Lịch sử phát triển của hệ thống đảm bảo ASXH trên thế giới đã trải qua một thời gian dài, đến nay có thể khái quát thành những mô hình mang tính ổn định. Trong đó, những yêu cầu đối với nhà nước trong việc thực hiện chính sách ASXH là một nội dung và có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình hoạch định và triển khai chính sách ASXH của các nhà nước. Những yêu cầu này đóng vai trò nền tảng lý luận đối với các nhà nước trong việc thực hiện chính sách ASXH ở những giai đoạn khác nhau.
Một là, nhà nước phải xây dựng chính sách ASXH ổn định, nhất quán và "bao phủ" tối đa thành viên trong xã hội
Nhà nước phải xây dựng chính sách ASXH có độ bao phủ rộng, sao cho mọi thành viên trong xã hội khi rơi vào hoàn cảnh rủi ro, bất hạnh, khó khăn...đều được trợ giúp và bảo vệ bởi mạng lưới các chế độ ASXH mà không có sự loại trừ về giới tính, tuổi tác, thành phần dân tộc, địa vị xã hội, tôn giáo, v.v. Thực tế, không ai có thể trù liệu được hết những rủi ro, khó khăn mà mình sẽ gặp phải bất kể họ có những điều kiện về thu nhập, việc làm, sức khoẻ...Do vậy, sự phân biệt, bất kể dựa theo tiêu chí nào để xác định quyền hưởng ASXH và loại trừ những người không đủ điều kiện hưởng đều là bất hợp lý. Tuy nhiên, việc nhà nước thực hiện chính sách ASXH cho mọi công dân không có nghĩa là nhà nước chia đều theo chủ nghĩa bình quân mà còn phải đảm bảo sự công bằng và phát triển bền vững của xã hội.
Về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn, để các đối tượng khi gặp rủi ro, khó khăn không bị "lọt lưới", thì chính sách ASXH phải bao phủ mọi tầng lớp dân cư trong xã hội bằng nhiều tầng lưới khác nhau. Do đó, nhà nước không chỉ sử dụng một biện
pháp duy nhất mà cần đến cả một hệ thống lưới ASXH, nhiều tầng, nhiều lớp khác nhau.
Hai là, nhà nước phải thống nhất quản lý thực hiện chính sách ASXH
Cơ sở kinh tế, chính trị và xã hội xác lập yêu cầu nhà nước phải thống nhất quản lý hoạt động đảm bảo ASXH là: Thứ nhất, nếu không có sự quản lý thống nhất của nhà nước thì việc thực hiện chính sách ASXH sẽ chỉ đơn thuần là những phương thức bảo vệ truyền thống và dựa trên tình cảm mà không có bất kỳ một sự bảo đảm chắc chắn nào. Thứ hai, việc nhà nước thống nhất quản lý thực hiện chính sách ASXH còn xuất phát từ chức năng quản lý xã hội của nhà nước. Với tư cách là đại diện cho toàn xã hội, nhà nước phải thực hiện trách nhiệm với công dân của mình, thống nhất quản lý toàn bộ các lĩnh vực của đời sống KT-XH, trong đó có lĩnh vực ASXH. Hơn thế nữa, sự tham gia của nhà nước vào việc thực hiện chính sách ASXH cũng thể hiện bản chất, trình độ phát triển và chính sách nhân đạo của nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng cần phải phân biệt giữa chức năng quản lý nhà nước với việc chức năng đảm bảo ASXH cho người dân. Nhà nước giữ vai trò thống nhất quản lý về ASXH nhưng việc đảm bảo ASXH thì không chỉ có nhà nước mà còn có sự tham gia của cả xã hội. Nhà nước còn phải có biện pháp huy động sự tham gia của các chủ thể khác vào quá trình quản lý và thực hiện ASXH theo chức năng, nhiệm vụ đã phân cấp và pháp luật quy định. Nhà nước chỉ là chủ thể chịu trách nhiệm cao nhất và cuối cùng trong việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai chính sách ASXH trong thực tế. Chính yêu cầu này đòi hỏi bản thân cơ quan nhà nước cũng phải tuân thủ pháp luật về ASXH và sử dụng pháp luật với tư cách là một phương tiện thống nhất để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chính sách ASXH. Qua đó cũng đòi hỏi nhà nước phải nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật về ASXH để đảm bảo tính nghiêm minh và công bằng của chính sách trong thực tế.
Ba là, nhà nước tạo sự thống nhất giữa chính sách ASXH với chính sách KT - XH
Chính sách ASXH là một chính sách độc lập nhưng có chung mục đích và có quan hệ biện chứng với các chính sách KT - XH khác. Do vậy, khi điều tiết các quan hệ ASXH, nhà nước phải chú ý đến mối tương quan với điều kiện và trình độ phát triển KT - XH của đất nước. Bởi lẽ, với tư cách là một bộ phận của CSXH và không tách rời với chính sách kinh tế, không thể có hệ thống đảm bảo ASXH hiệu quả nếu kinh tế không phát triển và ổn định. Ngược lại, việc thực hiện tốt chính sách ASXH sẽ góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. Do vậy, không thể đồng ý với quan điểm cho rằng, đợi đến khi kinh tế phát triển sau đó mới thực hiện chính sách ASXH hoặc phải giải quyết ASXH trước sau đó mới tập trung phát triển kinh tế.
Sự thống nhất giữa chính sách ASXH với chính sách KT - XH là một đòi hỏi khách quan để tạo sự thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển. Giải quyết mối quan hệ giữa chính sách KT - XH và chính sách ASXH phải được thực hiện trên quan điểm biện chứng và quan điểm vận động. Các quy định về chế độ ASXH phải được điều chỉnh và thay đổi cho phù hợp với trình độ phát triển của KT - XH trong từng giai đoạn cụ thể.
Bốn là, nhà nước phải đề cao phương châm "tương trợ cộng đồng" và "xã hội hoá" trong thực hiện chính sách ASXH
Yêu cầu này xuất phát từ bản chất của chính sách ASXH là chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước, cộng đồng và bản thân đối tượng trên tinh thần "mọi người vì một
người, một người vì mọi người". Mặc dù nhà nước giữ vai trò cao nhất và chịu trách
nhiệm cuối cùng đối với việc đảm bảo ASXH nhưng điều đó không có nghĩa là loại trừ sự chung tay, góp sức của cả xã hội theo nguyên lý "số đông bù số ít, chia sẻ rủi
ro giữa người khoẻ mạnh, có thu nhập với những người già cả, ốm đau, thất nghiệp".
Nhà nước có biện pháp và cơ chế khuyến khích các thành viên, các tầng lớp, các tổ chức trong xã hội tham gia thực hiện chính sách ASXH theo phương châm "nhà
nước ít như cần thiết, cộng đồng nhiều như có thể" [94, tr24]. Sự tham gia của cộng
đồng, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của bản thân đối tượng là nhân tố quan trọng góp phần làm cho chính sách ASXH được thực hiện hiệu quả.
Việc kết hợp hài hoà giữa trách nhiệm của nhà nước và tương trợ xã hội trong thực hiện chính sách ASXH phải được xác lập bằng cơ chế pháp lý thống nhất nếu không có thể gây ra những khó khăn cho nhà nước hoặc bản thân đối tượng thụ hưởng chính sách. Chẳng hạn, nếu quá nhấn mạnh đến vai trò của nhà nước sẽ tạo ra gánh nặng cho ngân sách và tâm lý ỷ lại vào nhà nước, làm giảm đi tính nhân văn, đoàn kết của chính sách ASXH. Ngược lại, nếu nhà nước "phó mặc" trách nhiệm cho xã hội thì quyền lợi của người dân không được đảm bảo và có thể tạo ra bất bình đẳng mới. Do đó, tuỳ vào quan hệ ASXH cụ thể, cũng như đặc điểm đối tượng và chế độ trợ cấp mà nhà nước xác định trách nhiệm của các chủ thể cho phù hợp.
Năm là, đảm bảo sự bền vững về tài chính và ổn định về tổ chức trong thực hiện chính sách ASXH
Trên thế giới, bất kỳ hệ thống đảm bảo ASXH nào cũng đòi hỏi phải duy trì được sự bền vững về tài chính và ổn định về tổ chức nhằm tạo ra tính liên tục trong thực hiện chính sách và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người thụ hưởng. Chính vì vậy, nhà nước phải tính toán kỹ khả năng thu – chi, khả năng chịu đựng về mặt tài chính của các quỹ ASXH và ngân sách trước khi áp dụng các chế độ an sinh vào trong thực tế. Thể chế tài chính phải được xác lập dựa theo cơ chế chia sẻ trách nhiệm xã hội, lấy số đông bù số ít. Tuy nhiên, không phải hợp phần nào của hệ thống chính sách đảm bảo ASXH cũng vận hành theo nguyên tắc lấy thu bù chi mà cũng có hợp phần chính sách ASXH nhà nước phải trực tiếp cung cấp tài chính như: TGXH,
ƯĐXH. Vì vậy, hàng năm, nhà nước cũng phải phân bổ ngân sách cho các hợp phần chính sách này và thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát việc chi trả các chế độ cho đối tượng của các cơ quan quản lý các cấp.