CÁI ĐẸP – NGỌN NGUỒN VÀ ĐÍCH ĐẾN CỦA NGHỆ THUẬT

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 53 - 58)

ThS. Trần Nữ Phượng Nhi – Khoa Ngữ Văn

(Đọc “Văn chương, thẩm mĩ và văn hóa”của nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà, Nxb Giáo dục, 2007)

Triết học duy vật biện chứng đã chỉ cho chúng ta con đường nhận thức: Thế giới trực quan sinh động là cơ sở của Tư duy trừu tượng, Tư duy trừu tượng được cụ thể hóa bằng Thực tiễn và được Thực tiễn kiểm chứng trở lại cũng như tác động ngược lại Trực quan sinh động. Thật vậy, mọi nhận thức của con người đều bắt nguồn từ thế giới khách quan. Sự vật, hiện tượng trong đời sống thiên nhiên, xã hội tác động vào giác quan của người nghệ sĩ. Khi ấy cảm hứng thức giấc, cái đẹp xâm chiếm tâm hồn và tác phẩm nghệ thuật ra đời như một sự thổn thức về cái đẹp và cuộc sống. Anđecxen nói: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra”. Người nghệ sĩ chân chính, với thiên chức của mình, luôn phát hiện và tận hiến cho cái đẹp cuộc sống thông qua lăng kính chủ quan. Nên nếu người nghệ sĩ không xúc cảm trước cái đẹp thì không bao giờ có tác phẩm nghệ thuật, như Gamzatốp từng nhận định: “Giống như ngọn lửa bốc lên từ những cành khô, tài năng bắt nguồn từ những tình cảm mạnh mẽ nhất của con người”.

Thật vậy, không phải ngẫu nhiên mà có bức tranh Mùa thu vàng của Levitan, La Joconde

của Léonard de Vinci… hay ở Việt Nam có tranh dân gian Đông Hồ như Hoàng Cầm miêu tả “Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong. Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”…; không thể tự nhiên mà có Những người khốn khổ của Victo Hugo, Truyện Kiều của Nguyễn Du… và càng không thể bỗng dưng xuất hiện những tuyệt phẩm âm nhạc bất tử với thời gian như tác phẩm của Beethoven, Mozart… Chỉ có những xúc cảm chân thật, mãnh liệt về cái đẹp mới tạo nên tuyệt tác như thế. Chế Lan Viên từng đúc kết “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” và Tố Hữu cũng đồng tình: “Thơ chỉ bật ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật tràn đầy”. Như vậy, cái đẹp chính là đối tượng, là cơ sở của nghệ thuật. Vậy thì cái đẹp là gì? Đó là câu hỏi thiết yếu để hiểu và lí giải vì sao cái đẹp là ngọn nguồn của nghệ thuật.

Cái đẹp, lâu nay chúng ta có rất nhiều cách hiểu khác nhau. Cái đẹp là sự hài hòa, cân đối: “Cái đẹp là sự chan hòa, sự phối hợp nhịp nhàng như thế nào đó giữa các phần trong cái tổng thể mà nó tạo thành: sự chan hòa và phối hợp này bao giờ cũng tương ứng với những con số chặt chẽ, những quy tắc và sự sắp xếp mà sự hài hòa, tức là cái nguyên lí tuyệt đối, nguyên lí đầu tiên của tự nhiên, của yêu cầu” (nhà mĩ học Phục hưng Ý

Anbectia Leon Batixta). Mặt khác, cái đẹp còn là từ trong cảm xúc nội tâm con người:

“Cái đẹp không phải là phẩm chất tồn tại trong bản thân sự vật, nó tồn tại chủ yếu trong tâm linh người quan sát chúng, và tâm linh mỗi người thì xem cái đẹp theo mỗi kiểu khác nhau. Cái mà một người có thể coi là xấu thì người khác lại cho là đẹp và mỗi người còn phải giữ quan niệm riêng của mình, đừng để cho nó lệ thuộc vào người khác” (nhà triết học Anh David Hume). Hai cách hiểu trên đều có lý của nó, thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn nhau nhưng không, định nghĩa thứ nhất thừa nhận cơ sở khách quan của cái đẹp, định nghĩa thứ hai thừa nhận yếu tố chủ quan con người trong đánh giá cái đẹp. Rõ ràng một bông hoa đẹp trước hết là vẻ đẹp về hình thức, đẹp ở kết cấu cân đối, hài hòa và màu sắc… Thế nhưng việc công nhận hoa ấy đẹp hay không còn tùy thuộc vào cảm nhận mỗi người, có người cho rằng đẹp vì nó hợp mắt hay gắn với một kỉ niệm, có người cho là xấu vì không thích màu sắc, hình dáng đó… Bấy nhiêu cũng đã cho thấy sự phức tạp trong cách hiểu về cái đẹp. Song ta vẫn còn có thể bắt gặp những định nghĩa khác nữa: “Cái đẹp là cuộc sống; một tồn tại được gọi là đẹp là tồn tại mà trong đó chúng ta nhìn thấy cuộc sống đúng như quan niệm của mình, một đối tượng đẹp là đối tượng chứng tỏ nó mang một cuộc sống hay gợi cho chúng ta ý niệm về cuộc sống” (Tsecnưisepxki) hay cái đẹp là sự cứu rỗi thế giới (dẫn ý Dostoevskij trong tác phẩm Chàng ngốc)… Như vậy, cái đẹp còn được hiểu là những gì mang lại sức sống và sự sống, những gì có giá trị nhân văn đem đến tình Người cho chúng ta. Trong ý nghĩa này, cái đẹp còn bao hàm cả cái đúng và cái tốt. Vì chính cái đúng và tốt mới có thể mang lại hình ảnh sự sống và cứu rỗi thế giới. Chúng ta dễ dàng thấy điều này, ví như hoa tươi bao giờ cũng đẹp và sức sống hơn hoa úa, một câu chuyện hay luôn là câu chuyện có ý nghĩa và giá trị tốt đẹp giúp con người sống tích cực, tiến bộ hơn vươn tới Chân, Thiện, Mĩ… Tuy nhiên cũng cần lưu ý, không phải cái đúng và tốt nào cũng là cái Đẹp. Bởi cái đúng và tốt thường gắn liền với lợi ích nhưng cái lợi ích không đồng nghĩa với cái Đẹp. Bông hoa đẹp vì nó đẹp chứ không phải đợi nó có ích thì mới đẹp. Thuộc tính của cái đẹp là tồn tại khách quan dẫu rằng việc nhìn nhận cái đẹp phụ thuộc vào chủ quan con người. Quan điểm mĩ học Kant đã khẳng định điều đó. Cái đẹp đôi khi chỉ là đẹp chứ không là gì khác. Có lẽ không cần giải thích hay dẫn chứng nhiều thêm cho những ý kiến này bởi tất cả khá rõ ràng và xác lý. Một cách tổng quát hơn, ta có thể hiểu về cái Đẹp như sau: “Cái đẹp là phạm trù chỉ những giá trị thẩm mĩ tồn tại khắp nơi trong thiên nhiên, trong xã hội, ở con người, trong sản phẩm vật chất và tinh thần, trong nghệ thuật” (Lê Ngọc Trà). Từ tất cả những định nghĩa trên, ta có thể đúc kết thành ba điểm: cái

đẹp rất phong phú, nó có mặt ở khắp mọi nơi trong cuộc sống; có cái đẹp cụ thể mà ta có thể cảm nhận bằng mắt thường, có cái đẹp trừu tượng (giá trị tinh thần, thẩm mĩ) mà không phải ai cũng cảm nhận được; cái đẹp vừa có cơ sở tồn tại khách quan vừa phụ thuộc vào chủ thể cảm nhận. Như vậy, ở mọi phương diện, cái đẹp luôn là đối tượng mà con người hướng tới, thụ cảm và khám phá. Nên không có gì là không đúng khi ta nói cái Đẹp là ngọn nguồn của nghệ thuật.

Còn vì sao nói cái Đẹp là đích đến của nghệ thuật. Trước hết, ta cần hiểu nghệ thuật là gì. Đầu tiên, phải nói nghệ thuật là một hoạt động sáng tạo của con người, là sản phẩm đặc biệt của loài người. Đó là việc lao động đầy nghiêm túc, vừa là chỗ bắt đầu những hành trình suy tư, trăn trở về cuộc sống vừa là sự kết thúc, thư giãn, nghỉ ngơi:

“Có công việc làm hẳn có lúc ngừng tay, Có cuộc hành trình, phải có mươi phút nghỉ. Thơ vừa là nghỉ ngơi, vừa là việc đầy lao lực, Thơ vừa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình”

(Thơ ca – Raxun Gam zatốp)

Nghệ thuật quả thật ngoài sự thư giãn, giải tỏa, tâm tình còn là một công việc đầy lao lực như Maiaxcốpxki từng so sánh:

“Nhà thơ phải trả chữ với giá cắt cổ Như khai thác

chất hiếm “radiom” Lấy một gam

phải mất hàng năm lao lực Lấy một chữ

phải mất hàng tấn quặng ngôn từ”

Nên đã là một nhà văn, nhà thơ chân chính, ai cũng phải trách nhiệm với ngòi bút của mình: đó là làm sao để ngôn từ trên mỗi trang viết luôn đúng, hay và đắt. Cũng như trên những bức tranh, họa sĩ phải luôn ý thức nét vẽ của mình sao cho độc đáo hay trên một bài nhạc, nhạc sĩ phải kết hợp được những cung bậc, trường độ nốt nhạc để làm nên những hợp âm, đoạn, khúc hay nhất. Tất cả nhằm một mục đích là tạo nên cái đẹp, cái hay có khả năng rung động lòng người. Bộ phim dở sẽ không có người xem, vở kịch tệ sẽ không còn khán giả. Một tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa bất kì luôn để lại ấn tượng, cảm xúc cho

người thưởng thức (dĩ nhiên còn tùy thuộc vào trình độ thưởng thức của công chúng nhưng ở đây chúng tôi muốn nói đến cái chuẩn bình thường). Thế nên ta không lấy làm khó hiểu khi V.G. Bielinxki – nhà mĩ học Nga nổi tiếng thế giới phát biểu: “Cái đẹp là điều kiện không thể thiếu được của nghệ thuật, nếu thiếu cái đẹp thì không có và không thể có nghệ thuật, đó là một định lý”. Thật vậy, nghệ thuật sẽ không thể là gì khác nếu không là nơi hội tụ và kết tinh của cái đẹp. Cái đẹp ấy đến từ rất nhiều nguồn, nhưng cơ bản là từ trong con tim người nghệ sĩ, trong tiếng nói tình cảm sâu sắc, đa chiều cảm xúc:

“Thơ như bài hát ru, ngây ngất đầu giường thơ bé Như mơ ước mùa xuân, như khát vọng chiến công Tôi yêu thơ và thơ liền hiển hiện,

Thơ đã sinh ra, tình yêu cũng đến cùng. Khi tôi nhỏ, thơ giống như bà mẹ, Tôi lớn lên, thơ lại giống người yêu. Chăm sóc tuổi già, thơ sẽ là con gái, Lúc từ giã cõi đời, kỉ niệm hóa thơ lưu”.

(Thơ ca – Raxun Gam zatốp)

Nghệ thuật rất gần gũi với con người, nó được sinh ra và lớn lên cùng với tình yêu, lúc dịu dàng và thân ái, lúc bay cao bay xa chắp cánh cho những ước mơ, khát vọng và cái đẹp thăng hoa:

“Có lúc thơ như trái núi cao không thể với tới. Có lúc thành cánh chim sà đậu xuống lòng tay. Thơ như đôi cánh nâng tôi bay”

(Thơ ca – Raxun Gam zatốp, Đaghextan của tôi, quyển I, Nxb Cầu Vồng, Mátxcơva, 1984, tr.149, bản dịch của Phan Hồng Giang và Bằng Việt)

Thật vậy, không ở đâu ta thấy tỉ lệ cái đẹp nhiều như trong nghệ thuật. Bởi nghệ thuật đương nhiên là một hoạt động thẩm mĩ cao. Một chiếc ghế, cái bàn làm có xấu cũng là được gọi là bàn, ghế nhưng một văn bản, bức tranh không đẹp thì không đủ chuẩn để thành tác phẩm nghệ thuật. Ngay cả khi người nghệ sĩ thể hiện những điều xấu xa, tồi tệ nhất (như trong Những người khốn khổ), nét đẹp cũng ngập tràn tác phẩm. Có những giọt mật được chiết xuất từ quả đắng, những viên ngọc được phát hiện từ những rãnh bùn đen, người nghệ sĩ luôn là người tìm kiếm và thể hiện cái đẹp ở cõi đời bất tận này. Nguyễn

Đình Thi có lần phát biểu:“Nói đến nghệ thuật là nói đến sự cao cả của tâm hồn. Đẹp tức là một cái gì cao cả. Đã nói đẹp là nói cao cả. Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả”. Nghệ thuật vì thế muôn đời luôn tôn vinh và ca ngợi cái đẹp - từ cái đẹp vật chất đơn giản đến cái đẹp tinh thần phức tạp trong đời sống xã hội con người. Tất cả những điều này giúp ta khẳng định không chút ngờ vực: cái đẹp là đích đến của nghệ thuật. “Tác phẩm nghệ thuật chính là nơi hội tụ cái đẹp của cái đẹp cuộc đời” (Lê Ngọc Trà).

Như vậy, cái đẹp là ngọn nguồn và đích đến của nghệ thuật. Đó cũng là một định lí. Hiểu tất cả những điều này giúp cho ta ý thức hơn khi bước chân vào mảnh đất của nghệ thuật. Là những người nghiên cứu văn chương, chúng ta hãy luôn tìm tòi và phát hiện cái đẹp cũng như hãy chân thành, trung thực ca ngợi vẻ đẹp ở đời bởi chỉ có cái đẹp thật sự mới tồn tại vững chắc với thời gian:

“Là tất cả, thơ ơi chỉ trừ không chịu yên tĩnh! Tôi nguyện suốt đời trung thực sống cho thơ…”

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 53 - 58)