Người kể chuyện trong VBTS

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 32 - 33)

Có thể hiểu người kể chuyện cũng là người trần thuật. Người kể chuyện là sự tổ hợp nhân vật truyện kể vào mình như một người thuật lại chuyện đời bằng sự tái sinh bởi nhân vật truyện kể. Điều đó có liên quan đến người đọc giả định và điểm nhìn trần thuật của người kể chuyện. Sự liên quan này là gợi ý quan trọng trong đọc hiểu. Nó thu hẹp khoảng cách tiếp nhận của độc giả nói chung theo “tầm đón nhận” của người đọc giả định để có thể hiểu được những thông điệp nghệ thuật mà tác giả muốn gửi vào tác phẩm bằng kí hiệu thẩm mỹ. Mặt khác với điểm nhìn trần thuật của người kể chuyện, tác giả muốn ẩn mình để tạo nên tính khách quan, chân thực của câu chuyện kể và đặt người đọc vào thế đọc phải suy nghĩ có nên đọc theo “bước đi của tác giả” [100] bằng chiến lược quyến rũ của nhà văn hay là tự lực đọc theo cách đọc nào đấy của mình sẽ phát hiện thêm những ý nghĩa khác cho tác phẩm.

Chính điều này được áp dụng sẽ tạo nên sự căng thẳng trí tuệ thú vị và tăng cường tính hấp dẫn nghệ thuật của truyện kể. Người kể chuyện là một trong những hình thức thể hiện quan điểm của tác giả trong tác phẩm. Quan điểm này chỉ được bộc lộ thông qua điểm nhìn, tầm nhận thức, tư tưởng của người kể chuyện. Đây là loại tri thức tự sự khó nắm bắt và khó vận dụng trong dạy học đọc hiểu VBTS theo kiểu bạn đọc - HS là chủ thể lĩnh hội và kiến tạo tri thức mới.

Lý thuyết tự sự học hiện đại cho rằng người kể chuyện không bao giờ là tác giả hay là trùng hợp với tác giả, mà là một vai trò mà tác giả nghĩ ra và ước định nên. Như vậy trong khi dạy học đọc hiểu VBTS theo QĐKT ta hiểu rằng người kể chuyện là một trong những sáng tạo độc đáo của truyện kể cần phải chú ý. Nó được khách thể hóa ý đồ nghệ thuật của tác giả trong tác phẩm. Ngoài ý nghĩa của vai trò người kể chuyện đối với người đọc, người kể chuyện còn là sự biến dạng nhằm hạn chế sự nhàm chán của tác giả toàn tri bằng điểm nhìn trần thuật đa chiều của người kể chuyện ngôi một, ngôi hai và ngôi ba theo quy luật đa trí tuệ trong đối thoại với người khác với cái khác mình.

Câu chuyện được kể với nhiều điểm nhìn trần thuật và cách kể cũng là cách nhận thức, đánh giá, thưởng thức câu chuyện đời sinh động khách quan hơn. Từ đó người đọc tin vào giá trị tác phẩm và mở rộng tri thức tự sự và hiểu biết đời sống hơn.

Tác giả chỉ chết như sự vắng bóng lâu dài và không xuất hiện trên bề mặt văn bản nhưng tác giả vẫn là “chủ thể sáng tạo” ra tác phẩm và chia sẻ sự sáng tạo ấy với bạn đọc như là người đồng sáng tạo tác phẩm. Vì vậy trong dạy học đọc hiểu VBTS hiện nay, sách giáo khoa vẫn giữ nội dung tìm hiểu tác giả, thậm chí lý luận văn học còn đề xuất khái niệm “hình tượng tác giả trong tác phẩm”. Cái nhất thời bất biến của quan niệm hiện sinh theo cách nói là tôi ở đây và bây giờ vẫn có ít nhiều giá trị vận dụng trong dạy học đọc hiểu văn bản văn chương quan tâm đến số phận, thời điểm sáng tác của nhà văn. Thông thường người ta hiểu người kể chuyện có sự hòa trộn hay kết hợp với nhân vật truyện kể vì vậy cũng nên phân biệt ranh giới nội hàm của chúng khi tìm hiểu về nhân vật truyện kể sau đây.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 32 - 33)