2. Bức tranh văn hoá Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
2.2 Sự xuất hiện của người Hoa và những nét văn hoá của cộng đồng người Hoa
Hoa
Người Hoa di cư vào nước Việt khi đi lánh nạn nhà Thanh ở Trung Quốc (khi nhà Thanh lật đổ nhà Minh) vào khoảng năm 1680, được chúa Nguyễn cho vào sinh sống ở phía Nam [13; 571]. Đến cuối thế kỷ thứ XVIII, khoảng 1771 nhà Tây Sơn tranh chấp với Nguyễn Ánh ở Cù Lao Phố (Biên Hoà), người Hoa ở vùng này di cư đến Sài Gòn – Chợ Lớn làm cho người Hoa ở đây trở thành cộng đồng người đông đảo.
Sau khi lên ngôi năm 1802, vua Gia Long (Nguyễn Ánh) ban những chỉ dụ tạo điều kiện thuận lợi cho người Hoa làm ăn, sinh sống tại vùng đất phía Nam này như việc nhập quốc tịch cho những người đã định cư lâu, lập bang cho người Hoa theo quê quán đế quản lý, cho phép họ lập các Hội quán đồng hương… [18; 470]. Qua hoạt động giao thương mua bán, sinh hoạt hằng ngày, đến nay cộng đồng này có khoảng 500.000 dân đã để lại những dấu ấn văn hoá nhất định cho vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.
* Việc thành lập hội quán và tín ngưỡng
Mục đích thành lập hội quán của người Hoa lúc bấy giờ là nơi để những người đồng hương gặp nhau trao đổi việc kinh doanh, bàn bạc việc lễ nghĩa, giữ công bằng, phân xử phải trái những mối tranh oan. Hội quán cũng là nơi cho những người đồng hương mới di cư đến chưa có chỗ ở hoặc những thương gia đi buôn gặp nạn, tìm nơi tạm trú chờ tàu về lại Trung Hoa [18; 471]. Đến cuối thế kỷ thứ XVIII đầu XIX, hội quán của người Hoa rải rác khắp Sài Gòn – Chợ Lớn. Có thể kể đến: hội quán của người Minh Hương ở 380 Trần Hưng Đạo Q.5 ngày nay được thành lập năm 1865 [18;475], Tuệ Thành hội quán của người Quảng Đông ở 710 Nguyễn Trãi Q5 ngày nay được xây dựng 1795 [18; 473], Nghĩa An hội quán là trụ sở của người Triều Châu tọa lạc tại 678 Nguyễn Trãi được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVIII [18; 474].
Nét đặc trưng là mỗi hội quán đều có miếu thờ một vị thần linh theo tín ngưỡng của mỗi nhóm người Hoa.
* Lễ hội của người Hoa
Tiếp nối truyền thống lâu đời ở quê cũ, người Hoa ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh dù cộng cư với người Việt nhưng các lễ hội truyền thống của họ vẫn diễn ra đều đặn hằng năm. Điểm nổi bật của lễ hội truyền thống người Hoa là lễ hội nào cũng có sự thờ cúng các thần. Theo quan niệm của người Hoa họ là những vị có công giúp đỡ, bảo vệ, che chở cho người Hoa khi họ đến nơi sinh sống mới bình an, thịnh vượng.
Lễ hội vía bà Thiên Hậu vào ngày 23/03 âm lịch hằng năm.
Bà có tên thật là Mi Châu, sinh ngày 23 tháng 3 (âm lịch) năm Giáp Thân (1044), sống ở Phước Kiến (Trung Quốc). Theo sự tích kể lại thì ngày hôm ấy cha bà là Lâm Tích Khánh cùng hai anh trai đi thuyền chở muối đến Giang Tây, giữa đường gặp bão lớn. Lúc đó bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ nhưng xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Bà dùng răng cắn được chéo áo của cha, hai tay nắm hai anh, giữa lúc đó mẹ kêu gọi bà, ép bà trả lời, bà vừa hở môi trả lời thì sóng cuốn cha đi mất, chỉ cứu được hai anh. Từ đó mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống (Trung Hoa) sắc phong cho bà là "Thiên Hậu Thánh Mẫu" để đề cao lòng hiếu thảo và đức hạnh của bà.
Lễ hội vía Bà Thiên Hậu là một lễ hội lớn và quan trọng của người Hoa. Đêm ngày 22 tháng 3 sẽ diễn ra Lễ tắm Bà. Sáng ngày 23, tổ chức Lễ rước Bà: tượng Bà được đặt vào kiệu do các thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp đẽ diễu qua các đường phố quanh chùa. Theo sau kiệu có thuyền rồng, các tấm bảng đỏ ghi tên các vị thần được thờ phụng trong chùa, các đội múa gồm: múa lân, múa sư tử, múa rồng, các đội nhạc dân tộc. Trong những ngày này, người đi viếng sẽ cúng và nguyện cầu vị nữ thần phù hộ cho họ luôn sống ấm no, hạnh phúc, thịnh vượng. Ngày lễ tạo niềm tin tưởng, sự an ủi và bình an về mặt tâm lý, tinh thần cho những người đi viếng chùa.
Chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa miếu, có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa hiện tọa lạc ở số 710 đường Nguyễn Trãi, Quận 5. Đây là một trong những ngôi chùa miếu có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hiện vật cổ, nơi đây còn mang một giá trị khác, đó không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi qui tụ và tương trợ lẫn nhau của bà con người Việt gốc Hoa.
Một nét độc đáo trong lễ hội văn hoá của người Hoa là các tiết mục múa lân, múa rồng, múa sư tử - những con vật được xem là linh thiêng. Múa lân – sư – rồng là môn nghệ thuật múa dân gian đường phố được biểu diễn trong các dịp lễ hội, đặc biệt là Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu, Tết Nguyên Tiêu.
Múa lân – sư – rồng thể hiện nét đẹp của nghệ thuật dân gian vừa thể hiện tính mỹ thuật và đặc trưng văn hóa vùng. Đôi khi ba loại hình múa này thể hiện riêng rẽ nhưng cũng có lúc phối hợp với nhau, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người xem bởi điệu bộ và cử chỉ, sự uy dũng và cái thần riêng của ba con vật thiêng. Người Hoa tin rằng vào ngày Tết hoặc dịp khai trương, khởi công, sự xuất hiện của các con vật này sẽ mang lại những điều tốt lành, may mắn.
Ngày nay nhiều đội múa lân sư rồng chuyên nghiệp được thành lập, như đội lân Hằng Anh Đường, Nhơn Nghĩa Đường, Ninh Giang Đường, Trung Nghĩa Đường, Phúc Anh Đường… Những đội lân sư rồng này hoạt động rất sôi động và có tổ chức, góp phần vào việc xây dựng nền văn hoá lành mạnh, mang đậm tính dân tộc của văn hoá thành phố.