sách an sinh xã hội
Độ bao phủ của cả hệ thống chính sách ASXH của nước ta dù đã được Nhà nước mở rộng nhưng so với nhu cầu thực tế thì còn rất thấp và chưa đồng đều giữa các chính sách trong cùng hệ thống. Hiện nay, đối tượng hưởng lợi chính của hệ thống chính sách ASXH chủ yếu là những người đã có việc làm (BHXH, BHYT, BHTN) hoặc những người thuộc diện chính sách xã hội (người già, trẻ mồ côi, người tàn tật, người có công, người bị ảnh hưởng thiên tai..). Người lao động thuộc khu vực phi chính thức (những người không phải thuộc diện làm công, ăn lương) hoặc không thuộc diện chính sách xã hội (nông dân, thợ thủ công, kinh tế cá thể, tư nhân) thì khả năng tiếp cận các dịch vụ ASXH còn gặp nhiều khó khăn và số lượng tham gia còn rất nhỏ so với thực tế. Mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng qua các kết quả điều tra, giám sát của các nhà nghiên cứu và một số cơ quan quản lý nhà nước thì tỷ
lệ đối tuợng là người lao động ngoài khu vực chính thức tham gia BHXH tự nguyện và BHYT tự nguyện khoảng 3,74% [26, tr.247].
Vai trò của Nhà nước trong việc thực hiện chức năng phân phối lại thông qua chính sách ASXH còn chưa rõ. Chẳng hạn, mức tiền lương Nhà nước quy định để làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng thấp so với thu nhập thực tế của người lao động, mức hưởng so với mức đóng thì quá cao (tối đa 75% so với mức đóng). Phương pháp điều chỉnh chế độ ASXH còn bất cập, mức hưởng mặc dù chưa đảm bảo nhu cầu cơ bản nhưng lại "hấp dẫn" người lao động nghỉ hưu sớm, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sự bền vững của quỹ ASXH trong lâu dài. Nhiều chế độ ASXH còn mang tính bao cấp, chưa hướng vào các giải pháp nâng cao khả năng tự chống đỡ của người dân và huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội hoá (Xem phụ lục 7).
Thực tế, nhu cầu tham gia vào các loại hình BHXH và BHYT tự nguyện của người dân là rất cao. Tuy nhiên, do mức đóng góp cao (so với thu nhập thực tế) nhưng chế độ thanh toán, chi trả lại thấp (so với yêu cầu) và hạn chế cho nên các chính sách này chưa hấp dẫn người dân tham gia. Rõ ràng, điều này là mâu thuẫn và không phù hợp với đặc điểm của nền KTTT cũng như xu hướng phát triển của hệ thống ASXH hiện đại là mọi người cần được bảo hiểm và sống trong môi trường xã hội có sự an toàn cao. Theo Báo cáo của Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XII thì đến hết năm 2010, diện bao phủ của BHYT mới chỉ đạt trên 60% dân số. Như vậy, nếu đặt mục tiêu đến năm 2014 thực hiện BHYT toàn dân thì rõ ràng, đây là một nhiệm vụ khó khăn. Diện bao phủ của chính sách TGXH cũng còn thấp, đặc biệt là TGXH thường xuyên chỉ chiếm khoảng 2% dân số, trong khi đó mức bình quân của các nước trong khu vực là khoảng 2,5-3%.
Mức chi trả chế độ còn thấp so với mức sống dân cư và sự biến động của đời sống KT - XH. Chính vì thế, mức thu nhập do các quỹ ASXH bù đắp cho người lao động trong những lúc gặp rủi ro vẫn chưa hỗ trợ được nhiều cho họ vượt qua khó khăn. Bình quân lương hưu của người về hưu vẫn thấp hơn nhiều so với đối tượng khác; mức trợ cấp cơ bản cho đối tượng người có công chỉ cao hơn so với mức lương tối thiểu chung và chỉ bảo đảm được khoảng 60% nhu cầu tối thiểu chung. Trong khi đó, lạm phát và giá cả luôn biến động theo chiều hướng gia tăng và thường xuyên,
nhất là giá các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh...) nên đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người có thu nhập thấp, người nghèo và đối tượng chính sách xã hội.