Thành tựu trong đảm bảo nguồn lực tài chính

Một phần của tài liệu Chính sách an sinh xã hội và vai trò của nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội ở việt nam (Trang 96 - 99)

Đảm bảo bền vững về tài chính là một trong những đòi hỏi quan trọng hàng đầu của mỗi hệ thống chính sách ASXH. Vì vậy, quản lý và sử dụng nguồn lực tài chính cho việc thực hiện chính sách ASXH luôn được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Hàng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách ổn định cho việc thực hiện chính sách ASXH. Đồng thời, Nhà nước giữ vai trò điều tiết và hỗ trợ các quỹ ASXH, hạn chế thấp nhất nguy vỡ quỹ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người thụ hưởng chính sách.

Trong những năm qua, cùng với những thành tựu trong phát triển KT-XH thì mức độ đầu tư cho thực hiện chính sách ASXH của Nhà nước cũng tăng lên đáng kể. Tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động có liên quan đến đảm bảo ASXH luôn giữ ở mức cao và có xu hướng tăng dần qua các năm. Trong đó, Nhà nước đặc biệt ưu tiên đầu tư đảm bảo ASXH bền vững như tạo việc làm, giảm nghèo, ƯĐXH và TGXH. Riêng trong lĩnh vực TGXH, nhờ có ngân sách nhà nước mà số đối tượng được hưởng trợ giúp thường xuyên tăng nhanh (từ 113 tỷ đồng cho hơn 180 nghìn người (năm 2001) tăng lên 4.500 tỷ đồng cho hơn 1,6 triệu người (năm 2010). Hàng năm Nhà nước còn trợ cấp đột xuất hàng nghìn tỷ đồng (riêng năm 2009 là 5.000 tỷ đồng) và hàng chục nghìn tấn lương thực, chủ yếu là để trợ giúp khắc phục thiên tai. Chỉ tính riêng năm 2011, Chính phủ đã dành cho hoạt động ASXH và giảm nghèo hơn 3213 tỷ đồng, bao gồm: 1269 tỷ đồng hỗ trợ các đối tượng chính sách; 988 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 956 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác. Ngoài ra, Chính phủ còn phân bổ 2740 tỷ đồng cho phát triển 62 huyện nghèo nhất trên cả nước.

Nhà nước xác lập cơ chế quản lý tài chính thống nhất đối với các loại quỹ ASXH, tạo căn cứ pháp lý và điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chính sách ASXH. Nhà nước đại diện cho các bên tham gia quyết định thành lập và quản lý quỹ ASXH. Để thực hiện được vai trò đó, Nhà nước đã ban hành các đạo luật về quản lý tài chính cho các hoạt động đảm bảo ASXH, quy định mức đóng góp và các chế độ ASXH, điều kiện được hưởng và mức hưởng đối với từng chế độ. Cụ thể, trong số các quỹ ASXH ở nước ta hiện nay, Nhà nước quy định quỹ BHXH, BHYT, BHTN được hạch toán độc lập với ngân sách nhà nước. Các loại quỹ này được hình thành do sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới sự kiểm tra, giám sát và bảo trợ của Nhà nước. Sau nhiều lần được Nhà nước điều chỉnh mức thu gắn với việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu và mở rộng đối tượng tham gia, các quỹ BHXH đã tăng lên đáng kể, nguy cơ vỡ quỹ đã được giảm xuống mức thấp nhất có thể (Xem phụ lục 3). Đây là cơ sở quan trọng để Nhà nước tiếp tục cải tiến chính sách ASXH cho phù hợp với điều kiện KT - XH hiện nay.

Hoạt động chi - trả chế độ BHXH, BHYT, BHTN, ƯĐXH và TGXH thường xuyên được Nhà nước bảo đảm kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Ngoài hoạt động chi cho đối tượng do Ngân sách nhà nước bảo đảm, BHXH còn thực hiện chi cho các đối tượng thuộc quỹ BHXH bảo đảm với tổng số chi năm 2010 là 36.710 tỷ đồng, bằng 73,4% tổng số thu, trong đó quỹ hưu trí, tử tuất bằng 78% tổng số thu (31.701/40.830 tỷ đồng), quỹ ốm đau, thai sản chi hết 70% tổng số quỹ thu được (4.444/6.542 tỷ đồng) và quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hết 11% tổng quỹ thu được (244/2.256 tỷ đồng) (Xem phụ lục 4).

Nhờ tăng số người tham gia các hình thức bảo hiểm và mức lương tối thiểu trong những năm vừa qua cho nên tổng số thu của quỹ ASXH chính thức đã gia tăng đáng kể. Nếu như năm 2001 tổng thu BHYT chỉ là 1.151 tỷ đồng, 2005 là 3.065,3 tỷ đồng, thì đến năm 2009 tổng thu BHYT đạt 13.610 tỷ đồng, năm 2011 đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 10 lần so với năm 2005. Quỹ BHYT đã trở thành nguồn tài chính quan trọng, tạo sự ổn định cho hoạt động khám chữa bệnh của các cơ sở y tế, thúc đẩy hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực y tế. Qũy BHYT tăng trưởng nhanh từ chỗ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng chi phí y tế, hiện nay, quỹ BHYT chiếm 1/3 ngân sách nhà nước dành cho y tế.

Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách, Nhà nước xác định “cần được

tiến hành theo tinh thần xã hội hoá, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội” [38, tr.89 - 90]. Nhà nước tạo ra môi trường, huy động mọi nguồn lực

và khuyến khích các cá nhân, gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội tham gia thực hiện ASXH trên tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội. Nhà nước có nhiều biện pháp để huy động sự trợ giúp từ cộng đồng thông qua các quỹ xã hội, khuyến khích phát triển các mô hình ASXH tự nguyện, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công cộng theo cơ chế phi lợi nhuận và các hình thức hợp tác công - tư. Công tác xã hội hoá thực hiện chính sách ASXH đã mang lại kết quả tích cực: Có 40 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho các huyện nghèo trong giai đoạn 2009 - 2020 với tổng số tiền là 2,1 nghìn tỷ đồng; trong năm 2010, cộng đồng đã đóng góp gần 291 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tặng trên 11.000 nhà tình nghĩa, hơn 16.000 sổ tiết kiệm, 10.274 xã, phường trên toàn quốc làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ; 100% bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được chăm sóc phụng dưỡng đến cuối đời; hơn 90% gia đình người có công có mức sống trung bình trở lên.

Với mục tiêu hình thành nguồn kinh phí đảm bảo thực hiện các chế độ ASXH ổn định, tiến dần đến cân đối, độc lập và không phụ thuộc vào ngân sách nên Nhà nước cũng đã từng bước hoàn chỉnh cơ chế sử dụng quỹ hiệu quả hơn, góp phần bảo toàn quỹ và tăng trưởng quỹ. Nhà nước cho phép các đơn vị quản lý quỹ ASXH được phép thực hiện các nghiệp vụ đầu tư nhằm vừa đảm bảo mục tiêu an toàn, tăng trưởng quỹ vừa góp phần phát triển KT - XH (Xem phụ lục 5).

Để tăng cường hiệu quả đầu tư quỹ, Nhà nước đã từng bước hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn Việt Nam. Ngay khi Luật BHXH có hiệu lực, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 41/2007/QĐ -

TTg ngày 29/03/2007 quy định về quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam. Ngày

12/6/2007, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 58/2007/TT - BTC hướng dẫn quản lý tài chính đối với BHXH Việt Nam. Đây là giải pháp quan trọng của Nhà nước góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tạm thời nhàn rỗi, tận dụng nguồn vốn trong từng thời gian thích hợp.

Có thể nói, Nhà nước đã có vai trò tích cực trong việc thực hiện chính sách ASXH ở Việt Nam trong giai đoạn vừa qua. Nguyên nhân của những thành tựu trong việc thực hiện chính sách ASXH của Nhà nước là do:

Thứ nhất, sự lãnh đạo của Đảng về đảm bảo ASXH ngày càng được đổi mới,

nhận thức về ASXH của Đảng ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn. Xây dựng và thực hiện nền KTTT định hướng XHCN là xu thế khách quan. Nắm bắt được xu thế ấy Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra chủ trương “tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả

cao và bền vững đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội,…cải thiện đời sống của nhân dân (có cuộc sống no đủ, có nhà ở tương đối tốt, có điều kiện thuận

lợi về đi lại, học hành, chữa bệnh, v.v), tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển

cao hơn” [37, tr.80]. Trong đó, Nhà nước tập trung “xây dựng chính sách ASXH đa dạng; phát triển mạnh hệ thống BHXH, BHYT, tiến tới bảo hiểm toàn dân. Đa dạng hoá các loại hình cứu trợ xã hội, tạo việc làm..” [42, tr.102].

Thứ hai, hệ thống chính sách ASXH ngày càng được Nhà nước thể chế hóa

đồng bộ, sát với thực tiễn cuộc sống. Hàng loạt các văn bản có tính pháp lý cao đã được ban hành; nhiều chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai.

Thứ ba, tăng trưởng kinh tế liên tục trong hơn 25 năm qua đã tạo ra tiền đề vật

chất quan trọng cho việc đảm bảo ASXH. Bên cạnh đó Nhà nước còn nhận được sự chia sẻ, tương trợ của cộng đồng, xã hội cũng như sự hỗ trợ, hợp tác của cộng đồng quốc tế.

Thứ tư, nhận thức về quyền, trách nhiệm của người dân về vai trò của ASXH đã

được nâng cao. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự tham gia của người dân và chính sách ASXH đi vào cuộc sống nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Một phần của tài liệu Chính sách an sinh xã hội và vai trò của nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội ở việt nam (Trang 96 - 99)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w