Cuộc chiến tư tưởng hệ và sự thay đổi vị thế

Một phần của tài liệu Loại hình truyện kể (qua văn xuôi việt nam 1930 1945) (Trang 32 - 37)

Theo cách lí giải của Iu.Lotman, truyện kể tựa một sự kiện được mở rộng - một sự vượt ra ngoài ranh giới trường nghĩa thì chúng ta sẽ nhận thấy rất rõ tính chất thuận - nghịch khả hồi của các truyện kể. Sự “khắc phục một ranh giới này hay ranh giới khác trong phạm vi của một trường nghĩa này hay trường nghĩa kia có thể triển khai thành hai chuỗi truyện kể theo hướng đối lập nhau” [140; 188]. Bức tranh thế giới truyện kể ngầm chia con người thành hai lực lượng đối lập. Từng lực lượng ấy có lúc “bước chân” sang thế giới của lực lượng kia như là khắc phục ranh giới, sau khi “lấy được cái gì đó”, lại trở về với thế giới của mình, nhưng biểu hiện ở hai tư cách: người chiến thắng hay kẻ thất bại. Ở truyện kể lãng mạn thì đó thường là những người chiến thắng.

Tới đầu những năm 1930, ý thức dân chủ phương Tây do quá trình giao thoa văn hóa đã lan tỏa trong đời sống thành thị Việt Nam tác động đến sự chuyển biến sâu sắc về đời sống tinh thần và tạo nên một lối sống mới, lối sống Âu hóa của một bộ phận thanh niên mới. Tuy nhiên, việc tiếp nhận lối sống mới này cũng gặp phải những luồng tư tưởng trái ngược nhau. Các bậc “túc nho” phản ứng dữ dội bởi những danh từ điêu trá “duy tân”, “tiến bộ”, “văn minh”, “Âu hóa”... đã làm đảo lộn đời sống tinh thần. Lối sống phóng khoáng, tự do luyến ái, tinh thần giải phóng phụ nữ...làm lung lay nề nếp gia phong, phá vỡ “chuẩn mực” đạo đức xã hội phong kiến tồn tại hàng nghìn năm. Nhưng với những trí thức Tây học, họ

đón nhận nó như một quy luật, hô hào ủng hộ, cổ vũ và coi đây là sự “thoát xác” cần thiết, nhất là các tiểu thuyết gia Tự lực văn đoàn. Với họ, “Âu hóa” là con đường đúng đắn nhất, tiến bộ nhất mà kẻ thức thời cần chọn lựa. Tố Hữu cho rằng “những trí thức trẻ đã tiêu hóa tất cả những Hugo, Voltaire, Rimbaud... theo cách riêng của họ và đưa đến một dòng máu mới... một nhu cầu lớn về tự do và phát huy bản ngã... Ở nơi họ có một trật tự kinh viện, đó là kinh viện Âu Tây” [33; 81]. Tư tưởng “Âu hóa” thấm nhuần và biến thành lối sống trên nhiều phương diện biểu hiện của lớp người này. Họ khát khao được sống hết mình, sẵn sàng tuyên chiến với luân lý cũ và xả thân để bảo vệ lý tưởng mới mà họ cho rằng đã đến lúc “lên ngôi”. Biểu hiện cụ thể như:

Một là sự ý thức sâu sắc về quyền tự do cá nhân. Con người luôn trong trạng thái trăn trở về quyền cá nhân: quyền tự do sống, tự do luyến ái, tự do giải thoát mình khỏi mọi ràng buộc của các tư tưởng đối lập. Chuyện gia đình bao giờ cũng nhiều rắc rối, bao nhiêu thứ lôi thôi mà người ta cần hành động, cần “đoạn tuyệt” một cách dứt khoát. Với họ, các thế hệ trước, những đấng sinh thành và “lũ hậu sinh” tựa như hai con sông cùng một nguồn, cùng chảy ra bể, nhưng mỗi đằng lại chảy theo một phía bên kia sườn núi, không bao giờ hiểu nhau được. Gia đình phong kiến, đúng hơn là lễ giáo phong kiến trở thành một “nhà tù” giam hãm bao nhiêu chí khí nhiệt huyết của tuổi trẻ. Ao ước sống cái đời tự do không có gì bó buộc, họ đã tuyên bố công khai một quan niệm sống hết sức mới mẻ, táo bạo: “Mình sống, mình muốn sống thì không thể một mình mình sống được sao, nếu cái gia đình kia không cho mình được sung sướng” [114; 21]. Nhân vật Loan (Đoạn tuyệt) từng giãi bày với Thảo: “Em có quyền lập thân em... Cái quyền làm người của em người ta không kể đến”. Thậm chí khi bị chồng đánh đập, mẹ chồng chửi rủa, hô hào con trai đánh chết con dâu, cô đã vuốt tóc, ngẩng mặt, nhìn thẳng vào mặt mẹ chồng và tuyên bố: “Không ai có quyền đánh tôi, không ai có quyền chửi tôi. Bà là người, tôi cũng là người, không ai hơn ai, không ai kém ai” [114; 99]. Có lúc cô còn khuyến cáo rằng các chị em phải tìm cách sống một đời riêng tự lập. Mai (Nửa chừng xuân) khi bị bà Án, mẹ Lộc, người yêu của cô thuyết giảng về đức hi sinh của những cô gái đối với người mình yêu thì cô đã đáp lại một cách lạnh lùng: “Tôi không ngờ! Thực là tôi không ngờ... Tôi không ngờ bà lớn lại sắt đá. Bẩm bà lớn, xin mạn phép bà lớn... bà lớn chỉ là một người ích kỷ. Bà lớn theo nho giáo, mà bà lớn không nhớ câu: kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” [74;134]. Hồng (Thoát ly) luôn “trêu tức” dì ghẻ và tỏ cho bà ấy biết rằng nàng có đủ hết mọi thứ quyền tự do và khẳng định một cách quyết liệt: “Làm gì thì làm, làm

cả một gái giang hồ cũng được, miễn là đừng ở trong một gia đình có người dì ghẻ như tôi” [75; 709].

Đấu tranh cho tự do cá nhân trở thành mục đích sống và tiếp nhận tư tưởng văn minh phương Tây cũng trở thành niềm tự hào của những thanh niên trí thức trong nhiều truyện kể lãng mạn lúc bấy giờ. Lộc trong Nửa chừng xuân nói với Mai: “Từ nhỏ anh đã theo một nền giáo dục Âu tây, anh hiểu, anh yêu, anh trọng cái quyền tự do cá nhân... Từ ngày anh biết em, từ ngày anh yêu em, lúc nào anh cũng muốn chôn sâu vào tâm trí em những tư tưởng cao thượng ấy” [74; 132]. Tuyết (Đời mưa gió) cũng bộc bạch với Chương: “Những ý tưởng tiểu thuyết phái Tây dạy em rằng em hoàn toàn là của em, em được tự do hành động như lòng sở thích” [112; 85].

Hai là sự tự do trong tình yêu, hôn nhân. Tư tưởng “môn đăng hộ đối”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã ăn sâu vào nếp nghĩ, nếp “hành xử” của con người suốt hàng thế kỷ. Sang đầu thế kỷ XX, nếp nghĩ này dần thay đổi, nhưng cũng phải đến những năm 1920. Khi tiểu thuyết Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách đề cập đến tự do yêu đương, luyến ái, tuy tác giả đã rào đi đón lại bằng những thuyết lý dài dòng thì tác phẩm vẫn được xem là một “quả bom ném vào thành trì phong kiến”. Bước sang giai đoạn những năm 1930, với văn chương mới thì tự do luyến ái đã là một lẽ phải, một cái quyền chính đáng của nam nữ thanh niên, là hạnh phúc tuyệt vời của lớp trẻ. Nó đàng hoàng tấn công lễ giáo phong kiến với tư thế của chính nghĩa, văn minh.

Tự do yêu đương cũng là biểu hiện của tự do cá nhân. Đó là những mối quan hệ nam nữ xuất phát từ sự gắn bó, tự nguyện của hai người, vượt lên mọi ràng buộc luân lý, bất chấp mọi sự phân biệt về giai tầng, địa vị xã hội. Nhân vật trong các tác phẩm sẵn sàng xả thân để bảo vệ danh dự, nhân phẩm và tình yêu của mình. Là một cô gái mới, Loan (Đoạn tuyệt) được giáo dục để hiểu rằng cô có quyền được tự do và tôn trọng cả về thân thể lẫn tâm hồn, không ai có quyền xúc phạm. Loan đã từng thử cố gắng dung hòa với gia đình nhà chồng - gia đình phong kiến ấy, nhưng sự thỏa hiệp không đem lại kết quả tốt đẹp nào. Đối với nhà chồng, Loan là một kẻ nổi loạn. Nếu không phải vì cha mẹ già yếu, vì “chữ hiếu”, cô sẽ chẳng bao giờ lấy Thân, người đàn ông tầm thường không đáng được yêu, không thể kính nể. Bởi thế, sống với Thân, tuy vẫn làm tròn bổn phận người vợ nhưng tình yêu của Loan thì không bao giờ nguôi ngoai vì Dũng. Thân tầm thường, nhỏ nhen bao nhiêu thì Dũng lại khoáng đạt, lớn lao bấy nhiêu: “Rồi nàng thấy hiện trước mắt hình ảnh Dũng ngồi trước lò sưởi, vẻ mặt rắn rỏi cương quyết, vẻ mặt của một người có chí khí cao rộng, và so sánh Dũng với Thân, chồng nàng người có một vẻ mặt tầm thường và một cuộc

đời mà nàng biết chắc cũng sẽ tầm thường” [114; 65]. Tình yêu, với Loan không chỉ là sự tự do trong tình cảm của con người mà còn là sự tôn trọng nhau trong tâm hồn, trong phong cách. Vì vậy, khi nhìn thấy Tuất, người Thân lấy làm vợ lẽ đã quỳ rạp xuống lạy Loan và Thân trong lễ vu quy thì Loan cảm thấy bất bình và ngượng thay cho Tuất, cho phẩm giá của một con người:

“- Nàng nhíu lông mày nhìn Tuất cúi rạp dưới chân nghĩ thầm: - Người hay vật?

Rồi nàng quay lại nhìn Thân tự hỏi không biết trong óc Thân lúc đó có cảm tưởng ra sao? Nàng lại tự hỏi không biết ái tình của Thân đối với một người lạy mình nó sẽ là thứ ái tình gì?”. [114; 128]. Cuối truyện, trước tòa án, Loan lại một lần nữa lên tiếng bênh vực cho quyền tự do của con người, nhất là người phụ nữ - đối tượng chịu nhiều bất công trong xã hội phong kiến. Loan đã chiến thắng trong sự khích lệ của đông đảo những con người mới.

Truyện kể Lạnh lùng (Nhất Linh) lại thể hiện cuộc đấu tranh giữa con người

mới và con người cũ trong chính nội thân nhân vật. Nhung là một người đàn bà góa trẻ đẹp, nàng lấy chồng từ năm mười tám tuổi. Hai năm thì chồng chết, chôn vùi cuộc sống ân ái vợ chồng ngắn ngủi và để lại cho nàng một đứa con trai. Nhung sống hòa thuận với mẹ chồng và cũng như mẹ chồng nàng, được xã hội nể trọng vì đã giữ đúng bổn phận của một người đàn bà góa. Nếu Nghĩa không xuất hiện, hẳn mục đích lớn nhất của đời Nhung chỉ là bốn chữ “tiết hạnh khả phong” đi đến cuối đường đời với da mồi, tóc sương. Đang ở độ tuổi đẹp nhất, rạo rực yêu đương, Nhung đã yêu Nghĩa. Tình yêu ấy ban đầu không khỏi khiến Nhung cảm thấy tội lỗi xấu hổ, khiến cho tâm hồn nàng tràn đầy mâu thuẫn giữa con người thật và con người giả dối, giữa con người của luân lý đạo đức và con người tự nhiên. Trạng thái “lưỡng phân”, “nhị hóa nhân cách” cùng một thời điểm đã tạo nên một kiểu nhân vật rất mới trong văn học giai đoạn này. Cuối cùng Nhung của con người cá nhân, của tự do đã chiến thắng Nhung của lễ giáo, của “chuẩn mực” phong kiến: “Trong buồng tối, nàng đi lần từng bước cho khỏi chạm vào bàn nghế. Biết là Nghĩa đã đợi ở cửa sổ, Nhung ngừng lại, nép vào cánh cửa lẫn với bóng đen những cây ngoài vườn. Cũng như buổi sáng, bên tai nàng văng vẳng mấy tiếng:

- Con đàn bà khốn nạn!

Nhưng chân nàng vẫn tiến lên. Đến khi hai bàn tay Nghĩa nắm lấy tay nàng và kéo nhẹ về phía cửa sổ, thì lúc đó, nàng biết không có sức gì giữ nàng lại được nữa” [35; 219].

Sự đấu tranh của các nhân vật văn học thời kỳ này thật đúng nghĩa với đấu tranh cho tự do luyến ái, cho quyền được yêu, được hưởng hạnh phúc chính đáng của thanh niên gắn với ý thức về đạo đức, nhân phẩm của những người có văn hóa, có tri thức. Họ bất chấp tất cả để sống với cái tôi của mình. Đó là mối tình giữa Phong - Trâm (Nắng thu), một thanh niên con nhà giàu với cô bạn gái thân thuở

nhỏ bị câm mang thân phận con ở; giữa một giáo sư với một gái giang hồ như Chương - Tuyết (Đời mưa gió); giữa một tham tá với một cô thôn nữ như Lộc - Mai

(Nửa chừng xuân); giữa một nhà báo với cô hàng hoa như Minh - Liên (Gánh hàng hoa)... Họ là những người chiến thắng, cho dù có khi họ gánh chịu không ít

đau thương, mất mát.

Ba là tinh thần nhiệt tình cổ xúy cho cái đẹp, sự trẻ trung, mới mẻ. Tinh thần đề cao cái đẹp theo quan niệm thẩm mĩ phương Tây đã ảnh hưởng khá sâu sắc đến văn học lãng mạn thời kỳ này. Điểm nhấn trong nghệ thuật tạo hình của các trí thức Tây học là phải làm nổi bật được sự hiện đại, trẻ trung, mới mẻ từ hình thức diện mạo, ngôn ngữ, tính cách của những con người mới. Chương (Đời mưa gió) có thói quen “đưa năm ngón tay chải ngược mớ tóc rồi chữa cà vạt ngắn lại, sửa bút máy cài ở túi ngực cho ngay ngắn, vuốt lại nếp áo cho phẳng phiu”. Cảnh (Băn khoăn) trước khi đi gặp người yêu phải suy nghĩ mất ba phút mới chọn được một bộ quần áo, nhưng sau đó lại đổi ý và kiên quyết mặc bộ y phục thường và đi dép da. Lương

(Thoát ly) thì đã bỏ ra nửa số tiền dùng tiêu vặt và đi xe của hai anh em trong một

tháng để mua một chiếc ca vát chưng diện lúc gặp người yêu...

Với các cô gái mới, cái đẹp cũng là một phần tất yếu của cuộc sống. Nó đem lại sự tự tin, mạnh mẽ, văn minh cho con người. Tư tưởng đó ngày càng phù hợp với lối sống hiện đại khi mà nhân loại đã bước sang thế kỷ mới. Thay vào lo cho “ăn đủ, mặc ấm” thì con người ta phải “ăn ngon, mặc đẹp”, phải biết thưởng thức hương vị cuộc sống với những hội hè, đình đám, những hoạt động xã hội, nâng cao đời sống tinh thần. Tuyết (Đời mưa gió) đi đâu cũng trang điểm sửa sang nên suy nghĩ phần nào có lí khi cho rằng: “Sắc đẹp tàn phai, ngày xanh mòn mỏi thì còn đâu là tình, họa chăng còn lạc chút tình trắc ẩn với kẻ phiêu lưu khốn nạn” [112; 215]. Và khi chứng kiến tình yêu của Chương, nghe lời đề nghị sẽ chữa bệnh rồi làm lại từ đầu, Tuyết đã cảm thấy ân hận vì việc trở lại nhà Chương, xót xa vì hình ảnh xuân sắc của mình không còn đẹp đẽ, nguyên vẹn trong lòng Chương nữa. Còn Mai (Nửa chừng xuân) làm đẹp lòng người yêu bằng cách liên tục thay đổi trang phục đến nỗi ở quê ra tỉnh hơn một năm nàng đã phục sức hệt một thiếu nữ tân thời. Hồng (Thoát ly) chọn cái

áo nhung đỏ may kiểu mới (mà ở nhà không bao giờ dám mặc), cái áo thắt đáy và nở ngực khiến cô trẻ hẳn mấy tuổi để đi gặp người yêu, để được người yêu chiêm ngưỡng và khen... Vẻ đẹp của con người cũng được miêu tả một cách trực tiếp, gắn liền với quan niệm thẩm mĩ rất phương Tây. Không chỉ gợi vẻ đẹp tình tứ, hấp dẫn từ “cặp mắt to, đen và sáng long lanh như ướt”, “gò má ửng hồng rất trẻ, rất tươi, kiêu hãnh một cách ngây thơ” như Nhung (Lạnh lùng), từ “vẻ đẹp tình tứ và âm thầm,

yêu đương và bí mật, nhất là bí mật” như Lan Hương (Băn khoăn)... mà còn là vẻ đẹp mang tính sắc dục ở người phụ nữ như “bộ ngực nở nang chứa đầy sinh lực” của con gái dậy thì của Lan (Đẹp), “cặp đùi chắc nịch”, “đường lưng thẳng, nét ngực

phồng” của Hiền (Trống mái)... Những biểu hiện trên thực tế đã trải qua những cuộc đấu tranh, giằng co quyết liệt giữa hai hệ tư tưởng cũ - mới. Sự chiến thắng của hệ tư tưởng mới đem đến sự đổi thay vị thế của lớp người mới.

Một phần của tài liệu Loại hình truyện kể (qua văn xuôi việt nam 1930 1945) (Trang 32 - 37)