Xây dựng, đào tạo, tuyển chọn đội ngũ Thẩm phán hành chính có đủ phẩm chất, năng lực chuyên môn và có trình độ về quản lý hành chính nhà nước để áp dụng tốt pháp luật và phát hiện ra những tồn tại, vướng mắc của pháp luật trong quá trình hoạt động GQKKHC là một trong những giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động GQKKHC trong các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước.
Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02 tháng 01 năm 2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới đã chỉ ra những tồn tại, khuyết điểm dẫn đến chất lượng công tác tư pháp nói chung chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân. Một trong những nguyên nhân cơ bản là công tác cán bộ của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình hiện nay. Đội ngũ cán bộ tư pháp còn thiếu về số lượng, yếu về trình độ và năng lực nghiệp vụ, một bộ phận tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu bản lĩnh, sa
sút về phẩm chất đạo đức...
Để đảm bảo tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Thẩm phán hành chính khi xét xử vụ án hành chính, chúng ta cần nghiên cứu đổi mới về tổ chức và thẩm quyền của Toà án các cấp theo Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, trong đó có đề ra nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân theo hướng tổ chức hệ thống Toà án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính,... Giải quyết các vụ án hành chính là một hoạt động vừa mang tính chất chung của Toà án, vừa mang tính đặc thù của giải quyết khiếu kiện về hành chính theo thủ tục tư pháp. Hiện nay nhìn chung, mặc dù số lượng và trình độ của đội ngũ Thẩm phán hành chính đã được nâng lên nhưng vẫn còn hạn chế cả về nghiệp vụ lẫn kỹ năng xét xử và kiến thức quản lý hành chính nhà nước, trong khi đó yêu cầu đặt ra là phải giải quyết các vụ án hành chính đạt hiệu quả cao. Chúng ta cần suy nghĩ về giải pháp cho vấn đề hiện nay đang tồn tại làm ảnh hưởng đến hiệu lực GQKKHC ở nước ta, khi mà:
- Cơ quan hành chính có chuyên môn về quản lý hành chính nhà nước nhưng lại thiếu chuyên nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp;
- Toà án nhân dân có chuyên môn, nghiệp vụ xét xử nhưng lại thiếu chuyên môn về quản lý hành chính nhà nước.
Người Thẩm phán giải quyết các vụ án hành chính hiện nay đòi hỏi vừa phải có năng lực trình độ chuyên môn nghiệp vụ xét xử như các Thẩm phán khác lại vừa phải có trình độ rộng và chuyên sâu trong công tác quản lý hành chính nhà nước, vì quản lý hành chính nhà nước là một nội dung rất rộng, bao trùm mọi mặt của đời sống xã hội nhưng cũng rất chuyên sâu, nhất là các lĩnh vực như: sở hữu trí tuệ, thuế,... Các khiếu kiện hành chính có thể nảy sinh trong các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước khác nhau. Việc giải quyết các khiếu kiện này đòi hỏi người Thẩm phán không chỉ am hiểu pháp luật tố tụng mà còn
phải am hiểu quy định pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước có liên quan. Hơn nữa, pháp luật tố tụng hành chính tuy cũng phức tạp và đòi hỏi phải có chuyên môn, nghiệp vụ nhưng có độ pháp điển hóa cao, các quy định tương đối tập trung và rõ, nhưng pháp luật nội dung để giải quyết các vụ án hành chính thì rất rộng, bao trùm trên các lĩnh vực của quản lý hành chính nhà nước, được quy định ở nhiều văn bản khác nhau và thường xuyên có sự sửa đổi, bổ sung. Do vậy, việc quy hoạch, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ Thẩm phán hành chính là rất cần thiết. Chúng ta có đáp ứng tốt điều kiện về con người (Thẩm phán hành chính) thì mới có thể nâng cao được hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính tại Tòa án.
Để tăng cường đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ Thẩm phán, Toà án nhân dân tối cao hàng năm cần có kế hoạch tạo nguồn Thẩm phán hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức của ngành hoặc thu hút từ các ngành khác và gửi đi đào tạo tại Học viện Tư pháp. Mặt khác, Toà án nhân dân tối cao cần thường xuyên tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ tại Trường cán bộ Tòa án; hàng năm tiến hành tổng kết và rút kinh nghiệm xét xử các vụ án hành chính để các nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ Thẩm phán hành chính. Đối với các Thẩm phán được bổ nhiệm lần đầu thì ngoài trình độ là từ cử nhân luật trở lên còn cần có chứng chỉ đã được đào tạo kỹ năng xét xử, trong đó có kỹ năng xét xử án hành chính.
Để tăng cường năng lực xét xử của đội ngũ Thẩm phán hành chính, theo chúng tôi cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, cần nghiên cứu tăng nhiệm kỳ bổ nhiệm Thẩm phán. Theo quy định tại Điều 24 của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì nhiệm kỳ của Thẩm phán là 5 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm. Tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới thì nhiệm kỳ của Thẩm phán thường rất dài, có nước bổ nhiệm Thẩm phán suốt đời. Nghiên cứu kéo dài nhiệm kỳ bổ nhiệm Thẩm phán, nhất là Thẩm phán hành chính sẽ
góp phần ổn định tâm lý công tác của Thẩm phán, bảo đảm tính ổn định của nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cũng góp phần tăng cường tính độc lập trong xét xử các vụ án hành chính của Thẩm phán, tránh tâm lý "e ngại" của Thẩm phán hành chính đối với các cơ quan nhà nước ở địa phương, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị để xem xét bổ nhiệm lại. Theo chúng tôi, cần sửa đổi nhiệm kỳ bổ nhiệm Thẩm phán nói chung và Thẩm phán hành chính nói riêng tăng lên là 10 hoặc 15 năm và nghiên cứu để trong tương lai có thể bổ nhiệm suốt đời, nhất là đối với Thẩm phán TANDTC.
Thứ hai, cần nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc TAND. Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm TAND năm 2002 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì: ”Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc TAND gồm có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch, Chánh án TAND cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chấp hành Hội luật gia cấp tỉnh là uỷ viên. Danh sách uỷ viên Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc TAND do Chánh án TANDTC quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh”.
Như vậy, trong Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc TAND có tương đối nhiều đại diện các cơ quan, tổ chức ở địa phương. Bên cạnh đó, trong quy trình xem xét, bổ nhiệm Thẩm phán cũng cần có ý kiến của các cơ quan của địa phương. Trong khi đó, các cơ quan, tổ chức ở địa phương này có thể có QĐHC, HVHC bị khiếu kiện. Chính vì vậy, nảy sinh tâm lý ”e ngại” của một số Thẩm phán khi giải quyết các khiếu kiện hành chính. Do đó, chúng ta cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức và hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp thuộc TAND cũng như quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại Thẩm phán theo hướng tăng cường vai trò của Ban cán sự Đảng và của Lãnh đạo TAND
cấp trên; tránh ảnh hưởng, tác động không đúng quy định của chính quyền địa phương đối với Thẩm phán khi xét xử vụ án hành chính.
Thứ ba, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với Thẩm phán hành chính và có cơ chế xử lý nghiêm khắc các vi phạm.
Khi xét xử vụ án hành chính, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, nhất là Thẩm phán hành chính thì trước hết chúng ta cần hoàn thiện hệ thống pháp luật để Thẩm phán căn cứ vào đó có cơ sở xét xử. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật thì cần hoàn thiện đồng bộ các quy định của pháp luật tố tụng hành chính cũng như các quy định của pháp luật nội dung. Cần cân nhắc kỹ mối tương quan giữa trình độ, năng lực của đội ngũ Thẩm phán hành chính với việc mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí,...
Trong công tác xem xét bổ nhiệm Thẩm phán, trong đó có Thẩm phán hành chính cần tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán, về trình tự, thủ tục bổ nhiệm. Trong quá trình điều hành hoạt động của Tòa án, Lãnh đạo Tòa án cần chú ý đào tạo những Thẩm phán chuyên trách xét xử các vụ án hành chính để có các Thẩm phán ”chuyên môn hóa” trong xét xử các vụ án hành chính.
Lãnh đạo ngành Tòa án cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, tin học, ngoại ngữ cho đội ngũ Thẩm phán. Đối với Thẩm phán hành chính bên cạnh việc đào tạo chuyên môn về pháp luật, nghiệp vụ xét xử thì cần có những lớp bồi dưỡng, tập huấn về quản lý hành chính nhà nước trong các lĩnh vực để phù hợp với đặc thù của việc xét xử các vụ án hành chính. Thực tiễn xét xử các vụ án hành chính trong thời gian qua cho thấy một số trường hợp xét xử sai lầm có nguyên nhân là do trình độ, năng lực của Thẩm phán chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
Bên cạnh đó, cũng cần chú ý công tác tạo nguồn Thẩm phán theo hướng lựa chọn những người là thư ký, thẩm tra viên hoặc chuyên viên của Toà án, người có nhiều kinh nghiệm trong quản lý hành chính nhà nước, các luật sư,... nhằm đào tạo, bồi dưỡng để họ có đủ điều kiện được bổ nhiệm làm Thẩm phán hành chính. Cần đưa ra những biện pháp, chính sách cụ thể để thu hút, tuyển dụng cán bộ có năng lực, có trình độ cho các TAND, tạo nguồn Thẩm phán trong tương lai. Thực hiện tốt công tác tạo nguồn sẽ góp phần nâng cao số lượng cũng như chất lượng của đội ngũ Thẩm phán hành chính.
Cơ quan có thẩm quyền cũng cần tiếp tục quan tâm đến chế độ, chính sách đãi ngộ, tiền lương, phụ cấp đối với đội ngũ Thẩm phán nói chung và Thẩm phán hành chính nói riêng. Thẩm phán là một chức danh tư pháp, khác với các chức danh hành chính vì vậy cần xây dựng một hệ thống thang bảng lương riêng đáp ứng đặc thù công tác tư pháp, đảm bảo tương xứng với vị trí, vai trò, trách nhiệm mà Thẩm phán được giao.
Cùng với việc quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với Thẩm phán hành chính thì cũng cần thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của người Thẩm phán, kịp thời khen thưởng các Thẩm phán hành chính có thành tích tốt trong công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và cũng phải xử lý kịp thời, nghiêm khắc đối với những Thẩm phán hành chính vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng nghề nghiệp để có các hành vi tiêu cực. Đây là biện pháp răn đe và cũng là biện pháp để nâng cao tinh thần trách nhiệm của các Thẩm phán hành chính, phòng chống hiện tượng tiêu cực, thiếu trách nhiệm, sa sút về phẩm chất đạo đức.
Thứ tư, TANDTC cần tổng kết toàn diện và dự báo sát tình hình gia tăng các khiếu kiện hành chính tại Tòa án, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các tiêu chí xác định, phân bổ biên chế, số lượng Thẩm phán TAND các cấp, trong đó có Thẩm phán hành chính cho phù hợp với tình hình mới, làm cơ sở cho việc xây
dựng Đề án điều chỉnh biên chế khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội. Trước tình hình số lượng các vụ án, nhất là án hành chính sau khi LTTHC năm 2010 có hiệu lực, đang có xu hướng gia tăng nhanh, TANDTC đã có Tờ trình và Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 473a/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 3 năm 2012 về tổng biên chế và số lượng Thẩm phán của TAND, Tòa án quân sự các cấp, trong đó đã tăng cường số lượng biên chế cho ngành TAND để giải quyết các vụ án, nhất là các vụ án hành chính tăng lên do thi hành các quy định mới của LTTHC năm 2010.
Tuy nhiên, do LTTHC mới có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2011 nên việc đánh giá tình hình gia tăng án hành chính chưa được đầy đủ, toàn diện. Trong thời gian tới, trên cơ sở thực tiễn số lượng án hành chính tăng, Toà án nhân dân tối cao cần tổng kết toàn diện và dự báo sát tình hình gia tăng các khiếu kiện hành chính tại Tòa án, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các tiêu chí xác định, phân bổ biên chế, số lượng Thẩm phán TAND các cấp cho phù hợp với tình hình mới, làm cơ sở cho việc xây dựng Đề án điều chỉnh biên chế khi trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.