Tình hình nghiên cứu ngoài nước

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu kiện hành chính trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam (Trang 29 - 33)

- Các tài liệu: Le Conseil d’état, Jean Massot et Jean Marimbert, Paris 1988, Tạp chí Pháp: Luật hành chính số 9-10/1990, tổng thuật Đinh Văn Minh trong sách Tìm hiểu xét xử hành chính ở một số nước và lãnh thổ trên thế giới, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.

Theo các tài liệu thì trên thế giới khái quát có một số mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán hành chính cụ thể như sau:

Mô hình lưỡng hệ tài phán

Những nước theo mô hình lưỡng hệ tài phán (tức là bao gồm hai hệ thống tài phán: tài phán tư pháp và tài phán hành chính) tổ chức hai hệ thống tài phán độc lập. Tài phán tư pháp xét xử những vụ án về hình sự, dân sự. Còn tài phán hành chính xét xử những vụ án về hành chính. Ở những nước này, hệ thống tài phán hành chính lại có hai loại hình:

+ Mô hình Hội đồng nhà nước vừa tư vấn pháp lý cho Chính phủ vừa là cơ quan tài phán hành chính: Ở những nước này, Hội đồng nhà nước vừa là cơ quan xét xử các vụ án hành chính vừa có thêm chức năng tư vấn pháp lý. Điển hình là Cộng hòa Pháp. Ở Pháp, trước kia cơ quan tài phán hành chính chỉ có hai cấp, ở trung ương là Hội đồng nhà nước, ở cơ sở có các Toà án hành chính liên tỉnh. Đặc điểm quan trọng của cơ quan tài phán hành chính của Pháp và các nước theo mô hình của Pháp là cơ quan tài phán hành chính được giao thêm chức năng tư vấn pháp lý. Chức năng này thể hiện rất rõ ở Hội đồng nhà nước. Đến nay cơ quan tài phán hành chính của Pháp có ba cấp: Hội đồng nhà nước; Toà án hành chính phúc thẩm; Toà án hành chính sơ thẩm liên tỉnh. Tổ chức các Toà án hành chính phúc thẩm: Có năm Toà án hành chính phúc thẩm. Khác với Hội đồng nhà nước, Toà án hành chính phúc thẩm hầu như không có nhiệm vụ tư vấn pháp lý mà chỉ thực hiện chức năng tài phán hành chính. Các Toà án hành chính sơ thẩm: Toà án hành chính sơ thẩm được tổ chức liên tỉnh (Pháp có 96

tỉnh), có thẩm quyền sơ thẩm tất cả các vụ kiện hành chính trừ những việc thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Hội đồng nhà nước. Về Thẩm phán hành chính: Thẩm phán hành chính là những người có chuyên môn sâu về quản lý công và luật hành chính. Một số được tuyển chọn từ công chức các cơ quan hành chính nhà nước đã qua một số năm công tác và có bằng đại học liên quan.

+ Mô hình cơ quan tài phán hành chính riêng biệt: Một số nước có hệ thống Toà án hành chính chỉ thực hiện chức năng xét xử hành chính như: Cộng hoà liên bang Đức, Thuỵ Điển, Phần Lan,…Cộng hoà liên bang Đức cũng như Cộng hoà Pháp, có hệ thống cơ quan tài phán hành chính hoàn toàn độc lập với các Toà án tư pháp. Nhưng khác với cơ quan tài phán hành chính ở Pháp, cơ quan tài phán hành chính ở Đức không có thêm chức năng tư vấn pháp lý. Trong hệ thống Toà án hành chính ở Đức, có 52 Toà án hành chính khu vực, 16 Toà án hành chính liên khu vực và một Toà án hành chính liên bang. Các thẩm phán hành chính có nghĩa vụ phải nghiên cứu nội dung, làm rõ việc tranh chấp. Toà án không bị ràng buộc bởi các bằng chứng và giải trình của các bên. Bằng nguyên tắc này, Toà án hành chính có thể bù đắp sự không cân bằng giữa công dân và cơ quan hành chính và có thể hỗ trợ công dân trong quá trình tố tụng.

Mô hình nhất hệ tài phán

Những nước theo mô hình nhất hệ tài phán thì trong bộ máy nhà nước chỉ tổ chức một hệ thống tài phán. Những nước theo mô hình nhất hệ tài phán cũng có hai loại hình:

+ Mô hình Toà hành chính trong Toà án thường (Tòa án tư pháp): Một số nước có giải pháp hỗn hợp lập ra các phân toà hành chính trong Toà án tư pháp (Toà án thường) như: Trung Quốc, Inđônêxia,... Ở Trung Quốc, ngày 01 tháng 10 năm 1990, sau hơn một năm rưỡi thử nghiệm, LTTHC Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực. Trong đó quy định Trung Quốc không lập ra một hệ thống Tòa án hành chính riêng mà ở trong TAND lập ra các Tòa chuyên trách về hành chính và áp dụng thủ tục quy định tại LTTHC. Các Tòa án cấp cơ sở có thẩm quyền

giải quyết sơ thẩm. Điều đó có nghĩa là trừ những trường hợp ngoại lệ thuộc thẩm quyền sơ thẩm của Tòa án cấp trên, Tòa án cấp cơ sở có thẩm quyền đối với mọi vụ kiện hành chính theo quy định của pháp luật. Tòa án trung cấp xét xử sơ thẩm đối với các vụ việc liên quan đến bằng phát minh sáng chế, các quyết định của hải quan. Đây là những vụ việc đòi hỏi sự hiểu biết khá sâu, những vụ việc này nhìn chung phức tạp và khó khăn đối với Tòa án cấp cơ sở. Ngoài ra, Tòa án trung cấp cũng giải quyết toàn bộ những vụ việc quan trọng trong phạm vi phụ trách của mình. Tòa án cao cấp có thẩm quyền xét xử sơ thẩm đối với các vụ việc đặc biệt quan trọng. TANDTC xét xử sơ thẩm đối với các vụ việc quan trọng đặc biệt trong phạm vi toàn quốc. Tuy vậy, luật pháp Trung Quốc không ấn định các tiêu chuẩn cụ thể cho phép xác định tính chất quan trọng của từng vụ việc. Trên thực tế, TANDTC và Tòa án cao cấp rất hiếm khi xét xử sơ thẩm. Hầu hết các vụ việc được đưa ra xét xử sơ thẩm tại Tòa án cấp cơ sở và Tòa án trung cấp.

+ Mô hình Toà án tư pháp có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp hành chính: Một số nước khác, thẩm quyền giải quyết tranh chấp hành chính được giao luôn cho các Toà án tư pháp như: Anh, Na Uy, Canađa,… Singapo không có Toà án hành chính riêng biệt. Thông thường các khiếu kiện hành chính được giải quyết ở Toà thượng thẩm. Việc giải quyết các khiếu kiện hành chính được thực hiện theo thủ tục giải quyết các vụ án dân sự. Một số đặc điểm của việc GQKKHC tại Toà án tư pháp ở Singapo đó là: chỉ có Toà thượng thẩm thuộc Toà án tối cao mới có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính, còn Toà sơ cấp không được trao thẩm quyền này; công dân có quyền khiếu kiện trực tiếp đến Toà án tư pháp, không cần phải khiếu nại qua cơ quan hành chính nhà nước; không có thủ tục hoà giải trong tố tụng đối với việc giải quyết các khiếu kiện hành chính. Để giải quyết một số vụ việc hành chính đặc biệt, ở Singapo có thành lập các Hội đồng hành chính. [62].

Chúng ta có thể thấy rằng, mặc dù mô hình tổ chức có khác nhau phụ thuộc vào lịch sử hình thành cũng như đặc điểm của từng nước (nhất hệ tài phán hay lưỡng hệ tài phán) nhưng nhìn chung hoạt động tài phán hành chính có những điểm đặc thù, chính vì vậy đòi hỏi phải có mô hình và cơ chế thích hợp mới có thể giải quyết các tranh chấp hành chính có hiệu quả, góp phần bảo đảm sự hoạt động thông suốt của nền hành chính, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Nhìn chung, một số kinh nghiệm rút ra khi nghiên cứu mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán hành chính ở một số nước là:

+ Cơ quan tài phán hành chính được tổ chức theo khu vực.

+ Hệ thống tổ chức cơ quan tài phán hành chính được tổ chức theo cấp xét xử.

+ Thẩm phán hành chính bên cạnh kiến thức về pháp luật còn được đào tạo về quản lý công, quản lý hành chính nhà nước.

+ Tùy thuộc điều kiện cụ thể của từng nước mà pháp luật của nước đó có thể quy định thủ tục khiếu nại đến cơ quan hành chính trước khi khởi kiện ra cơ quan tài phán hành chính là bắt buộc hoặc không bắt buộc (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

+ Trong tố tụng hành chính, cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính có nghĩa vụ chứng minh tính đúng đắn của QĐHC, HVHC.

+ Trong tố tụng hành chính, nguyên tắc “điều tra” được áp dụng.

+ Pháp luật các nước có quy định cụ thể khác nhau nhưng nhìn chung đều quy định cơ quan tài phán hành chính có thể tạm đình chỉ QĐHC của cơ quan hành chính.

+ Pháp luật tố tụng hành chính có những quy định về việc thi hành bản án, quyết định của cơ quan tài phán hành chính, trong đó có thể quy định biện pháp phạt tiền đối với cơ quan hành chính không thi hành bản án, quyết định của cơ quan tài phán hành chính. Bên cạnh đó, các quy định về trách nhiệm

công vụ cũng bảo đảm sự thi hành các bản án, quyết định của cơ quan tài phán hành chính. Theo đó, nếu một công chức không thi hành bản án, quyết định của cơ quan tài phán hành chính thì người này đã vi phạm trách nhiệm công vụ và điều đó có thể dẫn đến việc phải bồi thường thiệt hại cho đương sự. Khi phải bồi thường, cơ quan hành chính sẽ đứng ra thanh toán, sau đó công chức nói trên phải bồi hoàn khoản đã thanh toán đó.

Trên đây là khái quát mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan tài phán hành chính ở một số nước trên thế giới. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước là cần thiết nhưng phải trên cơ sở và phù hợp với điều kiện của nước ta.

- Sách tham khảo Nhà nước pháp quyền, biên tập Josef Thesing, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002. Đây là sách tham khảo trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng Nhà nước pháp quyền của một số nước trên thế giới. Nội dung sách do tập thể các nhà nghiên cứu pháp luật của Cộng hòa Liên bang Đức biên soạn dưới sự biên tập lại của tác giả Joser Thesing, đã đề cập nhiều nội dung liên quan đến lý luận và thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền tại nước Đức và một số nước có liên quan, … Sách đã đề cập đến những đặc điểm cơ bản của chế độ pháp trị được ghi trong Hiến pháp Đức, pháp trị với tư cách một nguyên tắc hiến định, tự do và bình đẳng trước pháp luật, tính hợp pháp trong hành pháp, tư pháp và việc bảo hộ pháp luật,... Tuy nhiên, là những nước phương Tây, có điều kiện rất khác so với nước ta, nên việc nghiên cứu chỉ có tính chất tham khảo và việc nghiên cứu phải phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta.

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu kiện hành chính trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam (Trang 29 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(169 trang)
w