Thực tế những năm qua, Trung Quốc chủ động và khai thác tốt lợi ích từ giao lưu kinh tế qua biên giới Việt - Trung là vì các hoạt động bên mậu của Trung Quốc đã được thực hiện trên cơ sở khung pháp lý, đường lối đầy đủ, hoàn chỉnh bao gồm các luật, chỉ thị của Quốc vụ viện, các chính sách cụ thể phù hợp. Ngược lại, Việt Nam thực hiện giao lưu kinh tế qua biên giới thường bị động, chưa tận dụng tốt những lợi thế và hiệu quả của kinh tế - thương mại cửa khẩu. Mà một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đó là chúng ta thiếu một khung pháp lý về cơ chế, chính sách cho các hoạt động cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên cũng như khai thác một số lợi thế của mô hình KTCK. Chúng ta mới chỉ có một số quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách ưu tiên tại một số khu vực cửa khẩu biên giới như: Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng... nhưng các doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh tế ở các khu KTCK còn thiếu khung pháp lý để hoạt động, bao gồm các văn bản, chỉ thị, các
biện pháp hành chính, kinh tế, luật pháp của Việt Nam với các cơ quan tương ứng phía Trung Quốc. Một số hiệp định ký trước đây chậm được sửa đổi cho phù hợp với thực tế phát triển của hai nước như Hiệp định Vận tải đường sắt. Bên cạnh đó thì một số hiệp định đã ký nhưng không được triển khai như Hiệp định Bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và công nhận lẫn nhau, Hiệp định Vận chuyển hàng quá cảnh. Hơn nữa,
Việt Nam chưa có Khu bảo thuế tại khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai. Cho tới nay, hai bên
vẫn chưa tìm ra biện pháp quản lý một cách có hiệu quả hoạt động mậu dịch biên giới. Công tác quản lý hàng hóa xuất khẩu mới chỉ thực hiện được đối với hàng mậu dịch, còn đối với hàng của cư dân buôn bán qua biên giới vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Do chưa có những biện pháp quản lý hữu hiệu, tạo kẽ hở cho gian lận thương mại và trốn thuế.
Thủ tục đưa hàng qua biên giới giữa hai bên còn mất nhiều thời gian. Nhiều khi một xe hàng phải xuất trong 2-3 ngày mặc dù thủ tục là xuất chính ngạch. Thực tế cho thấy, việc nhập khẩu hàng hóa từ Vân Nam vào Việt Nam qua cửa khẩu Lào Cai được tự do lựa chọn phương thức nhập khẩu, thủ tục thuận tiện, nhanh chóng theo cơ chế điều hành chung, thống nhất của nước ta. Trái lại, việc xuất khẩu hàng hóa của ta sang Vân Nam phụ thuộc rất nhiều vào quy định quản lý của Cục Biên mậu Hà Khẩu về mặt hàng, số lượng, kim ngạch. Doanh nghiệp của Vân Nam thường lựa chọn các phương thức nhập khẩu có lợi cho họ. Mặc dù Vân Nam vừa là thị trường tiêu thụ trực tiếp vừa là thị trường trung chuyển vào sâu nội địa (Tứ Xuyên, Quý Châu, Trùng Khánh v.v...), nhưng thực tế hàng Việt Nam mới đủ sức vào đến Côn Minh. Hàng Việt Nam lại gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của không ít đối thủ trên đất Trung Quốc, trong đó đáng kể nhất là Thái Lan và Myanmar (mặt hàng lương thực và thực phẩm Thái Lan hơn hẳn về bao bì, mẫu mã, thậm chí cả chất lượng mà giá cả lại không mấy chênh lệch).
Khái niệm về mậu dịch biên giới thực tế cũng chưa được phân định rõ ràng, rất khó phân biệt đâu là hàng chính ngạch, hàng tiểu ngạch và buôn bán trao đổi của cư dân biên giới. Theo Hiệp định Mua bán hàng hóa ở vùng biên giới, Điều 1 có ghi: "Mua bán hàng hóa ở vùng biên giới là hoạt động mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa ở vùng biên giới theo quy định của mỗi bên". Bộ Thương mại hướng dẫn tại Thông tư số 14/2001/TT-BTM: "Việc mua bán hàng hóa qua biên giới
chủ thể là thương nhân Việt Nam, là doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật và các hộ kinh doanh cá thể theo nghị định 02/2000/NĐ-CP ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc mà mua bán hàng hóa qua biên giới và mua bán hàng hóa ở vùng biên giới có ý nghĩa khác nhau". Mặt khác, tại Nghị định số 34/2000/NĐ-CP chỉ có quy định về khu vực biên giới gồm các xã, thị trấn có định giới hành chính tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền, không quy định vùng biên giới. Nghị định số 99/HĐBT năm 1992 có quy định vùng biên giới nhưng đã không được nhắc lại ở Nghị định 34. Do vậy, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một chính sách, quy chế riêng cho hoạt động biên mậu (hay nói cách khác là xuất nhập khẩu tiểu ngạch), cơ bản vẫn thực hiện chính sách xuất nhập khẩu chung cả nước như Nghị định 57/1998/NĐ-CP và Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg.
Những khó khăn tồn tại trong công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu vừa qua ở khu vực này trước hết là cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa tương xứng với một cửa khẩu quốc tế. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc còn phụ thuộc nhiều vào chính sách biên mậu của bạn. Tình trạng buôn lậu vẫn diễn ra khá phức tạp. Hàng hóa buôn lậu chủ yếu vẫn là quần áo may sẵn, hàng điện tử. Việc kiểm soát người và hàng hóa qua khu vực biên giới ở khu vực cầu Sập (cửa khẩu Lục Cẩu), đặc biệt là dọc tuyến sông Nậm Thi (từ đền Thượng tới km 6 - quốc lộ 70) vẫn còn lỏng lẻo. Thêm vào đó, việc quản lý người nước ngoài mua hàng hóa tại cửa hàng kinh doanh miễn thuế (Công ty Xuất nhập khẩu Lào Cai) rất khó khăn. Hàng hóa miễn thuế ở cửa hàng này chủ yếu là rượu ngoại, thuốc lá ngoại các loại. Theo quy định, khách hàng mua hàng hóa miễn thuế ở cửa hàng này không được tiêu thụ ở thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, khác với các cửa hàng miễn thuế nằm trong các khu thương mại tự do ở những cửa khẩu khác, ở đây, khách hàng chỉ cần ra khỏi cửa là có thể trà trộn vào vô số khách du lịch trên địa bàn Lào Cai và có thể bán lại ngay cho các đại lý ở thị xã.
Cơ chế, thủ tục và lệ phí qua lại biên giới dành cho khách ngoại tỉnh ở cửa khẩu Lào Cai còn cao và phiền hà. Một công dân Việt Nam (không có hộ khẩu thường trú ở Lào Cai), muốn sang chợ Hà Khẩu (Trung Quốc) buộc phải làm thủ tục qua các trung tâm lữ hành với tổng chi phí được công khai là 143.000đồng/người/lượt. Cũng với công
dân đó, nếu chấp nhận "xuất cảnh, nhập cảnh trái phép" bằng con đường tiểu ngạch hai bên cánh gà cửa khẩu (do cư dân bảo lãnh), chỉ phải mất 40.000 đồng. Công tác kiểm dịch trong quy trình xuất nhập cảnh cũng còn nhiều phiền hà, chậm trễ và kém hiệu quả.
Khai thác dịch vụ vận tải và chuyển khẩu là một trong những hướng hợp tác quan trọng của khu vực hành lang kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay các quy định về hàng hóa quá cảnh vẫn chưa được ban hành đầy đủ.
Vì vậy, xây dựng và phát triển đồng bộ cơ chế chính sách để phát triển khu KTCK Lào Cai là cần thiết, cấp bách hiện nay. Các cơ chế, chính sách cụ thể nên xây dựng theo hướng sau:
* Về chính sách kinh tế - thương mại:
- Có chính sách đa dạng hóa các hình thức giao lưu kinh tế qua khu KTCK Lào Cai, tạo điều kiện thông thoáng và ưu đãi đối với những hoạt động kinh tế đáp ứng được yêu cầu, lợi ích của cả hai bên, thúc đẩy kinh tế hàng hóa và hội nhập kinh tế của mỗi nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trước đây, chúng ta thường quan niệm giao lưu kinh tế qua cửa khẩu chỉ là hoạt động thương mại, trao đổi hàng hóa đơn thuần. Quan niệm như vậy là phiến diện, không khai thác có hiệu quả lợi thế của mỗi bên, không đảm bảo được mục tiêu hiệu quả kinh tế - xã hội. Do vậy, cần phải hiểu hoạt động giao lưu kinh tế qua cửa khẩu biên giới một cách toàn diện, đầy đủ bao gồm nhiều hoạt động trên những lĩnh vực khác nhau như: đầu tư, du lịch, vận tải chuyển khẩu, các dịch vụ tài chính, tiền tệ, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh... để từ đó có những cơ chế chính sách cụ thể về các hoạt động đa dạng đó.
- Xây dựng, ban hành cụ thể những quy chế về xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, du lịch, quá cảnh ở khu KTCK Lào Cai. Các quy chế này phải đảm bảo tạo ra được một chính sách cơ cấu mặt hàng hợp lý, một cơ chế quản lý các đối tượng kinh doanh phù hợp cho từng giai đoạn, từng vùng. Đồng thời phải đảm bảo tuân thủ chính sách xuất nhập khẩu chung của cả nước, đúng với các hiệp định đã ký kết giữa hai nước.
- Cần có một chính sách cơ cấu mặt hàng phù hợp, có quy định danh mục những mặt hàng được phép kinh doanh, không được phép kinh doanh hoặc hạn chế kinh doanh của khu KTCK. Chính sách cơ cấu mặt hàng phải xây dựng theo hướng giảm tỷ trọng các hàng hóa xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu, hàng thô và tăng tỷ trọng hàng hóa đã qua chế biến, có giá trị xuất khẩu cao. Đối với mặt hàng nhập khẩu, cần ưu tiên nhập hàng hóa trang thiết bị, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến.
- Nên có cả chính sách khuyến khích xuất khẩu tiểu ngạch hợp pháp, vì thực chất thương mại tiểu ngạch là phương thức mua bán hàng hóa rất linh hoạt, phong phú, thanh toán thuận lợi và hiện còn đang thích hợp với trao đổi thương mại qua khu KTCK Lào Cai. Tăng cường hình thức này sẽ tăng việc tiêu thụ các sản phẩm chế biến tại chỗ hoặc sản phẩm truyền thống ở nước ta.Thực tiễn những năm qua cho thấy, Trung Quốc đã chú trọng phát triển thương mại tiểu ngạch, vì vừa khai thác tốt tiềm năng tại chỗ, huy động được các thành phần kinh tế tham gia vừa tạo ra cơ chế linh hoạt cho việc huy động các nguồn hàng, kết quả là hàng hóa sản xuất tại địa phương của Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam với giá rẻ, nên tiêu thụ được nhiều. Tuy nhiên, Lào Cai muốn phát triển thương mại tiểu ngạch cần phải quan tâm đầy đủ tới khả năng kiểm soát, vừa phải chú ý tới lợi ích trước mắt, cục bộ nhưng cũng phải quan tâm đến lợi ích lâu dài, toàn diện. Ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, nhập khẩu những hàng hóa kém phẩm chất với giá rẻ, phá hoại nền sản xuất trong nước.
- Có chính sách ưu tiên, ưu đãi hợp lý để khuyến khích khu KTCK Lào Cai phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt nhằm tận dụng các lợi thế so sánh của địa phương trong quan hệ kinh tế - thương mại. Muốn vậy, phải mở rộng, tăng cường quyền tự chủ của tỉnh về các khoản thu ngân sách, về đầu tư, quản lý vốn, quyền về cấp hạn ngạch xuất khẩu...
* Về chính sách dịch vụ, du lịch:
Cần có các chính sách khuyến khích mở rộng, phát triển nhiều loại dịch vụ qua khu KTCK Lào Cai như: dịch vụ tạm nhập tái xuất, dịch vụ quá cảnh, dịch vụ chuyển
khẩu hàng hóa, dịch vụ giao nhận vận chuyển hàng hóa quá cảnh cho các nước láng giềng, dịch vụ kho ngoại quan và cửa hàng miễn thuế. Các hình thức này phải đa dạng, thuận tiện, phù hợp với xu hướng hội nhập, mở cửa hiện nay trên thế giới nhưng đồng thời phải có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an ninh biên giới, lợi ích quốc gia, giữ vững mối quan hệ truyền thống giữa hai nước. Các dịch vụ này cần được tổ chức quản lý có hiệu quả, thực hiện theo đúng các điều kiện đã quy định. Phải tổ chức lại và quản lý tốt các dịch vụ bốc dỡ hàng hóa tại các bến bãi, các kho ngoại quan, các điểm giao nhận hàng hóa thuộc khu vực cửa khẩu Lào Cai. Các dịch vụ phải được tổ chức có nề nếp, thực hiện văn minh thương nghiệp, xóa bỏ hình thức "cửu vạn" vô chính phủ, làm mất trật tự an toàn xã hội.
Có chính sách hợp lý để thu hút khách du lịch ở Trung Quốc sang Việt Nam. Trước hết là du lịch ở trên địa bàn tỉnh và dần phát triển các tour du lịch theo tuyến đi sâu vào nội địa Việt Nam. Muốn vậy, chúng ta phải chú ý phát triển nhiều loại hình du lịch: sinh thái, du lịch văn hóa... Tỉnh cần có chính sách ưu tiên đầu tư, tu bổ tôn tạo các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, các công trình văn hóa và cơ sở hạ tầng của các khu du lịch, nâng cao năng lực đội ngũ phục vụ du lịch, đảm bảo các chuyến du lịch văn minh lịch sự. Khuyến khích các doanh nghiệp quốc doanh và ngoài quốc doanh cùng hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Gắn liền với việc thu hút khách du lịch qua cửa khẩu Lào Cai là chính sách quản lý xuất nhập cảnh. Mục tiêu của chính sách này là tạo điều kiện tốt nhất cho người dân ở hai bên biên giới thăm lẫn nhau, giao lưu kinh tế và cho khách du lịch thực hiện các chuyến du lịch tốt nhất. Hiện nay, việc cấp giấy thông hành trong thị thực xuất nhập cảnh cho khách du lịch theo tour ở tỉnh là nhanh, gọn, đơn giản, thích hợp cần được nhân rộng và nên sử dụng hợp lý, có hiệu quả hình thức du lịch theo thẻ. Tuy nhiên, việc quản lý xuất nhập cảnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện đã ký kết trong các hiệp định giữa hai quốc gia, vừa đảm bảo quyền tự do đi lại của người dân hai nước, vừa ngăn chặn và chống các hoạt động phi pháp có hiệu quả.
Phải đổi mới, bổ sung và sửa đổi chính sách thuế ở khu KTCK Lào Cai, nhất là biểu thuế xuất nhập khẩu, khuyến khích phát triển sản xuất trong nước để xuất khẩu. Biểu thuế phải sát thực, linh hoạt, kịp thời, phát huy được lợi thế so sánh của tỉnh, của đất nước trong quan hệ giao lưu kinh tế giữa hai bên và với khu vực. Việc xác định mức thuế cụ thể, cơ sở tính thuế nên phân cấp cho địa phương (cấp tỉnh), còn Trung ương chỉ quyết định về khung tính thuế. Cách làm này đã được Trung Quốc thực hiện từ rất lâu nên đã có tác dụng thúc đẩy mạnh mẽ đối với sản xuất ở các tỉnh có cửa khẩu.
* Về chính sách tài chính - tiền tệ:
Cần có chính sách tài chính thích hợp, ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng đối với khu KTCK Lào Cai. Quan tâm, chú trọng đầu tư cho sản xuất nguồn hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, đầu tư phát triển du lịch. Một thực trạng khác là tỷ lệ thanh toán qua ngân hàng tại khu KTCK Lào Cai còn thấp, chỉ đạt 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn dẫn đến việc các đồng tiền trôi nổi tự do trên biên giới vừa ảnh hưởng xấu đến hoạt động xuất nhập khẩu, vừa ảnh hưởng không tốt đến sự kiểm soát đồng tiền Việt Nam, đặc biệt là nạn tiền giả từ biên giới vào nội địa, làm giảm sức mua và độ tin cậy của đồng tiền Việt Nam, gây tác hại không nhỏ đến sản xuất làm mất trật tự, an toàn xã hội. Tỉnh Lào Cai cần phải xây dựng và thực hiện quy chế về thực hiện tiền tệ ở biên giới, khuyến khích các ngân hàng thương mại mở rộng, các quan hệ thanh toán khác với ngân hàng Trung Quốc tiến tới ngân hàng hóa thương mại ở khu KTCK Lào Cai, xóa bỏ dần tình trạng buôn bán tiền tệ tự phát, xóa bỏ phương thức thanh toán trực tiếp.