Công tác quy hoạch, đầu tư và đầu tư cơ sở hạ tầng

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tác động của sự phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh pptx (Trang 45 - 47)

- Thực hiện quy hoạch:

Theo Quyết định 100/1998/QĐ-TTg ngày 26-5-1998 của Thủ tướng Chính phủ, khu KTCK Lào Cai gồm các phường Lào Cai, Cốc Lếu, Duyên Hải, Phố Mới, các xã Vạn Hòa, thôn Lục Cẩu xã Đồng tuyển thuộc thành phố Lào Cai; xã Mường Khương huyện Mường Khương; thôn Na Mo xã Bản Phiệt huyện Bảo Thắng. Ngày 1-01-2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 9/2003/QĐ-TTg phê duyệt mở rộng phạm vi khu KTCK Lào Cai thêm phường Kim Tân và hết xã Đồng Tuyển đưa diện tích khu KTCK Lào Cai từ 6.513,8 ha lên 7.971,8 ha [61, tr. 5-12]. Đến nay, công tác quy hoạch theo nội dung chương trình đã cơ bản hoàn thành, hình thành các khu chức năng:

+ Khu cửa khẩu quốc tế Lào Cai là khu vực hoạt động XNK, du lịch và dịch vụ. + Khu Phố Mới, Vạn Hòa để xây dựng nhà ga, bến xe, bãi hàng, khu công nghiệp...

+ Khu Cốc Lếu là Trung tâm thương mại và các văn phòng đại diện.

+ Khu Duyên Hải, Đồng Tuyển xây dựng khu thương mại Kim Thành, cụm công nghiệp Bắc Duyên Hải.

+ Khu Kim Tân là trung tâm văn hóa, thể thao, hội thảo và du lịch của khu KTCK.

+ Khu KTCK quốc gia Mường Khương được quy hoạch điều chỉnh trung tâm huyện lỵ theo hướng chuyển dịch các cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động cửa khẩu về gần trung tâm xã Mường Khương và đang triển khai dự án xây dựng trạm kiểm soát liên ngành, khu kiểm hóa.

+ Khu vực lối mở Na Mo được gắn kết với việc đầu tư nâng cấp quốc lộ 70. Đây sẽ trở thành khu vực tập kết hàng hóa và là điểm nối hệ thống đường bộ xuyên á từ Vân Nam - Trung Quốc qua Lào Cai đi Hà Nội.

Đặc biệt, đề nghị của Lào Cai về xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khu KTCK và xây dựng tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đã được Chính phủ phê duyệt, đó là: Nâng cấp tuyến đường bộ Lào Cai - Hà Nội (quốc lộ 70); xây dựng mới đường cao tốc Hữu Ngạn sông Hồng với bốn làn xe tiêu chuẩn, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng cầu qua sông Hồng nối liền khu thương mại Kim Thành (Việt Nam) với khu thương mại Hà Khẩu (Trung Quốc), nghiên cứu xây dựng sân bay Lào Cai. Ngoài ra, tỉnh còn hợp tác với Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Cảng Hải Phòng mở rộng Ga quốc tế Lào Cai ...

- Về đầu tư:

+ Đầu tư trong nước: số đơn vị đăng ký thành lập và hoạt động tại khu KTCK

Lào Cai ngày càng tăng. Đến hết năm 2004 có 486 đơn vị đăng ký kinh doanh, chiếm 64,5 % tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động toàn tỉnh, với tổng số vốn đăng ký trên 897 tỷ đồng. Tham gia XNK qua cửa khẩu Lào Cai có 435 doanh nghiệp (trong đó là 116 doanh nghiệp nhà nước, 56 doanh nghiệp cổ phần, 21 doanh nghiệp tư nhân, 3 doanh nghiệp đoàn thể, 6 công ty liên doanh, 216 công ty trách nhiệm hữu hạn, 4 hợp tác xã, 10 doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài và 3 doanh nghiệp hợp tác kinh doanh). Doanh nghiệp của tỉnh có 34 đơn vị, chiếm 8,1% tổng số doanh nghiệp hoạt động tại khu KTCK [56].

+ Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): trong 4 năm từ năm 2001 - 2004, tỉnh đã

cấp phép bổ sung cho 16 dự án với tổng số vốn đăng ký 15 triệu USD. Dự kiến hết năm 2005 đạt 21 dự án với tổng vốn ước đạt 21,5 triệu USD, tăng 35% so với năm 2000, trung bình tăng 17,8 %/ năm. Hiện nay, mới có 9 dự án, bằng 56,25% tổng số triển khai thực hiện song đã đóng góp cho ngân sách bình quân 4,3 tỷ đồng/ năm, tạo việc làm thường xuyên cho 520 lao động Việt Nam (416 lao động địa phương), với mức thu nhập bình quân 1 triệu đồng/tháng/lao động.

Cơ bản đã hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình thiết yếu, trọng điểm phục vụ phát triển khu KTCK. Theo đề án được phê duyệt thì tổng vốn đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng khu KTCK Lào Cai là 4.500 tỷ đồng và phân ra làm hai giai đoạn: giai đoạn 2001 - 2005 là 550 tỷ đồng; giai đoạn 2006 - 2010 là 3.950 tỷ đồng. Trong đó phần vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho hạ tầng thiết yếu khu KTCK Lào Cai 900 tỷ đồng, chiếm 20% tổng số mức đầu tư được duyệt [47, tr. 64-65].

Đến hết năm 2004, tỉnh đã triển khai thực hiện 464 danh mục công trình với tổng vốn đầu tư trên 326 tỷ đồng. các công trình trọng điểm của khu KTCK Lào Cai đã được cấp vốn 217,6 tỷ đồng, đạt 77% dự toán được duyệt. Các hạng mục chính đã hoàn thành, gồm: Đền bù giải phóng mặt bằng khu thương mại Kim Thành, hai cụm công nghiệp Đông Phố Mới và Bắc Duyên Hải; hoàn thành, đưa vào sử dụng trạm kiểm soát liên ngành, bãi kiểm hóa giai đoạn I, ngoại thất Trung tâm quản lý cửa khẩu quốc tế Lào Cai; đã san tạo mặt bằng công nghiệp 174,7 ha; xây dựng 22,7 km đường giao thông nội bộ; đầu tư xây dựng kè sông biên giới với chiều dài 8.258 m... Dự kiến năm 2005, đầu tư 100 tỷ đồng cho 55 công trình (trong đó, 38,1 tỷ đồng cho 17 công trình quyết toán và hoàn thành năm 2004 chưa quyết toán, 28,5 tỷ đồng cho 29 công trình chuyển tiếp, 28,4 tỷ đồng cho 10 công trình khởi công mới, 5 tỷ đồng cho danh mục chuẩn bị đầu tư, thiết kế quy hoạch và đền bù giải phóng mặt bằng).

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tác động của sự phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh pptx (Trang 45 - 47)