HỒNG NHAN HỌA THỦY

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 70 - 75)

Luật sư Nguyễn Văn Nhi – Phòng Quản lý Đào tạo

Theo quan niệm của người xưa, con người có bốn tai họa lớn nhất là thủy, hỏa, đạo, tặc. Thủy là lụt lội hồng thủy, sóng thần; Hỏa là cháy, thiêu đốt hết nhà cửa, rừng cây, sinh mạng; Đạo là trộm cướp, cướp của giết người; Tặc là giặc giã cướp bóc… Trong bốn tai họa trên thì thủy đứng đầu. Tai họa do nước gây ra làm chết hàng ngàn người, tài sản thiệt hại tính hàng tỉ đô la như mấy trận bão lụt càn quét mấy tiểu bang Mỹ, bão lụt kém sóng thần tại Nhật vừa qua…

Sự kinh hoàng và thiệt hại do bão lụt gây ra được tính tương đương với sự tác hại của nhan sắc của người phụ nữ: “Hồng nhan họa thủy”.

Người phụ nữ được gọi là phái yếu, nhưng ông trời có mắt, để bù vào sự yếu đuối trời lại lại ban cho người phụ nữ sắc đẹp để chế ngự phái mạnh, sắc đẹp vô tình đôi khi cũng gây ra tai họa, còn nếu chí tình sử dụng sắc đẹp làm vũ khí thì tai họa khôn lường. “Nhi nữ thường tình, anh hùng khí đoản”, “Anh hùng nan quá mỹ nhân quan”, “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách, sắc bất ba đào dị nịch nhân”…

Sắc đẹp khuynh đảo triều chính làm sụp đổ bao vương triều, rối loạn xã tắc. Sự tác hại của sắc đẹp đã có nhiều người nghiên cứu, ở đây chúng tôi chỉ bàn về sự bất hạnh của sắc đẹp xảy ra cho chính người đẹp mà thô.

Mở đầu truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã viết: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Cụ Nguyễn Du đưa ra thuyết tài mệnh tương đố, người có tài thì sẽ bạc mệnh, tài ở đây phải hiểu là tài sắc, tức là người đẹp thì bạc mệnh hoặc vất vả, truân chuyên.

Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc, cụ Đặng Trần Côn cũng viết: “Thiên địa phong trần, hồng nhan đa truân” mà bà Đoàn Thị Điểm dịch là: “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi, khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên”, hay mở đầu cuốn Cung Oán Ngâm Khúc, cụ Nguyễn Gia Thiều cũng viết: “Trải phách quế gió vàng hiu hắt/ Mãnh vũ y lạnh ngắt như đồng/ Xá chi những khách tiêu phòng/ Mà xui mệnh bạc nằm trong má đào”. Vậy thì mỗi người đẹp bao giờ cũng vất vả hoặc bạc mệnh. “Giai nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.

Ngoài bạc mệnh thì người đẹp bao giờ cũng chỉ là phi thôi chứ chẳng bao giờ là hậu được. Ngay cả bốn người đẹp nổi tiếng của Trung Hoa ngày xưa là Trần ngư (Tây

Thi), Lạc nhạn (Chiêu Quân), Bế nguyệt (Điêu Thuyền), Tu hoa (Dương Quí Phi) cũng chỉ là thứ phi chứ có ai là hậu đâu. Đành rằng trong cuộc sống cũng có giai đoạn cực kỳ sung sướng, quyền lực nhưng kết cục thường là bất hạnh. Chúng ta ta thử điểm qua cuộc đời của tứ đại giai nhân Trung Quốc xem sao?

Trầm ngư - Tây Thi

Tây Thi sống vào thời Xuân Thu chiến quốc, tên là Thi Di Quang, dệt vải ở núi Lữ Tra. Lữ Tra có hai thôn: thôn Đông và thôn Tây, Thi Di Quang ở thôn Tây nên gọi là Tây Thi.

Thời đó vua nước Việt là Việt Vương Câu Tiễn bị vua nước Ngô là Ngô Phù Sai đánh chiếm, vợ chồng Câu Tiễn phải sang nước Ngô làm con tin và hầu hạ Ngô Phù Sai rất là cực khổ, mưu thần của Câu Tiễn là Văn Chủng và Phạm Lãi sử dụng mỹ nhân kế để lung lạc tinh thần Ngô Phù Sai nên đã tìm khắp nước Việt và gặp được tuyệt thế giai nhân Tây Thi. Hằng ngày Tây Thi ra suối giặt lụa, bóng nàng in xuống nước, cá đang bơi dưới nước thấy bóng nàng đẹp quá chìm xuống không bơi được nữa, nên sắc đẹp của nàng được gọi là Trầm ngư.

Sau khi Tây Thi được Phạm Lãi đem dâng cho vua nước Ngô là Ngô Phù Sai thì Phù Sai cũng mê mệt tâm thần, xây dựng bao nhiêu lâu đài cho chàng ngự, tiêu tốn công quĩ, suốt ngày quanh quẩn bên nàng, sao nhãng việc trị nước khiến Câu Tiễn có dịp phục thù chiếm nước Ngô, lấy lại nước Việt. Cái công của Tây Thi ngoài việc mê đắm Ngô Phù Sai, còn ở chỗ xúi giục Ngô Phù Sai thả Việt Vương Câu Tiễn về nước khiến Câu Tiễn có dịp chiêu mộ binh mã để báo thù.

Sau khi hoàn thành mỹ nhân kế thì cuộc đời Tây Thi vẫn còn là bí ẩn. Tựu trung có 3 giả thuyết chính sau đây:

1. Tây Thi về quê sống ẩn dật

2. Tây Thi trầm mình xuống sông chết

3. Sau khi thắng Ngô Phù Sai, Phạm Lãi từ bỏ hết quan tước, đi tìm Tây Thi, hai người trốn về vùng núi Thái Hồ, nơi phong cảnh hữu tình rồi cả hai mất tích. Có một thuyết nữa nói rằng sau khi thắng Ngô Phù Sai, Tây thi bị giết chết vì người ta sợ rằng Tây Thi lung lạc được Phù Sai thì cũng lung lạc được Câu Tiễn.

Lạc nhạn – Vương Chiêu Quân

Dưới triều Hán Nguyên Đế (Tây Hán) số cung phi quá đông, vua không thể biết mặt hết, nên sai họa sĩ Mao Diên Thọ vẽ hình các cung phi để vua tuyển chọn người kề cận, các cung phi thường hối lộ Mao Diên Thọ để được vẽ hình đẹp, hy vọng vua để ý. Vương Chiêu Quân không chịu hối lộ nên không được vua biết đến, sau Vương Chính Quân tình cờ nghe tiếng đàn của nàng, tìm gặp, thấy nàng là người tài sắc đã dẫn nàng ra mắt Hán Nguyên Đế. Vua sau khi gặp Chiêu Quân đã mê mệt trước sắc đẹp của nàng và phong nàng làm Tây Phi, đồng thời khiển trách Mao Diên Thọ.

Mao Diên Thọ oán hận Chiêu Quân nên đem chân dung Chiêu Quân dâng cho vua Hung Nô là Hồ Hán Tà, vua Hung Nô mới thấy chân dung của Chiêu Quân đã say đắm nàng và cất quân đáng Hán Nguyên Đế, buộc vua Hán phải cống nạp Chiêu Quân, trước sức mạnh quân sự của vua Hung Nô, buộc lòng Hán Nguyên Đế phải dâng nạp người đẹp cho vua Hung Nô.

Khi người đẹp và đoàn tùy tùng đi tới biên ải, Chiêu Quân buồn vì vận mệnh, xa quê, xa vua, xa nhà… nàng đã gẩy đàn cho với bớt sầu thương, vô tình có những con chim nhạn nghe tiếng đàn u oán của một tuyệt sắc giai nhân nên đã sa xuống đất không bay được nữa, do đó sắc đẹp của nàng được gọi là sắc đẹp chim sa.

Tiếng đàn của Chiêu Quân đã được cụ Nguyễn Du tả trong truyện Kiều: “Quá quan này khúc Chiêu Quân/ Nửa phần nhớ chúa, nửa phần thương cha/ Trong như tiếng hạc bay qua…”

Cuộc đời Vương Chiêu Quân có ba giả thuyết sau đây:

1. Đến Nhan Môn Quan, Chiêu Quân gieo mình xuống sông tự tử

2. Tới đất Hồ, Chiêu Quân yêu cầu vua Hồ giết gian thần Mao Diên Thọ rồi nhảy xuống sông tự tử để xác trôi về đất Trung Nguyên.

3. Thuyết thứ ba cho rằng Chiêu Quân sống với vua Hồ một thời gian thì Hồ Hán Tà chết, và theo tục nước này, khi vua cha chết, các phi tần của vua cha thuộc về người con được lên kế vị.

Bế Nguyệt- Vương Điêu Thuyền

Theo Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung thì Điêu Thuyền làm con nuôi của quan tư đồ Vương Doãn, lúc đó vua Hán bị cường thần Đồng Trác lộng quyền, Đổng Trác tước vị Thái sư vào triều được phép mang gươm, không phải quì lạy, lấn át quyền vua, muốn giết ai cũng được, các quan trong triều rất bất mãn, muốn trừ Đổng

Trác nhưng không được vì Đồng Trác nắm hết binh quyền, có mưu sĩ là Lý Nhu (con rể), võ tướng là Lữ Bố (con nuôi). Lữ Bố sức địch muôn người không ai đánh lại.

Để loại trừ Đổng Trác, quan tư đồ Vương Doãn đã lợi dụng sắc đẹp của Điêu Thuyền đề áp dụng liên hoàn kế gồm kế Khích tướng (nói khích Lữ Bố), kế Ly gián (dùng Điêu Thuyền ly gián giữa Lữ Bố và Đổng Trác), kế Mỹ nhân, với sắc đẹp của của Điêu Thuyền nói gì Lữ Bố và Đổng Trác đều nghe, cuối cùng Lữ Bố đã giết chết Đổng Trác ngay giữa triều đình.

Điêu Thuyền là một tuyệt sắc giai nhân lại múa hát hay, đêm thu nàng ra vườn hoa ngắm trăng, chị Hằng thấy nàng đẹp quá phải ẩn mình vào đám mây nên mới có từ: Điêu Thuyền Bế nguyệt. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Sau khi Lữ Bố giết Đổng Trác thì được kết hôn với Điêu Thuyền (lúc đó Lữ Bố đã có vợ). Hai người sống với nhau cho tới lúc Lữ Bố thất thủ thành Hạ Bì bị Tào Tháo bắt đem chém tại pháp trường, còn Điêu Thuyền chạy giặc trong đám loạn quân.

Tu hoa- Dương Quí Phi

Dương Quý Phi tên là Dương Ngọc Hoàn, vốn là con dâu của Đường Huyền Tông (tức Đường Minh Hoàng).

Trước khi gặp Dương Quý Phi, Đường Minh Hoàng rất say đắm Vũ Huệ Phi, sau Vũ Huệ Phi chết khiến Đường Minh Hoàng rất sầu khổ, bỏ bê triều chính, vua cho lập đàn Tập Linh để lo hương khói, nên Ngọc Hoàn phải làm sãi chùa với đạo hiệu là Thái Chân.

Một hôm Đường Minh Hoàng ghé qua Tập Linh đài thấy sãi Thái Chân có một sắc đẹp mê hồn, bèn cho rước nàng về phong làm Vương phi, ngày đêm quấn quýt bên người đẹp và quên người xưa là Vũ Huệ Phi.

Khi gặp Dương Quý Phi thì đường Minh Hoàng đã 50 tuổi, trong khi Dương Quý Phi còn quá trẻ, nên trong cuộc sống tình cảm lứa đôi đôi khi cũng có những đợt sóng tình âm ỉ, trong những cuộc tình vụng trộm người ta nói nhiều nhất đến cuộc tình với An Lộc Sơn. An Lộc Sơn vốn là một tướng người dân tộc ngoài biên ải, được tin dùng tại triều đình, được vua Đường nhận làm con nuôi. Mặc dù An Lộc Sơn hơn Dương Quý Phi 16 tuổi, với danh nghĩa mẹ con nên An Lộc sơn và Dương Quý Phi có nhiều dịp gặp nhau…

Mặc dù sống trên nhung lụa nhưng bị phong tỏa bởi luật lệ của triều đình nên người đẹp đôi khi ra vườn tâm sự với hoa. Có lần nàng ve vuốt những bông hoa đường

tươi nở bỗng hoa cụp lại (một loại hoa mắc cỡ). Cung phi theo hầu phao lên rằng hoa thấy Dương Quý Phi đẹp quá nên đã thu hình lại (thu hoa) nên Dương Quý Phi được mệnh danh là tu hoa hoặc thu hoa.

Vì Dương Quý Phi được Đường Minh Hoàng yêu chiều cực kì nên anh ruột nàng được phong làm thừa tướng phú quý tột đỉnh, trong khi đó An Lộc Sơn cũng được vua tin dùng cho nằm binh quyền trong tay.

Dương thừa tướng có ý định khuynh đảo, cướp ngôi vua nên tâu vua đày An Lộc Sơn ra biên ải. An Lộc Sơn lấy cớ kéo quân về kinh đô diệt gian thần là Dương thừa tướng. Quân An Lộc Sơn tiến vào kinh thành như vũ bão, không ai ngăn được. Triều đình phải rời kinh đô chạy giặc, tướng sĩ rất cực khổ nên họ bất mãn, họ cho rằng trong khi tướng sĩ thiếu thốn thì gia đình anh em Dương Quý Phi vẫn đầy đủ sung sướng và nguyên nhân của trận giặc này là do anh em Dương Quý Phi gây ra, tướng sĩ yêu cầu nhà vua phải giết Dương Quí Phi thì họ mới chịu đánh giặc. Trước tính hình nguy kịch, Đường Minh Hoàng buộc phải cho thắt cổ Dương Quý Phi tại Mã Ngôi. Lúc đó nàng 36 tuổi.

Vì tình thế cấp bách nên sau khi Dương Quý Phi chết, thi hài nàng được chôn cất bên vệ đường. Dư luận dân gian đồn rằng: có một người tên là Mai Ân rất say mê sắc đẹp của Dương Quý Phi đã đào mả Dương Quý Phi lên để làm tình với xác chết. Sau đó Mai Ân bị mắc một căn bệnh lạ chưa từng thấy. Do đó dân gian lấy họ của Mai Ân và Dương Quý Phi để đặt tên cho căn bệnh lạ này là bệng Dương Mai.

Sắc đẹp của tứ đại giai nhân lúc bấy giờ còn được nhắc đến khi ai đó có sắc đẹp chim sa cá lặn tức là ví đẹp ngang với Chiêu Quân, Tây Thi; nếu nói có sắc đẹp hoa nhường, nguyệt thẹn là đẹp ngang Dương Quý Phi, Điêu Thuyền.

Tóm lại, sắc đẹp có khi là vô tình, có khi là cố ý, là một mối nguy hiểm cho sơn hà xã tắc, nhưng chính cuộc đời của người đẹp có khi cũng chẳng ra gì, nhiều khi còn là tai họa cho mình nữa. Câu Hồng nhan họa thủy có thể áp dụng cho cả hai trường hợp.

Có một triết nhân nói rằng: vợ đẹp giống như thành yếu, dễ lấy mà khó giữ (thực ra thì chẳng dễ lấy đâu nhưng thực là khó giữ).

Một triết nhân khác lại nói: những người đàn bà đẹp chỉ lấy được những người chồng tầm thường vì những người đàn ông khôn ngoan không ai lấy vợ đẹp cả.

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 70 - 75)