Vòng tròn văn học

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 89 - 91)

Vòng tròn văn học là một chiến lược đọc hợp tác trong đó các thành viên của nhóm cùng đọc và thảo luận sâu về một cuốn sách dựa trên các vai mà họ đã lựa chọn hoặc được phân công tham gia. Đây là cách thức thực hành gia tăng tính xác thực của hoạt động đọc hiểu văn bản trong nhà trường, tăng cường hứng thú đọc và tìm hiểu sách của HS. Chiến lược này được đề xuất từ năm 1982 bởi Karen Smith, một GV dạy tiểu học tại Mĩ.

Một vòng tròn văn học chính là cách tổ chức để HS trao đổi, thảo luận về cuốn sách họ chọn đọc dựa trên sự phân công nhiệm vụ đảm nhiệm một vai nhất định nào đó. Sách được lựa chọn thường là những tiểu thuyết dài. Các vai thường được xác định là: người trích dẫn; người đặt câu hỏi; người cắt nghĩa, lý giải; người thực hiện nhiệm

vụ đồ họa; người hình dung tưởng tượng,… Tương ứng với mỗi vai này là các nhiệm

vụ cụ thể. Ví dụ như với người trích dẫn, họ cần đọc cuốn tiểu thuyết, sau đó lựa chọn và xác định những thông tin sự việc của văn bản, các dẫn chứng tiêu biểu về một nội dung cụ thể cần tìm hiểu trong cuốn sách, trình bày các trích dẫn này theo một cách thức nhất định. Người đặt câu hỏi cần tạo ra một số lượng câu hỏi nhất định để cho nhóm thảo luận,… Dựa trên kết quả thực hiện của từng cá nhân, họ ngồi lại cùng nhau để thảo luận sâu về cuốn sách.

Trong quá trình áp dụng, từ việc hiểu tinh thần cơ bản của chiến thuật vòng tròn văn học, có thể vận dụng sáng tạo vào hoạt động dạy học đọc hiểu văn bản - cả văn bản học chính thức trên lớp học và các loại văn bản đọc mở rộng theo yêu cầu đặt ra của chương trình mới. Số lượng các vai, nội dung cụ thể của mỗi vai như thế nào là tùy theo mỗi văn bản và mục tiêu bài học mà giáo viên và học sinh quyết định. HS cũng có thể đảm nhiệm hai vai cùng một lúc nhằm đảm bảo ai cũng cần phải đọc và đọc kĩ văn bản, nắm bắt được thông tin sự việc trước khi có thể thực hiện các công việc khác,…

Chúng ta có thể vận dụng chiến lược vòng tròn văn học vào dạy học đọc hiểu văn bản tự sự theo QĐKT xã hội theo những cách thức đa dạng như thế. Dưới đây là ví dụ GV hướng dẫn HS đọc sâu phần văn bản truyện ngắn “Chí Phèo”.

Để tìm hiểu về tâm trạng, hành động và ý nghĩa của đoạn truyện Chí Phèo bị thị Nở cự tuyệt, vác dao đi gặp Bá Kiến, giết kẻ thù rồi tự kết liễu đời mình, có thể xây dựng một vòng tròn văn học gồm nhóm 3 thành viên, đảm nhiệm ba vai. Vai người

trích dẫn có nhiệm vụ đọc kĩ đoạn trích, tìm ra các chi tiết, hình ảnh thể hiện về nhân

vật Chí Phèo.

Cụ thể, cần tìm được chi tiết thể hiện thái độ, phản ứng của bà cô thị Nở khi nghe tin cháu muốn đi lấy “một thằng không cha, không mẹ”, tìm và chọn ra được các chi tiết thể hiện phản ứng của Chí khi thị Nở “chống tay vào háng, vênh vênh cái mặt, và dớn cái môi vĩ đại lên, trút vào mặt hắn tất cả lời bà cô”, chỉ ra hành động, ngôn ngữ của Chí Phèo khi đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện.

Vai người trích dẫn được trao cho tất cả các thành viên trong nhóm để đảm bảo họ cùng có điểm xuất phát để kiến tạo ý nghĩa là từ hiện thực tồn tại vật chất của văn bản- tránh lối dạy học “thế bản” chỉ “nghe hơi”, nói dựa, nói theo những điều người khác cảm nhận. Người cắt nghĩa được chia làm 2 vai nhỏ, tương ứng với nhiệm vụ cần thực hiện.

Người cắt nghĩa số 1 tập trung vào tìm hiểu, suy luận, lý giải các chi tiết về thái độ của bà cô thị Nở, cũng là của cộng đồng làng Vũ Đại đối với Chí, về ý nghĩa của chi tiết hơi cháo hành hiện ra chờn vờn như trêu ngươi, đẩy Chí xuống thẳm sâu của sự đau đớn, tuyệt vọng, tiếc nuối,…

Người cắt nghĩa số 2 tìm hiểu về ngôn ngữ, hành động của Chí Phèo khi đến nhà Bá Kiến để nhận ra Chí giết Bá Kiến là hành động tỉnh thức nhất làng Vũ Đại hay là cái bất cần, nổi loạn của kẻ say và có thể có một kết thúc khác “có hậu” hơn với Chí Phèo được không?...

Vai người liên hệ, dự đoán có trách nhiệm tạo ra các kết nối từ chi tiết trong phần văn bản này với chỉnh thể nghệ thuật truyện ngắn và các liên văn bản khác. Sau khi thực hiện nội dung của từng vai, nhóm tập hợp lại để cùng thống nhất và chia sẻ kết quả tìm hiểu về nhân vật Chí Phèo. Dưới đây là ví dụ:

PHIẾU HỌC TẬP SỐ 1

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 89 - 91)