Đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động kiến tạo trong dạy học đọc hiểu VBTS

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 56 - 58)

nhịp nhàng cả hai loại này. Kiến tạo cơ bản tập trung vào quy trình, cơ chế xây dựng kiến thức của HS từ kiến thức, trải nghiệm, kĩ năng nền tảng, nói tóm lại là từ toàn bộ con người cá nhân. Các hoạt động kiến tạo cơ bản giúp cho HS từ một khởi điểm nhất định, qua hành trình nhận thức theo cơ chế “đồng hóa” và “điều ứng” xây dựng được trải nghiệm, kiến thức mới.

Kiến tạo xã hội bổ sung cho hoạt động kiến tạo cơ bản ở việc khẳng định vai trò của tương tác xã hội trong học tập, xây dựng kiến thức của chủ thể HS. Học tập là hoạt động xã hội. Nhà trường là một môi trường xã hội thu nhỏ đặc biệt. Tương tác giữa GV, HS, các bạn đọc HS với nhau là tương tác xã hội. Giao tiếp thẩm mĩ với các tiếng nói trong VBTS, với tiếng nói nhà văn phía sau văn bản đó diễn ra trong điều kiện xã hội cụ thể của hoạt động dạy học. Liên văn bản từ văn bản đọc hiểu lại tiếp tục mở ra vô vàn các tiếng nói khác trong các bối cảnh xã hội khác, thể hiện các nhận thức, quan điểm, sự đánh giá khác. Kiến tạo xã hội cho thấy, kiến thức không chỉ được xây dựng nhờ hành trình tự thân vận dụng tri thức, kĩ năng nền của mỗi cá nhân, mà còn bằng quá trình học từ người khác, học trong môi trường tương tác xã hội. Nhờ kiến tạo xã hội, con người đạt đến vùng phát triển gần nhất của mình, hoạt động dạy học có thể đi trước và kéo theo sự phát triển. Nhìn ở một khía cạnh nào đó từ phương diện dạy học, phối hợp kiến tạo cơ bản và kiến tạo xã hội cũng là phối hợp hài hòa, linh hoạt, hiệu quả hoạt động cá nhân và hoạt động nhóm trong đọc hiểu VBTS. Sự tách bạch nhiều khi cũng chỉ có tính chất tương đối. Bởi lẽ, ngay trong hoạt động kiến tạo cơ bản gắn với từng cá nhân chúng ta cũng thấy nó diễn ra trong một môi trường xã hội là nhà trường, được thực hiện bởi một chủ thể xã hội cụ thể. Về cơ bản, không có ai trong môi trường dạy học mà lại tồn tại thuần túy cá nhân, không mang các khía cạnh và phẩm chất xã hội. Tuy nhiên, tách biệt là để nhấn mạnh khi nào thì nên tập trung vào phương diện cá nhân và khi nào thì nên tập trung vào phương diện xã hội của hoạt động kiến tạo.

3.1.4. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động kiến tạo trong dạy họcđọc hiểu VBTS đọc hiểu VBTS

Mỗi hoạt động trong quá trình đọc hiểu VBTS theo quan điểm kiến tạo đều hướng đến một mục tiêu xác định. Có nhiều hình thức, con đường khác nhau để đi đến mục tiêu đó tùy thuộc vào các tham số khác nữa. Trong hoạt động nhận thức, quá trình tri giác và các quá trình nhận thức lí tính khác muốn hiệu quả thì đều cần chủ thể có sự tập trung, sự quyết tâm và độ hứng thú cao. Các hoạt động đúng hướng, sát mục tiêu nhưng đơn điệu, lặp đi lặp lại, không được phối hợp hài hòa, hợp lý sẽ dễ dẫn đến

nhàm chán, thiếu sự hứng thú và độ tập trung. Bởi vậy, đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động để HS kiến tạo ý nghĩa trong đọc hiểu VBTS là yêu cầu tất yếu đối với GV.

Các hoạt động đọc hiểu VBTS có thể diễn ra ở môi trường lớp học, trong các giờ học theo cách bố trí, sắp xếp thời khóa biểu truyền thống, có thể ở môi trường ngoài lớp học theo hình thức câu lạc bộ đọc sách. Ngay trong mỗi hoạt động kiến tạo theo cơ chế đồng hóa hay điều ứng cũng có thể đa dạng tùy theo bối cảnh, điều kiện, đối tượng học sinh, năng lực, thế mạnh của giáo viên. Chẳng hạn, cùng một mục tiêu học sinh huy động được tri thức, trải nghiệm nền khi đọc hiểu truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945, GV có thể sử dụng cách thức động não bằng từ khóa trung tâm về thể loại hoặc về bối cảnh. Cũng có thể sử dụng hình thức trò chơi ô chữ để xác định những mảnh thông tin quan trọng được khơi lên từ cái kho kiến thức đời sống và trải nghiệm đọc hiểu tiềm ẩn ở các cá nhân có liên quan và phục vụ cho hoạt động kiến tạo tri thức mới. Từ những mảnh thông tin cốt lõi này, hệ thống tri thức nền được đánh thức, tạo thành bức phông văn hóa đủ rộng, đủ sâu (ở mức độ của học sinh phổ thông) để sẵn sàng cho nhiều tiềm năng kết nối với những gì sẽ được tri nhận từ phía văn bản. Nền có thể được huy động bằng kênh ngôn ngữ là chủ yếu. Nền cũng có thể được huy động bằng các kênh đa phương thức khác như hình ảnh, sơ đồ, âm thanh, âm nhạc,… Nền được huy động trước khi bắt đầu hoạt động đọc hiểu văn bản như một sự sẵn sàng cần thiết, “lót ổ” cho quá trình sinh thành ý nghĩa của VBTS ở các chặng tiếp sau. Nền cũng có thể được huy động trực tiếp ngay trong từng hoạt động, đơn giản như khi cần hiểu nghĩa của một từ trong ngữ cảnh, phức tạp hơn như khi phân tích, phản hồi, đánh giá, hay vận dụng một yếu tố nào đó của văn bản. Một cách thức khác để huy động nền là nhập vai, quay ngược thời gian, chúng ta đang ở bối cảnh những năm 1930 - 1945 của thế kỉ trước, thử mô tả xem ta đang sống trong điều kiện nào, ta sẽ ăn mặc ra sao (ví dụ để đọc “Cô Kếu tân thời” của Nguyễn Công Hoan, hay “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng chẳng hạn), ta giao tiếp với những ai, ta sẽ đọc những văn bản nào, của tác giả nào,…Nền còn được huy động bằng cách sử dụng các phương thức trắc nghiệm để tìm ra các thông tin cốt lõi giúp tái tạo một bức tranh tổng thể về một nội dung tri thức có liên quan đến đọc hiểu văn bản tự sự,… Đây chỉ là một ví dụ nhỏ để thấy rằng dạy học là công việc vô cùng sáng tạo. Nếu người dạy sở hữu một “ngân hàng” của các hình thức hoạt động thì cơ hội lựa chọn cho chính mình với tư cách là người dạy và học sinh của mình với tư cách là chủ thể kiến tạo sẽ phong phú hơn, đa dạng hơn. Thêm nữa, các “tài khoản” trong ngân hàng đó sẽ không ngừng sinh sôi, nảy nở trong quá trình vận hành vào thực tiễn.

Trong sự đa dạng hóa các hình thức tổ chức hoạt động kiến tạo, điều cần lưu ý là luôn nắm vững mục tiêu, hiểu rõ đối tượng học tập và điều kiện thực hiện, hiểu rõ ưu điểm và những đòi hỏi riêng của mỗi hình thức hoạt động đó. Chẳng hạn, muốn tổ chức sân khấu hóa trong dạy học đọc hiểu văn bản tự sự để kích hoạt vào loại hoạt động kiến tạo xã hội, tăng cường tính tương tác, hỗ trợ nhau trong làm việc nhóm để tạo ra sản phẩm cuối cùng là vở biểu diễn, thì rõ ràng công phu chuẩn bị, hỗ trợ của

GV sẽ phải phức tạp hơn nhiều việc chỉ sử dụng hình thức đọc phân vai trong khuôn khổ thực hiện của giờ dạy học đọc hiểu văn bản tự sự theo truyền thống.

Trên đây là một số nguyên tắc dạy học đọc hiểu văn bản tự sự theo quan điểm kiến tạo. Tiếp theo, luận án sẽ tiến hành đề xuất và phân tích làm rõ mô hình kiến tạo ý nghĩa VBTS của HS trong dạy học đọc hiểu.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 56 - 58)