Người Việt và văn hoá Việt

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 88 - 90)

2. Bức tranh văn hoá Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

2.1 Người Việt và văn hoá Việt

Người Việt là cộng đồng người xuất hiện đầu tiên ở Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung, họ đi theo Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh khai phá. Họ là những lớp cư dân từ miền Bắc, miền Trung với những nguồn gốc xã hội khác nhau. Một số người là tù nhân, tội đồ, bị nhà nước phong kiến đưa vào khai hoang ở các đồn điền miền Nam. Một số người là giang hồ, dân nghèo đi biệt xứ tha phương, họ tìm đến vùng đất này như một cơ hội sống mới. Một số người lại là quan lại, binh lính được đưa vào đây để khai phá vùng đất mới rồi họ ở lại [16; 269]. Dù khởi nguyên của họ là ở đâu thì hành trang của người Việt mang theo không phải chỉ có vật dụng, tư liệu sản xuất, người thân… mà còn là vốn văn hoá trong tiềm thức của họ. Vốn văn hoá này của vùng châu thổ sông Hồng, duyên hải miền Trung dần biến đổi do quá trình thích nghi với môi trường tự nhiên và điều kiện sống mới.

Có thể nói người Việt là tộc người chủ thể đóng vai trò quyết định sự hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn nói riêng và Nam Bộ nói chung.

* Lễ hội của người Việt

Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hoá rất phổ biến ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, lễ hội diễn ra ở đây tổng hợp nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá khác nhau như: tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán… “Lễ” được xem là phần thiêng được thể hiện qua các nghi thức cúng tế. Hoạt động này gắn liền với nhu cầu tinh thần mang màu sắc tâm linh, thiêng liêng, như lễ cưới, lễ giỗ tổ... “Hội” là các sinh hoạt cộng đồng mang tính chất vui vẻ vì nhu cầu tinh thần của những người tham gia lễ hội như hội múa lân [14; 324].

Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh hằng năm diễn ra nhiều lễ hội khác nhau cho thấy đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần của người Việt phong phú và đa dạng, đồng thời cũng cho thấy một tâm hồn người Việt luôn hướng về niềm tin, về sự linh thiêng. Bên cạnh các lễ hội dân gian có từ lâu đời, ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh còn có các lễ hội văn hoá hiện đại rất đặc trưng của một thành phố công nghiệp và thương mại.

* Lễ hội dân gian ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh có thể kể đến các lễ hội thờ tổ nghiệp các ngành nghề truyền thống khác nhau như giỗ tổ nghề kim hoàn (thợ bạc) diễn ra từ ngày 06 – 09 tháng 02 âm lịch hằng năm ở Lệ Châu hội quán tọa lạc tại số 586 đường Trần Hưng Đạo Q. 5 ngày nay [14;330]. Hay lễ hội thờ cúng cá voi của ngư dân biển Cần Giờ diễn ra vào ngày 18 tháng 06 âm lịch hằng năm [14; 336].

Ngoài ra, lễ hội dân gian ở đây còn diễn ra phong phú với các ngày lễ thờ cúng các nhân vật lịch sử, các anh hùng dân tộc. Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay có khoảng gần 300 ngôi đình, 30 ngôi đền và 10 lăng [14; 326]. Trong hệ thống thiết chế tín ngưỡng đó, mỗi địa danh dùng để thờ phụng các nhân vật lịch sử và tổ chức lễ hội cúng tế. Các nhân vật được thờ ở các ngôi đình chủ yếu là các danh nhân do những người lưu dân mang tín ngưỡng đó từ quê hương vào. Như đền thờ Trần triều hiển thánh Hưng Đạo Đại Vương (số 7 đường Võ Thị Sáu), đền thờ các vua Hùng (tọa lạc trong khuôn viên Thảo Cầm Viên)…

* Lễ hội hiện đại trong năm ở thành phố Hồ Chí Minh cũng diễn ra rất phong phú và sôi động. Đây là dạng lễ hội nối tiếp lễ hội truyền thống có từ lâu đời của người Việt. Những ngày lễ hội này xuất hiện và phát triển mạnh mẽ ngay sau ngày miền Nam giải phóng 30/04/1975 nhằm chào mừng đất nước giải phóng, mừng hoà bình thống nhất đất nước. Tiếp theo đó là những ngày lễ hội kỷ niệm các sự kiện lớn của đất nước cũng được người dân thành phố chào đón, như ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02,

ngày Cách mạng Tháng Tám 19/8, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12… Hay ngày sinh của các nhân vật lịch sử: chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ tịch Tôn Đức Thắng…

Điểm qua sơ bộ các lễ hội văn hoá dân gian và hiện đại ở Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh cho thấy sức sống căng tràn của vùng đất này qua những hoạt động văn hoá phong phú và đa dạng của người Việt.

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 88 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)