Để giải quyết sự mất cân bằng trong lý thuyết của J. Piaget, nhà bác học Nga L. Vygotxky đưa ra cách giải quyết sự mâu thuẫn giữa kinh nghiệm học và sự tiếp thu, phát triển tri thức mới bằng xử lý mối quan hệ giữa trình độ tri thức hiện tại với vùng phát triển gần nhất.
L. Vygotxky là người có những đóng góp mới cho tâm lý học nhận thức. Đứng trên quan điểm duy vật biện chứng, Vygotsky đã nghiên cứu tâm lý học phát triển với cách tiếp cận đa hướng mang tính xây dựng, tạo tác tri thức như là kết quả hoạt động nhận thức và tư duy. Cái nổi bật của Vygotxky là phát hiện và quan tâm đặc biệt đến vùng phát triển gần nhất. Khái niệm khoa học này chứa rất nhiều dự cảm mới mẻ về dạy học đi trước sự phát triển nhưng vẫn chừng mực về khối lượng tri thức và mức độ khoa học, học sinh có thể “tiêu hóa” mà vẫn không lạc hậu lỗi thời và vô dụng.
Có nhiều cách hiểu và giải thích về vùng phát triển gần nhất nhưng theo chúng tôi cách hiểu của X.Rogiers trong công trình “Khoa sư phạm tích hợp hay làm thế nào
để phát triển các năng lực ở nhà trường” [125] là dễ hiểu.
Tác dụng của “vùng phát triển gần nhất” là tạo ra sự phát triển liên tục giữa cấu trúc nhận thức bên trong học sinh và những thông tin bên ngoài. Đó là cách hội nhập của họ với môi trường văn hóa xã hội để nắm vững tri thức có ích từ môi trường đó.
Kế thừa những thành tựu phát triển trí tuệ thông qua hoạt động nhận thức và tư duy theo hai nguyên lý được bổ sung cho nhau của J.Piaget và của L.Vygotxky các nhà nghiên cứu khác như Glasserfeld và Ernest đã chia thuyết kiến tạo thành hai dạng thức:
Dạng kiến tạo cơ bản:
Kiến tạo cơ bản là lý luận về nhận thức nhằm miêu tả cách thức cá nhân xây dựng tri thức cho bản thân trong học tập và cuộc sống. Ellerton và Clemennes cho rằng tri thức trước tiên được xây dựng qua hành động. Kiến tạo cơ bản chú trọng sự chuyển hóa bên trong có tính nội sinh của quá trình nhận thức đồng thời cũng không bỏ qua hoặc xem nhẹ kinh nghiệm trí tuệ cá nhân. Nói cách khác sự lĩnh hội tri thức trực tiếp bằng trực quan và bằng lĩnh hội tri thức gián tiếp bởi người dạy và xã hội đóng góp vào, đều là sự liên hệ kết nối chặt chẽ, tự nhiên, dựa vào cảm giác, tri giác, biểu tượng, con người tiếp thu được bằng học vấn và kinh nghiệm. Kiến tạo cơ bản gần gũi với thuyết phát triển trí tuệ của J.Piaget theo kiểu thích nghi, tiến bộ.
Đây là dạng kiến tạo được N.Joharudden đề xuất với lý do nhấn mạnh vai trò văn hóa và điều kiện xã hội tác động vào quá trình nhận thức. Còn Ernst thì cho rằng kiến tạo xã hội xem xét chủ thể nhận thức và lĩnh vực xã hội như một sự kết nối mang tính bền vững. Phẩm chất và năng lực của chủ thể kiến tạo được hình thành qua sự tương tác của họ đối với người khác theo kiểu cùng cộng hưởng không thua kém gì quá trình nhận thức riêng của cá nhân người học. Đặc biệt là kiến tạo xã hội nhìn nhận chủ thể nhận thức trong mối quan hệ sống động trong môi trường văn hóa xã hội. Nó tránh cách hiểu cô lập về tiềm năng tư duy trong nhận thức của cá nhân mà tìm cách soi sáng năng lực tiềm ẩn của con người trong quá trình đối thoại. Dạng kiến tạo xã hội có nhiều điểm phù hợp với quan điểm kiến tạo của L.Vygotsky.
Cần lưu ý vai trò của tín hiệu. Ngôn ngữ cũng là một loại tín hiệu. Khi tín hiệu ngôn ngữ được sử dụng với mục đích thẩm mỹ thì tín hiệu này trở thành kí hiệu nghệ thuật. Đó là kết quả quan trọng nhất của hiện tượng khách thể hóa vì chúng đã trở nên khả dụng một cách khách quan, nghĩa là mọi người trong cộng đồng đều sử dụng chúng. Chính nhờ sự khách thể hóa ấy mà thế giới liên chủ thể theo lý lẽ thông thường được kiến tạo trong cộng đồng xã hội.
Ngôn ngữ không những là một phương tiện giúp con người khách thể hóa với nghĩa là diễn đạt những suy nghĩ hay cảm xúc của mình mà còn là một phương tiện có thể giúp con người điển hình hóa những kinh nghiệm đã qua. Điều này cho phép xếp chúng vào những phạm trù bao quát hơn từ đó giúp chúng có ý nghĩa không chỉ với cá nhân mà cả với đồng loại.
Khách thể hóa là việc con người tự thể hiện mình ra trong những sản phẩm hoạt động của mình nhằm diễn đạt những ý nghĩ chủ quan của mình. Trái lại “đối vật hóa” là việc chuyển hóa kinh nghiệm chung thành đối tượng kiến thức hữu ích cho mọi người. Điều đáng lưu ý là sự đối vật hóa (đối tượng hóa) thường là kết quả của một quá trình trầm tích luôn luôn diễn ra sau sự khách thể hóa.
Trong lĩnh vực Ngữ Văn và chuyên ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Văn và tiếng Việt, chúng ta cần nhấn mạnh việc học kiến tạo tri thức cần coi trọng hành động ngôn ngữ vì ngôn ngữ là phương tiện cho việc đối tượng hóa những kinh nghiệm mới để sáp nhập vào kho tàng tri thức hiện có và nó là phương tiện quan trọng nhất biểu thị sự sáng tạo hùng vĩ của văn hóa. Từ đó thấy được vai trò toàn năng của ngôn ngữ trong việc bảo tồn thực tại và kiến tạo lại cái thực tại trong chủ quan con người.