Cuộc giao tiếp văn học

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 97 - 100)

Cuộc giao tiếp văn học là chiến thuật đọc hiểu có thể sử dụng để tổ chức cho HS đối thoại, giao tiếp với văn bản xung quanh các chi tiết, vấn đề đặt ra ở văn bản đó [89, tr. 114]. Trong dạy học đọc hiểu TPTS, GV có thể thiết kế các cuộc giao tiếp văn học từ những yếu tố ẩn chứa nhiều “điểm nhìn” trong văn bản.

Chẳng hạn, cùng một nhân vật Chí Phèo, với Bá Kiến đó là một công cụ, một tên tay sai để hắn “dùng thằng đầu bò trị thằng đầu bò”, với người dân làng Vũ Đại, hắn là “một con quỷ dữ” làm chảy máu và nước mắt biết bao cuộc đời lương thiện, với bà cô thị Nở, một trong số các cư dân của làng Vũ Đại ấy, Chí là thằng không cha không mẹ, là “nỗi nhục cho ông cha nhà bà” nếu như thị Nở quyết định lấy hắn. Nhưng với thị Nở, lại có lúc Chí cười nghe thật hiền, Chí thật đáng thương vì ốm như thế mà nằm còng queo một mình,… Và với chính bản thân Chí câu trả lời về anh ta cũng không thuần nhất ứng với mỗi chặng đường - tha hóa và hoàn lương - trong cuộc đời của anh ta.

Cuộc giao tiếp văn học cũng có thể được tổ chức quanh những tình huống “đa trị” trong tiếp nhận của độc giả: cùng một chi tiết, hình ảnh, tình huống… nhưng có thể có nhiều cách đánh giá không giống nhau, thậm chí trái ngược nhau cùng xuất hiện. Cuối cùng, cuộc giao tiếp văn học giữa các thành viên trong “cộng đồng tiếp nhận” của quá trình kiến tạo xã hội khi đọc hiểu văn bản tự sự cũng có thể được xây dựng từ các yếu tố liên văn bản - văn bản văn học, văn bản thông tin, văn bản nghị luận và văn bản đời sống nói chung.

Từ góc độ này, cuộc giao tiếp văn học đặt văn bản tự sự cần đọc hiểu vào “trường” của những liên văn bản cổ kim, đông tây, văn học - đời sống. Trường kết nối này luôn rộng mở vì bản thân các văn bản đặc sắc đều ẩn chứa tiềm năng cắt nghĩa rất lớn. Hơn thế, bạn đọc HS là những chủ thể có sự khác biệt trong vốn sống, nền tảng văn hóa và trải nghiệm.

Trong khi đó, bối cảnh đọc thì không ngừng mở về phía chảy trôi hiện tại của cuộc sống. Tất cả những yếu tố này trong mối quan hệ “thương lượng” với văn bản đã tạo ra độ mở của hệ thống các cuộc giao tiếp văn học. Thực hiện cuộc giao tiếp, chẳng những học sinh được phát triển năng lực văn học, mà còn được phát triển các năng lực khác như năng lực ngôn ngữ, giao tiếp, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Dưới đây là một ví dụ. (Xem trang bên)

Cuộc giao tiếp được xây dựng từ mối quan hệ liên văn bản giữa truyện “Hai đứa trẻ” (sách giáo khoa Ngữ văn 11) và các văn bản khác ở sách giáo khoa trung học cơ sở mà HS đã được học, hoặc được đọc như: Cô bé bán diêm (trong truyện cổ tích cùng tên), Xi mông (trong Bố của Xi mông), Bé Hồng (trích Những ngày thơ ấu). Các nhân vật này là một phần của thế giới trẻ em trong tác phẩm văn học.

Ở mỗi nhân vật ấy các nhà văn đều gửi gắm sự đồng cảm, chia sẻ với cuộc đời, số phận, đặc biệt là ước mơ của chúng. Trẻ em dệt nên cuộc sống của chúng bằng những ước mơ muôn màu. Nhưng thực tại cuộc sống khắc nghiệt có thể chỉ còn lại một màu xám xịt, tối đen. Tấm lòng đồng cảm, trắc ẩn của người sáng tạo đã nâng niu những ước mơ con trẻ trong sáng đó, chiếu rọi ánh sáng nhân văn lay động tâm hồn người đọc. Con tàu ước mơ trên những trang văn chính là hiện thân của

tấm lòng ấy. Tham gia vào cuộc giao tiếp văn học, bạn đọc được lắng nghe tiếng chia sẻ thầm thì xúc động của cô bé bán diêm nghèo khổ, đói rét trong cái đêm giao thừa nghiệt ngã. Giấc mơ của em giản dị thôi - có một mái nhà ấm áp, trong nhà lửa nhảy nhót vui tươi nơi lò sưởi, trên bàn ăn là những món ngon nóng sốt đang mời gọi và bên cạnh là người bà hiền từ yêu dấu với nụ cười móm mém,… Còn ước mơ của Xi mông ư? Đó là niềm khao khát có được một người bố để không phải tự ti với chúng bạn. Bởi vậy còn hạnh phúc nào bất ngờ và lớn lao hơn khi được nhấc bổng lên trong vòng tay và nhận nụ hôn ấm áp từ bác Phi lip. Bé Hồng ở “Những ngày thơ ấu” đã nhớ thương buồn khổ biết bao nhiêu khi mẹ phải bỏ nhà đi tha phương cầu thực kiếm sống và chịu sự ghẻ lạnh, móc máy của bà cô.

Cho nên, trong “những rung động cực điểm của linh hồn trẻ dại” ấy, mơ ước lớn nhất có lẽ chính là được có mẹ bên cạnh, để được yêu thương, vỗ về, để đánh tan những giọng nói cay nghiệt cố tình xoáy vào vết thương trong lòng con trẻ ở những người họ hàng ác ý bên nhà nội.

Trên chuyến tàu mơ ước này hẳn bé Hồng sẽ chia sẻ với mọi người rằng em muốn được kéo dài mãi cái giây phút gặp mẹ sau bao ngày xa cách “Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người mẹ, để bàn tay của mẹ vuốt ve từ trán xuống cằm và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng”.

Toa tàu ước mơ của “hai đứa trẻ” - Liên và An lại tràn ngập ánh sáng. Từng được ở Hà Nội, ăn những món ngon, uống những cốc nước lạnh xanh đỏ, được mẹ đưa đi chơi Bờ Hồ, nay cuộc sống mưu sinh vất vả đã “ném” hai đứa trẻ về một vùng quê nghèo, có cái ga xép đêm đêm có những chuyến tàu lướt qua. Ở giữa thế giới mà ánh sáng chỉ là ngọn đèn con leo lét của chị Tí, ánh lửa của bác Siêu chiếu sáng một vùng đất cát, còn âm thanh quen thuộc là nhịp đời buồn bã kéo dài đơn điệu của tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng nội, tiếng trò chuyện nhát gừng, rời rạc, uể oải của những thân cò thân vạc “lấy đêm đốt sáng để làm ngày”, đặc biệt là tiếng đàn bầu bật trong yên lặng như kể, như than về thân phận con người, thì ánh sáng và âm thanh mà con tàu đem đến có một sức mê hoặc mạnh mẽ khó cưỡng vô cùng.

Đó là lí do vì sao dù buồn ngủ ríu mắt hai chị em vẫn cố thức để chờ đợi. Chúng mơ ước gì ư? Nguồn sáng sáng rực rỡ, thừa thãi của những toa hạng trên sang trọng “lố nhố người, đồng và kền lấp lánh”, âm thanh mạnh mẽ “tiếng xe lửa rít mạnh vào ghi và đoàn tàu rầm rộ lao tới” như xé toang màn đêm và sự trầm lắng quen thuộc, thắp lên ước mơ “bao giờ cho đến ngày xưa” của hai đứa trẻ. Con tàu là Hà Nội. Con tàu là kí ức tươi đẹp. Con tàu là khoảnh khắc hạnh phúc vụt qua rất nhanh như ánh sao băng để lại bao hụt hẫng và mơ ước.

Hai đứa trẻ có ước mơ được đặt chân lên con tàu ấy, làm một hành trình vượt khỏi sự búa vây ám ảnh của bóng tối? Hai đứa trẻ có ước mơ con tàu ấy quay ngược thời gian để đưa chúng trở về với “Hà Nội xa xăm. Hà Nội sáng rực, vui vẻ và huyên náo”? Hãy hỏi chúng đi để được có câu trả lời! Chỉ biết rằng con tàu đã mang “một chút thế giới khác đi qua, một thế giới khác hẳn, khác hẳn ngọn đèn con của

chị Tí và ánh lửa của bác Siêu” và đem đến khoảnh khắc hạnh phúc mong đợi nhất sau một ngày mòn mỏi,…

Như vậy, nhờ chiến thuật cuộc giao tiếp văn học, các bạn đọc có thể cùng làm việc, nhập vai thể nghiệm và phát hiện ra thông điệp nhân văn trong từng tác phẩm. Điều mà các nhân vật cùng muốn nói có lẽ là lời tri ân với các nhà văn, người đã phát hiện và nâng niu, chắp cánh cho mỗi ước mơ đó trên bầu trời văn học. Các nhân vật cũng có thể muốn nói lời cảm ơn với bạn đọc HS vì sự đồng điệu, sẻ chia trong cuộc giao tiếp văn học mà mỗi người học đang thực hiện với sáng tác văn chương.

3.Ước mơ của mình – bé Hồng đây mà! ……… ……… ……… ……… ……… ……… ……… ……… ……… ……… ……… ……….

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 97 - 100)