Sách giáo khoa Ngữ văn THPT (cơ bản và nâng cao) hiện hành

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 49 - 51)

Trong khi chưa có sách giáo khoa Ngữ văn THPT mới, GV và HS vẫn đang sử dụng hai bộ sách giáo khoa Ngữ văn THPT (cơ bản và nâng cao) hiện hành.

Bộ sách giáo khoa Ngữ văn THPT nâng cao đã trình bày vấn đề đọc hiểu một cách hệ thống, có nội dung cụ thể như: mục đích, yêu cầu và điều kiện của đọc hiểu.

Các giai đoạn và yêu cầu đọc hiểu văn bản văn học. Ngoài ra, các tác giả đề ra phương pháp đọc hiểu văn bản nói chung và văn bản văn học. Sách cũng dựa vào các nguyên tắc đọc hiểu như: một là dựa vào ngữ cảnh đề xác định ý nghĩa. Hai là lấy tư tưởng chính của văn bản mà soi sáng mọi chi tiết. Ba là lấy kinh nghiệm sống của bản thân và xung quanh mà thể hiện ý nghĩa của văn bản. Đối với văn bản văn học thì phải chú ý đặc điểm thể loại, đặc điểm hình tượng, tính mơ hồ và đa nghĩa của nó.

Cuối cùng bộ sách giáo khoa Ngữ văn THPT nâng cao đưa ra cảnh báo rằng trong khi đọc hiểu đối với HS là tránh cắt xén văn bản và tránh suy diễn tùy tiện.

Cả hai bộ sách giáo khoa Ngữ văn THPT nâng cao và bộ cơ bản đều đưa ra ba bài tổng kết phương pháp đọc hiểu.

Bộ sách giáo khoa Ngữ văn nâng cao có bài “Tổng kết phương pháp đọc hiểu” (Ngữ Văn lớp 10), “Tổng kết phương pháp đọc hiểu” (Ngữ Văn 11) và “Tổng kết đọc

hiểu văn bản” (Ngữ Văn 12). Các tác giả sách giáo khoa đã có ý thức hướng dẫn cho

giáo viên biết được trọng tâm của kiến thức đọc hiểu. Ví dụ: “Nếu yêu cầu đọc hiểu ở Ngữ văn 10 trước hết tập trung vào đọc hiểu văn bản (tính toàn vẹn của văn bản, các cấp độ đọc) thì ở Ngữ văn 11 trọng tâm chuyển sang thể loại mặc dù yêu cầu đọc hiểu văn bản không giảm nhẹ”.

Riêng bộ sách giáo khoa Ngữ văn trung học phổ thông cơ bản có bài “Ôn tập

phương pháp đọc hiểu và kiểm tra” trong sách giáo khoa Ngữ văn 12 trình bày khác

với bộ sách nâng cao là không dùng chữ tổng kết mà dùng chữ ôn tập. Trình bày như thế là phù hợp vì bộ sách giáo khoa Ngữ văn trung học phổ thông cơ bản không có phần lý thuyết đọc hiểu, nhất là tri thức đọc hiểu do đó các tác giả không có gì để tổng kết mà chỉ ôn tập phương pháp và kiểm tra.

Bài cuối cùng trong nhóm bài hướng dẫn đọc hiểu văn bản văn học ở sách giáo khoa Ngữ văn 11 nâng cao là “Tổng kết phương pháp đọc hiểu văn bản văn học”. Bài học nhằm mục đích củng cố kiến thức về thể loại văn học được xem như là tri thức đọc hiểu văn bản văn học. Những yêu cầu chung của bài “Tổng kết phương pháp đọc hiểu

văn bản văn học” (Ngữ văn 11) là vấn đề đề tài, chủ đề, thái độ của tác giả. Bài học

cũng nêu những đặc điểm chung về nghệ thuật là biết nhận ra đặc điểm thể loại và nhận ra cách viết của nhà văn để phát hiện những nét độc đáo của văn bản văn học.

Bài tổng kết này yêu cầu HS phải biết đánh giá về cái hay cái đẹp của nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của văn bản, sau đó bình giải về những giá trị của tác phẩm đối với người đọc HS và đối với xã hội.

Tác giả luận án đặc biệt quan tâm đến bài học “Đọc tiểu thuyết và truyện ngắn” (sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11 nâng cao) nhằm cung cấp tri thức ngắn gọn về tác phẩm văn xuôi tự sự. Từ tri thức đọc hiểu ấy HS có thể đọc hiểu thể loại văn học này. Bài học “Đọc hiểu tiểu thuyết và truyện ngắn” được dạy sau khi học sinh đã được học các tác phẩm như “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam), “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân),

“Chí Phèo” (Nam Cao), và “Hạnh phúc của một tang gia” (Vũ Trọng Phụng). Dụng ý

của người làm sách là tạo điều kiện tích hợp lý luận văn học với tính chất là tri thức đọc hiểu với hoạt động đọc hiểu thể loại tự sự. Điều thuận lợi hơn mà tác giả luận án có thể khai thác là các đặc điểm thể loại tự sự cũng đã được dạy học có mức độ, nhưng

đến Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn 2018 đã khá tập trung vào tác phẩm tự sự.

Sách giáo khoa Ngữ Văn 10 nâng cao đã đưa vào những khái niệm thuộc thi pháp thể loại tự sự như: hình tượng nhân vật, cốt truyện, chi tiết, sự miêu tả hoàn cảnh, kết cấu, lời kể. Bài học đã khẳng định vai trò của nhân vật hay “hình tượng nhân vật” là yếu tố quan trọng hàng đầu của tác phẩm tự sự.

Trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11 (cơ bản và nâng cao) không kể một số bài đọc thêm và đoạn trích tác phẩm tự sự, các tác phẩm tự sự được dạy học chính thức gồm có: Hai đứa trẻ (Thạch Lam); Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân); Chí Phèo (Nam Cao); Đời thừa (Nam Cao), Người trong bao (Sê-khốp).

Luận án đã tiếp thu ý tưởng về “tầm quan trọng hàng đầu” của nhân vật và phát triển thêm về mối quan hệ giữa nhân vật và tính cách nhân vật. Cơ sở hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn xuôi tự sự là sự khắc họa các tính cách nhân vật để phân biệt với nhân vật trữ tình trong thơ và nhân vật hành động trong kịch. Nhưng nhân vật trong tác phẩm tự sự không chỉ là sản phẩm duy nhất của ngôn từ nghệ thuật mà còn là kết quả sáng tạo từ tư tưởng nghệ thuật của nhà văn. Chính tư tưởng làm nên giá trị người của mọi hiện tượng, sự việc thuộc về con người và xã hội.

Bởi thế, chúng tôi định hướng cho HS khi tiến hành đọc hiểu nhân vật như một con người cụ thể lịch sử còn phải xem đó như là hình tượng nghệ thuật về con người với tầm cao tư tưởng nhân sinh và mỹ học của nó. “Phạm trù nhân vật cho đến nay

vẫn còn khó xác định chắc chắn trong cấu trúc thi pháp văn xuôi” [146] nên cần có cái

nhìn không đơn giản hóa trong tiếp cận, phân tích, cắt nghĩa và bình giá nhân vật khi đọc hiểu tác phẩm tự sự.

Bên cạnh những khái niệm thuộc thi pháp thể loại tự sự, các nhà soạn sách đã đề ra ba yêu cầu trong đọc hiểu tác phẩm tự sự là “Nắm chắc nhân vật, cốt truyện và kết cấu.

Nắm vững cách thức phân tích nhân vật chính trong mối quan hệ với nhân vật phụ và trước hết là phân tích chi tiết về ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật” và “phải đọc kĩ lời kể, giọng kể của người kể chuyện”.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 49 - 51)