Thành tựu trong mở rộng diện bao phủ và nâng cao chất lượng dịch vụ an sinh xã hộ

Một phần của tài liệu Chính sách an sinh xã hội và vai trò của nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội ở việt nam (Trang 91 - 96)

vụ an sinh xã hội

Ở nước ta hiện nay, số lượng đối tượng được tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách ASXH ngày càng được Nhà nước mở rộng, chất lượng cung cấp dịch vụ ASXH từng bước được nâng cao. Chính sách ASXH đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thực hiện công bằng, đồng thuận xã hội, ổn định chính trị, củng cố an ninh, quốc phòng.

Luật BHXH và Luật BHYT hiện hành với các loại hình bắt buộc và tự nguyện đã tạo cơ hội thuận lợi cho người lao động, đặc biệt là lao động trong khu vực phi chính thức tiếp cận với chế độ an sinh cơ bản. Trước đây, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc ban đầu chỉ gồm người lao động trong khu vực nhà nước (công chức và viên chức) thì hiện nay đối tượng, thành phần tham gia BHXH thuộc nhiều loại hình kinh tế khác nhau như: hành chính sự nghiệp, cán bộ xã, phường, doanh nghiệp tư nhân,

doanh nghiệp liên doanh, liên kết, xã viên hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, v.v. (Xem phụ lục 1). Chính việc Nhà nước cho phép mở rộng diện bao phủ của chính sách

ASXH đã tạo sự bình đẳng giữa người lao động ở các thành phần kinh tế khác nhau trong việc tiếp cận dịch vụ ASXH cơ bản.

Với quy định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì Nhà nước cũng có nhiều biện pháp nhằm mở rộng sự tham gia của người lao động vào BHXH tự nguyện. Nhờ có việc Nhà nước mở rộng phạm vi đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã tạo điều kiện cho người lao động một mặt có thể tự do di chuyển, lựa chọn nơi làm việc thuộc

mọi thành phần kinh tế khác nhau, phù hợp với khả năng và nguyện vọng cá nhân, mặt khác vẫn đảm bảo duy trì ổn định các chế độ BHXH cho bản thân họ. Đây là một trong những nhân tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của thị trường lao động, phát huy và sử dụng triệt để nguồn nhân lực xã hội của Đất nước.

Cùng với việc gia tăng số lượng đối tượng thì quyền lợi của người tham gia cũng được Nhà nước mở rộng thêm theo hướng ngày càng thuận lợi và dễ dàng hơn trong việc thụ hưởng dịch vụ ASXH. Người tham gia bảo hiểm được tiếp cận với dịch vụ ASXH ngày càng cao. Các mức thanh toán, chi trả chế độ ASXH rất đa dạng và phù hợp với trình độ phát triển KT - XH của nước ta hiện nay. Để tiến tới giảm dần sự chênh lệch về mức hưởng giữa các đối tượng, Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh mức lương hưu cũng như trợ cấp BHXH trả thay lương. Đồng thời, thông qua việc quy định mức đóng BHXH dựa vào mức lương tối thiểu, Nhà nước đã giải quyết tương quan về lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ và từng bước cải thiện đời sống người về hưu, người hưởng trợ cấp BHXH. Chẳng hạn, theo báo cáo của BHXH Việt Nam, mức lương bình quân chung của tất cả các đối tượng thực tế tham gia đóng BHXH năm 2007 là 1,211 triệu đồng/tháng, năm 2008 là 1,447 triệu đồng/tháng, tăng 19,5%, trong đó: Khu vực hành chính sự nghiệp: năm 2007 mức lương bình quân đóng BHXH là 1,425 triệu đồng/tháng; năm 2008 là 1,681 triệu đồng/tháng, tăng 18%; Cán bộ xã, phường: năm 2007 là 983 nghìn đồng/tháng; năm 2008: 1,149 triệu đồng/ tháng, tăng 16,9%; Doanh nghiệp nhà nước: năm 2007 là 1,291 triệu đồng/tháng; năm 2008: 1,531 triệu đồng/ tháng, tăng 18,6%; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI): năm 2007 là 1,233 triệu đồng/tháng; năm 2008: 1,546 triệu đồng/ tháng, tăng 25,9%; Doanh nghiệp dân doanh: năm 2007 là 901 nghìn đồng/tháng; năm 2008: 1,146 triệu đồng/ tháng, tăng 27,2%. Nhìn chung, các chế độ lương hiện hành đã phần nào khắc phục dần tính bình quân, bao cấp, đồng thời vẫn đảm bảo tính xã hội đó là điều tiết và chia sẻ cộng đồng trong thực hiện chính sách ASXH.

Sau gần 20 năm thực hiện, chính sách BHYT cũng đã đạt được những thành tựu quan trọng. Ðối tượng tham gia BHYT bắt buộc ngày càng được mở rộng. Loại hình BHYT tự nguyện - một giải pháp quá độ tiến tới BHYT toàn dân - cũng phát triển mạnh mẽ, mở rộng đến các đối tượng là nông dân, hội viên các hội quần chúng, các

hộ gia đình và những người ăn theo. Nếu năm 1993 khi bắt đầu triển khai thực hiện chính sách BHYT mới chỉ có khoảng 3,8 triệu người tham gia BHYT, trong đó chủ yếu là BHYT bắt buộc thì đến năm 2010 người tham gia BHYT đã là trên 52 triệu người (chiếm trên 60% dân số cả nước, một số tỉnh đạt 80%. Nhìn chung, số người tham gia và thành phần tham gia BHYT tăng dần qua từng năm (Xem phụ lục 2).

Nhà nước cũng đã điều chỉnh kịp thời về cơ chế, chính sách và chế độ nhằm khuyến khích mọi tầng lớp tham gia BHYT tự nguyện. Nghị định 63/2005/NĐ - CP của Chính phủ được ban hành ngày 16/5/2005 đã quy định "BHYT tự nguyện được

áp dụng đối với mọi đối tượng có nhu cầu tự nguyện tham gia BHYT, kể cả đối tượng đã tham gia BHYT bắt buộc nhưng muốn tham gia BHYT tự nguyện để hưởng mức dịch vụ BHYT cao hơn đối với người tham gia BHYT bắt buộc". Đây là một cơ chế

đặc biệt của Nhà nước nhằm khuyến khích mở rộng BHYT tự nguyện, vừa đảm bảo sự an toàn quỹ và vừa tiến tới thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân vào năm 2014. Đặc biệt, do được Nhà nước cấp thẻ BHYT nên việc tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội có những cải thiện rõ rệt. Số lượt khám chữa bệnh ở người có thẻ BHYT hàng năm thường cao gấp hơn 2 lần so với số lượt khám chữa bệnh trung bình của cả nước. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam thì số lượt khám chữa bệnh ngoại trú trung bình ở những người có thẻ BHYT là 2,4 lần/năm (cả nước là 1,65), số lượt khám chữa bệnh nội trú trung bình ở những người có thẻ BHYT là 0,18 (cả nước là 0,07). Riêng năm 2010 đã có 106 triệu lượt người bệnh có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh, tăng 21% so với năm 2009 với số chi trên 19.300 tỷ đồng (tăng 24% so với năm 2009 và tăng 86% so với năm 2008).

Mạng lưới khám chữa bệnh từ Trung ương đến địa phương được Nhà nước củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động. Tính đến hết năm 2010, cả nước đã có 13.433 cơ sở y tế công lập với gần 200 nghìn giường bệnh; 74 bệnh viện tư nhân với 5.600 giường bệnh. Từ Trung ương đến các tỉnh, huyện đều có các cơ sở y tế làm công tác dự phòng. Hệ thống y tế trải rộng trên cả nước, người dân được chăm sóc sức khỏe ngay từ đầu. BHXH Việt Nam đã ký hợp đồng với các cơ sở khám, chữa bệnh, kể cả cơ sở nhà nước và tư nhân.

Đội ngũ nhân lực y tế từ chưa đầy 2.000 người ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đến nay ngành Y tế đã có hơn 30 vạn người, với đủ các loại hình chuyên môn đạt chất lượng cao, các tiến bộ khoa học kỹ thuật của y học thế giới nhanh chóng được áp dụng trong khám và điều trị bệnh.

Có thể thấy rằng, cùng với mức sống của người dân được cải thiện, kiến thức về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân được nâng cao. Chính sách BHYT đã góp phần quan trọng vào giảm mức chết, gia tăng tuổi thọ của người dân nước ta. Năm 1999 tỷ suất tử vong ở trẻ sơ sinh là 36.7% thì đến năm 2009 đã giảm xuống còn 16%. Tuổi thọ bình quân cũng được nâng lên, năm 2009 đạt 72,8 tuổi, tăng gần 5 tuổi so với 10 năm trước đó. Nếu như so sánh với công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân với các nước trong khu vực thì rõ ràng đây là một thành tựu rất lớn của chính sách y tế nói chung và BHYT nói riêng (Thái Lan: tỷ suất chết trẻ sơ sinh khoảng 17,5%o và tuổi thọ bình quân là 73 tuổi; Malaysia, tỷ suất chết trẻ sơ sinh khoảng 16%o, tuổi thọ bình quân là 73,3 tuổi).

Chính sách ASXH nói chung và BHYT nói riêng ngày càng thể hiện sự công

bằng hơn trong trong thụ hưởng chế độ và giữa các thành phần. Nhà nước tạo điều

kiện tối đa để người dân có thể tiếp cận được những dịch vụ y tế cơ bản. Chẳng hạn, để người nghèo tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế được thuận lợi, Nhà nước còn có thêm chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển bệnh nhân từ tuyến cơ sở lên tuyến trên. Người có BHYT có thể đi khám chữa bệnh ở tất các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, ngoài ra khoảng 60% số trạm y tế xã đã đảm nhận được việc khám, chữa bệnh cho người có BHYT. Bên cạnh đó, hàng trăm cơ sở y tế tư nhân đã tham gia khám, chữa bệnh cho người có BHYT. Có địa phương đã thực hiện khám, chữa bệnh cả ngoài giờ, ngày nghỉ cho đối tượng BHYT. Điều này chứng tỏ tính ưu việt của chính sách BHYT trong việc bảo vệ người có thu nhập thấp, người nghèo, tạo cơ hội tiếp cận đến dịch vụ y tế.

Trong lĩnh vực ƯĐXH, để đảm bảo cuộc sống của đối tượng thuộc diện ƯĐXH, Nhà nước đã duy trì chế độ trợ cấp ưu đãi thường xuyên. Mỗi năm, Nhà nước dành khoảng 18.000 tỷ đồng ngân sách để chi trả chế độ ƯĐXH. Bên cạnh các chế độ ưu đãi về vật chất, Nhà nước còn mở rộng sang các chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, giải quyết việc làm nhà ở, được chăm lo, phụng dưỡng về vật chất và tinh

thần. Điều đáng lưu ý nhất là chế độ trợ cấp hàng tháng của đối tượng ƯĐXH đã từng bước được điều chỉnh phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của điều kiện KT - XH. Mặc dù mức trợ cấp còn thấp nhưng đã thể hiện sự cố gắng của Nhà nước và xã hội trong việc ưu đãi và đảm bảo cuộc sống bình thường của người có công.

Cũng giống như những chính sách ASXH khác, thời gian qua, Nhà nước đã từng bước mở rộng đối tượng được hưởng chế độ TGXH. Kết quả là, đến hết năm 2011, số đối tượng được hưởng chính sách TGXH tăng nhanh từ 480.000 (năm 2006) đối tượng tăng lên 1,673 triệu người, chiếm gần 2% dân số (năm 2011). Trong đó, nhóm người già (từ 85 tuổi trở lên) không có lương hưu và trợ cấp BHXH chiếm tới 43,1%. Nhóm người khuyết tật chiếm 24,5%, người già cô đơn không nơi nương tựa chiếm 9,6%, người tâm thần chiếm khoảng 8,6%, bà mẹ độc thân nuôi con nhỏ chiếm khoảng 7,6%, trẻ em mồ côi 5% và còn lại là các đối tượng khác.

Mức TGXH tăng dần theo khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước và đã được điều chỉnh 3 lần trong giai đoạn 1994 - 2005, từ 24.000 đồng/tháng, lên 45.000 đồng/tháng và lên 65.000 đồng/tháng; năm 2007, mức trợ cấp là 120.000 đồng/tháng; năm 2010, mức trợ cấp tăng lên 180.000 đồng/tháng. Ngoài việc được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định, các đối tượng TGXH thường xuyên còn được cấp thẻ BHYT và hưởng thêm các khoản trợ giúp như: các đối tượng học văn hoá, học nghề

được miễn, giảm học phí, được cấp sách, vở, đồ dùng học tập, khi chết được hỗ trợ kinh phí mai táng, v.v.

Ở Việt Nam, trong các đối tượng của chính sách ASXH thì người nghèo, người ở vùng thiên tai, bão lụt, người tàn tật, nạn nhân chiến tranh, nhóm yếu thế trong xã hội chiếm tỷ lệ cao. Vì thế, Nhà nước xác định đảm bảo ASXH cho các đối tượng này là trọng tâm, trọng điểm mà mọi chính sách ASXH phải hướng đến. Quan điểm, mục tiêu của Nhà nước là “không để dân đói, dân rét và dịch bệnh”, bằng mọi cách, mọi nguồn lực phải cứu trợ kịp thời cho nhân dân để họ vượt qua khó khăn tạm thời, nhanh chóng ổn định cuộc sống và sản xuất. Từ năm 2006 đến 2011, Trung ương đã hỗ trợ địa phương 326.097 tấn gạo và 5.263 tỷ đồng để cứu trợ đột xuất. Các địa phương cũng đã tổ chức huy động ngân sách địa phương, cộng đồng và các nhà hảo tâm hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng.

Phương thức thực hiện chính sách TGXH là Nhà nước và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Nhiều mô hình TGXH thường xuyên, trợ giúp phi chính thức cũng đã được xây dựng phù hợp với nhu cầu ngày càng đa dạng và phong phú của nhiều nhóm đối tượng. Đến nay, cả nước có trên 432 cơ sở bảo trợ xã hội, trong đó có 182 cơ sở công lập; các cơ sở bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng, chăm sóc tập trung 41.423 đối tượng bảo trợ xã hội. Hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội đã phát huy hiệu quả vai trò của mình trong việc tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội.

Một phần của tài liệu Chính sách an sinh xã hội và vai trò của nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội ở việt nam (Trang 91 - 96)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(170 trang)
w