Kinh nghiệm của Trung Quốc trong việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tác động của sự phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh pptx (Trang 34 - 36)

Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, có đường biên giới trên bộ tiếp giáp với 12 nước, có chiều dài 2,2 vạn km đường biên giới nên Trung Quốc rất chú trọng việc phát triển kinh tế biên mậu. Chính phủ Trung ương đã khảo sát tổng hợp tình hình biên giới với các nước và nhận thấy sự khác nhau rất lớn về tài nguyên, vị trí địa lý, trình độ phát triển tại các khu vực có đường biên giới chung. Trên cơ sở đó, thông qua việc phát triển

kinh tế - thương mại biên giới để rút ngắn sự chênh lệch về tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa các vùng trong nước, giúp cho nền kinh tế Trung Quốc hội nhập quốc tế nhanh chóng hơn, đồng thời khai thác được các lợi thế về tự nhiên, nguồn nhân lực trong cạnh tranh quốc tế. Điều 42 Luật Mậu dịch và đối ngoại của Trung Quốc năm 1994 quy định: "Đối với mậu dịch giữa các thành phố và thị trấn biên giới với các thị trấn và thành phố tiếp giáp biên giới quốc gia, và mậu dịch của chợ biên giới, Nhà nước áp dụng các biện pháp linh hoạt, tạo điều kiện ưu tiên thuận lợi, phương pháp cụ thể của Điều luật này do Chính phủ quy định" [34, tr. 55].

Một số điều khoản khung của Luật Mậu dịch và đối ngoại đã tạo khung pháp lý cho việc đẩy mạnh sự ra đời các hình thức kinh tế biên mậu. Tư tưởng chung của Nhà nước Trung Quốc về vấn đề này được thể hiện ở các chính sách: "Duyên biên khai phóng"; "Hỗ thị dân biên"; "Thắp sáng đường biên"... Theo Đại từ điển Kinh tế thị trường của Trung Quốc do Viện Nghiên cứu và phổ biến tri thức bách khoa xuất bản 1998, thì duyên biên khai phóng chính là muốn phát huy đầy đủ những ưu thế của vị trí địa lý, nguồn thiên nhiên phong phú và con người của các khu, tỉnh biên cương nội địa, lấy những thành thị có công nghiệp phát đạt làm chỗ dựa, lấy sự phát triển mậu dịch biên cương làm khởi điểm, lợi dụng triệt để nhiều hình thức mậu dịch kinh tế đối ngoại, cải thiện kết cấu kinh tế, sáng tạo hoàn cảnh đầu tư, thúc đẩy giao lưu hai chiều, về cơ bản cải biến bộ mặt nghèo nàn, lạc hậu của vùng này... Mở cửa biên giới sẽ phá tan tình trạng kinh tế đóng cửa của các tỉnh vùng biên cương nội địa, đẩy mạnh sự phát triển và chấn hưng kinh tế của khu vực biên giới, các vùng phụ cận [34, tr. 55]. Trên cơ sở đó, các cửa khẩu biên giới trên bộ của Trung Quốc được khuyến khích phát triển quan hệ kinh tế - thương mại, lấy đa dạng hóa thương mại làm khởi điểm để tích lũy phát triển hạ tầng đô thị biên giới. Xây dựng và mở rộng phạm vi hoạt động của một số xí nghiệp công nghiệp địa phương một cách năng động, linh hoạt hướng mạnh về lắp giáp, sơ chế, bảo quản... tạo ra nhiều chủng loại hàng hóa phù hợp với trao đổi chính ngạch và tiểu ngạch qua biên giới nhằm thực hiện "Tam khứ nhất bổ", tức là xuất khẩu ba thứ: hàng hóa, lao động và thiết bị kỹ thuật để lấy về một thứ là hàng thiếu, khan hiếm. Với chính sách này, Trung Quốc đã thực hiện tương đối thành công việc phát triển kinh tế biên mậu. ở các thành phố,

tỉnh biên giới có cửa khẩu, chợ, đường mòn biên giới với các nước láng giềng, hàng hóa do những xí nghiệp địa phương Trung Quốc sản xuất ra đã xâm nhập mạnh mẽ sang thị trường các nước với giá rẻ, cạnh tranh gay gắt hàng hóa nội địa của các quốc gia này, trong nhiều trường hợp còn áp đảo, chiếm lĩnh thị trường, gây đình đốn sản xuất, đặc biệt là một số mặt hàng tiêu dùng như xe đạp, xe máy, vải, quần áo, phích nước, máy móc, công cụ phục vụ nông nghiệp... Tuy nhiên, Trung Quốc cũng nhập nhiều hàng hóa, nguyên liệu mà nhu cầu trong nước cần. Những thành công trong việc đẩy mạnh trao đổi hàng hóa biên mậu đã góp phần làm tăng trưởng nhanh chóng kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương có đường biên giới chung với các nước láng giềng, điển hình là thành phố Tuy Phần Hòa, chỉ có 30.000 dân, trong hai tháng năm 1992 đã thu hút các nhà đầu tư đổ vốn về với kim ngạch đã ký, thể hiện trên hiệp định là 500 triệu NDT. Thành phố Mãn Châu Lý trước năm 1987, phải nhận trợ cấp của Nhà nước bình quân 6 triệu NDT/ năm, nhưng từ năm 1989 trở đi nhờ đẩy mạnh trao đổi kinh tế biên giới thành phố không phải xin trợ cấp từ Trung ương, thu nhập thông qua hoạt động kinh tế - thương mại cửa khẩu đã đạt tới 15 triệu NDT. Đối với khu vực biên giới Trung Quốc - Liên bang Nga tình hình cũng như vậy, chợ sáng, chợ chiều ở thành phố Hắc Hà diễn ra thường xuyên, hàng hóa trao đổi sầm uất, mức bán lẻ tăng từ 1,67 triệu NDT năm 1987 lên 150 triệu NDT năm 1990. Như vậy, những năm vừa qua, Trung Quốc đã biết khai thác lợi thế của kinh tế biên mậu, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng triệu lao động, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa miền núi, vùng sâu, xa với đồng bằng, duyên hải và đô thị. Qua những kết quả trên, chúng ta có thể thấy, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các chính sách ưu đãi hợp lý, biết khai thác lợi thế về địa lý, điều kiện tự nhiên, lao động, kỹ thuật, từ đó những vùng lạc hậu trở thành những vùng phát triển, những vùng động lực tăng trưởng kinh tế có mức tăng bình quân cao hơn mức trung bình của cả nước.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Tác động của sự phát triển khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đến đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh pptx (Trang 34 - 36)