, sinh viên đã có nhiều ảnh hưởng đến tư tưởng các nhà văn. Tư tưởng này phát triển thành một số khuynh hướng tiêu biểu trong truyện kể lãng mạn: khuynh

hướng phê phán xã hội cũ, đề cao con người cá nhân (Hồn bướm mơ tiên, Gánh hàng hoa, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Thoát ly...); khuynh hướng

nghiêng về bình dân với sự đồng cảm chân thành (Gió đầu mùa, Những ngày thơ

ấu...); khuynh hướng hoài cổ (Vang bóng một thời); khuynh hướng cải cách dân

quê theo tôn chỉ của hội Ánh sáng (Những ngày vui, Gia đình, Con đường sáng, Thế rồi một buổi chiều, Tiêu sơn tráng sĩ, Đôi bạn...). Ở hai khuynh hướng sau các

nhà văn đã xây dựng được những hình tượng nghệ thuật mang hoài bão, lý tưởng lớn, có tinh thần dân tộc, tinh thần cách mạng với cuộc sống phiêu lưu, sóng gió, hiểm nguy mà hấp dẫn. Tinh thần dân tộc trong sáng tác của các nhà văn lãng mạn thời kỳ này là sản phẩm của quá trình ý thức khá sâu sắc, nhất quán như Nhất Linh đã có lần tuyên bố trên báo Tin Tức, cơ quan của Mặt trận Dân chủ Bắc kỳ: “Tôi vẫn tha thiết mong cho đám bình dân thiệt thòi và thấp kém trong xã hội có những quyền sống mà họ thiếu thốn. Tôi đã bị thất vọng nhiều lần, thất vọng như bao nhiêu người khác đã quá mong mỏi ở những nơi không nên mong mỏi. Mặt trận Bình dân Đông Dương mới thành lập đem lại cho tôi một tia ánh sáng hi vọng. Lấy trách nhiệm là một nhà văn cùng với những người đồng chí khác, tay cầm tay đứng trong hàng ngũ, tôi xin hết sức giúp một phần nhỏ mọn vào công cuộc đòi quyền sống của hết thảy anh em bị thiệt: Mặt trận Bình dân” [33; 256].

Một mô - tip nghệ thuật thường được lặp đi lặp lại trong nhiều truyện kể thời kỳ này là hình ảnh người chiến sĩ hay người khách chinh phu đang dấn thân vào cuộc đời gió bụi, đang mải mê với hành động và đằng sau họ biết bao người đang dõi theo. Hình ảnh “Năm năm theo tiếng gọi lên đường/ Tóc lộng tơi bời gió bốn phương” là một hình ảnh đẹp, đầy sức quyến rũ đối với tầng lớp thanh niên tiểu tư sản thành thị lúc bấy giờ. Người ta cũng không thật rõ ràng hành tung bí mật của họ, nhưng hình như họ đang theo đuổi một sự nghiệp gì cao cả lắm, sự nghiệp ấy có thể thay đổi con người, thay đổi vận mệnh dân tộc.

Dũng trong Đoạn tuyệt ôm một tình yêu thầm kín, không dám thổ lộ cùng ai đành phải đoạn tuyệt với cuộc sống gia đình, hạnh phúc cá nhân, sống cuộc đời phiêu dạt khắp bốn phương trời, thoắt ẩn, thoắt hiện như những chiến sĩ cộng sản đang hoạt động trong vùng bí mật nhằm theo đuổi một lý tưởng là làm thay đổi “hiện tình dân quê” và “hiện tình đất nước”. Dũng luôn thấy mình là một người dân và cảm thấy cái thú man mác là được hòa vào đám dân không tên tuổi, sống cái đời sống của họ, mong ước như họ mong ước... Có một “Chiều hôm ấy Dũng như cảm thấy tâm hồn của đất nước, mà biểu hiện cho đất nước không phải những bậc vua chúa, danh nhân,

chính là đám dân hèn không tên không tuổi. Dân là nước. Yêu nước chính là yêu chung đám thường dân, nghĩ đến sự đau khổ của đám thường dân” [114; 93]. Lý tưởng ấy khiến cho Dũng tin vào sự thay đổi, tin ở công Dũng làm trong bấy lâu và có lẽ sẽ làm mãi, chưa biết bao giờ nghỉ.

Những nhân vật lãng mạn thời kỳ này có đặc điểm chung là thường mang một tâm trạng lưỡng thế. Họ quay lưng lại với thực tại xấu xa và luôn hướng tới một thế giới lý tưởng mà họ mơ ước. Chính xác hơn là họ không thể thỏa hiệp được với thực tại nên tìm con đường dấn thân vào chốn phong sương mong mỏi kiếm tìm được chân lý, cho dù chân lý ấy hình hài cụ thể ra sao họ cũng chưa hình dung ra. Nhân vật Dũng (Thế rồi một buổi chiều) trong một lần tâm sự với ni cô ở ngôi chùa mà chàng đang ẩn trốn: “Theo ý tôi tưởng, người ta muốn quên... không gì hơn là quên mình trong hành động. Vâng chỉ có sự hành động làm cho người ta quên hẳn những nỗi khổ riêng.... Thưa sư cô, tôi vì chán đời mà hành động, ngờ đâu chính sự hành động đó đã đem lại cho tôi cái vui vẻ, cái hăng hái sống ở đời” [110; 187- 188]. Triết lý này một lần nữa lại xuất hiện ở các nhân vật của Tiêu sơn tráng sĩ. Phạm Thái có lần bộc bạch với hoàng phi rằng: đời người tráng sĩ chỉ có một nghĩa là hành động. Quang Ngọc cũng nói: không hành động thì đời chúng ta còn có ý nghĩa gì nữa.

Thứ lý tưởng mà các truyện kể lãng mạn đưa ra là một thứ lý tưởng “vừa tầm” với đa số thanh niên trí thức thành thị đang bế tắc lúc đó. Nó làm cho người ta cảm thấy yên tâm là mình không sống hoài, sống hèn, sống nhục. Nhưng mục đích cuối cùng thì vẫn còn mơ hồ. Nhà nghiên cứu văn học Phan Cự Đệ từng nhận xét: “Hình tượng những người chiến sĩ, người khách chinh phu ở những tác phẩm này đã góp phần nhen nhóm ít nhiều ngọn lửa trong những tâm hồn đã nguội lạnh vì sợ hãi, nhu nhược trong thời kỳ thoái trào cách mạng. Niềm khao khát say mê hành động cũng có thể giục người ta chống một cái gậy lên đường. Và nếu may mắn gặp được sự dìu dắt của những người cách mạng chân chính, họ có thể nhập vào dòng người của cách mạng tháng Tám. Nhưng một mặt khác, cái hành động không định hướng, cái ngọn lửa tự phát và mù quáng, cái chủ nghĩa anh hùng cá nhân ... cũng có thể đẩy người ta lạc vào những con đường ngày càng xa vời cách mạng” [33; 262]. Cái hành động không định hướng, tự phát ấy khiến nhân vật chưa thể có đầy đủ phẩm chất đích thực của người chiến sĩ cách mạng như ở văn xuôi thời kỳ sau này.

Dũng (Ðoạn tuyệt) được miêu tả như là một thanh niên “có tâm trạng” sau khi bãi khóa bỏ học về nhà. Dũng đau khổ vì “phải sống trong một cảnh giàu sang

không đích đáng”, tự cho mình “không có quyền hưởng và không muốn được hưởng”, thấy sự giàu sang của bản thân và của cả nhà như là “một cái nhục”. Dũng bất mãn vì mối quan hệ không hợp lý giữa cha mình và những người tá điền. Với tâm trạng day dứt ấy, chàng đã ra đi, bỏ lại cuộc sống sung sướng đầy đủ mà những kẻ tầm thường cho là hạnh phúc, bỏ lại mối tình của Loan. Dũng cùng với Trúc vượt biên giới sang trung Quốc và định sang cả Liên Xô. Người cách mạng trong những tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn mang tính chất lãng mạn rất rõ. Ðộng cơ của nhân vật còn yếu ớt, cái nhìn bi quan, tấm lòng phiền não. Nhân vật Thái đi làm cách mạng vì “không biết làm gì nữa thì liều lĩnh”, vì “chán cả sự đời, không tin ở sự việc của mình nhưng lúc nào cũng hoạt động để cố vượt khỏi sự buồn nản bao phủ dày đặc quanh mình”. Còn Tạo bỏ nhà đi hoạt động vì ghét “các bà dì quanh năm hạch sách, vì chê vợ mình vừa béo, vừa rỗ, vừa đen”. Họ chạy theo một thứ hạnh phúc đặc biệt khó kiếm. Ðể thoả mãn tham vọng, họ tìm, tìm mãi. Tìm mãi chẳng được họ đành mưu cái quên bằng con đường khác thường, cuộc sống mới lạ. Ðời cách mạng là nơi trú ẩn cá nhân. Ðời cách mạng là một ước mơ huyền ảo: đến khi thực hiện họ thấy đau khổ và chán nản. Họ đối với nhau chỉ có một giây liên lạc chung là tình bạn hữu, còn ngoài ra mỗi người đi theo một ngả đường, sống theo một cảnh đời riêng. Một nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam “muốn hành động để cho đời mình và đời những kẻ khác có thể đẹp đẽ hơn, tươi sáng hơn” [113;75] thì chỉ có một con đường duy nhất là đánh đổ đế quốc và phong kiến theo đường lối của Ðảng thì mới hạnh phúc được. Con đường cách mạng mà giai cấp tư sản đã tự gạt bỏ mình từ sau khởi nghĩa Yên Bái thất bại. Nhìn vào thế giới quan và nhân sinh quan của các nhà văn Tự lực văn đoàn thì làm sao làm được cách mạng. Chính vì thế mà hành động của Dũng và các “đồng chí” của Dũng khá mơ hồ. Họ cũng bí mật, cũng xuất dương, cũng vuợt ngục. Nhưng mục đích cách mạng thế nào, đối tượng cách mạng ra sao thì hoàn toàn không biết: “...lần này nhảy ra cũng là nhảy ra chỗ mờ mờ không biết rõ. Nhưng cần gì, đời là thế, mình có khi cũng phải liều chơi...” [113; 63]. Ðây là hành động của một kẻ liều lĩnh, không tin vào mình, không tin vào ngày mai. Họ hoàn toàn bi quan luôn mang một tâm lý thất bại chán chường. Họ khác xa những người cách mạng chân chính về tâm tư, ý nghĩ và hành động. Người chiến sĩ cộng sản trong Từ ấy, Nhật ký trong tù theo đuổi một đường lối cách mạng đúng đắn, gắn mình với quần chúng, họ có một tư thế hiên ngang, một niềm tin sắt đá, một thái độ tự hào, một tinh thần lạc quan của những người chiến thắng. Tóm lại, những nhân vật “cách mạng” là những đứa con tinh thần của

Tự lực văn đoàn. Họ cũng là những con người khí khái, có lòng tự trọng đã để lại trong lòng người đọc nỗi ngậm ngùi, thương mến.

Một phần của tài liệu Loại hình truyện kể (qua văn xuôi việt nam 1930 1945) (Trang 42 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(171 trang)