Mức độ mở rộng thị trường và áp lực cạnh tranh quốc tế

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tác động của sự phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh pptx (Trang 33 - 34)

Đây cũng là nhân tố tác động không nhỏ tới sự phát triển của khu KTCK. Thực tế việc thực hiện thí điểm một số chính sách tại các khu KTCK từ năm 1996 cũng đã phản ánh rõ điều này. Trên tuyến biên giới phía Bắc, trong bốn khu KTCK được phép xây dựng thì Móng Cái (Quảng Ninh) và Lạng Sơn có quy mô và tốc độ phát triển nhanh hơn so với Cao Bằng, Lào Cai, vì ở Quảng Ninh, Lạng Sơn có trình độ phát triển kinh tế, quan hệ hàng hóa - tiền tệ phát triển hơn ở những nơi khác. Hơn nữa, các sản phẩm hàng hóa trao đổi tại hai cửa khẩu này cũng phong phú và có khả năng cạnh tranh cao hơn so với khu vực còn lại.

Mặt khác, việc hình thành và phát triển khu KTCK có mối quan hệ chặt chẽ với phát triển kinh tế hàng hóa cho nên, mức độ, quy mô mở rộng các quan hệ thị trường cũng là môi trường quan trọng để khu KTCK tồn tại và phát triển. Đồng thời, do tác động của các quan hệ thị trường có điều tiết của Nhà nước đòi hỏi người sản xuất phải quan tâm nhiều hơn tới chất lượng sản phẩm, cũng như tính cạnh tranh, nhu cầu của thị trường. Nhờ đó kênh hàng hóa cung cấp cho trao đổi thương mại qua khu KTCK đa dạng hơn, thay dần việc xuất hàng thô và nhập những mặt hàng không có lợi cho nền kinh tế. Một thực tế khác là, nhiều năm áp lực cạnh tranh gay gắt của hàng hóa Trung Quốc đối với hàng Việt Nam rất lớn, còn khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nội địa kém, hạn chế về mặt quản lý, chống buôn lậu, gian lận thương mại đã gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế, trong đó có trao đổi hàng hóa qua các khu KTCK.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tác động của sự phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh pptx (Trang 33 - 34)