Đầu thế kỷ XX, văn xuôi Việt Nam chuyển động mạnh mẽ trên con đường hiện đại hóa, dân chủ hóa. Phạm vi hiện thực không còn chỉ bó hẹp ở những khu vực nông thôn hay thành thị vốn đã quen thuộc và đã có nhiều sáng tác “đóng đinh” của nhiều tên tuổi nghệ sĩ. Lần đầu tiên đề tài về dân tộc và miền núi với những không gian mới mẻ lạ kỳ được các nhà văn quan tâm đến như vậy. Nhóm những tác phẩm này được giới nghệ sĩ, giới nghiên cứu văn học gọi với một cái tên rất giản dị, hình ảnh là Truyện đường rừng. Tân trào văn học trước cách mạng này có tham vọng khai phá một vùng hiện thực mới, sâu rộng gắn liền với tên tuổi của Thế Lữ, Lan Khai, TchyA (Đái Đức Tuấn), Lý Văn Sâm...
Truyện đường rừng tập trung thể loại chủ yếu ở truyện ngắn và tiểu thuyết, có đặc điểm chính là thế giới nghệ thuật mở, biên độ không - thời gian rộng, đa dạng về bút pháp nghệ thuật. Song phần lớn tác phẩm vẫn là sự phiêu lưu, thể nghiệm, kiếm tìm cho sự hoàn thiện phong cách sáng tác của các nhà văn. Thế Lữ, một trong những người tiên phong của phong trào Thơ mới đã bước đầu để lại dấu ấn với các truyện trinh thám và truyện đường rừng trong các tập Một chuyện báo
thù ghê gớm, Vàng và máu, Gió trăng ngàn... TchyA cũng là một cây bút đường
rừng độc đáo với Thần hổ và Ai hát giữa rừng khuya mang lại những tiếng nói lạ lẫm, mới mẻ về những chốn rừng thiêng nước độc. Các truyện của Lý Văn Sâm như
Kòn Trô, Răng Sa Mát ... lại là những khúc ca bi tráng về cuộc đời những người
miền núi sống phóng khoáng, khao khát tự do, hết mình cho nghĩa lớn và tình đồng loại. Ngoài các tác phẩm được độc giả đương thời yêu thích trên, một số truyện khác lấy miền núi làm đề tài đã xuất hiện rải rác trong khoảng thời gian 1930 - 1945 như Người sơn nhân và Khói lam chiều của Lưu Trọng Lư, Lan rừng của Nhất
Linh, Trên đỉnh non Tản, Một người tỉnh rượu đốt cháy rừng trúc và Cô Dó
(hay Xác Ngọc Lam) của Nguyễn Tuân, Trăng xanh huyền hoặc của Trọng
Miên, Xuân ngập rừng xanh của Trịnh Vân, Ngậm ngải tìm trầm của Thanh
Tịnh, Người con gái của thần rắn của Cung Khanh, Trong bóng rừng của Hồ
Dzếnh, Ông Rắn và Tết trên mường của Đỗ Huy Nhiệm, Cô Thổ quàng khăn đỏ của Vũ Bằng… Song, “lâm tuyền khách” Lan Khai có lẽ là tác giả thành công nhất về truyện đường rừng, người mở đường vào thế giới sơn lâm, là cây bút đóng góp vào đề tài miền núi đáng kể nhất trước cách mạng với các tập truyện Tiếng gọi của rừng thẳm, Truyện đường rừng, Suối đàn gồm nhiều truyện phong tục,
Truyện đường rừng của Lan Khai gồm cả tiểu thuyết và truyện ngắn. Mỗi tác phẩm đều là một bức tranh về thế giới thiên nhiên muôn màu muôn vẻ được nhìn qua lăng kính của một nghệ sĩ tài hoa. Đó là thế giới của muôn vàn loài hoa khoe sắc đua hương, là những không gian tràn ngập tiếng chim. Đó là tiếng reo của suối ngàn gió núi, là thế giới âm thầm bền bỉ và mãnh liệt tạo nên sự sống muôn đời. Con người và thế giới thiên nhiên hòa hợp gắn bó với nhau. Thiên nhiên như nuôi dưỡng hồn người, nhưng có khi đây đó thiên nhiên lại đối lập với con người, sẵn sàng trả thù và trả thù khốc liệt khi con người phá hoại nó. Biết bao tấn thảm kịch do “bản tính” hoang dã của thiên nhiên rơi xuống làm tan nát cuộc sống an bình, yên vui của mỗi gia đình, mỗi con người. Lão Ghình Gúng (Dấu ngựa trên sương) cùng con ngựa rơi tuột xuống vực thẳm, “tan xác pháo” do “một dòng suối tràn qua khúc đường đá xanh rêu trơn như mỡ lại men ngay trên miệng vực” khiến hai đứa con lão mồ côi. Rồi chúng nương tựa vào nhau, gắn quyện với nhau theo kiểu sống huyết thống bầy đàn của nhân loại buổi sơ nguyên. Cang Ngrào (Tiếng gọi của
rừng thẳm) nhận cái chết oan khiên do thằng Châu bắn vịt vô tình bắn phải, khiến
mối tình của anh và Peng Lang thảm thương tan nát... Suối đàn cũng là một tiểu thuyết được xây dựng gồm một số mô - tip gần giống với Tiếng gọi của rừng thẳm. Truyện kể về mối tình giữa chàng trai Kinh tên Khải với Ẻn, một sơn nữ của núi rừng và là một cô then có giọng hát trong trẻo, mê hoặc. Cô yêu Khải say đắm và dâng hiến sự trinh bạch cho chàng, nhưng lại từ chối lấy chàng, vì đã bị ràng buộc bởi người khác, một thanh niên địa phương bị chột một mắt và què một chân. Khải thất vọng về xuôi, còn Ẻn sau đó ăn lá ngón tự tử. Từ đó, mỗi khi trở lại núi rừng, nghe tiếng suối rì rào buồn bã trong đêm, chàng lại hồi tưởng chuyện đã qua và nhớ đến người thiếu nữ xinh đẹp đã cùng chàng dệt nên một mối tình lãng mạn.
Song, âm hưởng chính vẫn là khao khát mãnh liệt của con người về công cuộc hòa hợp và “cảm hóa” thiên nhiên. Nhiều hình tượng nghệ thuật được dệt lên bởi những ngôn từ bình dị mà tinh khiết, nhẹ nhàng mà đằm thắm. Đó là chân dung những nam nữ thanh niên khỏe mạnh, hồn nhiên chất phác, gần gũi với thiên nhiên gắn kết với cộng đồng như Peng Lang trong Tiếng gọi của rừng thẳm, Ẻn trong
Suối Đàn, Tsná trong Mọi rợ, Mai Kham và Dua Phăn trong Rừng khuya, Tuyết
Hận với Nhạn Nhi trong Đỉnh non Thần, Mai Khâm và Pengai Lâng trong Chiếc nỏ cánh dâu... Truyện Tiếng gọi của rừng thẳm kể về mối tình giữa Peng Lang,
một thiếu nữ Mán với Hoài Anh, một chàng trai người Kinh. Tình yêu của họ đẹp, nảy nở giữa thiên nhiên thơ mộng và hoang dã, được bao bọc bởi sương mờ đầu núi
và giăng sáng cuối rừng. Vì tình yêu ấy, sơn nữ đã theo chàng về thành phố. Giữa chốn phồn hoa náo nhiệt, Peng Lang như con chim lạc loài không tìm thấy không gian riêng mình, nên cuối cùng, nàng đành từ bỏ tất cả để trở về với rừng thẳm. Ảo ảnh biến mất, tình yêu tan vỡ như một lôgic khách quan của tình yêu chỉ dựa trên cảm giác thuần túy. Peng Lang tâm niệm “Chà! Dù sao anh chàng ấy cũng chỉ là một người lạ. Một người lạ! Nghĩa là một người tính tình khác, ý nghĩ khác, thói quen khác, tiếng nói khác, tóm lại là một người cô không sao hiểu được” [84; 540]. Chỉ có cuộc sống nơi núi rừng mới phù hợp với Peng Lang. Hình ảnh con người, cuộc sống, thiên nhiên nơi đây như đã ăn vào máu thịt cô..
Mối tình giữa chàng trai dân tộc Dao - Mai Kham và cô gái Tày - Dua Phăn trong Rừng khuya là biểu tượng về mối tình cao cả của những con người dám sống và dám yêu. Khi bị kẻ thống trị săn lùng phá hoại, họ đã tự kết thúc đời mình bằng lưỡi dao oan nghiệt để giữ trọn tình yêu, khiến ta liên tưởng tới khúc bi ca ngân nga trong xã hội ngàn đêm thăm thẳm sương dày xưa. Tựa như tình yêu bất tử của Rômeo và Juliet ở phương Tây xa xôi, mối tình của đôi trai tài gái sắc Nhạn Nhi và Tuyết Hận trong Đỉnh non thần đã vượt lên hận thù và thói ích kỷ của hai dòng họ để thắp sáng lên ngọn lửa của tình người nơi rừng xanh núi thẳm. Mối tình của đôi trai tài gái sắc Mai Khâm dân tộc Ba Na và Pengai Lâng dân tộc Gia Rai trong
Chiếc nỏ cánh dâu cũng trở thành thiên tình sử cao đẹp nhất giữa núi rừng Tây
Nguyên. Tình yêu đã giúp cho họ gắn kết với nhau vượt qua mọi gian khó, chống lại mọi bóng đen hắc ám. Các truyện đường rừng của Lan Khai cho thấy sự sống khá sinh động của con người cũng như nhiều loài thảo mộc và cầm thú nơi hoang dã, với nhiều màu sắc ứng với nhiều khoảnh khắc thời gian. Có lẽ vì thế mà ông càng xứng đáng với nhận định: “Lan Khai là nhà văn đầu tiên trước 1945 đã vén lên bức màn bí ẩn của núi cao rừng thẳm, chỉ ra vẻ đẹp vốn có của nó và xoá dần đi sự ngăn cách giữa thiên nhiên với con người” [84; 588].
Một trong những cây bút rất biết “điểm đúng huyệt” thị hiếu công chúng trước 1945 là Lê Văn Trương. Tác phẩm của ông phần lớn là truyện lãng mạn, có thể phân làm ba loại: truyện phiêu lưu ly kỳ của trai tứ chiếng, gái giang hồ như: Cô
Tư Thung, Cánh sen trong bùn, Trường đời, Những đồng tiền xiết máu...; truyện đề cao những quan hệ tình cảm gia đình với tấm gương mẫu mực của những người làm cha, làm anh như: Người anh cả, Một người cha, Người vợ lý tưởng...; truyện phê phán, đả kích những thói hư, tật xấu của xã hội thượng lưu, trưởng giả như:
truyện viết về núi rừng nhưng Lê Văn Trương lại đưa người đọc đến những nơi xứ lạ, nước độc, rừng thiêng để khai khẩn đất hoang, lập đồn điền nơi các nước Đông Nam Á hay những khu vực giáp biên trong Trận đời, Trường đời, Tôi là mẹ...
Thiên nhiên trong sáng tác của Lê Văn Trương khá phổ biến với đặc điểm hoang dã, hung tợn, huyền bí như muốn mài sắc cảm giác, tinh luyện ý chí con người: “Tiếng sấm, tiếng gió hòa lẫn với tiếng thác nước đổ ầm ầm chung quanh, gây nên một không khí rùng rợn, nó gieo cái sợ hãi vào tâm hồn mọi người... Qua một con đường quẹo, cả một cảnh tượng thê thảm bày ra trước mắt. Nửa sườn núi lở xuống chôn sống ba con ngựa thồ và hai tên mã phu ở trong. Đá chặn mất lối đi!” [215; 517]. Bên cạnh đó còn hiện hữu một thiên nhiên lãng mạn, trữ tình tạo ấn tượng mạnh và cảm giác thư thái cho mỗi người. Hoặc một thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng: “Những thác nước ngoằn ngoèo đổ bất tuyệt ở chung quanh, làm bốc lên những đám mây mù trắng xóa, lửng lơ bay như một cái gì huyền ảo và đem lại cho cái rộng vô biên một điệu nhạc thiêng liêng nó gợi lên trong lòng người biết bao âm hưởng. Đám mây, vòm trời mà khi ở rừng cây, người ta nhìn chẳng có một cái gì đẹp thì nay đến đây, chúng phụ họa với nước, với núi bỗng lộng lẫy và hùng vĩ lạ thường” [215; 469].
Với những thể nghiệm ban đầu, nhìn chung, truyện đường rừng trước cách mạng tháng Tám đã có những thành công nhất định. Nó đã phản ánh chân thực, rõ nét đời sống con người trong mối quan hệ với thiên nhiên. Con người tìm về thiên nhiên là tìm về với bản thể tự nhiên thiêng liêng nhất của mình. Dưới ngòi bút của mình, các nhà văn đường rừng đã viết lên những “bản tình ca bất tận của thiên nhiên ban tặng con người”, đã đi vào “mọi ngõ ngách suối khe, đến từng ngọn cỏ, lá cây, nhị hoa, tiếng hót của vượn chim muôn loài, trong đó sâu lắng nhất là tâm trạng của con người trước thiên nhiên hoang dã và tình người muôn điệu như cuộc sống vẫn hằng sinh tồn” [240].