chống Cộng của bọn phản động quốc tế, những tiểu thuyết tình cảm rẻ tiền, tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết gián điệp cho tới những loại sách tử vi bói toán và cả số lượng lớn sách báo khiêu dâm như Playboy, Penthouse”. [tr.150]
Văn học miền Nam và phần lớn ấn phẩm văn học dịch thời kỳ này ở Nam Việt Nam không được xếp vào dòng chảy văn nghệ dân tộc, trong một thời gian dài. Do vậy, trên từng chiến tuyến của thời điểm lịch sử đặc biệt này, văn học dịch có những cách lý giải khác nhau về sự xuất hiện đa dạng của chúng trên văn đàn. Có một số nhà nghiên cứu sau này, khi viết về dịch thuật giai đoạn này, họ thường chỉ nói đến dòng chính thống hoặc ở miền Bắc Việt Nam, không nói hoặc chỉ nhắc sơ lược về đời sống văn học dịch ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 35 năm từ ngày thống nhất đất nước, vị trí của sinh hoạt văn nghệ ở miền Nam Việt Nam dần dần được nhìn nhận, nhiều công trình nghiên cứu về văn học giai đoạn này dưới cái nhìn mới ra đời.
Thời điểm đó, tại miền đất trù phú của dịch thuật này, dịch giả - nhà nghiên cứu Vũ Đình Lưu đã thừa nhận “Phong trào dịch thuật bành trướng” ngay dòng đầu của công trình
Nghĩ về phong trào dịch thuật ở miền Nam Việt Nam hiện nay. Ông cho rằng sáng tác trong nước ít ỏi không đáp ứng được nhu cầu tình thần của quần chúng, hoặc có chăng cũng không trả lời đúng nhu cầu thực sự của họ. Đó là những lý do người ta dịch và đọc văn phẩm nước ngoài. Ông đưa ra hai nguyên nhân:
- Nguyên nhân nội tại: sáng tác ít ỏi hay sáng tác không thoả mãn được đòi hỏi của người đọc.
- Nguyên nhân ngoại tại: tình trạng chính trị và kinh tế không thuận lợi cho sinh hoạt văn nghệ. [9,12]
Bên cạnh đó, Vũ Đình Lưu còn lý giải vì sao bạn đọc miền Nam chú ý nhiều đến văn phẩm ngoại quốc, mà Hermann Hesse, Erich Maria Remarque và Dostoevski là ví dụ.
Trong “Đôi bạn chân tình”, Hesse đã đưa ra một sắc thái mới của văn nghệ: sự giải toả tâm linh dồn nén để con người thấy lại tâm trạng và cá tính chân xác vẫn bị che lấp vì nền giáo dục và hoàn cảnh gia đình. Thấy lại bản chất chân thực của mình, Goldmund, nhân vật trong tự truyện, tự thực hiện qua cuộc phiêu lưu tình ái vô tiền khoáng hậu và để lại vết chân trên trần thế bằng những tác phẩm nghệ thuật cao siêu.
Remarque, trong truyện “Một thời để yêu và một thời để chết” giãi bày tâm trạng của một thanh niên và một thiếu nữ trong thời chinh chiến: sống vội vã, yêu vội vã, tìm thi vị cuộc đời trong sự sống vội vã trước khi ngã gục tại chiến trường.
Dostoievsky dựng lên bức tranh toàn đồ nước Nga vào thời kỳ chế độ quân chủ suy vi, tinh thần cách mạng đang nhen nhúm và nung nấu lòng người. Con người bị đặt trước những vấn đề lớn lao. Cả một nền móng tin tưởng và sinh sống bị lung lay từ gốc rễ, ảnh hưởng dây chuyền của những đảo lộn xã hội Tây Âu. Qua những sự việc xã hội đó, ngòi bút của Dostoievsky đặt chân vào thâm tâm con người và thâm tâm con người phải bộc lộ hết không giữ được gì bí mật với ông.
[9,13]
Sự lý giải cặn kẽ của Vũ Đình Lưu đã gợi một hướng nhìn nhận về phong trào dịch thuật thời bấy giờ. “Văn chương thiếu cái phong phú cần cho thế hệ mới” [9,14]. Văn học dịch đã đáp ứng được cho tầng lớp bạn đọc mới và trẻ trung này, đây là kiểu “hướng ngoại” trong thưởng thức, trong thông cảm và chia sẻ.
Điều chúng ta có thể nhận thấy là thế kỷ XX, những cuộc thế chiến, nội chiến liên miên nên những khắc khoải, những dằn vặt, những nghi ngờ và mất mát của con người trên thế giới khá tương đồng. Nhân loại đều đang trải qua trong một thế giới mà “Chúa đã chết” (Nietsche), “Con người đã chết” (Fromm) và nhiều khủng hoảng tâm lý, tôn giáo… kéo dài. Người Việt Nam thời bấy giờ cũng mang tâm lý này. Vì vậy, sự tìm kiếm niềm chia sẻ từ những văn phẩm dịch nói lên được tiếng lòng của họ cũng không phải điều xa lạ.
Và vào thời điểm này, việc dịch văn phẩm và đọc văn phẩm phương Tây nổi trội, cách đọc và dịch khá tự do, không bị gò ép. Tác phẩm dịch như một cuộc phiêu lưu tinh thần, nơi đó con người nói chung và tuổi trẻ nói riêng tìm được sẻ chia. Những nỗi đau tinh thần, những giằng xé, những khát vọng để dấn thân hành động… được tìm thấy trong tác phẩm và trong cuộc đời. Sự đồng cảm đó cũng chính là nội dung quan trọng để văn phẩm phương Tây được dịch và ấn hành rộng rãi ở miền Nam Việt Nam.
Như vậy, bên cạnh sáng tác, nghiên cứu lý luận phê bình, văn học dịch đã đóng góp không nhỏ trong quá trình hiện đại hoá nền văn học dân tộc. Một số nhà văn phương Tây được dịch như những hiện tượng ở Nam Việt Nam vào giai đoạn 1954 – 1975 cũng thể hiện sự giao lưu và phát triển nền tư tưởng, học thuật nước nhà.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lại Nguyên Ân (1998), “Vai trò của dịch thuật trong sự hình thành văn xuôi tiếng Việt”,
Văn học nước ngoài, số 1, tr. 209 – 216.
2. Trần Hoài Anh (1999), Lý luận – Phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954 – 1975, Hội nhà văn, Hà Nội.
3. Trương Chính (1960), “Mấy ý nghĩ trong khi dịch tác phẩm văn học”, Nghiên cứu văn học, số 4, tr. 79 – 83.
4. Trương Chính (1960), “Vẫn chuyện dịch”, Nghiên cứu văn học, số 8, tr. 89 – 90.
5. Trần Trọng Đăng Đàn (1991), Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam Việt Nam những năm 1954 – 1975, Nxb Sự thật, Hà Nội.
6. Nguyễn Tiến Dũng (2006), Chủ nghĩa hiện sinh – lịch sử, sự hiện diện ở Việt Nam, Nxb. Tổng hợp Tp.HCM.
7. Huyền Kiêu (1960), “Dịch tác phẩm văn học nước ngoài thế nào cho tốt”, Nghiên cứu văn học, số 3, tr. 74 – 76.
8. Lê Đình Kỵ (1987), Nhìn lại tư tưởng văn nghệ thời Mỹ nguỵ, Nxb. Tp. HCM.
9. Vũ Đình Lưu (1973), “Nghĩ về phong trào dịch thuật ở miền Nam hiện nay”, Văn, số 227, tr.12 – 23.
10.Thích Đức Nhuận (1965), “Phản ứng của trí thức Việt giữa cuộc va chạm ngôn ngữ Đông – Tây”, Vạn Hạnh, số 3, tr. 7 – 13.
11.Thạch Phương, Trần Hữu Tá (1977), Văn hoá, văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ nguỵ, Nxb. Văn hoá, Hà Nội.
12.Thúy Toàn (1999), Không phải của riêng ai, Văn học và Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội.