liên quan đến GQKKHC ở Việt Nam
2.2.1. Khái quát và các đặc điểm của Nhà nước pháp quyền xã hội chủnghĩa liên quan đến GQKKHC nghĩa liên quan đến GQKKHC
Theo Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, lịch sử loài người trải qua năm hình thái kinh tế - xã hội đó là: cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản và cộng sản chủ nghĩa (giai đoạn đầu là xã hội chủ nghĩa). Trong năm hình thái kinh tế - xã hội này thì Nhà nước và pháp luật tồn tại trong xã hội chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản và xã hội chủ nghĩa (giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa). Mặc dù Nhà nước tồn tại trong các xã hội nêu trên nhưng Nhà nước pháp quyền thì tồn tại trong xã hội tư sản (Nhà nước pháp quyền tư sản) và xã hội xã hội chủ nghĩa (Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa). “Nhà nước pháp quyền là trật tự xã hội mà ở đó Nhà nước thực thi quyền lực của mình dựa trên nền tảng pháp luật được ban hành theo thủ tục hiến định nhằm bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của nhân dân và công lý” [23]. Nhà nước pháp quyền không phải là một kiểu Nhà nước mà là một cách thức tổ chức, vận hành của Nhà nước. Nhà nước được tổ chức và hoạt động đặt dưới sự chi phối của Hiến pháp và pháp luật. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia mà việc xây dựng Nhà nước pháp quyền có những đặc điểm riêng phù hợp với quốc gia mình.
Nhà nước pháp quyền được phân chia thành hai loại: Nhà nước pháp quyền tư sản và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền tư sản được xây dựng trong xã hội tư sản. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được xây dựng trong Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có đặc điểm là: đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; được xây dựng
trên nền tảng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa; bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp xã hội chủ nghĩa và có cơ sở là nền dân chủ xã hội chủ nghĩa;...
Ở nước ta ngay từ đầu thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến Hiến pháp và pháp quyền. Đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã gửi tám điểm yêu sách cho Hội nghị của các nước đồng minh trong đó thể hiện rõ tư tưởng lập hiến của Người. Năm 1922 Nguyễn Ái Quốc đã dịch và diễn thành lời thơ. Trong tám điều yêu sách, điều thứ bảy là yêu cầu lập hiến, lập pháp cho nhân dân Việt Nam: “Bảy xin Hiến pháp ban hành – Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Năm 2001, Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi, bổ sung một số điều, trong đó Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được khẳng định trong Hiến pháp. Điều 2 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” [38].
Xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam chính là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có đặc điểm cơ bản đó là: quyền làm chủ của nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Nhà nước bảo đảm tính tối thượng của Hiến pháp, Nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc
thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; có sự kiểm tra, giám sát các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;...
Các đặc điểm nêu trên của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều tác động đến việc GQKKHC, trong đó các đặc điểm tác động trực tiếp đến việc GQKKHC đó là:
Thứ nhất, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quyền hành pháp được kiểm soát. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng đã khẳng định: “Quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. [11, tr. 85]. Nhà nước pháp quyền đòi hỏi các cơ quan nhà nước, trong đó có cơ quan hành chính nhà nước, các cán bộ, công chức nhà nước, trong đó có cán bộ, công chức hành chính nhà nước phải triệt để tuân thủ pháp luật, chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, tức là chỉ được làm những gì trong phạm vi thẩm quyền của mình. Quyền của cơ quan nhà nước nói chung và của cơ quan hành chính nhà nước nói riêng phải được kiểm soát. Hiện nay, chúng ta có nhiều cách thức để kiểm soát quyền hành pháp đó là: việc giám sát của nhân dân (kiểm soát từ bên ngoài bộ máy nhà nước); việc thanh tra, kiểm tra trong nội bộ hệ thống cơ quan hành chính (kiểm soát nội bộ trong hệ thống cơ quan hành chính); việc giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân (kiểm soát từ cơ quan đại biểu, cơ quan quyền lực nhà nước); việc xét xử các vụ án hành chính (kiểm soát từ cơ quan Tòa án). Như vậy, việc GQKKHC chính là một cách thức kiểm soát quyền hành pháp, là sự tác động của quyền tư pháp đến quyền hành pháp.
Thứ hai, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi tính chịu trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức hành chính
nhà nước. Các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức hành chính nhà nước có những thẩm quyền theo quy định của pháp luật, được ban hành các QĐHC, thực hiện các HVHC để quản lý, điều hành xã hội. Tuy nhiên, các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức hành chính nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm về QĐHC do mình ban hành và HVHC do mình thực hiện. Điều này thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Nhà nước có quyền với công dân và cũng có những nghĩa vụ, trách nhiệm với công dân. Khi cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức hành chính nhà nước ban hành QĐHC, thực hiện HVHC trái pháp luật thì cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức hành chính nhà nước phải chịu trách nhiệm về QĐHC, HVHC đó. GQKKHC tại Tòa án là cách thức để bảo đảm phán quyết một cách khách quan về tính hợp pháp của các QĐHC, HVHC, từ đó để xác định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức hành chính nhà nước.
Thứ ba, khi xét xử vụ án hành chính, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân khi xét xử vụ án hành chính bảo đảm sự khách quan, vô tư khi ban hành phán quyết của Tòa án về tính hợp pháp của QĐHC, HVHC. Qua đó, Tòa án khẳng định tính đúng đắn của QĐHC, HVHC nếu QĐHC, HVHC đó là đúng pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân nếu QĐHC, HVHC đó là trái pháp luật.
Thứ tư, trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm. GQKKHC chính là cách thức bảo đảm thực hiện quyền khiếu kiện của công dân và cũng là cách thức để bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân. Khi công dân cho rằng QĐHC, HVHC trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ thì công dân có quyền khiếu kiện tại Tòa án, đưa ra cơ quan tư pháp để phán quyết về tính hợp pháp của QĐHC,
HVHC đó. Qua việc xét xử vụ án hành chính, Tòa án đã nhân danh Nhà nước để phán xử đối với QĐHC, HVHC.
Xây dựng Nhà nước pháp quyền chính là tạo ra mối quan hệ qua lại đúng đắn giữa Nhà nước và công dân thông qua các quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định. Một trong các nguyên tắc cơ bản được quán triệt và thực hiện trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân có thể bị vi phạm từ nhiều phía: đó có thể là sự vi phạm bởi hành vi trái pháp luật của cơ quan nhà nước nói chung. Nhưng sự vi phạm pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức hành chính nhà nước làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, làm nảy sinh khiếu kiện hành chính và vấn đề GQKKHC để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp đó khỏi sự vi phạm này, theo chúng tôi là một trong những vấn đề có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận cũng như về mặt thực tiễn trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Điều này là do:
Thứ nhất, mối quan hệ qua lại về quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa Nhà nước và công dân được thực hiện trực tiếp, cụ thể, thường xuyên trên thực tế chính là mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước với công dân. Các quyền cũng như các nghĩa vụ pháp lý của công dân mặc dù đã được Hiến pháp và pháp luật quy định nhưng trong nhiều trường hợp muốn thực hiện được chúng trong thực tế cần phải thông qua các QĐHC hoặc HVHC của cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức của những cơ quan này.
Thứ hai, trong rất nhiều trường hợp các QĐHC, HVHC trái pháp luật chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các bản án, quyết định trái pháp luật của Tòa án làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Thứ ba, các QĐHC, HVHC do cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức hành chính nhà nước ban hành, thực hiện là sử dụng quyền lực nhà nước,
có tính công quyền, đơn phương quyết định và bắt buộc thực hiện. Vì vậy, khác với sự vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được thực hiện bởi hành vi trái pháp luật của công dân, tổ chức khác, các QĐHC, HVHC trái pháp luật làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân từ phía cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ, công chức hành chính nhà nước sẽ tạo ra sự bất lợi về nhiều mặt đối với công dân.
Thứ tư, trong hoạt động thực tiễn quản lý nhà nước, vì những lý do khách quan và chủ quan, các cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức của các cơ quan hành chính nhà nước trong một số trường hợp đã ban hành các QĐHC và thực hiện các HVHC trái pháp luật làm thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Điều này làm phát sinh các khiếu kiện hành chính của công dân. Mặt khác, nhiều QĐHC, HVHC, quyết định giải quyết khiếu nại đúng pháp luật nhưng không được công dân chấp hành vẫn còn xảy ra. Cả hai hiện tượng này đều là không phù hợp, trái với nguyên tắc về mối quan hệ qua lại giữa Nhà nước và công dân.
Thứ năm, mục đích của giải quyết các khiếu kiện hành chính của công dân không chỉ nhằm khôi phục, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân bị xâm phạm từ phía các cơ quan hành chính nhà nước và các cán bộ, công chức hành chính nhà nước, mà còn góp phần phát hiện những hạn chế, khiếm khuyết trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, những hành vi sai phạm của cán bộ, công chức khi thi hành công vụ. Trên cơ sở đó đề ra những biện pháp khắc phục nhằm hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý hành chính nhà nước, xử lý kịp thời những cán bộ, công chức mất phẩm chất đạo đức, quan liêu, tham nhũng, thiếu trách nhiệm. Đối với các QĐHC, HVHC đúng pháp luật thì việc GQKKHC trong trường hợp này vẫn thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thông qua đó giải thích cho công dân hiểu rõ và thực hiện đúng các nghĩa vụ pháp lý của mình. Có như vậy mới xây dựng một xã hội cộng đồng trách nhiệm
giữa Nhà nước và công dân – một trong những nguyên tắc quan trọng của Nhà nước pháp quyền. [24, tr. 146-147].
Như vậy, có thể khẳng định GQKKHC là một công cụ pháp lý cần thiết và quan trọng trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã đặt ra các yêu cầu đối với việc GQKKHC.