Đối với việc thực hiện chính sách ASXH thì đảm bảo tài chính ổn định, bền vững là yêu cầu quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, do điều kiện KT - XH của nước ta còn khó khăn cho nên tỷ lệ chi tiêu cho ASXH trong tổng chi tiêu Nhà nước mặc dù có tăng hàng năm nhưng vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Chẳng hạn, tỷ lệ chi ngân sách cho thực hiện chính sách bảo trợ xã hội chỉ chiếm khoảng 0,5% trong khi các nước khác chi khoảng 5% - 7% tổng chi ngân sách nhà nước.
Sự bền vững của các quỹ ASXH mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn quỹ. Nhìn chung, về lâu dài nếu Nhà nước không có các biện pháp phù hợp thì các quỹ BHXH (bắt buộc và tự nguyện), BHTN đều vẫn còn nguy cơ mất cân đối và Nhà nước còn phải tiếp tục hỗ trợ ngân sách cho các loại quỹ này trong nhiều năm nữa (Xem phụ lục 8). Chẳng hạn, số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 1995 tổng quỹ chi chỉ bằng 5,3% tổng quỹ thu được, thì đến năm 2004 tổng quỹ chi đã lên đến 44,7%; năm 2005: 49,3%; năm 2006: 51%; năm 2007: 64% và năm 2008: 70,6% tổng quỹ thu được. Sau 14 năm tổng quỹ chi đã tăng từ 5,3% lên 70,6% so tổng quỹ thu được, bình quân mỗi năm tổng quỹ chi tăng gần 4% so với tổng quỹ thu được. Với tốc độ tăng bình quân này khoảng 5 đến 6 năm nữa thì tổng quỹ chi sẽ bằng tổng quỹ thu được và các năm tiếp sau số chi sẽ lớn hơn số thu, khi đó số chi sẽ phải lấy vào quỹ kết dư hoặc ngân sách nhà nước.
Trong khi ngân sách nhà nước đầu tư cho chính sách ASXH còn khó khăn, thì mức độ xã hội hóa lại chưa cao, tỷ lệ chăm sóc đối tượng dựa vào cộng đồng chưa nhiều, chủ yếu vẫn là nguồn lực của Nhà nước. Nhà nước cũng chưa có cơ chế đủ mạnh và hiệu quả đối với hoạt động đầu tư quỹ ASXH nhằm bảo toàn và tăng trưởng quỹ. Cho đến nay, việc đầu tư vẫn chỉ thực hiện chủ yếu thông qua kênh cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu Chính phủ và cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay. Mặc dù, quỹ BHXH kết dư là tiền đóng góp của người lao động, là nguồn tài chính bảo đảm an sinh lâu dài và phải được Nhà nước bảo đảm nhưng các hình thức đầu tư như hiện nay tỷ lệ lãi suất rất thấp và hiệu quả không cao (Xem phụ lục
9). Căn cứ vào cơ cấu và hiệu quả đầu tư sinh lợi của các quỹ ASXH cho chúng ta
thấy một điều rằng, nếu số tiền lãi hàng năm trừ đi chi phí quản lý bộ máy BHXH thì tỉ lệ lãi đầu tư quỹ còn lại (khoảng 6-7%/năm) so với chỉ số giá tiêu dùng sinh hoạt năm 2008 là 19,89% và năm 2011 là 18,5% thì gần như việc đầu tư quỹ BHXH là tăng trưởng âm.
Cơ cấu đầu tư có xu hướng số cho ngân sách nhà nước vay, mua trái phiếu Chính phủ ngày càng tăng, phần cho các ngân hàng thương mại nhà nước vay với tỷ lệ lãi suất cao hơn ngày một giảm. Cụ thể, quỹ BHXH kết dư cho ngân sách nhà nước vay tăng dần qua các năm: 8.500 tỷ (năm 2008), 20.000 tỷ (năm 2009) và 50.000 tỷ (năm 2010); mua trái phiếu Chính phủ: 22.500 tỷ (năm 2008), 28.500 tỷ (năm 2009) và 34.500 tỷ (năm 2010); các ngân hàng thương mại nhà nước vay: 52.773 tỷ (năm 2008), 46.463 tỷ (năm 2009) và 34.628 tỷ (năm 2010).
Nguyên nhân của hạn chế trên là do Nhà nước chưa có hướng dẫn kịp thời và quy định cụ thể về cơ chế cho các cơ quan quản lý trong việc thực hiện các nghiệp vụ đầu tư quỹ. Quỹ kết dư đã hình thành từ năm 1995, nhưng Chính phủ chưa ban hành văn bản hướng dẫn đầu tư quỹ kết dư an toàn, có hiệu quả để bảo toàn và tăng trưởng quỹ theo luật định. Các cơ quan có liên quan chưa tích cực tìm giải pháp thực hiện các hoạt động đầu tư nhằm bảo toàn và tăng trưởng quỹ BHXH. Hội đồng quản lý quỹ hoạt động kiêm nhiệm, bộ máy quản lý còn chưa tinh gọn, hiệu quả quản lý chưa cao, chi phí vận hành còn cao so với số tiền thu được và tiền sinh lời từ các hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ. Trong khi đó, Nhà nước lại chậm và chưa có nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng này. Đây cũng chính là một nguyên nhân làm ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, quản lý và sử dụng quỹ BHXH nói riêng và ASXH nói chung.
Trong giai đoạn tới, khi mà xu hướng già hoá dân số đang trở thành hiện thực, nhiều vấn đề xã hội mới này sinh, tiền lương, thu nhập và mức sống ngày càng cao thì nhu cầu tăng nguồn lực cho thực hiện chính sách ASXH của Nhà nước sẽ ngày càng tăng. Trong bối cảnh nguồn lực tài chính quốc gia còn khó khăn, hạn chế, cùng với việc cải cách các cơ chế, chính sách về ASXH thì vấn đề tiết kiệm chi phí hành
tài chính phù hợp cho các hoạt động ASXH đã và đang trở thành nhiệm vụ cấp bách
đối với Nhà nước trong những năm tới.
Những hạn chế cơ bản nêu trên trong việc thực hiện chính sách ASXH của Nhà nước bắt nguồn từ một số nguyên nhân chủ yếu như:
Trước hết, là hạn chế về năng lực, quy mô của nền kinh tế nước ta. Mặc dù nền
kinh tế đã có những bước tiến dài, nguồn lực xã hội tăng lên nhanh nhưng với xuất phát điểm thấp cùng với việc thực thi đồng thời nhiều mục tiêu phát triển dẫn đến dàn trải trong đầu tư. Do quy mô của nền kinh tế còn nhỏ nên dẫn đến Nhà nước thiếu các nguồn lực cần thiết cho việc đầu tư vào các chương trình ASXH.
Thứ hai, chính sách thu nhập hiện hành của Nhà nước còn nhiều bất cập. Sự lạc
hậu của chính sách tiền lương và thu nhập trong khu vực chính thức chưa tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước thực hiện chính sách ASXH: 1) Tiền lương trong khu vực chính thức chưa phản ánh được thực trạng thu nhập của khu vực này. Vì thế, một mặt dẫn đến lương hưu của người lao động thấp, đời sống của người nghỉ hưu khó khăn, mặt khác lại tạo ra gánh nặng cho quỹ BHXH, các nguyên tắc của hệ thống ASXH bị vi phạm; 2) Chính sách tiền lương tối thiểu của Nhà nước không phù hợp với nền KTTT dẫn đến nhiều bất cập trong thực hiện chính sách ASXH. Thu nhập của người lao động ngoài khu vực chính thức thấp nên người lao động trong khu vực này không có điều kiện tham gia vào các chương trình ASXH; 3) Hệ thống chính sách về ASXH ở nước ta trong thời kỳ đổi mới chưa được kết nối đầy đủ với các chính sách KT- XH khác cũng là một nguyên nhân làm giảm đi tính hiệu quả của việc thực hiện chính sách.
Thứ ba, nhận thức về chính sách ASXH của người dân dù đã được cải thiện
nhưng vẫn chưa đầy đủ. Do thiếu hệ thống cơ sở lý luận vững chắc về ASXH trong nền KTTT định hướng XHCN cho nên các cơ quan hoạch định và thực thi chính sách còn có sự lúng túng, thiếu đồng bộ, thiếu sự liên kết khi thực hiện chính sách ASXH. Phần đông người lao động và người dân nước ta chưa biết, chưa hiểu đúng và đầy đủ về vai trò, bản chất của các chính sách ASXH cơ bản như: BHXH, BHYT, BHTN, v.v.
Nhận thức về thực hiện chính sách ƯĐXH và chính sách TGXH của cả Nhà nước và người dân còn chưa đầy đủ và bộc lộ nhiều vấn đề cần điều chỉnh: Việc thực
hiện chính sách ƯĐXH đôi khi hoặc là quá nặng về bao cấp hoặc là quá dựa vào phong trào xã hội hoá nên gây ra khó khăn cho bản thân đối tượng thụ hưởng chính sách. Trong khi đó, chính sách TGXH lại bị "thả nổi", mức trợ cấp thấp, ngân sách đầu tư hạn chế dẫn đến mức độ bao phủ rất thấp so với nhu cầu thực tế của người dân. Có thể nói, thực hiện TGXH mới chỉ dừng lại ở quan niệm "lá lành đùm lá rách", "được chăng, hay chớ" chứ chưa phải xuất phát từ trách nhiệm xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu, quyền của đối tượng và bảo đảm an toàn cho mọi thành viên trong xã hội khi gặp rủi ro.
Thứ tư, hệ thống văn bản pháp luật về ASXH còn đang tiếp tục trong quá trình
bổ sung, hoàn thiện: Còn thiếu nhiều bộ luật có liên quan đến ASXH như: Luật ASXH, Luật Việc làm, Luật Tiền lương tối thiểu, v.v. Một số chế độ, chính sách ASXH được quy định nhưng lại chưa phù hợp với thực tế. Các văn bản pháp luật chưa đồng bộ và thiếu hướng dẫn thống nhất trong thực hiện. Mô hình, tổ chức hoạt động, phục vụ và nguồn tài chính đảm bảo ASXH chưa đa dạng. Tính liên thông và hỗ trợ lẫn nhau giữa các hình thức ASXH còn thiếu, các chế tài chưa đủ mạnh để đảm bảo cho các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan được thực hiện nghiêm trong thực tế. Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng nhà nước về ASXH còn chưa hiệu quả và chưa thường xuyên. Sự phối hợp giữa các ngành chủ quản với địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách chưa hiệu quả và chưa có sự phân định rõ ràng. Đội ngũ cán bộ làm công tác ASXH còn thiếu và tính chuyên nghiệp chưa đáp ứng được với đòi hỏi, yêu cầu phát triển của hệ thống ASXH nước ta trong giai đoạn hiện nay. Việc tuân thủ pháp luật về ASXH chưa nghiêm dẫn đến tình trạng trốn tránh nghĩa vụ, gây khó khăn cho các hoạt động hệ thống ASXH.
Kết luận Chương 3
Ở Việt Nam, sự ra đời và phát triển của chính sách ASXH gắn liền với quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước, với truyền thống đạo lý "lá lành đùm giá rách" của dân tộc. Cùng với sự vận động và phát triển của đời sống KT - XH thì chính sách ASXH cũng được Nhà nước đổi mới, hoàn thiện về mục tiêu, nội dung và biện pháp. Giai đoạn vừa quan, thành tựu cơ bản mà Nhà nước đã đạt được trong việc thực hiện
chính sách ASXH là: từng bước hoạch định, triển khai, kiểm tra, giám sát việc thực
hiện chính sách ASXH; diện bao phủ và chế độ ngày càng được mở rộng; đảm bảo nguồn lực tài chính cho thực hiện chính sách ổn định, an toàn và lâu dài. Tuy vậy,
công tác đảm bảo ASXH của Nhà nước cũng còn những hạn chế cần khắc phục như: các chính sách ASXH còn chưa ổn định, đồng bộ và lâu dài; công tác triển khai, kiểm
tra, giám sát việc thực hiện chính sách ASXH chưa hiệu quả; phạm vi bao phủ và mức độ tác động của chính sách ASXH chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tế; sự đầu tư, bảo toàn tài chính cho việc thực hiện chính sách ASXH hiệu quả chưa cao. Vì thế,
trong giai đoạn tới, Nhà nước cần có những giải pháp phù hợp nhằm phát huy hơn nữa vai trò trong việc thực hiện chính sách ASXH ở Việt Nam.
CHƯƠNG 4