Mọi chính sách ASXH đều có 3 chức năng cơ bản là phòng ngừa, giảm thiểu và
khắc phục rủi ro.
Hiểu theo cách thông thường nhất thì thuật ngữ "rủi ro" có hàm nghĩa là mối đe doạ, là thiệt hại, mất mát, thương vong do những thay đổi tiêu cực gây ra. Rủi ro trong cuộc sống xảy ra với mỗi người rất đa dạng và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Theo quan điểm của Tổ chức Lao động quốc tế và Ngân hàng Thế giới thì những loại rủi ro thường gặp phải nhất đó là: ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động,
bệnh nghề nghiệp, tuổi già, thiên tai bão lụt, hạn hán, dịch bệnh, v.v. Trong số những
rủi ro có thể gặp phải thì có những loại chúng ta có thể dự đoán trước và có loại không dự đoán được, có loại chắc chắn xảy ra, có loại có thể xảy ra. Mức độ tác động của chúng đến con người ở những không gian và thời gian khác nhau là không giống nhau. Có một điều chắc chắn là, mọi người đều có nguy cơ đối mặt với rủi ro trong cuộc sống. Chính vì vậy, chức năng cơ bản của chính sách ASXH là phải bảo vệ, hỗ trợ con người phòng tránh và khắc phục các rủi ro gặp phải trong cuộc sống bằng các biện pháp khác nhau.
Chức năng phòng ngừa rủi ro: Đây là chức năng cơ bản của chính sách ASXH.
Chức năng này nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng phát huy được tiềm năng, có đủ năng lực vật chất cần thiết để đối phó một cách tốt nhất với rủi ro, hạn chế thiệt hại
và tự bảo vệ. Các chính sách cơ bản để thực hiện chức năng này là chính sách thị
trường lao động tích cực, đào tạo nghề; hỗ trợ người tìm việc, tạo việc làm hoặc đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động, v.v.
Về nguyên tắc, việc phòng ngừa rủi ro phải được thực hiện từ xa, ngay từ thời điểm người lao động còn trẻ, còn khả năng lao động dồi dào và phải được thực hiện bằng nhiều chương trình, chính sách dài hạn, có tính tổ chức cao như: BHXH, BHYT, BHTN, v.v. Chẳng hạn, để đảm bảo thu nhập khi người lao động không còn hoặc bị giảm sức lao động, nhà nước cần khuyến khích các thành viên trong xã hội tích luỹ từ khi còn trẻ bằng cách tham gia đóng các loại hình bảo hiểm. Để phòng ngừa những rủi ro về sức khoẻ khi bị rơi vào cảnh bệnh tật, ốm đau phải chữa trị tốn kém, nhà nước khuyến khích các thành viên trong xã hội tích cực tham gia BHYT nhằm chia sẻ gắng nặng tài chính giữa các thành viên trong cộng đồng. Đối với trẻ em mồ côi, trẻ em lang thang, người già, người tàn tật hoà nhập cộng đồng, nhà nước có cơ chế hỗ trợ học văn hoá, học nghề, tạo việc làm khi họ đến tuổi lao động.
Việc thực hiện chức năng phòng ngừa rủi ro của chính sách ASXH cũng chính là một biện pháp nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng tiếp cận được các nguồn lực hoặc duy trì được các nguồn lực để đối phó với rủi ro trong tương lai. Chính vì thế, một số người còn coi chức năng phòng ngừa rủi ro là tầng lưới an sinh thứ nhất để bảo vệ sự an toàn của mọi thành viên trong xã hội.
Chức năng giảm thiểu rủi ro: Trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau cho nên
không phải tất cả các thành viên trong xã hội đều có cơ hội được tầng lưới thứ nhất che chắn và họ vẫn còn nguy cơ lọt qua tầng lưới này. Vì vậy, hệ thống chính sách ASXH phải thiết lập tầng lưới an sinh thứ hai nhằm giảm thiểu thiệt hại cho họ thông qua các chính sách trợ giúp, trợ cấp mang tính ngắn hạn và trực tiếp như: tiếp cận
các dịch vụ khám chữa bệnh, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp khó khăn, v.v.
Chức năng giảm thiểu rủi ro có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống chính sách ASXH. Nội dung quan trọng nhất của chức năng này được thực hiện thông qua việc thiết lập các chính sách, cơ chế nhằm chủ động đối phó rủi ro của người lao động như mở rộng các chế độ BHXH (hưu trí, tử tuất, bệnh tật, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), BHYT, BHTN, v.v. Để thực hiện chức năng này hiệu quả cần có
sự tham gia bảo đảm và quản lý của nhà nước, sự đóng góp, chia sẻ của người tham gia và toàn bộ cộng đồng.
Chức năng khắc phục rủi ro: Chức năng này được xem như là nhóm biện pháp can thiệp cuối cùng - tầng lưới an sinh thứ ba - của hệ thống chính sách ASXH đối
với những người không có cơ hội tham gia vào tầng lưới thứ nhất và thứ hai (hoặc đã tham gia những vẫn lọt lưới vì hậu quả quá lớn). Vì tính chất quan trọng như vậy cho nên, về mặt lý thuyết, tầng lưới này phải được thiết kế chắc chắn, bền vững và không để bất cứ thành viên nào bị lọt lưới. Bởi lẽ, nếu lọt lưới, họ sẽ bị bần cùng hoá và bị gạt ra khỏi xã hội. Nguyên tắc thiết kế các biện pháp này cũng hướng tới bao phủ toàn dân, vào những thành viên xã hội đang gặp rủi ro hoặc gián tiếp chịu hậu quả rủi ro. Việc thực hiện tốt chức năng này còn có ý nghĩa tạo sức bật cho các đối tượng tái hoà nhập cộng đồng.
Chức năng thứ ba này được thực hiện thông qua một loạt các chính sách hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp của nhà nước như trợ cấp xã hội, trợ giúp đặc biệt nhằm đáp ứng những nhu cầu tối thiểu nhất như ăn, chữa bệnh, v.v. Các chính sách và giải pháp mà nhà nước thực hiện có thể là “vô điều kiện” hoặc “có điều kiện”. Bên cạnh hệ thống chính sách, chương trình ở tầm vĩ mô, nhà nước cũng tạo môi trường khuyến khích các hoạt động, các sáng kiến của cộng đồng xã hội vào việc cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, miễn phí cho các đối tượng yếu thế khi bị rơi vào tầng lưới thứ ba này. Tuy nhiên, các chính sách và chương trình khắc phục rủi ro ở tầm vĩ mô thường mang tính chất ngắn hạn và chỉ là “phao cứu sinh” tạm thời với vai trò tạo “sức bật” cho các đối tượng, để họ nhanh chóng hoà nhập cộng đồng.
Việc xác định các chức năng của chính sách ASXH nêu trên chỉ mang tính tương đối, bởi lẽ, giữa các chức năng và chính sách tương ứng có sự đan xen, giao thoa lẫn nhau nên rất khó phân định rành mạch. Nhưng có một điều rõ ràng, giữa chúng có sự hỗ trợ và bổ sung cho nhau, làm cho các chính sách ASXH thực sự là những tầng lưới bảo vệ sự an toàn và là "giá đỡ" cho những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Thực hiện tốt ba chức năng này, nhà nước sẽ bảo vệ được các thành viên trong xã hội không bị rơi vào hoàn cảnh nghèo khổ, bần cùng hoá và bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm quyền sống bình thường của mỗi con người.