III. NHỮNG CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT
7. Phạm trù nội dung và hình thức
a. Khái niệm:
+ Nội dung là toàn bộ những yếu tố, những mặt và những quá trình tạo nên sự vật do sự tác động lẫn nhau giữa chúng nằm ngay bên trong của các sự vật hay hiện tượng.
+ Hình thức là phương thức tồn tại và phát triển của sự vật, là hệ thống các mối liên hệ tương đối bền vững của sự vật đó.
Ví dụ: nội dung của một con người là toàn bộ những yếu tố như là tế bào, cơ quan cảm giác, hệ thần kinh v.v… Hình thức là kết cấu, sắp xếp của các bộ phận cơ bắp, hoặc nội dung của một xã hội là các quan hệ sản sản xuất, còn hình thức được biểu hiện dưới hình thức các chính sách kinh tế - xã hội.
b. Mối liên hệ nội dung và hình thức:
- Nội dung và hình thức bao giờ cũng là một thể thống nhất. Nội dung nào thì có hình thức ấy, nội dung quyết định hình thức. Do đó sự biến đổi của một sự vật nào đó, nội dung phải biến đổi trước và khi nội dung biến đổi nó kéo theo hình thức cũng biến đổi. Nhưng không có nghĩa là hình thức chỉ thụ động, “ngoan ngoãn” đi theo nội dung mà hình thức còn có vai trò tác động trở lại đối với nội dung, sự tác động đó thường diễn ra theo hai hướng:
+ Một là, nếu hình thức phù hợp với nội dung thì nó sẽ trở thành động lực tích cực thúc đẩy nội dung phát triển.
+ Hai là, nếu hình thức không phù hợp với nội dung nó sẽ cản trở sự phát triển. Ví dụ: sự chuyển biến từ chế độ kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường ở nước ta là cả một quá trình giải quyết các mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức. Hình thức mới, tức là các chính sách kinh tế mới ra đời, nó đã trở thành động lực giải phóng sức sản xuất, tạo ra nhiều của cải cho xã hội (nội dung).
- Hình thức và nội dung không chỉ có mối liên hệ hữu cơ phụ thuộc vào nhau mà chúng còn chuyển hóa lẫn nhau.
Từ tính quy luật của nội dung và hình thức, chúng ta rút ra một số kết luận:
- Một là, hình thức do nội dung bên trong quyết định, vì vậy muốn thay đổi sự vật nào đó trước hết phải thay đổi nội dung bên trong trước, hình thức cũng có vai trò tác động đến sự phát triển của nội dung khi nó có sự phù hợp với nội dung, do đó muốn thúc đẩy một sự vật hiện tượng nào đó phát triển, cần phải chú ý theo dõi mối quan hệ giữa nội dung với hình thức. Khi giữa chúng có sự phù hợp thì con người phải can thiệp vào tiến trình phát triển làm cho sự vật phát triển nhanh chóng hơn .
- Hai là, trong đời sống hiện thực, nếu tách rời hình thức khỏi nội dung sẽ trở thành quan liêu, siêu hình, tuyệt đối nội dung, xem nhẹ hình thức cũng là sai lầm, có hại cho sự phát triển, bởi vì nội dung chỉ có thể biểu hiện thông qua hình thức. Trong sản xuất mà coi thường bao bì mẫu mã thì không thu hút được khách hàng, sản xuất không phát triển không bảo đảm được tính cạnh tranh.
- Ba là, ngày nay, cuộc sống đang biến đổi từng ngày. Cái mới không ngừng phát triển lớn mạnh. Vì vậy, cần nắm vững phép biện chứng giữa hình thức và nội dung, cần phải chăm chú theo dõi sát tình hình thực tế. Một khi có triệu chứng báo hiệu hình thức không còn thúc đẩy nội dung phát triển nữa, thì phải kịp thời cải biến nó, kiên quyết vứt
bỏ hình thức đã lỗi thời, ra sức phát hiện và ủng hộ những hình thức mới song cần tránh bệnh chủ quan, tùy tiện trong việc thay đổi hình thức một cách không có căn cứ, tách rời nội dung.