Xung đột bên trong sự vật

Một phần của tài liệu Loại hình truyện kể (qua văn xuôi việt nam 1930 1945) (Trang 128 - 132)

Xây dựng kiểu xung đột trào phúng bên ngoài nhân vật, nhà văn rất coi trọng việc miêu tả ngoại hình, hành động, ngôn ngữ của nhân vật. Khi đó, xung đột bên trong nội tâm được thể hiện qua ý nghĩ, suy tưởng, diễn biến tâm trạng của nhân vật và giọng điệu của tác giả. Còn những yếu tố khác cần “giảm thiểu” đến mức tối đa. Rất nhiều truyện, nhà văn để nhân vật của mình tự trò chuyện, tự phân thân đối thoại với chính mình trên cơ sở những “tình huống nội tâm”. Truyện trào phúng của Nguyễn Công Hoan, loại cấu trúc trí tuệ này không nhiều nhưng đa phần lại rất sâu sắc và đáng nhớ. Cốt truyện của các truyện này không phức tạp, không có gì đáng cười nhưng tác giả sáng tạo ra được những xung đột trong nội tâm nhân vật, do đó

tiếng cười vẫn bật ra, nhưng “gượng gạo” và chua xót như các truyện Ngựa người

và người ngựa, Kép Tư Bền, Tôi cũng không hiểu tại làm sao, Anh xẩm, Nỗi vui sướng của thằng bé khốn nạn...

Ngựa người và người ngựa đã được nhiều đạo diễn đưa lên sân khấu hài Việt Nam, lấy được không ít tiếng cười ra nước mắt của công chúng. Xung đột chính của truyện diễn ra trong nội tâm anh phu xe. Chỉ còn ít giờ nữa năm cũ sẽ qua, năm mới sẽ đến, nhà nhà sum họp. Tối “như đêm ba mươi” còn hai kiếp người đang cố nhặt từng xu, một người phu xe, một cô gái giang hồ. Anh phu xe kéo cô gái giang hồ, kéo thêm nhiều giờ hi vọng càng cao vì được trả thêm tiền nhưng càng về sau thất vọng càng lớn. Đến lúc giao thừa, cô gái giang hồ không tìm được khách, tính kế chuồn mất, anh phu xe trở về tay không. Thực ra, họ đều là những kiếp người đáng thương hại. Cô gái giang hồ lúc đầu cũng hi vọng sẽ kiếm được tiền. Càng về sau, hi vọng càng tàn lụi. Không có tiền trả, cô bằng lòng cho anh xe “muốn làm gì thì làm”. Cuối cùng cô phải tính kế chuồn. Người kéo xe, người đi xe, thân “người ngựa”, “ngựa người” cùng một tâm trạng giằng xé về việc mưu sinh mà nhân bản. Bút pháp tác giả đã đạt đến mức điêu luyện, tinh tế, từng làm Nguyễn Khắc Hiếu thốt lên: “Được đến chỗ đau đớn của người đời, truyện như bịa chơi mà trò đời thường có” để cùng muốn “thêm một giọt nước mắt khóc chung cho cả ngựa người và người ngựa” [154; 412].

Truyện Kép Tư Bền, xung đột có tính trào phúng diễn ra trong nội tâm anh kép hát Tư Bền. Anh phải diễn những trò hề mua vui trên sân khấu cho khán giả cười (phải cười), trong khi bố anh ở nhà đang hấp hối (phải khóc). Con người không được làm chủ bản thân, kể cả làm chủ tiếng cười lẫn tiếng khóc của mình. Nhà phê bình Hải Triều coi Kép Tư Bền là cái chứng cớ đích xác cho chủ trương “nghệ thuật vị dân sinh” của ông. Nó được biểu hiện “bằng những bức tranh rất linh hoạt dưới ngọn bút tài tình của văn sĩ Nguyễn Công Hoan mà người ta đã tặng cho cái tên hay hay là nhà văn của hạng người khốn nạn” [67; 277]. Ở những truyện như thế này, chất trữ tình đan xen nhuần nhị với chất trào phúng, thậm chí có lúc chất trữ tình còn nổi trội hơn. Chính vì thế mà văn của Nguyễn Công Hoan trở nên gần gũi hơn, lớn lao hơn.

Chất trào phúng trữ tình thể hiện rõ nét đặc biệt trong các sáng tác của Nam Cao, Bùi Hiển, Tô Hoài... Tổ chức truyện trên cơ sở những xung đột tư tưởng trong nội tâm nhân vật, những nhà văn này đã sáng tạo ra tình huống làm phát sinh xung đột một cách tự nhiên. Người viên chức tỉnh lẻ trong Cái đồng hồ của Bùi Hiển

chắt chiu dành dụm cả cuộc đời mới mua được chiếc đồng hồ. Hạnh phúc nhỏ nhoi ấy nhanh chóng tan tành vì chiếc đồng hồ khổ chủ ấy lúc chạy, lúc dừng. Cũng giống như anh, trong cuộc đời đua chen, anh không xác định được phương hướng nên luôn luôn đến chậm, luôn luôn kém may mắn.

Với Nam Cao, không mấy ai gọi ông là nhà văn trào phúng. Nhưng một sự thật hiển nhiên là nhiều tác phẩm của ông có tiếng cười, ông cười, người đọc cười. Tiếng cười của Nam Cao có sắc thái riêng, phong cách riêng không thể trộn lẫn bởi chiều sâu tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của nó. Nói như nhà nghiên cứu văn học Lê Thị Đức Hạnh: “Trong khi phản ánh hiện thực, Nam Cao thường hay đi vào những chủ đề mang tính suy ngẫm, thiên về truy tìm, đúc rút ra một triết lý cho cuộc sống, có pha chất hài, nhưng thấm lẩn, bi thương nên truyện dễ trầm lắng, nặng nề về suy tư hơn là công phá bằng tiếng cười to, hả hê, khoái trá” [152; 421]. Nam Cao thực sự tài năng trong nghệ thuật sáng tạo những tình huống có khả năng làm bộc lộ bản chất tư tưởng nhân vật. Nhìn chung, tác giả thường đặt nhân vật vào những tình thế thử thách để lật tẩy những ý nghĩ, những ham muốn phàm tục, những thủ đoạn dối trá vẫn được che đậy, dấu kín như Quên điều độ, Cười, Nước mắt, Truyện tình, Sống mòn, Đời thừa, Giăng sáng...

Nhân vật Hài trong Quên điều độ “tôn thờ” một triết lý sống “người điều độ chính là một người khôn ngoan”. Nhưng trong một lần, Hài được đặt trong tình huống có lợi, được hưởng một cuộc ăn chơi tốn hàng mấy chục đồng mà chẳng phải bỏ ra một đồng xu. Ấy là lần Hài tình cờ gặp lại Thư, người bạn cũ. Thư mời Hài ăn tiệc nhà hàng và đi hát. Vốn đang sống kham khổ với lý do đốc tờ bảo phải kiêng cữ nhưng Hài lại dám “phá lệ” ăn uống thỏa thê đến mức say bí tỉ. Hài đã uống tới ba cốc rượu vang và Hài không uống nữa. Bởi vì Thư không mời nữa. Tình huống truyện đã làm cho tư tưởng thèm khát khoái lạc bị kìm nén và thái độ giả dối của nhân vật Hài bộc lộ một cách hài hước ở sự “quên điều độ”.

Đọc Nhìn người ta sung sướng, ta lại thấy một tình huống đáng cười một

cách trớ trêu, lạ lùng. Thông thường, mọi bà mẹ đều muốn con cái mình được sung sướng, hạnh phúc. Ấy vậy mà bà lão trong truyện này thấy cảnh con gái mình sung sướng, được chồng chiều chuộng, không phải lo nghĩ gì, trẻ như măng thì lại tức tối đến thành “bệnh kinh niên”, không thuốc nào chữa được. Tiếng cười “nảy lên đành đạch” về căn bệnh kỳ quái của bà lão, bởi bà có cái bụng nhỏ nhen, ích kỷ. Nhưng đồng thời người ta lại dễ cảm thông và thương hại cho bà có thể do bệnh hoạn về tinh thần vì suốt đời bà do khổ sở, nên nhìn người ta sung sướng hơn một chút thì

thấy gai mắt, không thể chịu được. Tình huống truyện mang ý nghĩa triết lý nhân bản trong cách nhìn về con người, cuộc sống.

Một số truyện ngắn Cười, Nước mắt, Đời thừa, Giăng sáng cũng được xây dựng xung quanh những tình huống bi hài kịch nội tâm của con người, chủ yếu là những tiểu tư sản trí thức. Họ vốn là những con người giàu lòng nhân ái, rất yêu thương nhau nhưng chỉ vì túng quẫn mà sinh ra cáu bẳn, lục đục, nhiều khi trở nên tàn nhẫn. Nhân vật Hắn trong Cười thường phải dùng tiếng cười như là một liều

thuốc an thần, để giải uất. Còn cô vợ anh thì lại “nghiện” cãi nhau, nếu không được cãi nhau thì đời sẽ buồn lắm:

“- Ô hay, mình rủa tôi chết à? Mình mong cho tôi chết lắm?

- Tôi mong lắm. Sống mà cứ cau có như khỉ thì cũng nên chết đi cho rảnh. Ấy thế là người đàn bà thấy máu ứ lên đến tận cổ. Thị cũng biết rằng chồng nói đùa. Nhưng câu nói đùa chứa đựng rất nhiều ý trách móc. Và có lẽ cả sự mong mỏi ngấm ngầm nữa” [13; 290].

Tiếng cười ở đây đượm vẻ hài hước mà chua chát. Cười về cảnh người, cảnh đời “ti tiện”. Trong Giăng sáng, tất cả đồ đạc nhà Điền chỉ có bốn cái ghế

mây là có giá. Nhưng, cái thì xộc xệch, cái thì bốn chân rúm lại, cái nào nước sơn cũng róc cả ra như là da thằng hủi. Bộ ghế “vừa đẹp”, “vừa thanh” tất nó phải nhẹ nhàng, mảnh mai, thế mà lại bị “cái mông đít to bành bạnh như cái vại” đặt lên khiến cho vợ Điền phải xót xa. Thành ra ghế để ngồi mà lại đem treo cất đi, chỉ khách quý hay những hôm đặc biệt người nhà mới được đem ra ngồi. Còn Điền lại ở trong trạng thái khác của bi hài kịch, bi hài kịch về con người có lý tưởng cao cả đặt bên cạnh một hiện thực khốc liệt. Hộ trong Đời thừa cũng được Nam Cao đặt lý tưởng cao xa với tình thế “áo cơm ghì sát đất”. Một con người yêu vợ thương con hết lòng nhưng có lúc lại thô bạo và phản nhân văn. Tự ý thức được bi kịch đời mình, song Hộ vẫn luôn khao khát thực hiện lý tưởng. Trong bức bối của “cơm áo gạo tiền”, Hộ uống say mềm, đánh đuổi vợ con để rồi lại khóc ân hận một cách bi hài.

Sống mòn là truyện dài đặc sắc, hiếm hoi trong sự nghiệp văn chương của Nam Cao. Tác giả đã xây dựng hàng loạt tình huống xung đột nhằm bộc lộ tình trạng “dở khóc dở cười” của nhân vật – tình huống bi hài kịch nội tâm như: tình huống bộc lộ thói nhỏ nhen, bủn xỉn; tình huống lật tẩy thói giả dối, thói sĩ diện hão; tình huống mâu thuẫn giữa tư tưởng cao siêu với bản năng ích kỷ... Dẫn chứng tiêu biểu cho thói sĩ diện hão là cảnh Thứ và San chuyển nhà. Để giấu đi cái nghèo của

mình, hai người đã nghĩ ra cách dọn nhà vào lúc tối mịt, “họ làm việc ấy một cách lén lút, như một cô gái chửa hoang đi đẻ” và khi đến nhà trọ thì họ lại lững thững “bách bộ một cách nhàn tản” như đi dạo phố vậy. Nhưng đến nơi thì họ lại “chạy tọt và buồng và đóng cửa lại”. Hoặc chi tiết mỗi tháng Thứ đưa cho Mô năm hào, không lấy lại tiền thừa mỗi khi Mô đi mua hàng nhưng lại “tiếc ngấm ngầm” và phải chi tiêu dè xẻn các khoản khác để bù vào. Vốn là những “văn nhân” nên Thứ, San có sẵn tư tưởng “trọng tình nghĩa, coi thường vật chất”. Thế nên có lúc họ lại rơi vào chính tình huống bi hài ấy. Họ tính toán chi li từng hào khi đưa cho Oanh để cô lo sinh hoạt cho họ. Còn Oanh thì “đếm từng bát cơm” trong mỗi bữa ăn và ăn vội vàng xong sớm để nhìn người khác ăn khiến họ ngượng mà không ăn được. Để trả miếng, Thứ và San ăn sạch như lau, lại còn mua một chục cái bánh trưng về ăn thêm. Bị đặt trong những tình huống này, nhân vật mang yếu tố hài của Nam Cao không thoát ra khỏi được tình trạng “sống mòn”, trở lên phàm tục, tầm thường.

Những bi hài kịch của Nam Cao toát lên tiếng cười châm biếm nhẹ nhàng, tinh tế, một cái cười đầy cảm thông chua xót của nhà văn đối với số phận từng con người. Đa số nhân vật trong những truyện này mang dáng dấp của tác giả, nhưng nó không phải là dạng hồi ký, nhật ký mà yếu tố truyện nổi lên rõ nét bằng hệ thống tình huống, xung đột, sự kiện được tổ chức một cách nghệ thuật nhằm tạo nên tiếng cười ngậm ngùi, triết lý về “nhân tình thế thái”. Nhà văn Nguyên Hồng đã từng nói “Không có Nam Cao, làm sao ta có được tiếng cười đặc biệt như thế” [151; 497].

Một phần của tài liệu Loại hình truyện kể (qua văn xuôi việt nam 1930 1945) (Trang 128 - 132)