Vận dụng phương pháp gợi mở để hướng dẫn HS thực hiện quá trình “đồng hóa” trong kiến tạo ý nghĩa VBTS

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 73 - 77)

c. Tái tạo bức tranh đời sống trong VBTS

3.3.2. Vận dụng phương pháp gợi mở để hướng dẫn HS thực hiện quá trình “đồng hóa” trong kiến tạo ý nghĩa VBTS

“đồng hóa” trong kiến tạo ý nghĩa VBTS

Gợi mở là phương pháp dạy học trong đó giáo viên hướng dẫn HS thực hiện chuỗi hành động tìm tòi, khám phá từng phần, từ cảm thụ khái quát ban đầu đến tiếp nhận cụ thể, phân tích sâu vào văn bản, từ bộ phận đến chỉnh thể của VBTS phù hợp với mức độ, khả năng nhận thức của mỗi người học.

Logic của quá trình gợi mở trong dạy học đọc hiểu VBTS là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn của việc khám phá logic VBTS và logic tiếp nhận VBTS đó ở mỗi người đọc.

Phương pháp gợi mở theo trật tự dần dần từng bước đi đến mục tiêu cuối cùng là đọc hiểu toàn vẹn giá trị nội dung và hình thức của VBTS phù hợp với cơ chế đồng hóa trong xây dựng kiến thức ở mỗi cá nhân theo quan điểm của lí thuyết kiến tạo. Thật vậy, quan điểm kiến tạo khẳng định, các hoạt động kiến tạo cơ bản theo cơ chế đồng hóa xảy ra theo cách: dựa trên nền tảng tri thức, kinh nghiệm của mỗi cá nhân; dựa trên con đường, hoạt động nhận thức của chủ thể, chúng ta tiếp thu, xây dựng cái mới bằng cách đưa nó vào giản đồ nhận thức (schema) đã có của mình, cải tạo lại giản đồ đó, làm cho nó phong phú, giàu có và đa dạng thêm lên. Phương pháp gợi mở giúp cho quá trình đó diễn ra ở người học được kiểm soát, hỗ trợ, giám sát bởi người dạy để đảm bảo mục tiêu đã xác định.

Trong hoạt động đọc hiểu VBTS, người đọc phải thực hiện một loạt các hành động để chiếm lĩnh văn bản đó. Các hành động bao gồm: định hướng và tự giám sát quá trình đọc hiểu của bản thân, giải mã ngôn từ theo trật tự tuyến tính, từ từng phần của văn bản đi đến chỉnh thể, phân tích, cắt nghĩa, lí giải hình tượng nghệ thuật của văn bản, liên hệ với các yếu tố văn học sử, văn hóa và các liên văn bản khác được gợi ra từ văn bản tự sự, vận dụng, chuyển hóa các giá trị thẩm mĩ, nhân văn tiếp nhận được từ VBTS thành niềm tin, sự tự nhận thức, suy nghĩ và hành vi của mỗi cá nhân người đọc. Phương pháp gợi mở làm cho những nội dung này được tính toán để hướng dẫn HS tiếp nhận phù hợp, nội dung trước mở đường, tạo nền cho nội dung sau, hoạt động sau kế thừa và mở rộng kết quả từ hoạt động trước, tri thức của bài học được tiếp nhận thông qua cơ chế đồng hóa kiến thức ở người đọc. Có thể sử dụng các biện pháp, chiến thuật đọc hiểu để gợi mở cụ thể như sau:

a. Dự đoán

Dự đoán là chiến thuật đọc hiểu trong đó độc giả đưa ra các phán đoán tiếp theo về hướng phát triển của cốt truyện, nhân vật,…dựa trên cơ sở các thông tin thu được từ văn bản tại thời điểm dự đoán và kinh nghiệm đọc về thể loại VBTS, về tác giả… cùng trải nghiệm thực tiễn của người đọc về các cảnh ngộ, tình huống trong đời sống có yếu tố tương tự như bức tranh cuộc đời đang được thể hiện trong thế giới nghệ thuật của VBTS.

Hiệu quả của chiến thuật dự đoán là nó tích cực hóa hoạt động nhận thức của người đọc. Độc giả không hoàn toàn bị “lệ thuộc” vào sự dẫn dắt của nhà văn mà thậm chí “đi trước”, “vạch hướng” cho sự dẫn dắt đó. Hoạt động dự đoán cũng khiến người đọc tạo ra “bộ khung dự hướng”, chính là sự cụ thể hóa một số các mục tiêu đọc ở từng thời điểm cụ thể trong quá trình đọc hiểu. Với bộ khung này, sự đọc tiếp theo sẽ được dẫn dắt. Và nếu sự dự hướng tuy có những điểm không đồng nhất với diễn biến tiếp theo của VBTS (nói chung là như vậy, bởi vì người đọc không phải là nhà văn và một tình huống trong cuộc sống cũng như trong văn chương luôn luôn tiềm ẩn nhiều khả năng lựa chọn, giải quyết) nhưng vẫn thống nhất theo một đường hướng đã vạch, khi đó con đường của kiến tạo là đồng hóa. Ngược lại, khi dự đoán của người đọc và hướng đi tiếp theo của người đọc là “đảo ngược” hoàn toàn, khi đó con đường của kiến tạo là điều ứng – phương pháp nêu và giải quyết vấn đề sẽ thay thế cho phương pháp gợi mở. Dự đoán của người đọc về hành động tiếp theo của Lão Hạc sau khi được người kể chuyện hé mở rằng Binh Tư khoe với anh ta lão sang xin bả chó về vì vườn nhà lão mấy nay có con chó lạ đang lởn vởn; lại thêm lời cảm thán chua xót của người kể chuyện về chuyện con người ta đói ăn vụng, túng làm càn, lão Hạc rồi cũng không thoát ra ngoài cái “quy luật” đau đớn ấy, khiến “đường đi” của dự đoán trở nên đồng hành với những gì mà người kể chuyện đang hình dung ra theo chiều hướng “cuộc đời thật đáng buồn”. Song cuộc đời vẫn đáng buồn nhưng lại là theo một cách khác ! Sự việc cuối truyện là một “đảo ngược” khiến cơ chế đồng hóa trở nên bất lực và hoạt động điều ứng buộc phải thay thế để tìm kiếm một bộ khung dự hướng và cách tiếp cận mới trong giải quyết vấn đề.

Chiến thuật dự đoán còn làm cho hoạt động đọc hiểu văn bản tự sự “băng về phía trước”, tạo ra sự hấp dẫn, thú vị riêng trong tiếp nhận loại văn bản này ở bạn đọc HS. Chiến thuật dự đoán cũng rất thích hợp với hoạt động dạy học đọc hiểu văn bản tự sự theo mô hình kiến tạo. Quan sát mô hình được xây dựng ở mục trước có thể thấy rõ điều này. Dựa trên cơ sở tri thức, trải nghiệm nền của người đọc có liên quan đến văn bản, hoạt động tiếp theo trên con đường kiến tạo là người đọc tạo ra các phán đoán, “bộ khung dự hướng” cho hoạt động đọc hiểu. Phán đoán này thường bao gồm việc định hướng : tôi sẽ cần đọc nội dung nào (cốt truyện, nhân vật, nghệ thuật trần thuật,…) và tôi sẽ đọc, cắt nghĩa văn bản này theo “đường hướng” nào dựa trên những gì mà tôi đã biết. Thông thường, dự đoán được sử dụng ở hai thời điểm: trước khi đọc VBTS và khi đọc VBTS đó. Tiếp nối với hoạt động dự đoán sẽ là hoạt động xác nhận hoặc điều chỉnh của người đọc về văn bản đó. Điểm cần lưu ý trong hoạt động này là GV cần xác định trước và rõ ràng với HS về tiêu chí đánh giá một câu trả lời tốt. Một dự đoán được đánh giá cao không phải là có độ chính xác đến đâu so với văn bản cần đọc hiểu. Nếu xác định tiêu chí như vậy thì sẽ dẫn đến tình trạng HS bỏ qua dự đoán của bản thân, sử dụng ngay văn bản tự sự đang đọc để xác định câu trả lời. Câu trả lời tốt trong trường hợp này là sự phong phú và hợp lý (có căn cứ, có lý do) của các dự đoán. Dự đoán ngoài việc tạo sự hấp dẫn, thú vị, tích cực hóa tư duy và cảm xúc của HS, hoạt hóa và

sử dụng tri thức nền, còn có tác dụng tạo ra nguồn tài nguyên phong phú để hướng tới hoạt động suy luận, cắt nghĩa văn bản sau đó cho mỗi người đọc.

Để thực hiện hoạt động dự đoán trước khi đọc, GV cần hướng dẫn HS quan tâm đến nhan đề và một số thông tin về hình thức của văn bản. GV có thể bổ sung thêm một số thông tin để giúp HS cụ thể hóa sự dự đoán của mình.

Ví dụ dưới đây là chiến thuật dự đoán được dùng cho giai đoạn trước khi đọc hiểu văn bản “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân)

Trong hoạt động này, điểm tựa thứ nhất để HS dự đoán là nhan đề “Chữ người tử tù” , thông tin bổ sung về hai nhân vật có mặt trong tác phẩm: một viên quan coi ngục và một người tử tù viết chữ rất đẹp, thông tin bổ sung về bối cảnh của câu chuyện: diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của tử tù tại một trại giam. Với những thông tin này, người đọc sẽ dựa vào điểm tựa thứ hai là vốn sống, vốn văn hóa đọc của họ để tạo ra dự đoán cho nội dung câu chuyện và xác định xem nếu câu chuyện diễn ra theo hướng dự đoán đó thì nó gửi gắm thông điệp gì của người viết. Như vậy, HS có thể dự đoán theo nhiều hướng khác nhau, miễn là phù hợp với thông tin đã nêu ban đầu. Chẳng hạn, họ có thể cho rằng, viên quản ngục yêu thích chữ của tử tù, tử tù lại cần sự sống. Rất có thể một cuộc trao đổi “đôi bên cùng có lợi” sẽ xảy ra. Câu chuyện khi đó có thể chỉ gửi gắm thông điệp về sự tha hóa của con người, mọi thứ luật pháp dù nghiêm minh đến đâu nhưng nếu con người thực thi luật pháp không vượt lên được những cám dỗ thông thường thì đều có thể tạo ra những kẽ hở để lợi dụng. HS cũng có thể dự đoán nội dung câu chuyện hướng đến sự cảm hóa của quản ngục đối với

Câu chuyện bạn sẽ đọc có tên là “Chữ người tử tù”.

Truyện có nhân vật viên quan coi ngục và một người tử tù viết chữ rất đẹp.

Truyện diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của tử tù tại trại giam.

-Hãy dự đoán và ghi vắn tắt lại nội dung câu chuyện.

-Nếu diễn biến như em dự đoán thì câu chuyện gửi gắm thông điệp gì?

kẻ tử tù trong những ngày tháng cuối cùng của đời y. Và có thể trước khi phải ra pháp trường, tử tù đã nhận rõ tội lỗi của mình mà viết nên những dòng chữ cuối cùng bày tỏ sự sám hối muộn màng chăng? Sự suy luận này đến từ thực tế HS vẫn thường thấy trên báo chí đăng tải các bức thư cuối cùng của tử tù gửi cho cha mẹ, người thân, bày tỏ sự ân hận và mong muốn mọi người tha thứ cho lỗi lầm trước khi họ phải trả giá tội ác mình đã gây ra,… Khi câu chuyện được định hướng ban đầu theo các dự đoán đó, người đọc “đẩy” các suy luận của họ đến một kết cục khác, hàm chứa thông điệp khác. Hành trình đọc tiếp theo sẽ khiến họ điều chỉnh lại dự đoán ban đầu. Sự đối chiếu giữa dự đoán đầu và điều thực sự diễn ra trong câu chuyện sẽ tạo điều kiện để người đọc nhận ra rõ hơn dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Dự đoán cũng đến trong quá trình đọc toàn bộ văn bản. Khác với thời điểm ban đầu, lúc này người đọc đã có thêm nhiều thông tin từ văn bản, vì vậy, việc dự đoán sẽ sát với các sự kiện và nhân vật hơn. GV có thể lựa chọn các tình huống ẩn chứa nhiều khả năng suy đoán khác nhau để nêu nhiệm vụ này. Đây là một ví dụ cho hoạt động dự đoán đó khi HS đọc truyện “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao. Đoạn truyện được lựa chọn là phần gần cuối của tác phẩm, lúc xung đột trở thành cao trào buộc phải giải quyết. Trước đó, tâm hồn Chí Phèo đã hồi sinh kì diệu từ cuộc gặp gỡ và những chăm sóc ân cần của thị Nở. Hắn đã mong ước “Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?”, đã tỏ bày: “Hay là mình sang đây ở với tớ một nhà cho vui!”. Hắn đã mơ lại giấc mơ thời hai mươi tuổi - chồng cuốc mướn cày thuê, vợ dệt vải, khá giả thì kiếm dăm ba sào ruộng làm, nuôi lấy một con lợn làm vốn liếng. Nhưng… bà cô thị Nở đã chỉ thẳng tay vào mặt cháu mà đay nghiến: đàn ông đã chết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu đi lấy một thằng không cha, thằng chỉ có cái nghề là rạch mặt ăn vạ. Thị Nở đem tất cả những điều đó trút vào Chí Phèo rồi “ngoay ngoáy” cái mông đít ra về. Chí bỗng nhiên “ngẩn người”, thoáng một cái hắn lại như hít thấy hơi cháo hành. Hắn đuổi theo, nắm lấy tay thị. Nhưng thị gạt tay ra, tiện tay lại giúi cho hắn lăn khoèo ra sân. Hắn lấy rượu ra uống, nhưng càng uống, càng tỉnh, hắn không thấy hơi rượu sặc sụa mà lại chỉ thấy hơi cháo hành. Hắn uống đến say mềm người rồi đi với một con dao ở thắt lưng. Mồm hắn lảm nhảm “Tao phải đâm chết nó! Tao phải đâm chết nó”. Những thông tin này có thể khiến người đọc dự đoán Chí Phèo sẽ thực hiện hành động. Hắn sẽ đâm chết một ai đó. Nhưng ai đó là ai? Là thị Nở? Là bà cô – “con khọm già nhà nó” như ngôn ngữ của Chí Phèo? Hay là kẻ nào khác? Điểm dừng để dự đoán này ngỏ ra các khả năng khác nhau, làm tăng cảm nhận về kịch tính của truyện ngắn, đồng thời khiến người đọc suy đoán cách giải quyết vấn đề của tác giả. Nội dung dự đoán cũng có thể được sử dụng để phục vụ cho việc nêu và giải quyết vấn đề khi đi tìm hiểu sâu vào văn bản. GV có thể sử dụng hình thức hoạt động như sau:

b. Suy luận

Bên cạnh dự đoán, suy luận là một chiến thuật giúp HS kiến tạo ý nghĩa của VBTS theo con đường “đồng hóa” kiến thức vào giản đồ nhận thức đã có của mỗi độc giả.

“Đọc suy luận thực ra là đọc thấy những điều nằm giữa các dòng chữ, thậm chí vượt ra ngoài từng dòng chữ mà nắm lấy cái thần thái của văn bản. Như vậy là việc đọc không dừng lại ở chuyện nắm bắt những thông tin hiển ngôn, bề mặt. Nó đòi hỏi phải làm sống dậy cả thế giới phong phú, sinh động mà đôi khi nhà văn chỉ điểm xuyết một vài nét phác họa thần thái” [79, tr. 140]. “Tác giả là người cung cấp thông tin (đó là một thứ văn bản bên ngoài - external text); độc giả sử dụng các thông tin ấy trong những cách thức phong phú để sáng tạo ra văn bản bên trong (tác phẩm) của chính họ (internal text). Người đọc suy luận (infer) còn tác giả thì ngụ ý (imply) và cũng có thể nói ngược lại, nhà văn ngụ ý, bởi vậy độc giả cần phải suy luận” [79, tr. 141].

Như vậy, có thể thấy đọc suy luận chính là cách thức đọc ra nội dung thông tin không được thể hiện trực tiếp trên văn bản mà nhà văn muốn gửi trao đến người đọc hoặc độc giả có thể liên tưởng, cắt nghĩa văn bản dựa trên tri thức, trải nghiệm và bối cảnh đọc thực tế của họ.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 73 - 77)