Nhận định về tình hình nghiên cứu

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu kiện hành chính trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam (Trang 33 - 35)

Như vậy, tình hình nghiên cứu trên cho thấy, việc GQKKHC đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khoa học pháp lý, đã có nhiều công trình nghiên cứu về các khía cạnh khác nhau của vấn đề này và đã có đóng góp quan trọng về lý luận cũng như thực tiễn. Tuy nhiên, các nghiên cứu trên chưa đặt việc GQKKHC trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ

nghĩa của dân, do dân, vì dân, trong tiến trình cải cách tư pháp cũng như chưa nghiên cứu những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của công cuộc cải cách tư pháp đối với việc GQKKHC và đối với đổi mới tổ chức, hoạt động của Tòa hành chính, nhất là việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc GQKKHC sau khi Quốc hội đã ban hành LTTHC. Vì vậy, các nghiên cứu trên chưa luận giải rõ được mục đích của việc GQKKHC là nhằm tăng cường bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, chưa đặt vấn đề GQKKHC trong bối cảnh hội nhập và nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Những công trình nghiên cứu hoặc những bài viết nêu trên mới chủ yếu dừng lại ở vấn đề đánh giá thực trạng tình hình hoặc giải quyết vấn đề ở từng mặt nhất định, ở một thời điểm nhất định, còn chưa được tập trung và chưa đầy đủ, toàn diện. Vấn đề lý luận về xây dựng đội ngũ Thẩm phán, nhất là đội ngũ Thẩm phán hành chính ở nước ta cũng chưa được đề cập nhiều.

Trước tình hình nghiên cứu nêu trên, tác giả hy vọng Luận án của mình có thể nghiên cứu toàn diện, chuyên sâu vấn đề lý luận cơ bản về GQKKHC trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế ở nước ta hiện nay; nghiên cứu thực trạng hệ thống Tòa hành chính, đánh giá khoa học các ưu điểm và hạn chế của tổ chức và hoạt động của Tòa hành chính ở nước ta hiện nay; nghiên cứu cơ sở lý luận khoa học của việc đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống Tòa án nói chung, các Tòa hành chính nói riêng. Qua đó, tác giả đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả GQKKHC, đổi mới mô hình các Tòa hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và công cuộc cải cách tư pháp.

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu kiện hành chính trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam (Trang 33 - 35)