3.3.2.1. Những ưu điểm, đặc điểm và tác động tích cực của hoạt động GQKKHC giai đoạn 2011 đến nay
Thứ nhất, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết và triển khai thi hành LTTHC. Ngay khi LTTHC được Quốc hội thông qua, TANDTC đã chủ động chỉ đạo Tòa án các cấp chuẩn bị tốt về đội ngũ cán bộ, bố trí những Thẩm phán có kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp để thụ lý, giải quyết các vụ án hành chính; xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn các quy định của LTTHC, các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như kỹ năng giải quyết các vụ án hành chính cho đội ngũ cán bộ, Thẩm phán trong toàn ngành. Ngành Tòa án cũng đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ sung biên chế để tăng cường đội ngũ cán bộ, Thẩm phán đáp ứng yêu cầu công tác của ngành, trong đó có yêu cầu giải quyết, xét xử các vụ án hành chính. Đội ngũ Thẩm phán hành chính đã được quan tâm tăng cường một bước để đáp ứng yêu cầu mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính của Tòa án. Việc quan tâm tăng cường cho đội ngũ Thẩm phán hành chính đã có tác động tích cực đến chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính.
Thứ hai, với việc ban hành LTTHC, thông qua công tác xét xử các vụ án hành chính, Tòa án đã tăng cường tinh thần dân chủ giữa cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước có QĐHC, HVHC bị khiếu kiện với cá nhân, tổ chức có đơn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án, hoạt động tranh luận tại phiên tòa được chú trọng, nhất là trong điều kiện chúng ta đang đẩy
mạnh cải cách tư pháp. Điều đó đã tạo ra cơ chế để bảo đảm cho các QĐHC, HVHC của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Một bản án hành chính xét xử đúng pháp luật không những bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho các cá nhân, tổ chức, mà còn có sự tác động rất hiệu quả đến công tác quản lý của cơ quan hành chính nhà nước, tác động trực tiếp đến ý thức tuân thủ pháp luật trong việc ban hành QĐHC hoặc thực hiện HVHC theo thẩm quyền luật định, góp phần quan trọng vào việc thực hiện công cuộc cải cách hành chính và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thông qua việc mở rộng thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính của Tòa án, chúng ta đã tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Thứ ba, kể từ khi LTTHC có hiệu lực thi hành, số lượng các khiếu kiện hành chính được giải quyết tại Tòa án đã tăng lên đáng kể và tăng tương đối nhanh.
Trong điều kiện các khiếu nại hành chính ở các cơ quan hành chính nhà nước là rất lớn thì việc tăng số lượng các khiếu kiện hành chính được giải quyết tại Tòa án thể hiện LTTHC đã đi vào cuộc sống, thu hút được sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, phát huy tác dụng trong thực tiễn. Từ ngày 01/10/2010 đến 30/9/2011, TAND các cấp đã giải quyết, xét xử được 1.790 vụ án hành chính [80]. Từ ngày 01/7/2011 (ngày LTTHC có hiệu lực thi hành) đến ngày 15/9/2011, TAND các cấp đã thụ lý 2468 vụ án hành chính [64].
Thứ tư, về chất lượng các vụ án hành chính được giải quyết tại Tòa án cũng được nâng cao. Tỷ lệ các bản án, quyết định trong vụ án hành chính bị hủy, bị cải sửa đã giảm đáng kể. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan trong năm 2011 giảm 3,4% so với năm 2010. Mặc dù LTTHC có rất nhiều các quy định mới so với PLTTGQCVAHC trước đây và các vụ án hành chính thường phức tạp nhưng các Tòa án đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các vụ án hành chính bảo đảm đúng các quy định của
pháp luật, hạn chế tối đa các sai sót xảy ra.
Thứ năm, đặc điểm tình hình khiếu kiện hành chính tại Tòa án giai đoạn 2011 đến nay cơ bản cũng tương tự đặc điểm tình hình khiếu kiện hành chính tại Tòa án giai đoạn 1996 - 2011: khiếu kiện QĐHC, HVHC trong lĩnh vực quản lý đất đai chiếm số lượng lớn; các khiếu kiện hành chính chủ yếu tập trung vào các QĐHC; người khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án chủ yếu là cá nhân; đối tượng bị khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án chủ yếu là các cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
3.3.2.2. Những khó khăn, hạn chế trong hoạt động GQKKHC giai đoạn 2011 đến nayvà nguyên nhân
Thứ nhất, Thẩm phán hành chính vẫn cần được tiếp tục chú trọng về số lượng và chất lượng. Trong điều kiện LTTHC mở rộng thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án thì dự báo số lượng các khiếu kiện hành chính tại Tòa án sẽ tăng lên đáng kể nên số lượng Thẩm phán nói chung và Thẩm phán hành chính nói riêng mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn cần phải được chú trọng hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Bên cạnh đó, mặc dù đội ngũ Thẩm phán trong ngành TAND là những người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đã có kinh nghiệm trong công tác xét xử, nhưng nhìn chung ở Tòa án các cấp trong giai đoạn hiện nay vẫn còn thiếu Thẩm phán giỏi và có bản lĩnh trong việc xét xử các vụ án hành chính.
Thứ hai, số lượng các khiếu kiện hành chính được giải quyết tại Tòa án vẫn còn ít, tỷ lệ các bản án, quyết định của Tòa án trong vụ án hành chính bị hủy, sửa còn cao. Mặc dù triển khai thi hành LTTHC, các khiếu kiện hành chính được giải quyết tại Tòa án đã tăng lên nhưng so với số lượng các khiếu nại hành chính tại cơ quan hành chính nhà nước thì số lượng các khiếu kiện hành chính tại Tòa án vẫn còn rất khiêm tốn. Mặc dù có tiến bộ nhưng tỷ lệ các bản án, quyết định trong vụ án hành chính bị hủy, sửa còn cao, vẫn còn việc xác định sai đối tượng khiếu kiện hoặc người tham gia tố tụng dẫn đến việc đình chỉ vụ án không đúng quy định của
pháp luật. Một phần do đây là những vụ án phức tạp, các quy định của pháp luật liên quan tới việc giải quyết loại án này còn có những bất cập. Bên cạnh đó, còn có những Thẩm phán có tâm lý ngại va chạm nên chất lượng xét xử cũng còn có những hạn chế. Trong xét xử các vụ án hành chính, có một số trường hợp do ngại đụng chạm với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền cùng cấp, nên khi xem xét và thụ lý đơn khởi kiện vụ án hành chính của cá nhân, tổ chức, một số người có thẩm quyền xem xét thụ lý đơn khởi kiện còn nại ra những lý do không đúng pháp luật để từ chối việc thụ lý vụ án. Chính vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, LTTHC đã quy định rất cụ thể, chặt chẽ thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện nhằm bảo đảm quyền khởi kiện của các đương sự.
Thứ ba, các cá nhân, tổ chức vẫn còn tâm lý ngại khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án. Mặc dù ngành TAND được giao thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính từ năm 1996 đến nay. Nhưng nhìn chung, các cá nhân, tổ chức vẫn còn tâm lý chưa mặn mà lắm với sự lựa chọn con đường GQKKHC tại Tòa án, điều đó, dẫn đến tình trạng quá tải trong giải quyết khiếu nại hành chính tại các cơ quan nhà nước, làm cho những người đứng đầu cơ quan nhà nước phải tốn rất nhiều thời gian để giải quyết khiếu nại hành chính. Nguyên nhân phát sinh tâm lý trên có một phần do các cá nhân, tổ chức có khiếu nại hành chính chưa thực sự tin vào hiệu quả mang lại cho họ từ sự lựa chọn GQKKHC tại Tòa án. Bởi vì họ cho rằng, việc GQKKHC tại Tòa án sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín người bị kiện, trong khi chính người bị kiện đó lại đang có thẩm quyền quản lý hành chính đối với người bị kiện. Bởi vậy, các cá nhân, tổ chức thường chọn con đường giải quyết khiếu nại tại cơ quan hành chính hơn là giải quyết tại Tòa án, thường chỉ khi không giải quyết được ở cơ quan hành chính họ mới khởi kiện tại Tòa án.
Thứ tư, nguyên nhân của những hạn chế trong hoạt động GQKKHC tại Tòa án giai đoạn 2011 đến nay cũng tương tự giai đoạn 1996 – 2011 đó là: sự phức tạp của án hành chính; một số các quy định của pháp luật nội dung còn chưa đầy
đủ, thống nhất; do quy định về tổ chức cũng như thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện hành chính của Tòa án có ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết các khiếu kiện hành chính; một số Thẩm phán hành chính còn có hạn chế nhất định về nghiệp vụ. Ngoài ra, còn có nguyên nhân là do một số quy định của LTTHC năm 2010 chưa được hướng dẫn.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Năm 1996 PLTTGQCVAHC được ban hành. Pháp lệnh này trải qua hai lần sửa đổi, bổ sung một số điều vào năm 1998 và năm 2006. Đến năm 2010 Quốc hội ban hành LTTHC với những quy định tương đối toàn diện và phù
hợp với tình hình hiện nay. Có thể khẳng định trong 16 năm qua, GQKKHC của nước ta đã có nhiều đổi mới và ngày càng được hoàn thiện hơn. Thông qua hoạt động giải quyết các khiếu kiện hành chính, Toà án đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tòa án với hoạt động giải quyết các khiếu kiện hành chính, đã phát huy tinh thần dân chủ trong quản lý nhà nước, tăng cường tính minh bạch trong giải quyết các khiếu kiện hành chính, trên cơ sở đó tạo ra cơ chế kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước, tăng cường niềm tin của nhân dân.
Mặc dù chúng ta đã pháp điển hóa pháp luật về khiếu kiện hành chính và GQKKHC bằng việc ban hành LTTHC năm 2010 nhưng vẫn còn một số bất cập gây khó khăn, vướng mắc như: trong quá trình thực thi LTTHC, một số quy định của LTTHC còn có những điểm chưa được hướng dẫn thi hành, nên trong quá trình thụ lý giải quyết các vụ án hành chính, nhiều TAND các cấp ở địa phương còn lúng túng; chưa có văn bản hướng dẫn việc xác định các tiêu chí cụ thể để đánh giá tính hợp pháp của một QĐHC hoặc một HVHC khi xét xử; còn một số quy định chưa thống nhất với các quy định khác của pháp luật có liên quan (như khái niệm QĐHC, HVHC). Mặc dù đội ngũ Thẩm phán trong ngành TAND đã có kinh nghiệm trong công tác xét xử các vụ án hành chính nhưng ở Tòa án các cấp trong giai đoạn hiện nay vẫn còn thiếu những Thẩm phán giỏi và có bản lĩnh trong việc xét xử các vụ án hành chính. Bên cạnh đó, tâm lý ngại xét xử các vụ án hành chính vì sợ đụng chạm đến người có chức vụ trong cơ quan hành chính nhà nước còn diễn ra trong đội ngũ Thẩm phán. Cũng có những trường hợp cá nhân, tổ chức muốn lựa chọn việc giải quyết khiếu nại tại cơ quan hành chính nhà nước mà không muốn khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án vì họ ngại các thủ tục tố tụng tại Tòa án. Trong xét xử
các vụ án hành chính, có một số trường hợp do ngại đụng chạm với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền cùng cấp nên khi xem xét và thụ lý đơn khởi kiện của cá nhân, tổ chức, một số người có thẩm quyền thụ lý vụ án hành chính còn nại ra những lý do không đúng pháp luật để từ chối việc thụ lý vụ án. Có lẽ vì một số các lý do nêu trên nên hiện nay, mặc dù số lượng các khiếu kiện hành chính được giải quyết tại Tòa án có tăng lên nhưng số lượng vẫn còn rất ít nếu so sánh với số lượng đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan hành chính nhà nước, chất lượng giải quyết các vụ án hành chính cũng cần được tăng cường.
Tuy nhiên, dù còn những hạn chế nhưng qua thực tiễn hoạt động GQKKHC tại Tòa án trong thời gian qua, chúng ta phải khẳng định việc Tòa án giải quyết các khiếu kiện hành chính đã đóng góp tích cực vào việc bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức; để giải quyết các tranh chấp hành chính, chúng ta đã có một cơ chế độc lập với các bên tranh chấp là Tòa án. Hoạt động của Tòa hành chính đã ngày càng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Chương 4