ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, KINH TẾ, XÃ HỘI CỦA HUYỆN LỘC HÀ

Một phần của tài liệu Quy hoạch phát triển giáo dục tiểu học và trung học cơ sở huyện lộc hà tỉnh hà tĩnh đến năm 2015 (Trang 51)

9. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

2.1. ĐẶC ĐIỂM ĐỊA LÝ, KINH TẾ, XÃ HỘI CỦA HUYỆN LỘC HÀ

2.1.1. Đặc điểm địa lý, dân cư, dân số, nguồn nhân lực.

2.1.1.1. Đặc điểm địa lý:

Huyện Lộc Hà gồm 13 xã, mới được thành lập theo Nghị định số 20/2007/NĐ-CP, ngày 07/02/2007 của Chính phủ trên cơ sở sáp nhập 7 xã vùng Hạ Can của huyện Can Lộc và 6 xã vùng biển của huyện Thạch Hà. Là một huyện đồng bằng ven biển phía đông bắc của tỉnh Hà Tĩnh, rộng 118,35 km2, nằm từ 18,23 đến 18,32 vĩ độ bắc, 105,55 đến 105,48 kinh độ đông; Bắc giáp huyện Nghi Xuân, Nam giáp huyện Thạch Hà và Thành phố Hà Tĩnh, Đông giáp Biển Đông, Tây giáp huyện Can Lộc. Thị trấn Bằng Sơn (đang quy hoạch) cách Thành phố Vinh (Nghệ An) 35 km, cách Thành phố Hà Tĩnh 10 km, Thị xã Hồng Lĩnh 30 km và cách cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo 100 km.

Huyện Lộc Hà thuộc tiểu vùng khí hậu bắc miền trung, nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 280c; về mùa khô, do ảnh hưởng trực tiếp của gió Lào, nhiệt độ có lúc trên 350c. Độ ẩm trung bình hàng năm là 80%. Lượng mưa hàng năm vào loại trung bình, phân bổ không đều: mùa khô (tháng 4 đến tháng 8) thiếu nước, còn mùa mưa lại thừa nước (trên 2.000 mm), gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống.

Địa hình khá bằng phẳng, phía Tây Bắc được chắn bởi dãy Hồng Lĩnh, phía Nam - Tây Nam có dòng sông Nghèn và các phụ lưu sông Nghèn bao quanh.

Đất đai: Diện tích đất tự nhiên của huyện là 11.835 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp: 7.132,6 ha. Đất đai chủ yếu là đất cát pha, độ màu mỡ không cao, khả năng liên kết viên thấp nên hạn chế việc giữ nước, nghèo chất dinh dưỡng. Đất rừng có 2.209 ha, rừng tự nhiên chủ yếu là rừng nghèo. Diện tích rừng trồng phần lớn là thông, phi lao, keo và rừng ven biển.

Huyện có bờ biển dài hơn 12 km, thoải, nước trong xanh, có khả năng phát triển du lịch, tắm biển và nghỉ dưỡng. Có cảng Cửa Sót khuất gió, là điều kiện tốt để xây dựng thành cảng thương mại cho tàu hàng ngàn tấn vào ăn hàng, ngoài ra cảng Hộ Độ cũng có khả năng cho tàu, sà lan trên 500 tấn cập bến thuận lợi.

2.1.1.2. Dân số, dân cư, nguồn nhân lực:

Theo số liệu điều tra, dân số của huyện tính đến ngày 01/01/2007 là 87.610 người. Mật độ dân số trung bình là 740 người/km2, cao hơn trung bình chung toàn vùng Bắc Trung Bộ (203 người/km2) và trung bình chung cả nước (246 người/km2). Phân bố dân cư không đồng đều, xã Thạch Kim có mật độ dân số cao nhất: 3.869 người/km2, xã Thịnh Lộc có mật độ dân số thấp nhất: 431 người/km2. Dân số trong độ tuổi lao động toàn huyện có 52.044 người, chiếm tỷ lệ 59,6%. Lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật không cao. Cơ cấu lao động so với cơ cấu kinh tế có sự chênh lệch lớn; số lao động trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ lệ 11%; lao động làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp chiếm 73%; lao động làm dịch vụ, thương mại chiếm 16%. Toàn huyện có 1.215 người trong độ tuổi lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, lực lượng này đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần to lớn vào sự nghiệp CNH - HĐH quê hương, đất nước.

2.1.2. Đặc trưng kinh tế - xã hội.

Những năm qua, kinh tế - xã hội của các xã trên địa bàn huyện có bước tăng trưởng khá, đời sống nhân dân được cải thiện đáng kể. Tốc độ tăng trưởng bình quân những năm gần đây đạt trên 10%/năm. Năm 2006, GDP bình quân đầu người đạt 4,93 triệu đồng/người. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển biến tích cực.

* Sản xuất nông - ngư - diêm nghiệp: đạt 225.434 triệu đồng, chiếm 52,59% trong cơ cấu thu nhập; nhiều hộ nông dân sản xuất có quy mô khá lớn, là mô hình kinh doanh hiệu quả.

- Nông nghiệp: Tổng diện tích gieo trồng 9673,6 ha, trong đó cây lương thực 5.279 ha, sản lượng 22.516 tấn; cây công nghiệp 2080,5 ha, sản lượng 3814 tấn, trong đó lạc đạt 3.724 tấn; cây thực phẩm 1.160,6 ha, sản lượng 5940,5 tấn. Bình quân lương thực đầu người đạt 259kg/người.

- Chăn nuôi: Tổng đàn trâu bò 14.542 con, đàn lợn 19.345 con, gia cầm 210.000 con, chủ yếu ở hộ gia đình, chăn nuôi thủy cầm mang tính thời vụ, tập trung chủ yếu ở các xã Thịnh Lộc, Hồng Lộc, Tân Lộc…

- Lâm nghiệp: Huyện có 2.209 ha đất lâm nghiệp với tỷ lệ che phủ đạt 61%. Rừng trồng tập trung chủ yếu là thông, phi lao và keo, trong đó một số diện tích có thể đưa vào khai thác nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Công tác trồng rừng, chăm sóc và bảo vệ rừng đang được quan tâm, đặc biệt là rừng phòng hộ ven biển.

- Diêm nghiệp: Sản xuất muối có 105 ha, sản lượng đạt 10.390 tấn; là vùng sản xuất muối truyền thống, có chất lượng khá tốt.

* Kinh tế thuỷ sản: Là thế mạnh của huyện, những năm qua đã có bước phát triển cả về đánh bắt, nuôi trồng và chế biến. Tổng sản lượng các mặt hàng thuỷ sản qua đầu mối vùng Cửa Sót hàng năm chiếm hơn 1/3 thị phần toàn tỉnh, đã và đang khẳng định là trung tâm kinh tế thuỷ sản của tỉnh. Lộc Hà có 344 tàu thuyền đánh cá với tổng công suất 6324 CV, thu hút trên 2000

lao động. Sản lượng đánh bắt đạt 2916 tấn; nuôi trồng trên 512 ha, sản lượng đạt 1484 tấn. Tổng giá trị sản phẩm đạt 58.752 triệu đồng, chiếm 13% cơ cấu kinh tế.

* Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng chiếm 21,52% trong cơ cấu thu nhập; chủ yếu là ngành sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến thuỷ sản, làng nghề đan chổi, mây tre đan, sản xuất bánh bún…

* Về cơ sở hạ tầng: Hiện có 102 km đường nhựa, 155 km đường bê tông; có 47 nhà học và 9 trụ sở xã cao tầng. Mạng lưới giao thông phân bố khá đều khắp trên địa bàn, tập trung về hướng biển và núi Bằng Sơn; một số tuyến quy hoạch mới đang đặt triển vọng cho phát triển mạnh kinh tế biển.

* Thương mại - du lịch, dịch vụ của huyện chiếm tỷ trọng 25,88% trong cơ cấu thu nhập. Người dân trong vùng sớm biết chuyển đổi sang nghề thương mại, dịch vụ, làm công, thu hút 6533 lao động và hiện đang là thế mạnh của nhiều xã.

Lộc Hà có lợi thế về vị trí địa lý, truyền thống văn hoá lâu đời, nhiều di tích lịch sử, danh thắng; có bờ biển thoải rộng, sạch, đẹp, hoang sơ, kéo dài trên 12km, dự báo ít chịu ảnh hưởng tác động môi trường của các dự án lớn sẽ triển khai trên địa bàn tỉnh. Du lịch của huyện gần đây đã có bước khởi đầu hứa hẹn và đang được đánh giá có tiềm năng lớn cho định hướng phát triển đô thị, du lịch - dịch vụ biển.

* Thu ngân sách năm 2007 ước đạt 19,95 tỷ đồng, trong đó thu từ cấp quyền sử dụng đất ước đạt 5,5 tỷ đồng

2.1.2.2. Văn hoá - xã hội:

* Giáo dục: Là vùng đất có truyền thống hiếu học, nhiều dòng họ nổi tiếng về truyền thống học hành, có nhiều người đỗ đạt cao trong các kỳ khoa cử như dòng họ Nguyễn Văn, họ Nguyễn Đức Lục Chi ở Ích Hậu, họ Phan Huy ở Thạch Châu…; có nhiều danh nhân danh tiếng: Mai Hắc Đế, Nguyễn

Văn Giai, Phan Bố, Nguyễn Biên, Phan Huy Ích, Nguyễn Hằng Chi, Nguyễn Đổng Chi,… Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã dành nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục. Đến nay, hệ thống trường lớp đã phát triển tương đối vững chắc và toàn diện với 39 trường học của 4 cấp học. Chất lượng giáo dục đạt kết quả khá; giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Đã có 15 trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Các mục tiêu về xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực được quan tâm đúng mức.

* Hoạt động văn hoá - văn nghệ, TD - TT, thông tin tuyên truyền phát triển rộng khắp trên các địa bàn dân cư. Phong trào xây dựng làng, xã văn hoá, đơn vị văn hoá, gia đình văn hoá được nhân dân hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn huyện có 2 xã, 49 thôn và 5 cơ quan đạt danh hiệu đơn vị văn hóa cấp tỉnh. Trên địa bàn huyện có 13 di tích đã được xếp hạng là di tích lịch sử, trong đó có 6 di tích cấp Quốc gia; có những di tích nổi tiếng như: Chùa Chân Tiên, Đình Đỉnh Lự, Đền Cả, chùa Kim Dung…

Thể thao quần chúng phát triển sâu rộng, góp phần nâng cao sức khoẻ, đời sống tinh thần và xây dựng đoàn kết cộng đồng trong nhân dân.

* Việc chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm, chưa để xẩy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn. Đã có 7/13 trạm y tế được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ phát triển dân số còn 0,74%. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được quan tâm, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 24,5%.

* Là địa phương có truyền thống cách mạng, 11/13 xã Anh hùng LLVT, nơi có sáng kiến xây dựng cơ sở xã, cụm tuyến ATLC - SSCĐ đầu tiên của quân khu, hiện được duy trì hoạt động tốt và hiệu quả. Nhiều năm qua các xã đều thực hiện khá tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương.

2.1.3. Những thuận lợi và khó khăn về kinh tế, xã hội ảnh hưởng đến sự phát triển giáo dục nói chung, phát triển giáo dục tiểu học, THCS đến sự phát triển giáo dục nói chung, phát triển giáo dục tiểu học, THCS nói riêng.

2.1.3.1. Những thuận lợi:

Lộc Hà có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi; hệ thống điện, đường, trường, trạm phát triển nhanh và đồng bộ. Hệ thống chính trị ổn định, nền kinh tế và đời sống nhân dân ngày càng phát triển. Có nguồn nhân lực dồi dào, nhân dân cần cù, chịu khó, mặt bằng dân trí tương đối cao; người dân nơi đây luôn có ý thức phát huy truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học của quê hương, đất nước.

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng: Dịch vụ - du lịch - công nghiệp làm cho ngành nghề phát triển đa dạng, dẫn tới dịch chuyển cơ cấu lao động, tạo điều kiện cho việc phân luồng THCS và THPT.

GDP của huyện tăng trưởng hàng năm, tăng đều, vững chắc, cùng với những chính sách xã hội phù hợp đã làm cho mức sống của người dân được cải thiện, có điều kiện học tập tốt hơn.

Được sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội nên các chương trình phát triển giáo dục đều được triển khai thực hiện tốt, như: xây dựng trường chuẩn Quốc gia, phổ cập bậc trung học… CSVC, TBDH được đầu tư từng bước theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

2.1.3.2. Những khó khăn:

Lộc Hà là huyện đồng bằng ven biển, nghèo, có xuất phát điểm thấp. Mức sống và khả năng tích luỹ của người dân còn rất thấp; thu nhập bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo là 33,69% (cao hơn mức bình quân của tỉnh). Hàng năm phải chịu ảnh hưởng nhiều của thiên tai. Hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thương mại - dịch vụ chủ yếu buôn bán nhỏ. Du lịch chưa trở thành một

ngành hoạt động kinh doanh thực sự. Đất canh tác bình quân trên một người dân thấp; tình trạng dân đông, thiếu nguồn lao động được đào tạo, thiếu việc làm, đang là khó khăn lớn nhất của huyện.

Do đó, nguồn đầu tư xây dựng CSVC các trường học, các cơ sở giáo dục… và kinh phí đầu tư cho giáo dục - đào tạo từ ngân sách huyện rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn hiện nay.

2.2. THỰC TRẠNG VỀ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC TIỂU HỌC VÀ THCS HUYỆN LỘC HÀ, TỈNH HÀ TĨNH VÀ THCS HUYỆN LỘC HÀ, TỈNH HÀ TĨNH

2.2.1. Tình hình chung về giáo dục huyện Lộc Hà.

Là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, hiếu học, nên mặc dù trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ điều kiện hết sức khó khăn, song các xã thuộc huyện Lộc Hà ngày nay vẫn giữ vững và phát triển tốt phong trào giáo dục.

Từ năm 1976 đến nay, cũng như giáo dục cả nước, giáo dục Lộc Hà (Can Lộc và Thạch Hà trước đây) cũng trải qua những bước thăng trầm. Theo tiến trình thời gian, có thể chia sự phát triển của giáo dục thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn từ 1976 đến 1993 (trước khi có Nghị quyết TW4 Khoá VII) ra đời: Giáo dục ngày càng xuống cấp trầm trọng. Sự xuống cấp ấy được biểu hiện trên các phương diện sau đây:

Quy mô trường lớp bị thu hẹp, số lượng học sinh giảm sút nghiêm trọng ở tất cả các cấp học, ngành học:

* Ngành học mầm non: Từ chỗ mỗi đội sản xuất, mỗi cơ quan, xí nghiệp đều có nhà trẻ, trường lớp mẫu giáo thì đến năm 1990 có 2/13 xã thuộc huyện Thạch Hà, Can Lộc trước đây (Lộc Hà bây giờ) “mất trắng” về nhà trẻ.

* Ngành học phổ thông cũng giảm sút cả về số lượng và chất lượng. Số học sinh tiểu học bỏ học hàng năm có khi lên đến trên 8%. Số học sinh THCS bỏ học năm cao điểm lên đến 18% (xem phụ lục 2).

* Ngành học bổ túc văn hoá (BTVH) vốn có một thời gian phát triển rất mạnh thì đến năm 1992 cũng sa sút nhiều.

- Giai đoạn từ 1993 đến năm 2002: Với sự ra đời, triển khai Nghị quyết TW4 (Khoá VII), giáo dục - đào tạo toàn quốc và Hà Tĩnh nói chung, giáo dục Can Lộc, Thạch Hà nói riêng có sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt. CSVC trường học được củng cố, số lượng học sinh tăng dần; mạng lưới trường lớp từ mầm non đến THCS được phát triển; chất lượng giáo dục cũng từng bước được nâng cao.

- Giai đoạn từ năm 2002 đến nay:

* Số lượng học sinh tiểu học bắt đầu giảm, rồi giảm mạnh. Ngược lại, số lượng học sinh THCS tiếp tục tăng và tăng nhanh, đạt đến đỉnh cao năm 2004.

* Triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, tạo ra những thuận lợi lớn, đồng thời đặt ra những thách thức mới cho giáo dục nói chung, giáo dục tiểu học, THCS nói riêng.

* Xã hội hoá giáo dục được đẩy mạnh, CSVC - TBDH được tăng cường nhanh chóng, trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng nhiều.

* Hiện nay, trên địa bàn huyện có 13 trường mầm non, trong đó có 1 trường đạt chuẩn Quốc gia; 13 trường tiểu học, trong đó có 12 trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 và 2 trường đạt chuẩn giai đoạn 2; 10 trường THCS, có 2 trường đã đạt chuẩn và 3 trường trung học phổ thông, trong đó có 1 trường đạt chuẩn Quốc gia đầu tiên của bậc THPT tỉnh Hà Tĩnh.

2.2.2. Về quy mô học sinh và mạng lưới trường lớp.

2.2.2.1. Về quy mô học sinh:

- Từ năm học 1991 - 1992, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, dưới ánh sáng của Nghị quyết TƯ 4 khóa VII, sự nghiệp GD - ĐT nói chung và GD - ĐT Lộc Hà nói riêng đã có nhiều khởi sắc: Phát triển mạnh về số lượng,

chất lượng ngày càng được nâng cao. Số lượng học sinh tiểu học tăng dần từ năm học 1991 - 1992, đạt đến đỉnh cao năm học 2000 - 2001, sau đó bắt đầu giảm dần do thực hiện tốt cuộc vận động Dân số KHH gia đình.

- Học sinh THCS cũng bắt đầu tăng nhanh từ năm học 1991 - 1992, đạt đến đỉnh cao năm học 2004 - 2005, sau đó cũng bắt đầu giảm.

Một phần của tài liệu Quy hoạch phát triển giáo dục tiểu học và trung học cơ sở huyện lộc hà tỉnh hà tĩnh đến năm 2015 (Trang 51)