Thời kỳ thuộc Pháp và vai trò của văn hoá Pháp trong bức tranh văn hoá Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 92 - 95)

2. Bức tranh văn hoá Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

2.3 Thời kỳ thuộc Pháp và vai trò của văn hoá Pháp trong bức tranh văn hoá Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

hoá Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh

Không như người Việt và người Hoa đến vùng đất này khẩn hoang, mưu sinh và lập nghiệp, người Pháp đến đây với mục đích thực hiện “công cuộc khai hoá” Đông Dương. Sự xuất hiện của họ đã để lại những dấu ấn văn hoá nhất định góp phần khắc họa nét văn hoá Pháp hài hoà trong tổng thể văn hoá Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1859, Pháp nổ súng đánh chiếm thành Gia Định, song người Pháp đã có mặt ở đất Sài Gòn từ đầu thế kỷ XVIII. Đó là những giáo sĩ dòng Thiên Chúa giáo đến vùng đất Phương Nam này buôn bán và truyền đạo. Chính họ và tôn giáo của họ là sứ giả đầu tiên của văn hoá Pháp trong cuộc viếng thăm, tiếp xúc và giao lưu với văn hoá Việt ở Sài Gòn. Năm 1737, giáo hoàng Clement XII đã cử giám mục De la Bom be – thuộc hội truyền giáo nước ngoài của Pháp – đến miền Nam Việt Nam. Tháng 5 năm 1739 De la Bom be tiến hành những cải cách và thực hiện sự phân công đối với dòng Francisco để thống nhất công tác truyền đạo ở đây.

Đến năm 1743, hệ thống nhà thờ và các giáo sĩ phục vụ cho hoạt động truyền đạo ở Sài Gòn tương đối hoàn chỉnh và ổn định [18; 526]. Một thời gian sau đó tôn giáo này nhận sự phản đối mạnh mẽ của triều đình nhà Nguyễn (triều vua Gia Long và vua Minh

Mạng (1802 – 1840)) và một số sĩ phu yêu nước do những hoạt động nội gián của một số giáo sĩ phương Tây. Song, chính bằng con đường truyền đạo, tôn giáo, người Pháp đã mang đến Sài Gòn luồng không khí văn hoá hoàn toàn mới mẻ và đóng một vai trò nhất định trong sự hình thành nên bức tranh văn hoá Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh mà chúng tôi sẽ trình bày tiếp theo sau.

* Chữ viết

Vào hồi đầu và giữa thế kỷ thứ XIX, chữ Nôm vẫn giữ một vị trí quan trọng trong sinh hoạt văn hoá dân tộc. Mặc dù được các sĩ phu yêu nước lúc bấy giờ ra sức bảo vệ (cụ Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thông…), song tính chất bất cập của chữ Nôm dần dần bị thay thế bởi chữ quốc ngữ khi nó (chữ quốc ngữ) ra đời. Để thuận tiện cho hoạt động truyền bá giáo lý Thiên Chúa, các đạo sĩ bắt đầu tìm cách chuyển thể ngôn ngữ Việt về hệ chữ La Tinh. Người có công đầu tiên là Alexan De Rhodes khi ông cho ra đời quyển từ điển Việt – Bồ – La Tinh và hệ thống chữ viết ngôn ngữ Việt theo hệ chữ La Tinh. Hệ thống chữ viết này hoàn chỉnh dần qua hai lần chỉnh lý vào năm 1772 (từ điển Be Hen) và năm 1838 (từ điển Ta Be) [18; 528].

Ban đầu, hệ thống chữ quốc ngữ phục vụ cho công việc truyền đạo của các giáo sĩ người Pháp, song do tính thuận tiện, dễ viết; được sự ủng hộ của chính quyền cai trị, của lớp thanh niên trẻ; chữ quốc ngữ được đón nhận rộng rãi trong cộng đồng người Việt vùng thị tứ nhất là những trí thức trẻ mới, mang tư tưởng Tây học.

Với những điều kiện thuận lợi đó, hệ thống chữ quốc ngữ nhanh chóng phát triển và trở thành hệ thống chữ viết chính thống của người Việt trên cả ba miền Nam – Trung – Bắc.

Cùng với chữ viết, giáo dục và báo chí cũng góp phần tạo nên một phong cách văn hoá mới theo kiểu phương Tây ở Sài Gòn.

* Giáo dục

Sau năm 1867, khi đặt được quyền thống trị lên Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh, chính quyền Pháp bắt đầu xây dựng hệ thống trường học và nền giáo dục theo tiêu chuẩn Pháp quốc, mục đích nhằm đưa văn hoá Việt phụ thuộc sâu sắc vào văn hoá Pháp.

Tại Sài Gòn và Nam Kỳ lục tỉnh, người Pháp xây dựng hệ thống giáo dục chặt chẽ từ cấp tiểu học đến bậc Đại học. Từng trường học theo cấp học được phân bố theo khu vực cấp hành chính. Ví dụ cấp tiểu học và cơ sở phân bổ ở địa sở lỵ hạt (nay gọi là huyện) [5; 699], phường (thị tứ), cấp trung học chỉ có trung tâm tỉnh lỵ và thành thị lớn

(Mỹ Tho, Long Xuyên, Sài Gòn…), và bậc Đại học chỉ tập trung ở Sài Gòn. Các chương trình giáo dục luôn nhắm đến “công cuộc khai hoá” của Pháp. Người Pháp đặt chương trình giáo dục Pháp Việt nhằm đẩy lùi và tiến tới bài trừ nền giáo dục Hán học truyền thống của ngưới Việt. Các tài liệu giảng dạy và sách giáo khoa đều viết theo chữ Quốc ngữ và sách tiếng Pháp. Học sinh ở các cấp học đều học song ngữ, bên cạnh học tiếng Việt còn học tiếng Pháp như ngôn ngữ thứ hai.

Để góp phần truyền bá văn hoá Pháp phục vụ cho chính sách cai trị, người Pháp còn mở trường thông ngôn, trường đào tạo quan cai trị, kể cả trường Dòng nhằm tạo ra một đội ngũ trí thức Tây học mới làm quan lại, công chức cho hệ thống hành chính của Pháp tại Sài Gòn và Nam kỳ. Đội ngũ trí thức Tây học này được ngưới Pháp lựa chọn và chi trả chi phí học hành. Họ cũng chấp nhận làm việc cho Pháp và chủ yếu là trên lĩnh vực văn hoá. Bên cạnh sứ mệnh truyền bá văn hoá Pháp, họ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình lại các giá trị văn hoá dân tộc khi họ dịch sách Hán Nôm ra chữ quốc ngữ, dịch sách Pháp, viết từ điển, tiểu thuyết, làm báo… Tiêu biểu cho đội ngũ tri thức này ở Sài Gòn là Huỳnh Tịnh Của, Hồ Biểu Chánh, Trương Vĩnh Ký…

* Báo chí

Tờ báo đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam là ở Sài Gòn. Cũng để phục vụ cho “công cuộc khai hoá”, ngưới Pháp dùng báo chí như một vũ khí trên lĩnh vực văn hoá. Do vậy, tờ báo đầu tiên ở Sài Gòn là tờ báo tiếng Pháp “Le Bulletin offiel lexpredetion de la Cochinchine” (tạm dịch là “Nam Kỳ viễn chinh công báo”) năm 1861 [18; 531]. Đến năm 1865 tờ báo tiếng Việt đầu tiên mới xuất hiện có tên “Gia Định báo”. Sang đầu thế kỷ thứ XX, báo chí tiếng Pháp lẫn tiếng Việt ngày càng phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng, thể loại phong phú, phục vụ cho nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Báo chí trở thành công cụ mở mang văn hoá dân tộc, truyền bá tư tưởng dân chủ, tiến bộ. Và bắt đầu xuất hiện những tờ báo, nhà báo yêu nước như tờ ‘Cái chuông rè” do cụ Nguyễn An Ninh làm chủ bút, tờ “L’Annam” do cụ Phan Văn Trường làm chủ bút… [15; 232, 236]. Ngoài chữ viết, giáo dục, báo chí, sự xuất hiện của người Pháp ở Sài Gòn còn mang đến những hoạt động văn hoá mới cho người bản xứ như: kịch nói, điện ảnh, kiến trúc phương Tây... Nếu bỏ qua yếu tố chính trị thì “công cuộc khai hoá” của người Pháp ở Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung đã đóng vai trò quan trong trong việc tạo nên một diện mạo văn hoá phong phú và đẹp đẽ. Qua quá trình giao tiếp, văn hoá Pháp đã ghi dấu ấn trong lòng thành thị Sài Gòn xưa và Tp. Hồ Chí Minh nay thật đậm nét.

Quá trình tiếp nhận, cộng sinh rồi hoà nhập của dòng văn hoá phương Tây này với những yếu tố văn hoá truyền thống của người Việt có từ 200 năm trước đó, người Hoa 100 năm đã vẽ nên một bức tranh văn hoá Sài Gòn phong phú, đa dạng song lại rất hài hoà.

Ngoài ra, một số cộng đồng dân tộc khác như người Chăm, người Khmer và văn hoá hoá của họ cũng góp phần tô điểm bức tranh nhiều màu sắc của văn hoá Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Khi có điều kiện thuận lợi chúng tôi sẽ trở lại đề tài này cùng vai trò của họ.

Một phần của tài liệu Nội san khoa học và đào tạo văn hiến số 5 - 2011 (Trang 92 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)