Kể từ khi Nhà nước ta thành lập Ban Thanh tra đặc biệt có trách nhiệm nhận đơn khiếu nại của nhân dân… (theo Sắc lệnh số 64/SL ngày 23 tháng 11 năm 1945 của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đến hiện nay chúng ta có cả một hệ thống các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của dân, từ chỗ người dân chỉ có thể khiếu nại tại các cơ quan hành chính đến chỗ người dân có thể khởi kiện hành chính ra trước Toà án, đó thực sự là sự tiến bộ về chất, thể hiện mối quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện của dân.
Vào đầu những năm 1990 khi chúng ta nhận thấy phương thức giải quyết các khiếu nại chỉ bằng con đường hành chính là chưa thoả đáng bởi tính thiếu khách quan, vô tư của nó. Cơ quan hành chính không thể tự mình giải quyết tốt các khiếu nại hành chính do chính các cơ quan hành chính gây ra; cần thiết phải thiết lập một cơ chế giải quyết “từ bên ngoài cơ quan hành chính” với những phương thức mới, khắc phục lối giải quyết áp đặt đơn phương theo thể thức hành chính. Ý tưởng về cơ quan xét xử hành chính được chấp nhận và chúng ta đã tiến hành xây dựng các phương án về loại cơ quan này. Sau khi cân nhắc các phương án, chúng ta đã quyết định giao thẩm quyền xét xử một số vụ việc khiếu kiện hành chính cho Toà án. Thực ra phương án ban đầu là lập ra một hệ thống tài phán hành chính (với tên gọi là Viện Tài phán hành chính) thuộc người đứng đầu cơ quan hành pháp nhưng độc lập với các cơ quan quản lý hành chính. Phương án thành lập Viện Tài phán hành chính khi đó không được chấp nhận bởi hai lý do sau đây:
- Về phương diện lý luận và nhận thức: Khái niệm tài phán được hiểu là xét xử và như vậy cơ quan thực hiện quyền xét xử phải thuộc ngành tư pháp chứ không thể thuộc ngành hành pháp;
- Về phương diện pháp luật: Hiến pháp quy định Toà án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cho nên mọi hoạt động xét xử phải chịu giám đốc của Toà án nhân dân tối cao. Một
phán quyết của cơ quan xét xử dù về lĩnh vực nào đi chăng nữa nằm ngoài sự giám đốc này đều là “vi hiến”.
Chính vì vậy, năm 1995, chúng ta đã quyết định thành lập Tòa hành chính trong hệ thống TAND để GQKKHC. Tòa hành chính đi vào hoạt động đã phát huy vai trò, tác dụng tích cực. Tuy nhiên, hoạt động GQKKHC trong thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, số lượng các khiếu nại, khiếu kiện có sự tăng lên cùng với đó tính chất, quy mô, sự phức tạp của các khiếu nại, khiếu kiện cũng có sự thay đổi. Mặc dù chúng ta đã có nhiều cố gắng nhưng tình hình và số lượng đơn thư khiếu nại, khiếu kiện vẫn còn lớn, những cố gắng của chúng ta chưa mang lại kết quả như mong muốn. Giải quyết tốt hơn nữa các khiếu nại, khiếu kiện của dân vẫn là mối quan tâm lớn của Nhà nước. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì đòi hỏi chúng ta phải đổi mới nhận thức về cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện hành chính. Mặc dù chúng ta vẫn coi trọng giải quyết khiếu nại hành chính bằng con đường hành chính nhưng chúng ta cần nhận thấy các khiếu nại hành chính khó có thể được giải quyết khách quan, có hiệu quả và vững chắc theo con đường giải quyết khiếu nại tại các cơ quan hành chính mà với những ưu điểm vốn có của giải quyết tranh chấp hành chính thông qua cơ quan tư pháp, chúng ta cần chú trọng việc GQKKHC tại Tòa án.
Qua nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn GQKKHC từ năm 1996 đến nay có thể khẳng định rằng GQKKHC tại Tòa án và giải quyết khiếu nại tại cơ quan hành chính mặc dù mỗi cách thức đều có ưu điểm và hạn chế riêng nhưng GQKKHC tại Tòa án có nhiều ưu thế hơn. Chúng ta cần coi GQKKHC tại Tòa án là cách thức chủ yếu, quan trọng hàng đầu để giải quyết các tranh chấp hành
chính.
Về vấn đề GQKKHC, Đảng ta đã có sự lãnh đạo và định hướng quan trọng thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, nhất là trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (năm 2011); Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;… Các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng đều nêu bật yêu cầu đổi mới cơ chế GQKKHC bằng con đường Toà án.
GQKKHC là việc giải quyết tranh chấp giữa công dân và cơ quan công quyền về một vấn đề nảy sinh trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước. Khi đã nói đến tranh chấp và giải quyết tranh chấp người ta nghĩ ngay đến sự hiện diện và vai trò của Toà án. Nhưng tranh chấp hành chính có một đặc điểm hết sức quan trọng là một bên trong tranh chấp, bên được coi là “bị đơn”, luôn là cơ quan hành chính mang quyền lực hành chính cho nên việc giải quyết đòi hỏi phải có một phương thức đặc biệt.
Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, cải cách tư pháp ở Việt Nam, cả về phía cơ quan quản lý hành chính nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án hành chính và cả về phía công dân đều cần đổi mới nhận thức về GQKKHC: phải coi đó là một phương cách tất yếu mà công dân được quyền lựa chọn để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, việc GQKKHC của Tòa án là nhằm bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần khắc phục những sai sót của QĐHC, HVHC của cơ quan hành chính nhà nước, tăng cường hiệu quả hoạt động quản lý hành chính nhà nước.
Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cơ quan hành chính nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và chính cơ quan hành chính nhà nước cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật (không đứng trên, đứng ngoài pháp luật) và phải chịu các chế tài khi không thực hiện đúng trách nhiệm công vụ theo quy định của pháp luật. Cơ quan quản lý hành chính nhà nước và cán bộ, công chức trong các cơ quan đó cần thông suốt nhiệm vụ quản lý của mình là
phục vụ nhân dân; phải thực sự là công bộc của nhân dân như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khi tham gia tố tụng hành chính cần nghiêm chỉnh thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình.
Trong xã hội cần loại bỏ tư tưởng "dân kiện quan" như "con kiến mà kiện củ khoai", mà trong nhận thức phải hiểu trong mọi lĩnh vực, trong mọi hoạt động của đời sống xã hội của cả về phía "người quản lý", của cả về phía "người bị quản lý" khi có vấn đề cho rằng là vi phạm pháp luật đều có thể phải tham gia tố tụng tại Tòa án để giải quyết; khi tham gia tố tụng tại Tòa án thì quan hệ giữa cơ quan quản lý hành chính nhà nước, cán bộ, công chức trong các cơ quan đó với người đi khiếu kiện (công dân) không còn là quan hệ hành chính nữa mà đã chuyển sang quan hệ tố tụng giữa các đương sự theo nguyên tắc "... mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật...”. (Điều 8 Luật tổ chức TAND năm 2002). [88, tr. 278 - 280].
Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm đến yếu tố tâm lý của các cá nhân, tổ chức khi lựa chọn con đường giải quyết tranh chấp hành chính tại Tòa án, cần tránh tâm lý “ngại kiện tụng”. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước có trách nhiệm tuyên truyền để mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng hành chính, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi tham gia tố tụng với tư cách người khởi kiện để Tòa án giải quyết vụ án hành chính.
Để đổi mới tổ chức và hoạt động GQKKHC cũng như hoàn thiện pháp luật tố tụng hành chính thì trước hết đòi hỏi tất cả các bên có liên quan (Tòa án, các cơ quan hành chính nhà nước, các cá nhân, tổ chức,…) cần đổi mới nhận thức về vị trí, vai trò của Tòa hành chính, về vai trò, đặc điểm của GQKKHC trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.