CHỦ NGHĨA TƯ BẢN ĐỘC QUYỀN

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa mac lênin (Trang 106 - 110)

1. Sự chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh sang chủ nghĩa tư bản độc quyền độc quyền

Nghiên cứu CNTB trong giai đoạn tự do cạnh tranh, Mác đã dự báo: tự do cạnh tranh sẽ dẫn đến tích tụ và tập trung sản xuất, tích tụ và tập trung sản xuất sẽ dẫn đến sự ra đời của các tổ chức độc quyền. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Lênin nhận định về sự hình thành CNTB độc quyền là do:

- Tác động của tiến bộ khoa học kỹ thuật làm cho lực lượng sản xuất của CNTB phát triển cao, dẫn đến quá trình tích tụ và tập trung sản xuất, từ đó hình thành các xí nghiệp có quy mô lớn.

- Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đã dẫn đến nâng cao năng suất lao động, tăng tích lũy, hình thành những xí nghiệp quy mô lớn, tạo điều kiện hình thành các tổ chức độc quyền.

- Do sự tác động bởi các quy luật kinh tế cơ bản của CNTB như: quy luật giá trị, quy luật giá trị thặng dư, quy luật tích lũy, quy luật cạnh tranh…làm thay đổi cơ cấu kinh tế của nền sản xuất tư bản theo hướng tập trung quy mô lớn.

- Cạnh tranh quyết liệt đòi hỏi tích tụ và tập trung sản xuất, đồng thời làm phá sản những nhà sản xuất nhỏ, hoặc gia nhập những tổ chức kinh tế lớn, từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức độc quyền ra đời.

- Những cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra thường xuyên, làm phá sản các xí nghiệp nhỏ, thay đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung.

- Sự phát triển của hệ thống tín dụng và thị trường chứng khoán, góp phần hình thành các doanh nghiệp lớn và các công ty cổ phần, có khả năng chi phối nền kinh tế.

2. Những đặc điểm kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản độc quyền.

a. Tập trung sản xuất và các tổ chức độc quyền

Vào đầu thế kỷ XX, ở các nước tư bản phát triển như: Anh, Pháp, Mỹ, xuất hiện những tổ chức kinh tế lớn, chi phối một số ngành như điện lực, khai khoáng, chế tạo máy, dầu lửa, sắt thép…các tổ chức kinh tế này có quy mô lớn, nên khó bị đánh bại trong cạnh tranh, từ đó dẫn đến sự thỏa hiệp, liên kết, để nắm giữ độc quyền một số ngành. Như vậy, tổ chức độc quyền kinh tế là những doanh nghiệp lớn, hoặc liên minh của các nhà tư bản lớn, nắm trong tay phần lớn việc sản xuất và tiêu thụ một hoặc một số loại sản phẩm, nhằm thu lợi nhuận độc quyền cao.

Để liên kết giữa các nhà tư bản nhằm tạo thể độc quyền. họ có thể thực hiện dưới các hình thức như:

- Liên kết dọc, tức liên kết giữa các nhà tư bản trong cùng ngành sản xuất, kinh doanh. - Liên kết ngang là liên kết giữa các nhà tư bản ở các ngành sản xuất, kinh doanh khác nhau.

b. Các tổ chức độc quyền ra đời và phát triển từ thấp đến cao, dưới các hình thức cơ bản sau: bản sau:

- Các-ten (cartel) là hình thức tổ chức độc quyền dựa trên sự ký kết hiệp định giữa các xí nghiệp thành viên để thỏa thuận với nhau về giá cả, quy mô sản lượng, thị trường tiêu thụ, thời hạn thanh toán… còn việc sản xuất và tiêu thụ vẫn do bản thân mỗi thành viên thực hiện.

- Xanh-đi-ca (Syndicat) là hình thức tổ chức độc quyền trong đó việc lưu thông, tiêu thụ sản phẩm do một ban quản trị chung đảm nhiệm, nhưng sản xuất vẫn là công việc độc lập của mỗi thành viên.

- Tờ-rớt (Trusts) là một hình thức độc quyền cao hơn cácten và xanhđica, nhằm thống nhất cả việc sản xuất, tiêu thụ, tài chính đều do một ban quản trị quản lý, điều hành. Các nhà tư bản tham gia tờrớt trở thành những cổ đông thu lợi nhuận theo giá trị cổ phần đóng góp và hiệu quả kinh doanh.

- Công-xóoc-xi-om (Comsortium) là hình thức tổ chức độc quyền có trình độ và quy mô lớn hơn các hình thức độc quyền trên. Tham gia côngxóocxiom khong chỉ có các nhà tư bản lớn mà còn cả các xanhđica, tờrớt, thuộc các ngành khác nhau nhưng liên quan với nhau về

kinh tế, kỹ thuật. Với kiểu liên kết dọc như vậy, một côngxóocxiom có thể có hàng trăm xí nghiệp liên ket trên cơ sở hoàn toàn phụ thuộc về tài chính vào một nhóm tư bản kếch sù. Nó có khả năng chi phối và ảnh hưởng đến nền kinh tế của một nước.

- Công-gô-lô-mê-rát (Conglomerate) là liên minh độc quyền mang tính quốc tế, nó hoạt động và chi phối ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau và ảnh hưởng đến nhiều nước. Ngày nay các Công-gô-lô-me-rát chính là các tập đoàn tư bản tài chính quốc tế, có khả năng chi phối và ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhiều nước.

c. Tư bản tài chính

Khi hình thành các tổ chức độc quyền trong công nghiệp, thì đồng thời trong ngân hàng cũng diễn ra quá trình tích tụ và tập trung tư bản với quy mô lớn, dẫn đến hình thành các tổ chức độc quyền trong ngân hàng. Cạnh tranh làm cho các ngân hàng nhỏ bị phá sản, hoặc phải sát nhập vào những ngân hàng lớn, ngoài ra các tổ chức độc quyền trong công nghiệp đòi hỏi phải có những ngân hàng lớn để đáp ứng vốn cho nó, từ đó các tổ chức độc quyền trong ngân hàng ra đời.

Sự xuất hiện của các tổ chức độc quyền lớn về ngân hàng, làm thay đổi vai trò của ngân hàng, từ chỗ chỉ là trung gian trong thanh toán và tín dụng, đến nay đã nắm giữ và chi phối một lựơng lớn tư bản tiền tệ, từ đó có thể chi phối, khống chế các tổ chức độc quyền công nghiệp và các hoạt động của nền kinh tế. Trước sự chi phối ngày càng lớn của các tỏ chức độc quyền trong ngân hàng, các tổ chức độc quyền trong công nghiệp tìm cách xâm nhập vào hoạt động của ngân hàng, hoặc thành lập ngân hàng riêng để huy động vốn. Quá trình liên kết giữa các tổ chức độc quyền trong công nghiệp với các tổ chức độc quyền trong ngân hàng, đã hình thành các tập đoàn tư bản tài chính. Lênin gọi là bọn đầu sỏ tài chính.

Các tập đoàn đầu sỏ tài chính chi phối hoạt động kinh tế thông qua chế độ tham dự, bằng cách mua và nắm giữ cổ phiếu khống chế trong các “công ty mẹ”, tiếp theo các công ty này lại chi phối các “công ty con”…từ đó giúp cho các tập đoàn đầu sỏ tài chính có thể chi phối một lượng tư bản lớn hơn nhiều lần so với số vốn của nó. Ngoài ra, tư bản tài chính còn phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu, đầu cơ bất động sản…để tăng quy mô vốn và thu lợi nhuận cao.

Các tập đoàn đầu sỏ tài chính chi phối hoạt động chính trị thông qua việc đưa người vào bộ máy nhà nước, hoặc mua chuộc hối lộ các viên chức nhà nước, để chi phối đường lối, chính sách của nhà nước nhằm phục vụ lợi ích cho các tập đoàn tư bản tài chính.

d. Xuất khẩu tư bản

Xuất khẩu tư bản là đầu tư tư bản ra nước ngoài, nhằm thu được lợi nhuận cao từ các nước nhập khẩu. Nguyên nhân xuất khẩu tư bản trong giai đoạn CNTB độc quyền là do:

- Các nước tư bản phát triển và các tập đoàn tư bản tài chính lớn đã tích lũy được một lượng lớn tư bản và có một lượng tư bản “thừa” cần đầu tư ra nước ngoài nhằm thu lợi nhuận cao hơn so với đầu tư ở trong nước.

- Các nước còn kém phát triển thường thiếu vốn đầu tư trong khi lại có nguồn nguyên liệu dồi dào, giá nhân công rẻ, từ đó hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài.

Xuất khẩu tư bản có thể nhà nước hoặc tư nhân thực hiện, dưới hai hình thức chủ yếu là:

- Xuất khẩu tư bản hoạt động (đầu tư trực tiếp) được thực hiện dưới hình thức tư bản nước ngoài mua lại các doanh nghiệp của nước sở tại, đầu tư mới 100% vốn, hoặc góp vốn cổ phần với nhà nước hoặc tư nhân của nước sở tại.

- Xuất khẩu tư bản cho vay (đầu tư gián tiếp) là hình thức mà các tập đoàn tư bản tài chính cho chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài vay vốn, hoặc đầu tư vào thị trường chứng khoán ở nước ngoài.

- Xuất khẩu tư bản nhà nước là nhà nước tư sản dùng nguồn vốn ngân sách để đầu tư ra nước ngoài, hoặc cho vay. Nhà nước cũng dùng ngân sách để viện trợ ưu đãi, hoặc viện trợ không hòan lại, nhằm thực hiện những mục tiêu về kinh tế, chính trị, quân sự.

- Xuất khẩu tư bản tư nhân là hình thức xuất khẩu do các tập đoàn tư bản tài chính tư nhân thực hiện, thường được đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có lợi nhuận cao, khả năng thu hồi vốn nhanh.

e. Sự phân chia thị trường thế giới giữa các tổ chức độc quyền

Khi các tập đoàn tư bản tài chính mở rộng xuất khẩu tư bản ra nước ngoài, sẽ dẫn đến mâu thuẫn gay gắt giữa các tập đoạn tư bản, từ đó đòi hỏi phải có sự phân chia thị trường thế giới giữa các tập đoàn tư bản tài chính lớn. Thị trường của các nước đang phát triển là nơi có nhiều tiềm năng và nguồn lực to lớn, có thể đem lại lợi nhuận cao cho các tập đoàn tư bản tài chính, từ đó dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt và phân chia lại thị trường thế giới giữa các tập đoàn tư bản tài chính lớn. Sự phân chia thị trường thế giới giúp cho các tập đoàn tư bản tài chính củng cố vị trí độc quyền, đảm bảo lại ích cho các tổ chức độc quyền, hạn chế thiệt hại.

f. Sự phân chia thế giới về lãnh thổ giữa các cường quốc đế quốc

Sự phân chia thị trường thế giới giữa các tổ chức độc quyền lớn, vẫn không giải quyết được những mâu thuẫn, đồng thời do sự phát triển không đều về kinh tế, quân sự dẫn đến thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước đế quốc, như sự phát triển nhanh chóng của Đức, Nhật, Ý, đòi phân chia lại thuộc địa với các nước như: Anh, Pháp, từ đó dẫn đến cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918) và chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), để phân chia lại thuộc địa giữa các nước đế quốc.

Sự phân chia lãnh thổ ngày nay, không phải bằng xâm chiếm thuộc địa như trước đây, mà thông qua chiêu bài viện trợ kinh tế, quân sự, dẫn đến các nước kém phát triển phải lệ thuộc vào các nước tư bản phát triển cả về kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao.

3. Sự hoạt động của quy luật giá trị và quy luật giá trị thặng dư trong giai đoạn CNTB độc quyền. CNTB độc quyền.

a. Quan hệ giữa độc quyền và cạnh tranh

Trong giai đoạn độc quyền cạnh tranh vẫn không bị xóa bỏ, mà còn gay gắt, quyết liệt, đa dạng và có những tác động nghiêm trọng. Cạnh tranh trong giai đoạn độc quyền bao gồm:

- Cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền với nhau: bao gồm cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền trong cùng một ngành, hoặc giữa các tổ chức độc quyền ở trong ngành có liên quan với nhau. Sự cạnh tranh này thường dẫn đến sự thỏa hiệp, hoặc liên kết với nhau để đem lại lợi ích chung, đảm bảo lợi nhuận độc quyền cao.

- Cạnh tranh giữa các tổ chức độc quyền với các tổ chức ngoài độc quyền thường làm phá sản hoặc thôn tính các tổ chức ngoài độc quyền.

- Cạnh tranh trong nội bộ các tổ chức độc quyền: thường diễn ra đối với các cổ đông nắm giữ cổ phần lớn, hoặc thành viên hội đồng quản trị, nhằm giành cổ phiếu khống chế để nắm quyền kiểm soát, chi phối các tổ chức độc quyền.

b. Hoạt động của quy luật giá trị và quy luật giá trị thặng dư

CNTB độc quyền có những biểu hiện mới, nhưng không vượt ra khỏi các quy luật vận động của CNTB nói chung. Tuy nhiên, trong giai đoạn CNTB độc quyền, các quy luật kinh tế của sản xuất hàng hóa TBCN có những biểu hiện mới:

- Về quy luật giá trị: sự thống trị của các tổ chức độc quyền đã dẫn đến việc áp đặt giá cả độc quyền bao gồm: giá cả độc quyền thấp khi các tổ chức độc quyền mua sản phẩm của các nhà sản xuất nhỏ; giá cả độc quyền cao khi các tổ chức độc quyền bán sản phẩm. Giá cả độc quyền vẫn không hoàn toàn thoát ly khỏi giá trị, mà thực chất thông qua giá cả độc quyền mà các tổ chức độc quyền, chiếm đoạt một phần giá trị thặng dư của những người sản xuất nhỏ và thu nhập của người tiêu dùng. Giá cả độc quyền vẫn phải đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất cộng với khoản lợi nhuận độc quyền cao. Quy luật giá cả độc quyền, chính là sự biểu hiện của quy luật giá trị trong giai đoạn CNTB độc quyền.

- Quy luật giá trị thặng dư: trong giai đoạn CNTB độc quyền, thông qua giá cả độc quyền, các tổ chức độc quyền thu được lợi nhuận độc quyền cao. Lợi nhuận độc quyền chính là biểu hiện của quy luật giá trị thặng dư trong giai đoạn CNTB độc quyền. Nguồn gốc của lợi nhuận độc quyền bao gồm: phần lao động không công của công nhân trong các xí nghiệp độc quyền; phần lao động không công của các xí nghiệp không độc quyền; một phần giá trị thặng dư của các nhà tư bản nhỏ bị các tổ chức độc quyền chèn ép; một phần lao động của những người sản xuất nhỏ; phần lao động không công của công nhân ở các nước mà các tổ chức độc quyền đầu tư. Như vậy, quy luật lợi nhuận độc quyền chính là biểu hiện của quy luật giá trị thặng dư, trong giai đoạn CNTB độc quyền.

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa mac lênin (Trang 106 - 110)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(168 trang)
w