Những hạn chế của thuyết kiến tạo

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 44 - 45)

Cụm từ kiến tạo xã hội về tri thức vừa tinh tế vừa mơ hồ rơi rớt trong cách hiểu khá xa nhau khiến người sử dụng vượt qua cái nghĩa ban đầu và dễ lạm dụng nó như một thứ thời thượng. Không nên nghĩ kiến tạo xã hội là một nguyên tắc phổ quát xem bất cứ cái gì cũng đều do con người nói chung kiến tạo nên, kể cả các định luật toán, lý, hóa, sinh học. Ngay trong khoa học văn học, con người làm sao có thể kiến tạo nên linh cảm, trực giác và thế giới vô thức! Không nên quy giản tri thức vào hành động và mục đích của con người là xong. Quan niệm vận dụng lý thuyết kiến tạo không hề dễ dàng mang lại hiệu quả tức thì. Đa số chúng ta quen dạy học chứ chưa thành thạo trong việc dạy cách học. Dạy học kiến tạo cần nhiều thời gian và công sức hơn mà những giáo viên có thâm niên công tác lâu chưa có điều kiện được đào tạo cái mới nên cần phải có đam mê nghề nghiệp và tình yêu đối với sự phát triển giáo dục nước nhà bắt kịp tiến bộ thế giới. Thuyết kiến tạo chưa chú ý nhiều đến tiềm năng ngôn ngữ với sự nhắc nhở ngàn đời về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy, ngôn ngữ là hiện thực trực tiếp của tư tưởng và ngôn ngữ là thành tựu văn hóa lớn của con người. Mặc dù có những hạn chế nhất định của thuyết kiến tạo nhưng nó đã góp phần cởi trói cho tư duy mới đề cao năng lực hành động như Gớt nói “khởi đầu là hành động”. Hành động là động lực, là phương cách là bản chất tồn sinh của con người. Bởi thế cần coi trọng tri thức làm là bắt tay làm ngay, làm liên tục nhiều lần để suy đi tính lại và thay đổi cách làm để hoàn thiện những gì chúng ta tin tưởng.

Thuyết kiến tạo góp phần làm thay đổi mục tiêu quá trình đào tạo giáo dục từ giáo dục cho tất cả mọi người sang mục tiêu lớn hơn là sự nghiệp giáo dục được tạo ra bởi tất cả mọi người. Đó là xã hội hóa giáo dục, học lẫn nhau, dạy lẫn nhau phát huy tiềm năng tri thức xã hội và tri thức cá nhân một cách tổng lực để có một xã hội văn minh, văn hóa, thực hiện mục đích tự giáo dục bằng học tập suốt đời.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 44 - 45)