Hoạch định chính sách ASXH ổn định, đồng bộ và lâu dài là mục tiêu của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Ở nước ta, mặc dù Nhà nước đã có nhiều giải pháp nhằm từng bước hoạch định và hoàn thiện chính sách ASXH nhưng quá trình ấy cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế như “tính thống nhất chưa cao, chưa phù hợp với đời sống
Dù đã trải qua hơn 25 năm đổi mới toàn diện nhưng Nhà nước – với tư cách là chủ thể quản lý xã hội - vẫn chưa hoạch định được chiến lược ASXH toàn diện,
thống nhất, lâu dài để làm căn cứ cho việc thực hiện chính sách ASXH trong từng
giai đoạn phát triển. Chính điều này đã làm cho các cơ quan quản lý và địa phương thiếu đi những căn cứ, cơ sở cho việc thể chế hoá nội dung chính sách ASXH thành pháp luật chính xác, tối ưu và đầy đủ.
Tính ổn định và tính dự báo của chính sách ASXH nói chung và trên từng lĩnh
vực cụ thể không cao,“chính sách vừa mới ban hành đã bị thay đổi, sự phát triển đôi
khi không cân đối và thiếu toàn diện, thiếu những dự báo mang tính chiến lược, chưa ưu tiên trong việc giải quyết những vấn đề bức thiết của đời sống xã hội” [45, tr.183].
Nhiều chính sách, chế độ vừa mới ban hành đã có đề xuất bổ sung, huỷ bỏ hoặc tạm dừng triển khai để chờ hướng dẫn mới. Hoạt động xây dựng chính sách ASXH chưa tính toán đầy đủ tới những biến động của đời sống KT - XH trong nước, khu vực và thế giới, xu thế phát triển của các quan hệ xã hội nên chưa có cái nhìn tổng thể, chính sách nhanh bị lạc hậu so với thực tiễn. Trong khi đó, quá trình xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật ASXH của các cơ quan nhà nước thường kéo dài thời gian do phải tiến hành điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng. Chính vì tình trạng này mà nhiều chủ trương, chính sách không được ban hành kịp thời, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến đời sống xã hội, đời sống dân sinh.
Đến nay, dù đã có những bộ phận cơ bản nhưng trong mỗi chính sách ASXH cụ thể của Việt Nam vẫn còn chưa đầy đủ cả về thành phần và chế độ áp dụng như:
Chính sách BHXH chưa thực hiện đầy đủ theo nguyên tắc "đóng - hưởng" mà còn gắn quá với việc điều chỉnh lương hưu với tiền lương tối thiểu và hỗ trợ ngân sách nhà nước; chưa có sự tách bạch giữa khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực doanh nghiệp; chính sách TGXH chưa được thể chế hóa thành luật đầy đủ và vẫn còn nặng về bao cấp, chưa có nhiều biện pháp khuyến khích chăm sóc đối tượng dựa vào cộng đồng, v.v.
Một số chính sách không theo kịp với sự đòi hỏi của quá trình xây dựng nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta hiện nay. Nhà nước vẫn còn để xảy ra tình trạng nhiều chính sách, chế độ ASXH được ban hành nhưng không phù hợp với các điều kiện KT - XH của đất nước, tâm lý, thói quen của người Việt Nam. Một số quy định
thì quá chặt chẽ và quá cao so với mức thu nhập của người dân, một số lại quá dễ dãi và quá thấp so với trình độ phát triển KT - XH.
Các cấu phần của hệ thống ASXH đều đã có văn bản pháp luật quy định, song việc điều chỉnh pháp luật còn manh mún, không đồng bộ, thiếu sự liên kết giữa các chính sách. Bên cạnh đó, những nỗ lực của Nhà nước trong việc xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật về ASXH đã tạo nên một hệ thống văn bản pháp luật dày
đặc, với nhiều loại văn bản có giá trị quy phạm khác nhau, từ luật, pháp lệnh đến
nghị định, quyết định, chỉ thị, thông tư... khiến cho việc áp dụng cũng như tuyên
truyền, phổ biến chính sách, pháp luật gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng người dân không nắm bắt được quyền lợi, nghĩa vụ của mình để chủ động bảo vệ và tích
cực tham gia vào hệ thống ASXH. Các văn bản pháp luật hiện hành chưa thiết lập được một hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác bảo đảm ASXH có hiệu quả; thiếu cơ chế giám sát đánh giá hiệu quả; các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để bảo đảm thực hiện nghiêm túc các chính sách hiện có.
Một số cơ chế, chính sách mới được áp dụng, triển khai (BHXH tự nguyện, BHYT tự nguyện, TGXH đột xuất) nhưng chậm ban hành văn bản hướng dẫn hoặc quy định còn bất cập và chưa hoàn thiện. Nhiều văn bản chứa đựng nội dung lặp lại, sao chép văn bản gốc dẫn đến khó thi hành trong thực tế. Công tác pháp điển hoá chính sách ASXH thành một hệ thống pháp luật thống nhất chưa được Nhà nước quan tâm đúng mức làm cho việc bao quát nội dung về đảm bảo ASXH rất khó khăn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cả công tác xây dựng và hoàn thiện và cả hoạt động kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật ASXH vào cuộc sống.
Sự thiếu ổn định, đồng bộ của chính sách ASXH của Việt Nam bắt nguồn từ cơ chế xây dựng chính sách, pháp luật của Nhà nước vẫn còn nhiều bất hợp lý, chưa được coi trọng đổi mới và hoàn thiện dẫn đến tiến độ xây dựng chính sách, pháp luật chậm, chất lượng chưa cao. Trong khi đó quá trình xây dựng chính sách, pháp luật nói chung của Nhà nước cũng không có sự cân đối giữa các lĩnh vực. Theo đánh giá của một số chuyên gia thì “pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước thường được chú
trọng nhiều hơn so với pháp luật để điều chỉnh các lĩnh vực an sinh của đời sống xã hội; luật nội dung được quan tâm hơn so với luật hình thức” [45, tr.183]. Có thể nói,
mức độ quan tâm, tập trung của Nhà nước cho việc hoạch định chính sách, pháp luật về ASXH chưa tương xứng với đòi hỏi của nhu cầu và thực tiễn phát triển của đời sống dân sinh. Nguyên nhân cơ bản của những yếu kém nêu trên là do Nhà nước
“chưa hoạch định được một chương trình xây dựng pháp luật toàn diện, tổng thể, có tầm nhìn chiến lược; việc đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ pháp luật và công tác nghiên cứu lý luận về pháp luật chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn” [41].