Về thủ tục khởi kiện và giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu kiện hành chính trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam (Trang 55 - 57)

Thủ tục khởi kiện và giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án là theo thủ tục tố tụng tư pháp. Người khởi kiện vụ án hành chính phải đến Tòa án nộp đơn, kèm theo các tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, phải nộp tiền tạm ứng án phí, phải tham gia vào quá trình tố tụng từ sơ thẩm đến phúc thẩm (nếu có). Theo thủ tục tố tụng hành chính, các đương sự có quyền nhờ luật sư hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án. Quá trình tố tụng tại Tòa án mỗi cấp chặt chẽ về mặt pháp lý. Vì vậy, có trường hợp cá nhân, tổ chức có tâm lý ngại khởi kiện mà lựa chọn việc khiếu nại tại cơ quan hành chính nhà nước.

Tòa án xét xử vụ án hành chính theo nguyên tắc: công khai (trường hợp cần giữ bí mật nhà nước hoặc giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai); bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tố tụng hành chính, bình đẳng giữa người khởi kiện và người bị kiện trong việc đưa ra các chứng cứ, tài liệu, cơ sở pháp lý, tranh luận công khai... để chứng minh QĐHC, HVHC bị kiện có hay không vi phạm pháp luật. Đây là đặc điểm rất quan trọng và cũng là một trong những điểm khác nhau cơ bản và là ưu điểm rất có ý nghĩa của giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án so với giải quyết khiếu nại hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước.

Mặc dù trong tố tụng hành chính, người khởi kiện (cá nhân, tổ chức) và người bị kiện (cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước) theo quy định của pháp luật là bình đẳng về quyền và nghĩa vụ pháp lý. Tuy nhiên, trong quan hệ quản lý hành chính nhà nước thì cá nhân, tổ chức lại là đối tượng quản lý của cơ quan hành chính nhà nước. Xuất phát từ đặc điểm này, pháp luật tố tụng hành chính nói chung và thủ tục khởi

kiện, giải quyết vụ án hành chính nói riêng cần có quy định để bảo đảm sự bình đẳng giữa người khởi kiện và người bị kiện, nhất là trong việc cung cấp chứng cứ nhằm giúp Tòa án giải quyết đúng đắn vụ án hành chính. Pháp luật tố tụng hành chính một số nước trên thế giới quy định cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính có nghĩa vụ chứng minh tính đúng đắn của QĐHC, HVHC; trong tố tụng hành chính, nguyên tắc “điều tra” được áp dụng. Ở nước ta, bên cạnh quy định người khởi kiện có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (trường hợp không cung cấp được thì phải nêu rõ lý do) thì có quy định người bị kiện có nghĩa vụ cung cấp cho Toà án hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà căn cứ vào đó để ra quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh hoặc có hành vi hành chính. Bên cạnh đó, trong việc thu thập chứng cứ phục vụ cho việc giải quyết vụ án hành chính, vai trò của Tòa án, Viện kiểm sát cũng được chú trọng. Trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể yêu cầu Toà án tiến hành thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hành chính. Đương sự yêu cầu Toà án tiến hành thu thập chứng cứ phải làm đơn ghi rõ vấn đề cần chứng minh; chứng cứ cần thu thập; lý do vì sao tự mình không thu thập được; họ, tên, địa chỉ của cá nhân, tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ cần thu thập. Toà án, Viện kiểm sát có thể yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ cung cấp cho mình chứng cứ. Cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ chứng cứ có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Toà án, Viện kiểm sát trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu; trường hợp không cung cấp đầy đủ, kịp thời chứng cứ theo yêu cầu của Toà án, Viện kiểm sát thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật. Quy định này vừa khẳng định trách nhiệm của người khởi kiện và người bị kiện trong

việc cung cấp chứng cứ vừa phát huy tính chủ động của Tòa án, Viện kiểm sát trong việc thu thập chứng cứ nhằm giải quyết đúng đắn vụ án hành chính, góp phần bảo đảm sự bình đẳng giữa hai bên đương sự trong vụ án hành chính.

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu kiện hành chính trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam (Trang 55 - 57)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(169 trang)
w