Một số nhận xét

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 38 - 41)

3.1. Kết quả đối chứng cho thấy rằng: chỉ có một type (A – T) tương thích thuộc tiểu nhóm loài chim – type 231, có bảy type tương thích thuộc tiểu nhóm thú hoang với thú nhà (từ type 100 đến type 149) và tiểu nhóm con người và thú hoang (từ type 150 đến type 199). 22 type còn lại – chiếm 73% thuộc tiểu nhóm loài thú hoang (từ type 1 đến type 99). Trong phần tiểu nhóm này, Thompson lai chia thêm cấp độ nữa: từ type 1 đến type 69 có tên gọi là Con cáo (đôi khi là cho rừng) = động vật thông minh. Như vậy, có thể ngầm hiểu rằng các type có số thứ tự từ 1 đến 69 là thuộc type con vật thông minh. Kết quả đối chứng cho thấy rằng có 20/30 type truyện của Việt Nam thuộc nhóm này – chiếm 67%. Như chúng ta đã biết “điển hình nhất trong những chuyện về con vật thông minh là hệ thống truyện thỏ của người Việt và của các dân tộc ít người trên đất nước ta”. [8, tr 93]. Nhận định này có sự trùng khít với kết quả đối chứng của chúng tôi.

3.2. Thường thì mỗi type truyện Việt Nam tương thích với một type trong bảng tra cứu A – T. Nhưng cũng có khi, một type truyện của Việt Nam tương thích với 2 type truyện trong bảng tra cứu A – T. Ngoại lệ, còn có trường hợp một type truyện của Việt Nam tương thích với 3, 4, 5, 6 type truyện trong bảng tra cứu A – T. Đó là trường hợp các cốt truyện Thỏ Rơ pai (Cà tu), Thỏ và hổ (Ê đê), Thỏ đánh lừa cá sấu (Ê đê), Cáo và châu chấu (Lô lô), Chuyện con thỏ ranh mãnh (Xê đăng). Đây là các cốt truyện có dung

lượng dài hơi, gồm nhiều tiết. Như đã biết, kết cấu chung của kiểu truyện này khá đơn giản, thường mỗi cốt truyện tương ứng với một mẹo lừa. Như vậy, phải chăng ban đầu các cốt truyện trên cũng bao gồm các chuỗi truyện riêng lẻ, dần dần người đời sau đã thêm bớt và liên kết chúng lại thành các chuỗi truyện trên?

3.3. Trong 60 type truyện Việt Nam mà chúng tôi khảo sát, có 39 type truyện tương thích với bảng A - T và 21 type truyện không có sự tương thích với các type trong bảng A - T.

Kết quả đối chiếu trên cũng đồng nghĩa với việc có 39 type, chiếm 65 % số type truyện con vật thông minh có thể đánh số theo bảng tra cứu A - T. So với, khi Hiroko Ikeda lập bảng tra cứu của Nhật Bản, Wolfram Eberhard lập bảng tra cứu của Trung Quốc và gần đây Đặng Thị Thu Hà "thử sắp xếp truyện cổ phật giáo Việt Nam theo bảng tra cứu A - T" thì tỷ lệ này cao hơn 15%. Đây là tỷ lệ khá lớn. Điều này một mặt khẳng định tính ứng dụng của của bảng tra cứu này trong việc sắp xếp truyện kể dân gian các nước, các vùng khác nhau mà bảng tra cứu A - T chưa "phủ sóng" hết được, mặt khác cũng cho thấy rằng kiểu truyện con vật thông minh là kiểu truyện rất phổ biến, xuất hiện nhiều trong truyện kể các nước, các khu vực. Như vậy có thể khẳng định rằng: do khác nhau về địa lý, văn hóa nên mỗi quốc gia, các khu vực có thể có những biểu tuợng con vật thông minh khác nhau. Tuy nhiên, cái lõi của vấn đề, nguyên tắc của mưu mẹo - hay nói cách khác tư duy duy lý thì vẫn có nhiều điểm gặp gỡ, tương đồng.

Hai mươi mốt type, chiếm 35 % số type truyện con vật thông minh của Việt Nam không có sự tương thích với bảng tra cứu A - T. Tỷ lệ này cho thấy độ chênh lệch khá lớn của thực tế nguồn tư liệu truyện kể dân gian Việt Nam. Đây là những truyện dân gian có tính đặc trưng của địa phương, là những tư liệu mà bảng tra cứu của Antti Aarne va Stith Thompson chưa bao quát được hết. Vì vậy, việc tiếp tục bổ sung các bảng tra cứu của từng nước dựa theo hệ thống tra cứu này vẫn luôn được đặt ra.

Tóm lại, trong quá trình nghiên cứu về kiểu truyện con vật thông minh và những vấn đề liên quan tới các type truyện lọai này, thông qua khảo sát đối chứng, chúng tôi nhận thấy độ chênh lệch như đã nêu ở trên chủ yếu là do vấn đề bao quát tư liệu. Do vậy, nhằm bổ sung và làm tăng hiệu quả ứng dụng của bảng tra cứu A - T, việc tiếp tục mở rộng phạm vi tư liệu về các type truyện dân gian ở các nước trên thế giới nói chung, cũng như việc tiến hành lập một bảng tra cứu các type truyện dân gian Việt Nam nói

riêng, vẫn luôn là một yêu cầu cần thiết và có tính thời sự đối với khoa nghiên cứu folklore hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. A. Aarne & S. Thompson. The Types of the Folktale (A Classification and Bibliography), Helsinki, 1973.

2. Trần Thị An. "Nghiên cứu văn học dân gian từ góc độ type và motif - những khả thủ và bất cập" . Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 7 - 2008.

3. Nguyễn Tấn Đắc. Truyện kể dân gian đọc bằng type và motif. Nxb Khoa học xã hội, H, 2001.

4. Đặng Thị Thu Hà. "Thử sắp xếp truyện cổ phật giáo Việt Nam theo bảng tra cứu các type truyện dân gian của A. Aarne và S. Thompson". Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 10 - 2009.

5. Nguyễn Thị Hiền. "Nghiên cứu truyện kể dân gian Việt Nam theo bảng mục lục tra cứu típ và mô típ truyện cổ dân gian của Antti Aarne và Stith Thompson", Tạp chí Văn hóa dân gian, số 2 - 1996.

6. Tăng Kim Ngân. "Việc biên soạn từ điển tip và motip trong ngành folklore thế giới", Tạp chí văn hóa dân gian, số 3 +4 - 1983.

7. Nguyễn Thị Nguyệt. "Việc ứng dụng hệ thống Aarne - Thompson vào truyện kể dân gian Việt Nam", Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 5 -1998.

8. Lê Chí Quế. "Trường phái văn học dân gian Phần Lan - những nguyên tắc lý luận và khả năng ứng dụng". Tạp chí Văn học, số 5 - 1994 (in lại trong sách Văn hóa dân gian, khảo sát và nghiên cứu, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, H, 2001. Bài viết của chúng tôi sử dụng tài liệu này).

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 38 - 41)