Khái niệm tầng lớp xã hội không đồng nhất với khái niệm giai cấp, mặc dù hai khái niệm này có quan hệ mật thiết với nhau. Khái niệm tầng lớp xã hội cũng nói đến những tập đoàn người có những đặc trưng chung tương đối ổn định nào đó, nhưng những đặc trưng này không đồng nhất với những đặc trưng kinh tế-xã hội có tính lịch sử như trong khái niệm giai cấp, nghĩa là không do một phương thức sản xuất đặc trưng của xã hội ở một giai đoạn lịch sử nhất định sản sinh ra.
Ví dụ, tầng lớp trí thức là những người lao động trí óc. Phương thức lao động của họ
không lệ thuộc vào một phương thức sản xuất nhất định nào của xã hội. Tầng lớp trí thức tồn tại trong nhiều phương thức sản xuất. Sự thay đổi phương thức sản xuất xã hội không làm thay đổi phương thức lao động của trí thức.
Như vậy, khái niệm tầng lớp xã hội là một khái niệm rộng, có nhiều cấp độ khác nhau. Có thể tầng lớp xã hội là khái niệm rất rộng, bao quát nhiều giai cấp trong đó. Ví dụ, tầng lớp thanh niên, tầng lớp trung niên v.v.. Có thể tầng lớp xã hội là khái niệm chỉ những người hay những lực lượng xã hội tồn tại trong nhiều phương thức sản xuất hoặc chưa thuộc một phương thức sản xuất nào như tầng lớp trí thức, tầng lớp tư sản ở nước ta. Có thể tầng lớp xã hội là khái niệm hẹp hơn khái niệm giai cấp, nằm trong khái niệm giai cấp, chỉ là những bộ phận khác nhau của một giai cấp. Ví dụ, giai cấp vô sản bao gồm nhiều tầng lớp khác nhau căn cứ theo mức sống như: tầng lớp giàu, tầng lớp trung lưu, tầng lớp nghèo, thậm chí như Ph.Ăngghen nói có cả tầng lớp vô sản lưu manh. Giai cấp tư sản cũng bao gồm nhiều tầng lớp tư sản khác nhau như: tầng lớp tư sản nhỏ, tầng lớp tư sản trung bình, tầng lớp tư sản lớn, tầng lớp trùm tài chính( còn gọi là tập đoàn tài phiệt). Hiện nay, do tác động của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, sự phát triển của sản xuất đạt trình độ rất cao, dẫn đến sự phân hóa trong giai cấp vô sản và giai cấp tư sản ở các nước tư bản phát triển đang diễn ra hết sức phức tạp. Từ đó, người ta có thể phân chia thành nhiều tầng lớp khác nhau theo những tiêu chí mới. Ví du, tầng lớp công nhân cổ cồn, công nhân quý tộc có thu nhập cao do trình độ nghề nghiệp của họ.
Tóm lại, khái niệm giai cấp và khái niệm tầng lớp xã hội có những nội hàm khác nhau, không đồng nhất với nhau, nhưng có quan hệ với nhau. Trong những điều kiện nhất định, tầng lớp có thể chuyển hóa thành giai cấp và ngược lại.
Ví du, tầng lớp tư sản ở nước ta hiện nay là một bộ phận của tầng lớp doanh nhân.
Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong điều kiện hội nhập với nền kinh tế thế giới, nếu không đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa, không giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa, để nền kinh tế thị trường phát triển một cách tự phát thì rất có thể tầng lớp tư sản sẽ chuyển hóa thành một giai cấp tư sản thực thụ.
Trong xã hội nguyên thủy, lực lượng sản xuất chưa phát triển nên chưa có giai cấp, giai cấp chỉ xuất hiện khi công cụ sản xuất bằng kim loại ra đời làm cho năng suất lao động tăng lên đáng kể, của cải dư thừa xuất hiện, những người có chức quyền trong xã hội chiếm đoạt làm của riêng, chế độ tư hữu xuất hiện. Đó chính là cơ sở của sự xuất hiện giai cấp.
c. Vai trò của đấu tranh giai cấp đối với sự vận động, phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp kháng giai cấp
- Trong xã hội có giai cấp, tất yếu nảy sinh đấu tranh giai cấp. Thực chất của đấu tranh giai cấp là cuộc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn về mặt lợi ích giữa quần chúng bị áp bức của vô sản làm thuê chống lại giai cấp thống trị, chống lại bọn đặc quyền, đặc lợi, những kẻ áp bức bóc lột. Đấu tranh giai cấp còn có nguyên nhân khách quan từ sự phát triển mang tính xã hội hóa sâu rộng của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất :
Biểu hiện của mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa lực lượng sản xuất với quan hệ chiếm hữu tư nhân tư liệu sản xuất về mặt xã hội là: Mâu thuẫn giữa một bên là giai cấp tiến bộ, cách mạng, đại diện cho lực lượng sản xuất mới với một bên là giai cấp thống trị, bóc lột, đại biểu cho những lợi ích gắn với quan hệ sản xuất lỗi thời, lạc hậu.
- Đấu tranh giai cấp, một trong những động lực phát triển của xã hội có giai cấp + Đỉnh cao của đấu tranh giai cấp tất yếu sẽ dẫn đến cách mạng xã hội, thay thế phương thức sản xuất cũ bằng một phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn. Phương thức sản xuất mới ra đời mở ra địa bàn mới cho sự phát triển của sản xuất xã hội. Đấu tranh giai cấp góp phần xóa bỏ các thế lực phản động, lạc hậu, đồng thời cải tạo cả bản thân các giai cấp cách mạng. Thành tựu mà loài người đạt được gắn với đấu tranh giai cấp giữa giai cấp tiến bộ chống các thế lực thù địch phản động.
+ Đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản là cuộc đấu tranh sau cùng trong lịch sử xã hội có giai cấp. Nó là cuộc đấu tranh khác về chất so với các cuộc đấu tranh trước đó. Bởi vì, mục tiêu của nó là thay đổi về cơ bản sở hữu tư nhân bằng sở hữu xã hội, trước khi giành chính quyền, nội dung của đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản là đấu tranh về kinh tế, tư tưởng và chính trị. Sau khi giành chính quyền, mục tiêu, hình thức đấu tranh giai cấp cũng thay đổi.
Trong cuộc đấu tranh này, giai cấp vô sản phải biết cách sử dụng tổng hợp mọi nguồn lực, vận dụng linh hoạt các hình thức đấu tranh.
Mục tiêu của cuộc đấu tranh này là giữ vững thành quả cách mạng, xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, tổ chức, quản lý sản xuất, quản lý xã hội, trên cơ sở đó, thủ tiêu chế độ bóc lột, xây dựng xã hội mới công bằng, dân chủ, văn minh. Đó là mục tiêu, đồng thời là nhân tố bảo đảm thắng lợi cho cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản.
d. Nhà nước, công cụ chuyên chính giai cấp
Nhà nước ra đời tựa hồ đứng trên xã hội, làm cho xã hội tồn tại trong vòng trật tự. Nhưng trên thực tế, chỉ giai cấp có thế lực nhất – giai cấp thống trị về kinh tế mới có đủ điều kiện lập ra và sử dụng bộ máy nhà nước. Nhờ có nhà nước, giai cấp này trở thành giai cấp thống trị về chính trị.
Về bản chất, nhà nước chỉ là bộ máy quyền lực và công cụ chuyên chính của một giai cấp đối với toàn bộ xã hội. Nhà nước chính là một bộ máy do giai cấp thống trị về kinh tế
thiết lập ra nhằm hợp pháp hóa và củng cố sự áp bức của chúng đối với quần chúng lao động. Nhà nước là bộ phận quan trọng nhất của kiến trúc thượng tầng, nó không phải là lực lượng điều hòa mâu thuẫn mà làm cho mâu thuẫn ngày càng gay gắt.
Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, Nhà nước giữ được một mức độ độc lập nào đó đối với hai giai cấp đối lập. Đó là khi cuộc đấu tranh giữa chúng đạt tới thế cân bằng nhất định hoặc nhà nước cũng có thể thực hiện sự thỏa hiệp về quyền lợi tạm thời giữa các giai cấp để chống lại một giai cấp khác. Sự phát triển của nền kinh tế – xã hội nói chung và cuộc đấu tranh giai cấp nói riêng, sẽ phá vỡ thế cân bằng, phá vỡ sự thỏa hiệp tạm thời giữa các giai cấp thù địch để tập trung quyền lực vào tay một giai cấp nhất định.
2. Cách mạng xã hội và vai trò của nó đối vơi sự phát triển của xã hội có đối kháng giai cấp giai cấp
a. Khái niệm cách mạng xã hội và nguyên nhân của nó
- Cách mạng xã hội là sự biến đổi có tính chất bước ngoặt và cơ bản về chất mọi lĩnh vực đời sống xã hội, là phương thức thay thế hình thái kinh tế – xã hội lỗi thời bằng hình thái kinh tế – xã hội cao hơn.
+ Vấn đề giành chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội, bởi vì chỉ khi nào giành được chính quyền, giai cấp cách mạng mới xác lập được nền chuyên chính, tiến tới xác lập quyền lực của mình.
+ Tiến hóa cũng là một hình thức phát triển xã hội, nó là quá trình phát triển diễn ra tuần tự làm thay đổi từng mặt của hình thái kinh tế – xã hội. Tiến hóa và cách mạng xã hội thống nhất biện chứng với nhau. Trong đó, tiến hóa chuẩn bị cho cách mạng xã hội. Cách mạng xã hội mở đường cho tiến hóa như là những quá trình kế tiếp nhau không ngừng trong sự phát triển xã hội.
- Nguyên nhân của cách mạng xã hội
Nguyên nhân sâu xa của cách mạng xã hội là do mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất. Trong xã hội có giai cấp, mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp cách mạng và giai cấp thống trị. Giai cấp thống trị sử dụng nhà nước để duy trì, bảo vệ quan hệ sản xuất lỗi thời. Để thay thế quan hệ sản xuất cũ bằng quan hệ sản xuất mới cao hơn, giai cấp cách mạng phải tiến hành đấu tranh chống lại giai cấp thống trị, giành lấy chính quyền nhà nước.
Do vậy, cách mạng xã hội là đỉnh cao của đấu tranh giai cấp mà vấn đề giành chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. (V.I. Lênin).
b. Vai trò của cách mạng xã hội
- Chỉ có cách mạng xã hội mới thay thế được quan hệ sản xuất lạc hậu bằng quan hệ sản xuất tiến bộ, thay thế hình thái kinh tế – xã hội cũ bằng hình thái kinh tế – xã hội mới.
- Cách mạng xã hội là bước chuyển biến vĩ đại trong đời sống xã hội về kinh tế, chính trị, văn hóa. Trong cách mạng xã hội, năng lực sáng tạo của quần chúng được phát huy một cách cao độ.
- Trong các cuộc cách mạng xã hội thì cách mạng vô sản là cuộc cách mạng triệt để nhất vì nó xóa bỏ tận gốc chế độ áp bức bóc lột.
c. Ý nghĩa phương pháp luận
- Nghiên cứu vai trò của cách mạng xã hội giúp ta nhận thức được cách mạng xã hội là đỉnh cao của đấu tranh giai cấp, là cột mốc đánh dấu từng chặng đường của tiến bộ xã hội, là sự thay đổi về chất theo xu hướng vận động đi lên của xã hội, của văn minh nhân loại.
- Sự chuyển đổi từ thời đại này sang thời đại khác của lịch sử chỉ có thể thực hiện được bằng cách mạng xã hội. Nếu không có cách mạng xã hội, lịch sử chỉ có thể tiến từng bước chậm dần đều (tiệm tiến) chứ không thể có bước nhảy đột biến làm thay đổi căn bản về chất của các hình thái kinh tế – xã hội.