Đặc điểm của GQKKHC

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu kiện hành chính trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam (Trang 39 - 43)

Khi nói về đặc điểm của GQKKHC đến nay đang có nhiều ý kiến khác nhau giữa các nhà khoa học.

Có quan niệm cho rằng, GQKKHC giống như các nước là giải quyết tranh chấp hành chính bằng các Toà án thường với ba đặc điểm sau:

1. Hiện diện tranh chấp pháp luật liên quan đến quan hệ hành chính nhà nước hay quản lý hành chính nhà nước, được gọi là tranh chấp hành chính nảy

sinh trong quan hệ hành chính nhà nước, được giải quyết theo con đường tư pháp. Tranh chấp này có thể là QĐHC hoặc HVHC;

2. Có một cơ quan phán quyết về tính hợp pháp hay bất hợp pháp trong tranh chấp hành chính với tư cách là cơ quan tư pháp, cụ thể là TAND xét xử vụ án hành chính cùng với các vụ án dân sự khác;

3. Thủ tục được áp dụng trong việc GQKKHC là thủ tục tư pháp (hay là thủ tục tố tụng). [61]

Còn GS.TS. Nguyễn Duy Gia cho rằng, thực chất, GQKKHC đối với các cơ quan, viên chức nhà nước trong thực hiện thẩm quyền là đưa các cơ quan, viên chức trở thành một bên trong quan hệ tố tụng trước Toà án. Trong đó, GQKKHC là hoạt động xét xử theo thủ tục tố tụng tư pháp đối với các QĐHC và HVHC, gây thiệt hại trực tiếp tới dự do, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức.

Khi nói đến đặc điểm của GQKKHC, chúng tôi tập trung làm rõ sự khác biệt giữa GQKKHC với giải quyết khiếu nại hành chính và giữa GQKKHC với giải quyết khiếu kiện tư pháp khác (hình sự, dân sự, kinh tế, lao động).

- Sự khác biệt giữa GQKKHC và giải quyết khiếu nại:

Như ta đã biết, giải quyết khiếu nại hành chính là hoạt động của cơ quan hành chính giải quyết những tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện hoạt động quản lý hành chính. GQKKHC là giải quyết các tranh chấp hành chính tại Tòa án (cơ quan tư pháp). Để đảm bảo nền dân chủ, bảo đảm quyền cũng như trách nhiệm của Nhà nước, cần nêu lên một nguyên tắc là phân biệt và tách riêng hai loại cơ quan công quyền: hành pháp và tư pháp. Không thể nhập và hòa lẫn vào nhau.

Sự phân công rành mạch giữa quyền hành pháp và quyền tư pháp có nghĩa là cơ quan hành pháp không được can thiệp vào quyền độc lập xét xử của cơ quan tư pháp và ngược lại, cơ quan tư pháp không làm thay hoạt động quản lý hành chính của cơ quan hành pháp… Ở nước ta, thẩm quyền xét xử những vi

phạm pháp luật hành chính của các cơ quan hành pháp thuộc về Tòa hành chính.

Như vậy, về chủ thể thì GQKKHC là Tòa án còn giải quyết khiếu nại là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Về thủ tục thì GQKKHC theo thủ tục tố tụng tư pháp (pháp luật tố tụng hành chính) còn giải quyết khiếu nại theo thủ tục hành chính (pháp luật khiếu nại). Về hệ quả pháp lý thì khi GQKKHC Tòa án sẽ ban hành bản án, quyết định còn giải quyết khiếu nại, cơ quan hành chính nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước sẽ ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Đối với QĐHC, HVHC trái pháp luật thì trong trường hợp GQKKHC, Tòa án ban hành bản án, quyết định và việc thi hành sẽ theo cơ chế thi hành án đối với bản án, quyết định của Tòa án trong vụ án hành chính còn trong trường hợp giải quyết khiếu nại thì việc thi hành quyết định giải quyết khiếu nại theo cơ chế thi hành quyết định hành chính. Khi GQKKHC, Tòa án xem xét tính hợp pháp của QĐHC, HVHC còn khi giải quyết khiếu nại, cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước bên cạnh việc xem xét tính hợp pháp còn có thể xem xét tính hợp lý của QĐHC, HVHC.

- Sự khác biệt giữa GQKKHC với giải quyết khiếu kiện tư pháp khác (hình sự, dân sự, kinh tế, lao động):

Nếu như kết quả xét xử của các Toà tư pháp khác là xác định các quyền dân sự của công dân, pháp nhân trong vụ kiện dân sự hoặc xác định trách nhiệm hình sự của một cá nhân trong vụ án hình sự, thì kết quả xét xử của Toà hành chính là phán quyết về tính hợp pháp của QĐHC hoặc HVHC của cơ quan nhà nước hoặc cán bộ, công chức nhà nước. Hệ quả phán quyết của Toà hành chính là xác định quyết định hoặc hành vi đó đúng hay sai; nếu sai thì phải chấm dứt, sửa đổi hay huỷ bỏ một phần hoặc huỷ bỏ toàn bộ; đã gây thiệt

hại chưa, nếu đã gây thiệt hại thì cơ quan ra quyết định phải bồi thường cho công dân.

Như vậy, thông qua quá trình xét xử, Toà hành chính không làm nhiệm vụ xác định tội danh và áp dụng khung hình phạt, không xác định quyền dân sự, quyền sở hữu tài sản của công dân trong tranh chấp dân sự, không xác định tính hợp pháp của hợp đồng kinh tế trong vụ kiện kinh tế… Toà hành chính chỉ xác định tính hợp pháp hay bất hợp pháp của QĐHC hoặc HVHC của cơ quan nhà nước hoặc cán bộ, công chức nhà nước trong quá trình thực thi quyền lực công.

Nếu như đối tượng chấp hành trong vụ án của các Toà án tư pháp khác là cá nhân, tổ chức thì đối tượng chấp hành các vụ án của Toà hành chính chủ yếu là cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước. Do đó, việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của Toà hành chính cũng không thể áp dụng như các Toà án tư pháp khác.

Như vậy, một số đặc điểm của GQKKHC đó là:

Thứ nhất, GQKKHC thực chất là giải quyết tranh chấp hành chính giữa một bên là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước với một bên là cá nhân, tổ chức trong xã hội. Mặc dù, trong quan hệ tố tụng thì các bên tham gia tố tụng bình đẳng, có quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật nhưng trong quan hệ quản lý hành chính thì bên bị kiện lại là chủ thể quản lý, bên khởi kiện lại là đối tượng bị quản lý. Trong tranh chấp hành chính này, bên bị kiện là cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, là “bên có quyền lực hành chính, thường có ưu thế hơn” còn bên khởi kiện là các cá nhân, tổ chức, thường là bên “yếu thế hơn”.

Thứ hai, việc GQKKHC là sự tác động của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp; liên quan đến hoạt động quản lý hành chính nhà nước, liên quan đến nền hành chính quốc gia. Chính vì vậy, khi GQKKHC, Tòa án vừa phải bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, sự hoạt động thông suốt, ổn định của nền hành chính, hiệu lực, hiệu quả của quản lý hành chính nhà nước vừa phải bảo

đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Thứ ba, Thẩm phán hành chính phải là người am hiểu pháp luật và am hiểu về quản lý hành chính nhà nước. Khiếu kiện hành chính liên quan đến các QĐHC, HVHC, thực chất là liên quan đến hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước. Chính vì vậy, khi GQKKHC đòi hỏi Thẩm phán không chỉ am hiểu về pháp luật mà còn phải am hiểu về quản lý hành chính nhà nước mà quản lý hành chính nhà nước là một lĩnh vực rất rộng và có nhiều trường hợp còn đòi hỏi chuyên môn sâu (như: lĩnh vực về thuế, sở hữu trí tuệ,…); trước khi ra phán quyết phải cân nhắc toàn diện các khía cạnh của vấn đề.

Thứ tư, một cơ quan nhân danh Nhà nước (Tòa án) có thể phán quyết buộc một cơ quan quản lý hành chính nhà nước (lúc này là một bên trong vụ án hành chính) phải chấp hành bản án, quyết định của Tòa án. Phán quyết của Tòa án trong vụ án hành chính trong trường hợp người khởi kiện là bên thắng kiện thì thực chất đó là Tòa án yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước phải chấp hành quyết định của Tòa án. Đây là một đặc điểm trong GQKKHC. Đặc điểm này đòi hỏi cần có cơ chế đặc thù để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp này.

Thứ năm, GQKKHC vừa bảo đảm quyền khiếu kiện của công dân vừa bảo đảm các quyền khác của công dân. Bản thân khiếu kiện hành chính là một quyền của công dân nhưng điểm đặc biệt ở đây chính là khiếu kiện hành chính và GQKKHC lại là một chế định pháp lý để bảo vệ các quyền khác. Khi cá nhân, tổ chức khiếu kiện hành chính tức là họ cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của họ bị xâm phạm. Như vậy, GQKKHC không chỉ là chế định pháp lý bảo đảm quyền khiếu kiện của công dân mà còn là chế định pháp lý bảo đảm các quyền khác của cá nhân, tổ chức trong xã hội.

Một phần của tài liệu Giải quyết khiếu kiện hành chính trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở việt nam (Trang 39 - 43)