Lược sử về sự hình thành Thành phố Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 87 - 88)

Lịch sử hình thành thành phố Hồ Chí Minh gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Nam Bộ ngày nay. Vùng đất mới này từ lúc mới khai sinh đã trở thành điểm dừng chân của nhiều cộng đồng tộc người khác nhau, và do vậy đã trở thành vùng mang nhiều sắc thái văn hoá khác nhau.

Vào thời kỳ cổ đại, khu vực nay là thành phố Hồ Chí Minh thuộc đế quốc Phù Nam. Theo nhà sử học Pháp Louis Malleret thì nơi này trước thế kỷ thứ XVI chưa từng tồn tại khu dân cư nào. Đến thế kỷ XVII nơi đây là một làng nhỏ, dân cư thưa thớt mang tên là Prei Nokor, nằm trong khu vực tranh chấp giữa Chân Lạp và Chiêm Thành. Đổi lại sự giúp đỡ của Nguyễn Ánh, năm 1623 vua Chân Lạp là Chey Chettha II cho phép nhà Nguyễn lập trạm thu thuế ở Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Lúc này nơi đây vẫn còn là vùng rừng rậm hoang vắng nhưng đã là nơi qua lại và nghỉ ngơi của thương nhân Việt ở Đàng Trong đi Xiêm La và Cao Miên. Từ hai trạm thu thuế này, nơi đây trở thành trung tâm của khu thị tứ.

Năm 1698, khi những người Việt theo Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược, khẩn hoang xứ Đồng Nai theo lệnh của chúa Nguyễn thì vùng Sài Gòn – Bến Nghé cũng là tụ điểm di dân của họ. Nguyễn Hữu Cảnh thiết lập hai trấn Phiên Trấn (Gia

Định) – Trấn Biên (Biên Hoà) cộng với vùng Sài Gòn – Bến Nghé đã có từ trước, vùng đất phía Nam Việt Nam được mở rộng về mặt hành chính.

Năm 1859, thành Gia Định thất thủ rơi vào tay giặc Pháp. Trong 80 năm thống trị, người Pháp quyết tâm xây dựng Sài Gòn thành một đô thị hoàn toàn mới theo kiểu phương Tây. Dưới bàn tay người Pháp, Sài Gòn đầu thế kỷ thứ XX là một thành phố công nghiệp hiện đại theo kiểu Haussmann ở Paris [13; 572, 573]. Lúc này, Sài Gòn mang hình ảnh của một thành phố tao nhã và sôi động nên nó được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris của phương Đông.

Đến năm 1945, sau 23 ngày độc lập, đất Sài Gòn – Gia Định bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ kéo dài 30 năm. Đến năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá lớn thứ hai của đất nước. Ngày 02/07/1976, Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất đặt lại tên cho vùng Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn là Thành phố Hồ Chí Minh.

Với lịch sử hình thành và phát triển đó đã tạo nên bức tranh văn hoá Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh phong phú, giàu màu sắc và mang những nét đặc thù độc đáo, riêng có.

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 87 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)