Nói đến trào phúng như một nguyên tắc phản ánh nghệ thuật là nói đến nghệ thuật gây tiếng cười mang ý nghĩa phê phán, lên án, đả kích xã hội. Vì vậy, trước hết, nghệ thuật trào phúng đòi hỏi phải vạch ra được xung đột, mâu thuẫn đáng cười của đối tượng, rồi dùng biện pháp phóng đại (cường điệu) để tô đậm làm nổi bật xung đột, mâu thuẫn đó, khiến cho đối tượng càng trở nên đáng cười. Nhà văn trào
phúng tài năng là nhà văn giỏi phát hiện ra những mâu thuẫn trào phúng, tạo nên những tình huống trào phúng, dựng lên những chân dung trào phúng. Trần Văn Hiếu trong Luận án tiến sĩ Ngữ văn Ba phong cách trào phúng trong văn học Việt
Nam thời kỳ 1930 - 1945: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao gọi đó
là những “Cấu trúc trí tuệ trào phúng” để nhấn mạnh bản chất trí tuệ của tiếng cười, chứ không dừng lại ở đặc điểm hài hước, mua vui.
Những nhà văn trào phúng Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945 đã sáng tạo ra hàng loạt những “Cấu trúc trí tuệ trào phúng”. Mỗi nhà văn lại xây dựng tác phẩm trào phúng của mình bằng nhiều cách khác nhau, tùy vào tư tưởng, nhãn quan và tư duy nghệ thuật của từng người. Nếu xét riêng trên phương diện tổ chức truyện trào phúng, có thể thấy hai loại xung đột, mâu thuẫn lớn có tính chất bao trùm là xung đột bên ngoài các nhân vật và xung đột bên trong nội tâm nhân vật. Kiểu xung đột bên ngoài các nhân vật tập trung ở sáng tác của những nhà văn theo khuynh hướng tả thực như Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Kiểu xung đột nội tâm tập trung ở sáng tác của những nhà văn theo khuynh hướng trữ tình như Nam Cao, Tô Hoài, Bùi Hiển...