Tiến trình kiến tạo tri thức bằng “hành động đọc hiểu” trong dạy học đọc hiểu VBTS

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 45 - 47)

đọc hiểu VBTS

Chúng tôi thừa nhận cái gọi là thuyết kiến tạo bao gồm tư tưởng và quan điểm về những hạt nhân hợp lý của nó được thừa nhận rộng rãi trong giáo dục và dạy học ngày nay. Đề tài nghiên cứu của chúng tôi sử dụng khái niệm QĐKT. Sự phân biệt nội dung và hàm nghĩa của tư tưởng kiến tạo, QĐKT và lý thuyết kiến tạo đã được bàn luận ở chương tổng quan. Ở đây, chúng tôi cho rằng QĐKT được vận dụng trong dạy học đọc hiểu VBTS là thích hợp vì nó chú trọng hoạt động tư duy để tái hiện, hình thành và khám phá tri thức mới, vừa phát triển phẩm chất tự học độc lập vừa phát triển năng lực sáng tạo của HS THPT.

Bàn về cơ sở lý luận của đề tài luận án, chủ yếu cần nêu được mối quan hệ giữa lý thuyết đọc hiểu, tự sự học hiện đại và thuyết kiến tạo thông qua những tiếp điểm, chỗ giao thoa giữa chúng có thể kết nối để vận dụng một cách tập trung. Chỗ tập trung của giao diện trên là hành động đọc hiểu, nơi bắt đầu và là dòng tiếp diễn của sự hiểu thỏa đáng. Từ hành động đọc, độc giả mới nhận ra được sắc thái của lời kể chuyện và thái độ yêu ghét, đồng tình hay phê phán của người kể trong hành động kể hòa thấm bởi giọng điệu kể vào người nghe kể với biết bao lời nói của nhân vật trong tác phẩm tự sự. Đó là những lời đối thoại hay độc thoại nội tâm hoặc là lời trữ tình ngoại đề, lời bình luận của một nhân vật nào đó.

Thuyết kiến tạo cũng hướng vào và coi trọng hoạt động của con người thông qua lao động trí óc và chân tay là hành động kiến tạo nên thế giới khách quan đến đâu thì càng hoàn thiện bản chất người đến đấy. Hoạt động trí tuệ hay lao động trí óc sản sinh ra tri thức. Thuyết kiến tạo rất chú trọng đến hành động học tập tạo dựng tri thức mới.

Thuyết kiến tạo cố gắng phân biệt kiến thức vốn là hiểu biết thông thường về cuộc sống thông qua kinh nghiệm xã hội, còn tri thức là nhận thức chuyên sâu về một lĩnh vực tự nhiên thông qua kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, kinh nghiệm tư duy của con người. Khái niệm nền kiến thức xã hội được P. Berger và T. Luckman xem là kết quả lắng đọng qua thời gian các hành vi đã trải nghiệm từ trước cùng với sự tổng quát hóa đúc kết thành ý tưởng của mình về những hành vi ấy [6].

Mỗi cuộc đời cá nhân con người đều trải qua những kinh nghiệm và thu nạp chúng thành kho báu đời sống riêng tư. Kho báu ấy là sự trầm tích kinh nghiệm đã trải qua để mở rộng kiến thức được sở hữu từ xã hội để hành động trong những tình huống cụ thể mà có kiến thức trong tầm tay. Khi cần những kiến thức này sẽ được lưu giữ, nhớ lại như một tiềm năng trí tuệ của con người.

Không nên tuyệt đối hóa trí tuệ cá nhân và cũng không quá đề cao kiến thức chung của xã hội trong khi chúng có mối quan hệ biện chứng không thể tách rời nhau. Đó là nguyên lý phổ quát khi vận dụng thuyết kiến tạo vào dạy học các môn học trong nhà trường THPT hiện nay.

Tri thức nói chung không quy về khoa học biệt lập. Nhận thức hiểu biết tri thức là những phát ngôn biểu thị các đối tượng và miêu tả chúng để kết luận đúng, sai. Khái niệm tri thức được hiểu không phải chỉ là những phát biểu “mục sở thị” mà còn trộn

lẫn vào nó các ý tưởng về tri thức nghe trong học hỏi, tri thức làm trong hành động vận dụng và tri thức sống trong trải nghiệm và kinh nghiệm ứng xử. Tri thức là một năng lực đa biệt vượt ra ngoài việc xác định và áp dụng chân lý như là tiêu chí duy nhất đúng. Tri thức cần được hiểu bao gồm cả tiêu chí về tính phát triển và tính hiệu quả của nó.

Từ đây có thể rút ra đặc điểm của tri thức là hình thức tư duy tốt nhất được hiện thân trong chủ thể hành động. Chủ thể này là một tổ hợp nhiều năng lực. Tri thức được chủ thể sở hữu phải thông qua quá trình đào tạo mới có được.

Quy trình khám phá và phát triển tri thức trên cơ sở hành động của HS bằng khả năng tư duy tích cực, độc lập, sáng tạo của họ. Theo Dewey, người mở đường cho chủ nghĩa dụng hành gắn liền với lý luận nhận thức đã dứt khoát quay lưng lại với sự trừu tượng, mơ hồ và không đầy đủ của nhận thức, những giải pháp nói suông, những lôgíc giả tạo, những nguyên lý bất biến và những nguồn gốc ngụy tạo cùng hệ thống khép kín. Nhận thức phải hướng tới những gì cụ thể có thật và cần thiết. Tri thức trong quá trình nhận thức được thể hiện bằng sự kiện và hành động với sức mạnh trần gian của nó chống lại sự giáo điều và giả danh chân lý.

Hiệu quả vận dụng thuyết kiến tạo đã khai thông lý thuyết nửa vời và khởi động cách tiếp cận đa nguyên lý thuyết để chia sẻ với các lý thuyết khác. Điều đó rất phù hợp về nguyên lý và bản chất của lý luận đọc hiểu với “hình thức tự sự” hay “nghệ

thuật tự sự” của tác phẩm văn xuôi hư cấu.

Thuyết kiến tạo với tính chất là môn xã hội học nhận thức, là khoa học dụng hành có nhiệm vụ nghiên cứu quá trình nhận thức của con người và những gì được coi là tri thức trong khuôn khổ một xã hội nhất định. Vì thế cũng nên biết quá trình học như quá trình nhận thức và tư duy trong hành động sáng tạo của HS.

Học tập là học việc tìm hiểu tri thức mới bằng cách thức tư duy trong hành động qua những thao tác, kỹ năng và chiến thuật tư duy. Kiểu học này yêu cầu trách nhiệm cao của cá nhân HS một cách chủ động, tự giác và có hứng thú trí tuệ. Học với tinh thần tự học là chính của bản thân với năng lực phản tư, coi chính mình là đối tượng tư duy của mình.

Học tập thể hiện năng lực nhận thức khác nhau của học trò trong một lớp. Cần có cách giúp học sinh tự học năng động, sáng tạo bằng phương pháp dạy học thích hợp

“buông mà không bỏ” từ tài trí của GV để việc tự học của từng HS đạt hiệu quả tốt

nhất với năng lực của họ.

Điều đó có nghĩa là qua sự phát triển của phương pháp, chiến lược tự học là học cách học, học sự học để tiếp thu kiến thức đầy đủ, hệ thống, từ đó mà khám phá, kiến tạo tri thức mới theo cách tự tổ chức gắn thông tin mới với các kiến thức đã có một cách tiềm ẩn bao gồm không chỉ tri thức đã được dạy mà cả kiến thức tự học nhiều hơn mà có.

Lý thuyết của Piaget (1952) và Vygotxky (1978) đều nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động nhận thức tự phát khi HS mã hóa và xử lý thông tin. Tuy nhiên, Piaget chú trọng việc hình thành năng lực nhận thức của cá nhân thì Vygotxky lại coi sự phát triển nhận thức mang tính xã hội là cơ sở của hoạt động trí tuệ. Nhận thức

mang tính xã hội đã ảnh hưởng đến “vùng phát triển gần nhất”, tức là sự phát triển đạt được hiện thời khác với sự phát triển tiềm tàng cùng với sự giúp đỡ bên ngoài thì mới tạo ra được tri thức mới.

Với tư cách người vận dụng sự hiểu biết về thuyết kiến tạo, chúng tôi cho rằng các loại kiến thức nền được vận dụng trong học tập các môn học cần ưu tiên tri thức chuyên sâu mang đặc trưng bản chất của môn học. Nghiệm ra, HS nào có tri thức chuyên sâu sẽ giải quyết vấn đề nhanh hơn, trúng hơn những HS cái gì cũng biết nhưng không có gì chắc chắn.

Ví dụ học Văn thì phải phải biết đọc Văn, làm Văn, biết nói và biết viết thiên về ngôn từ hàm ẩn được xác định trong văn cảnh trong trường nghĩa do mối quan hệ giữa người sử dụng và ngôn ngữ (ngữ dụng), quan hệ giữa ngôn ngữ và sự vật mà nó cắt nghĩa (ngữ nghĩa) và mối quan hệ nội bộ của sự diễn đạt ngôn ngữ (cú pháp) để tránh nói không thành câu.

Mỗi môn học có đặc thù thông tin do ngôn ngữ của nó tạo nên như hình tượng, biểu tưởng, ẩn dụ, ngôn từ nghệ thuật mang mục đích thẩm mỹ trong môn Ngữ Văn hay khái niệm, thuật ngữ, con số, công thức, sơ đồ, hình vẽ đối với môn Toán…

Đối với việc tự học, cần vận dụng có cân nhắc các chiến lược siêu nhận thức tức là tiếp thu những chiến lược thông minh để xử lý thông tin thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn trong học tập giải quyết vấn đề với việc tự động hóa kỹ thuật nghe, đọc, ghi, chuyển dịch, số hóa, sơ đồ, hình ảnh, âm thanh…

Thuyết kiến tạo với mục đích “nhân văn hóa” việc học bằng sự tích hợp nội bộ các tri thức nghe, tri thức làm và tri thức sống để phát triển năng lực con người ngay khi HS còn có mặt tại trường lớp.

Qua thuyết kiến tạo, có thể lược quy lại những điểm nhấn như: Sự phát triển nhận thức không phải là quá trình thống nhất đồng đều trong HS mà là sự kết hợp các quá trình thay đổi. Sự biến đổi đó chủ yếu diễn ra bên trong và giữa năng lực của các cá nhân. Sự khác nhau về trí thông minh, trí tuệ cảm xúc, sự đam mê, niềm vui học tập, nghị lực vượt khó và lòng tự trọng của HS có ảnh hưởng lớn trong kiến tạo tri thức.

Kho tàng kinh nghiệm tiềm ẩn của HS rất quý giá khi kinh nghiệm đó tiệm cận kiến thức trong dạy học kiến tạo nhưng kiểu tư duy lý luận tốt về môn học vẫn cần thiết và quan trọng hơn bất cứ thứ gì trong việc tiếp thu và trau dồi hiểu biết về văn học và văn hóa.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Dạy học đọc hiểu văn bản tự sự ở trung học phổ thông theo quan điểm kiến tạo (Trang 45 - 47)