VII. Nga Mi Sơn 01 Báo Quốc Tự
02. Phục Hổ Tự
Rời chùa Báo Quốc, có một số người đi bộ qua chùa Phục Hổ, mất khoảng 20 phút. Hòa Thượng và một số quý thầy, quý sư cô đi xe. Tôi là một trong số những người đi bộ. Hai bên đường có vách núi và những tàn cây che mát xanh um. Chúng tôi đi bộ rất thích thú. Đến chùa, nhìn đồng hồ tay, còn thiếu mười phút nữa là đúng 5 giờ chiều. Đường vào chùa Phục Hổ đồi núi cây cối rất âm u. Từ lộ ngoài đi vào chùa, du khách phải bước lên rất nhiều bậc thang đá khá dài. Tuy không cao dốc như 108 bậc của một vài ngôi chùa khác, nhưng khi lên hết các bậc thang nầy, ai nấy cũng cảm thấy mệt mỏi. Đoàn đi đến nơi không đồng nhứt, có kẻ đến trước, người đến sau. “Chùa nầy do ngài Tâm An, vị tăng hành cước sáng lập vào đời Tống khoảng 1131 - 1162 TL.
Ban đầu chùa có tên là Thần Long Đường, sau nhân dùng phụ cận thường bị nạn cọp dữ phá hại chư tăng trong chùa bèn dựng cây phướn Tôn
Thắng để trấn áp, nên đổi tên là chùa Phục Hổ. Có thuyết nói, ngọn núi sau chùa như hình con cọp ngồi nên có tên ấy. Cuối đời Minh chùa bị hủy diệt vì nạn binh lửa. Đời Thanh năm 1651, kiến thiết tinh xá Hổ Khê hơn 10 năm mới xong. Toàn chùa tổng cộng có 13 dãy điện đường, đây là ngôi đại tùng lâm thứ nhì trong núi. Bên cạnh chùa có 4 chữ “Hổ Khê Thiền Lâm” do ông Trương Tam Phong viết. Trong chùa có tập thơ , tạng kinh của vua Khang Hy ban”. 11
Chùa nầy cũng có nhiều điện, chủ yếu là hai điện chánh, đó là điện thờ đức Phật Thích Ca và Bồ tát Phổ Hiền. Hai bên điện thờ Thập Bát La Hán. La Hán tiếng Phạn gọi là Arahat. A La hán là quả vị tột cùng của ba quả vị: Tu đà hoàn, Tư đà hàm và A na hàm trong hàng Thanh Văn. Vị nầy đã dứt sạch kiến tư hoặc phiền não và không còn sanh tử nữa. Nên các Ngài còn gọi là Vô Sanh. Chữ A la hán gồm có ba nghĩa: sát tặc, vô sanh và ứng cúng. Sát tặc nghĩa là các Ngài đã diệt trừ hết “Kiến Tư” hoặc phiền não. Vô sanh như đã nói ở trên. Còn ứng cúng, những vị nầy đáng thọ lãnh thức ăn do trời người cúng dường. Ai là người họa ra các tượng nầy đầu tiên? Trong kinh có nói về Thập lục la hán, chứ không có thuyết Thập bát la hán. Người đầu tiên vẽ tượng Thập bát la hán là Ngài Trương Huyền và Quán Hưu sống ở vào thế kỷ thứ 10.
Về sau, Sa Môn Giác Phạm và Đại văn hào Tô Đông Pha đều có làm kệ tán dương Thập bát la hán. Ngoài Thập lục la hán, thì Khánh Hữu Tôn Giả là vị La hán thứ 17, Tân Đầu Lô Tôn Giả là vị La hán thứ 18. Trong thực tế, Khánh Hữu chính là Nan Đề Mật Đa La, người soạn Pháp Trụ Ký. Tân Đầu Lô chính là Tân Đầu Lô Phả La Đọa, vị đầu tiên trong 16 vị La hán, vì không hiểu kinh điển và không thông tiếng Phạn mà lập thêm như thế. Nhưng từ đó mà Thập lục la hán dần dần phát triển thành Thập bát la hán.
Từ đời Nguyên về sau, trong đại điện của đa số tự viện đều có thờ Thập bát la hán, việc hội họa điêu khắc tượng La hán thông thường cũng lấy Thập bát la hán làm chính. Ngoài ra, còn có trường hợp thêm Ca Diếp Tôn Giả, Quân Đồ Bát Thán Tôn Giả thành 18 vị. Các vùng ở Tây Tạng có nơi thêm Ngài Đạt ma Đa la, Bố Đại Hòa Thượng hoặc thêm hai Tôn Giả Hàng Long và Phục Hổ hoặc thêm hai vị Ma Gia Phu Nhân và Di Lặc. (Tự Điển Phật Học Huệ Quang)
Hòa Thượng hướng dẫn đoàn vào điện chánh lễ Phật. Xong rồi, đoàn rời khỏi nơi đây, đi nhà hàng dùng cơm và sau đó đến khách sạn nhận phòng ngủ.
---o0o---