KHỦNG HOẢNG GIA ĐÌNH VÀ VẤN NẠN XÃ HỘI HIỆN NAY

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 136 - 140)

D. Thuyết tam quyền phân lập

KHỦNG HOẢNG GIA ĐÌNH VÀ VẤN NẠN XÃ HỘI HIỆN NAY

CN. Phan Thị Thu Thảo – Khoa Xã hội học

Hiện nay, có rất nhiều hiện tượng xã hội được phản ánh mỗi ngày như phạm pháp, ly hôn, người già neo đơn, trẻ em lang thang, phá thai dưới tuổi vị thành niên, mại dâm…

- Phạm pháp mỗi ngày một tăng và có thể nói rằng nó tăng theo cấp số nhân. Vì vậy, trong kỳ họp lần thứ 10 của Quốc hội khóa XI vấn đề này đã được thảo luận. Thí dụ như đại biểu Nguyễn Ngọc Trân đặt vấn đề: Tại sao trọng án ngày càng nhiều, vụ án ngày càng tăng, phạm nhân tuổi càng trẻ? Đại biểu Nguyễn Đình Lộc băn khoăn với câu hỏi: Tại sao đời sống của chúng ta hiện nay đang lên, ngày càng tốt đẹp, nhưng tội phạm lại ngày càng gia tăng?

- Bên cạnh vấn đề phạm pháp tăng nhanh thì vấn nạn ly hôn cũng tăng theo không kém như Ông Trần Văn Sự, Phó chánh án TAND TPHCM đã cho biết, án ly hôn vẫn chiếm tỉ lệ tăng cao trong các loại án. Toàn ngành TAND TPHCM thụ lý tổng cộng hơn 11.000 vụ án ly hôn (tăng 916 vụ, 15% so với cùng kỳ năm 2010).

- Một vấn nạn nữa cũng không thể không kể đến đó là trẻ em lang thang. Theo thống kê của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em Việt Nam, tính đến tháng Sáu năm nay (2011), cả nước còn khoảng trên 9.000 trẻ em lang thang, giảm khoảng 10.000 trẻ so với tháng 8/2003. Tuy có giảm nhưng với con số này cũng cần phải báo động và cả xã hội phải quan tâm.

- Ngoài vấn nạn trẻ em lang thang thì bên cạnh đó còn có người già bị con cái ruồng bỏ ngày càng phổ biến đã và đang cũng đồng hành trở thành vấn đề cấp bách của xã hội.

- Một vấn nạn khác cũng đang tăng mỗi ngày đó là Việt Nam là một trong 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới, đáng báo động ở đây là có tới 20% người nạo phá thai ở lứa tuổi vị thành niên (báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường phát triển (CGFED) công bố sáng 20/9/2011) Theo Bà Lê Nhâm Tuyết, Giám đốc CGFED, tình trạng nạo phá thai của nữ vị thành niên và thanh niên ở Việt Nam luôn là một thực trạng nhức nhối cho gia đình và xã hội.

Chúng ta hay nói rằng: Sao ngày nay phạm pháp nhiều? Nạo phá thai ở tuổi dưới vị thành niên nhiều hơn ngày trước… tại sao ngày xưa không có những điều này mà bây

giờ lại nhiều vấn nạn phức tạp đến vậy? Phải chăng môi trường xã hội đang dồn dập biến đổi và trong đó cái cũ và cái mới đang còn ở buổi giao thời, mặt tích cực hay tiêu cực vẫn thường xuyên xen kẽ tác động vào những tế bào của xã hội?

Để lý giải cho những điều này cần phải có nhiều cuộc nghiên cứu quy mô của toàn xã hội. Và với gốc độ xã hội học nhìn từ khía cạnh gia đình chúng tôi nhìn nhận rằng:

Ở Việt Nam, từ xưa đến nay gia đình là nơi luôn luôn có một vị trí hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng đất nước vì gia đình là nơi tiếp nhận, kế thừa và chuyển giao những truyền thống tốt đẹp, những giá trị văn hóa của dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chính vì vậy, một khi gia đình ổn định và phát triển nó có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của toàn xã hội. Cho nên lúc sinh thời Chủ tịch Hồ chí Minh từng nói “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, hạt nhân của xã hội là gia đình” (Hồ Chí Minh toàn tập. 1958-1959). Như vậy, gia đình có một vị trí hết sức quan trọng trong trong quá trình phát triển của xã hội.

Trong xã hội truyền thống, giáo dục gia đình được đồng nhất với giao dục xã hội. Gia đình truyền thống nhìn nhận gia đình có một giá trị rất cao. Từ danh dự cá nhân cho đến đời sống vật chất, con người đều hướng vào đó mà hành động. Hành vi cá nhân được coi là mang lại danh dự hay điều xấu cho gia đình. Danh dự hay điều xấu đó không phải là của cá nhân. Thành công của cá nhân mang lại danh dự cho cả gia đình. Vì thế có những trường hợp cá nhân hy sinh tính mạng để bảo vệ uy danh của gia đình. Cũng từ đó họ gắn bó chặt chẽ với gia đình hơn, lo lắng cho hạnh phúc gia đình hơn là chạy theo chủ nghĩa cá nhân.

Và đồng thời, trước đây con người sống trong môi trường làng xã nên mối quan hệ chặt chẽ hơn, hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau. Vì thế mỗi khi xảy ra chuyện gì thì mọi người xung quanh xúm vào giúp đỡ. Chính sự đoàn kết này một phần giúp con người có thêm sức mạnh để khống chế và xua đuổi kẻ ác.

Còn ngày nay khi tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh, lối sống theo kiểu "đèn nhà ai nấy sáng", hàng xóm sát vách cũng không biết mặt nhau; đi cùng với nó là sự phân hóa giàu nghèo, sự lên ngôi của chủ nghĩa vật chất, tính vị kỷ, khiến mọi người chỉ chăm chăm lo cho hạnh phúc của bản thân hoặc gia đình mình.

Gia đình hạt nhân ngày nay không chỉ là kết quả của sự chuyển biến khách quan của xã hội mà nó còn xuất phát từ sự phát triển cao hơn của mỗi cá nhân như làm sao để

sống được tự do hơn thoát khỏi sự lệ thuộc… Vì vậy, ngày nay ngay cả phụ nữ họ cũng đã độc lập về kinh tế và cả tình cảm.

Có thể lý giải cho những điều này rằng: Khủng hoảng gia đình xuất phát từ sự mất dần của những chức năng truyền thống, ở đây yếu tố này không thiết yếu nhưng ngược lại nó có tính trói buộc cao và từ sự yếu đi của dư luận xã hội mang tính phong kiến.

Như trong xã hội nông nghiệp khi gia đình là một đơn vị sản xuất và sức mạnh cơ bắp là công cụ chủ yếu, điều này đi đôi với việc người đàn ông trong nhà là ông chủ kinh tế trong gia đình và cũng đương nhiên rằng họ là người nắm toàn quyền. Phụ nữ trở nên phụ thuộc và chính cái phụ thuộc ấy, họ bằng lòng và chấp nhận -> và có thể nói rằng chính vì lẽ đó mà việc ly hôn ít xảy ra!

Nhưng trong xã hội ngày nay, giữa tư tưởng của nam và nữ đã không đi cùng một nhịp độ vì người nam họ khó có thể bỏ tính gia trưởng, còn phụ nữ với đà phát triển của xã hội đòi hỏi một sự bình đẳng cao hơn, quỹ thời gian họ dành cho gia đình bị thu hẹp lại… và cũng từ đây xung đột và ly dị xảy ra dễ và nhiều hơn khi mà phụ nữ đã có công việc hay một vị trí ngoài xã hội.

Và từ một gia đình đỗ vỡ đã dẫn theo nhiều yếu tố khác kéo theo như: Trẻ em thiếu đi sự yêu thương dẫn đến trẻ em lao vào con đường phạm pháp hay đi lang thang... Có nhiều nguyên nhân dẫn các em vào con đường tội lỗi, mà trước hết đó là trách nhiệm của gia đình. Môi trường gia đình có tác động mạnh mẽ tới sự hình thành nhân cách trẻ em. Đây là môi trường giao tiếp đầu tiên của trẻ; những đứa trẻ lớn lên đều chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sự chăm sóc, giáo dục của gia đình. Đồng thời trong cơ chế thị trường hiện nay, có nhiều người giàu lên một cách nhanh chóng, do mải mê kiếm tiền mà họ đã quên trách nhiệm dạy dỗ con cái và phó mặc cho nhà trường. Có những gia đình vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn, hoặc gia đình "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt", cha mẹ ly thân, ly hôn, do đó con cái không được chăm sóc dạy dỗ chu đáo, thiếu tình thương của cha mẹ, bỏ học, bỏ nhà đi lang thang. Và từ việc trẻ em lang thang, đến việc trẻ em phạm pháp chỉ cách nhau trong gang tấc.

Trẻ em phạm pháp còn do ảnh hưởng từ môi trường xã hội, với sự mọc lên nhan nhản những tụ điểm như karaoke trá hình, các ấn phẩm độc hại, ma tuý, mại dâm... Qua những nghiên cứu về tội phạm trong thanh thiếu niên cho thấy, đây là lứa tuổi có những thay đổi lớn về tâm sinh lý. Từ gia đình bước vào một môi trường xã hội rộng

lớn, nhiều biến động, sự cố với tâm lý bồng bột, đôi khi quá non nớt, thiếu kinh nghiệm nên trẻ em dễ bị kích động, bị kẻ xấu lôi kéo, hình thành những băng nhóm tội phạm. Dù các em sa vào con đường phạm pháp bởi nguyên nhân nào thì cũng phải thấy một điều là sau lưng các em luôn thiếu bóng dáng của sự chăm lo giám sát, sự quan tâm cần thiết của những người thân. Từ những đứa trẻ lang thang trên phố, bởi nghèo đói bất hạnh hay bất mãn cuộc đời, đến những đứa trẻ được nuông chiều, đều có thể do những nguyên nhân tình cờ, ngẫu nhiên hay có ý thức xô đẩy các em đến với con đường phạm pháp như hiện nay.

Một khi gia đình bị khủng hoảng thì đây chính là tiền đề cho những vấn nạn xã hội phát triển. Vì vậy, để giảm đi các vấn nạn xã hội trước tiên phải xuất phát từ yếu tố nuôi dưỡng gia đình. Chính từ điều này mà gia đình hiện nay đang được đặt ra ở vị trí chính sách quốc gia và quan điểm đúng đắn về gia đình đã được khẳng định trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước” được thông qua Đại hội Đảng lần thứ VII (7-1991) “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Các chính sách của nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình ấm no, hòa thuận tiến bộ. Nâng cao ý thức và nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người…”

Gia đình là môi trường đầu tiên tạo nên một nền tảng vững chắc cho xã hội vì đời sống của mỗi cá nhân luôn bắt đầu từ phạm vi gia đình và suốt cuộc đời của mỗi con người gia đình là môi trường quan trọng, là tế bào đa dạng trong một xã hội luôn vận động và phát triển. Cho nên, một khi gia đình không còn là tiền đề vững chắc thì song hành với nó là những vấn nạn xã hội sẽ bắt đầu hình thành và phát triển.

Vì vậy, có thể khẳng định rằng: Khủng hoảng gia đình đi cùng và bằng với vấn nạn xã hội!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Thị Chiêu Nghi, 2011, Giới và dự án phát triển, Nxb Tp.HCM

2. Trần Thị Kim Xuyến, 2002, Gia đình và những vấn đề của gia đình hiện đại, Nxb Thống kê.

3. Nguyễn Thị Hòa, 2007, Giới việc làm và đời sống gia đình, Nxb Khoa học xã hội 4. http://phapluattp.vn

5. http://giadinh.net.vn/ 6. http://vietbao.vn/ 7. http://vssr.org.vn/

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 136 - 140)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)