Đại Phật Linh Sơn

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 158 - 161)

XVI. Cửu Hoa Sơn

03.Đại Phật Linh Sơn

Hôm nay là ngày cuối cùng, đoàn đi tham quan một vài nơi trước khi trở về Úc. Đoàn rời khách sạn Hiệp Hòa Quảng Trường Đại Tửu Điếm vào lúc 8 giờ sáng, để đi tham quan Đại Phật ở Linh Sơn. Trên đường đi, xe chạy ngang qua Tân Thành Lễ Hồ. Hồ nầy rộng lớn và cảnh trí chung quanh rất đẹp. Vì thời gian không cho phép, nên đoàn chỉ ở trên xe nhìn ngắm sơ qua thôi. Xe chạy một đổi nữa, ngang qua cảnh Thái Hồ. Được biết, hồ nầy có một diện tích khá rộng lớn khoảng 4000km2. Ngồi trên xe nhìn xuống, chúng tôi thấy xa xa có một vài chiếc ghe đang chạy qua lại hình như họ đang đánh cá là phải. Chung quanh hồ, cảnh trí cũng khá thơ mộng. Rất tiếc, không có đủ thời gian để đoàn xuống đi dạo ngắm cảnh.

Đoàn đến nơi Đại Phật vào lúc 9 giờ. Xe đậu lại, mọi người xuống xe và đi bộ đến cổng ngoài chờ đợi mua vé. Được biết, vé bán ở đây cũng khá đắt. Mỗi vé là 70 đồng tiền Trung Quốc. Quy ra tiền Úc khoảng 12 đồng. Trên cổng tam quan lớn có những chữ: Bố Thí, Trì Giới và Nhẫn Nhục. Nhìn thấy những chữ nầy, tôi nói đùa là ở đây người ta chỉ cho có ba nhóm vào cổng thôi, còn ba nhóm Tinh Tấn, Thiền Định và Trí Huệ thì không được vào. Mọi người đều cười xòa. Nhưng ở mặt trong đi ra lại có những chữ của ba nhóm sau: Tinh Tấn, Thiền Định Và Trí Huệ. Từ ngoài cổng đi vào tới chỗ thờ tượng Đại Phật, độ cũng vài trăm thước. Tuy nhiên, mặt đường tương đối bằng phẳng, chớ không có nhiều bậc đá cao như ở một vài nơi khác. Tượng Đại Phật cao khoảng 88 thước. Trung Quốc có 5 tượng Phật cao lớn ở những nơi như sau: Hồng Kông, Sơn Tây, Thạch Động ở Long Môn, Lạc Sơn ở Tứ Xuyên Và Linh Sơn ở Vô Tích.

Hòa Thượng và một vài người khi vào gần đến tượng Phật lớn, có người nói ở phía ngoài sắp đến giờ họ cho Phật hiện ra trên một cái đài sen đúc bằng đồng cao và ở phía dưới là một cái hồ tròn rộng lớn chứa đầy nước. Chung quanh có 9 con rồng cũng được đúc bằng đồng, trong tư thế sẵn sàng phun nước lên trên cao, tới đảnh của tượng Phật sơ sanh đứng trên tòa sen.

Theo lịch trình là một ngày họ cho hiện ba lần : Sáng, trưa, chiều. Buổi sáng hôm nay bắt đầu vào lúc 10 giờ. Tôi đang đứng ghi chép, thì Hòa Thượng kêu tôi ra ngoài để xem cảnh tượng nầy. Khi mọi người trở ra đến nơi, bấy giờ bên tai nghe tiếng nhạc trổi inh ỏi và xen lẫn giọng nói của một người đàn ông, mà tôi đoán chắc là họ đang giới thiệu về cảnh nầy. Tiếng

nhạc trổi khi nhặt, khi khoan, lúc lớn, lúc nhỏ, lúc trầm, lúc bổng, tạo cho người nghe phải luôn luôn để tâm chú ý theo dõi.

Đúng 10 giờ, nghe điệu nhạc trổi lên thật lớn, tôi nhìn chung quanh thấy người ta đứng nhìn như một rừng người. Tôi đưa mắt nhìn lên trên, thấy bông sen bằng đồng đang búp bỗng nở xòe ra từ từ theo điệu nhạc, rồi trong hoa sen có hình tuợng Phật Thích Ca sơ sanh tay chỉ trời tay chỉ đất đang từ từ hiện đứng lên, trông rất đẹp mắt. Khi ấy, có nhiều vòi nước phun lên, nhưng đẹp nhứt là 9 con rồng như hả miệng to ra rồi phun nước lên thật cao phủ đầu tượng Phật, cảnh tượng nầy nhìn giống như đang tắm Phật. Chín con rồng cứ tiếp tục phun nước từng chập. Sau khi tượng Phật đứng thẳng lên rồi, thì họ điều khiển cho hình tượng Ngài xoay qua một vòng, tất cả mọi động tác đều làm theo điệu nhạc.

Chính vì thế, tạo cho người xem, trải qua những giây phút thật là hồi hộp. Chừng khoảng 10 phút, tượng Phật sơ sanh từ từ thụt xuống và những cánh sen từ từ khép kín lại. Khép lại cho đến khi nào không còn thấy tượng Phật nữa là chấm dứt. Qua cảnh tượng nầy, tôi thấy mọi người dõi mắt nhìn theo, một sự chú ý gần như muốn ngừng thở. Thật là hồi hộp, nếu họ làm không, thì không mấy gì hồi hộp, nhưng, họ rất khéo léo ở chỗ là họ cho những động tác theo từng điệu nhạc thật lớn và trầm hùng. Chính vì vậy, mà làm cho người xem mải mê theo dõi hồi hộp từng giây phút. Thật là một nghệ thuật gây sự chú ý thu hút người ta chẳng khác nào như thôi miên. Quả thật một nghệ thuật vừa tinh xảo trên mặt kỹ thuật mà cũng vừa tinh xảo trên bình diện thâu tiền. Nhìn cảnh tượng nầy, cảm hứng, tôi có sáng tác một vài bài thơ như sau:

Hoa Khai Kiến Phật.

Sen đồng quang đại giữa đài cao Phật ngự giữa tòa sen phủ bao Sen nở tươi xoè chơn Phật hiện Chín rồng phun nước trắng lên cao

Nhạc trời vang trổi ngàn cây động Mắt dõi rừng người bất động dao

Phật huệ nhãn từ luôn cứu khổ Hoa khai kiến Phật hết sầu đau

Hoa khai kiến Phật hết sầu đau Ai nấy trong tâm cánh sen bao Phật ngự lâu rồi sao chẳng biết Hồi tâm trực nhận Phật tìm đâu Quên mình theo cảnh thương khôn xiết

Trục vật phan duyên khổ lụy sầu Phật tướng hiện ngoài ta thấy đó

Qua rồi thì mất khó bền lâu

Giả từ Phật ngự ở trên cao Tự xét lòng mình mãi động dao Bao phủ mây tan in bóng nguyệt Vô minh vọng động sóng ba đào Bóng mờ sương khói nào chơn thật

Nhận lại Phật mình hết khổ đau Kiến sắc minh tâm lời Phật dạy Tìm ngoài Phật tượng chỉ nhọc lao!

Xem xong cảnh nầy, tôi nghe mọi người đều trầm trồ khen ngợi. Hòa Thượng và một vài người trở vào chiêm bái Đại Tượng Phật. Tôi vừa đi vừa

ghi, nên sơ ý bước xuống bậc thang đá bị trợt té hơi đau, nên tôi đến bực thềm đá ngồi nghỉ chân với một vài người. Theo thông báo của hướng dẫn viên, thì mọi người vào tham quan nơi đây, không quá 11 giờ. Nghĩa là đúng 11 giờ phải có mặt ở xe. Nói thì nói thế, nhưng có bao giờ mọi người giữ đúng giờ giấc như đã ấn định đâu. Đó là giờ dây thun của đa số người Việt mình mà! Khi xem xong, mọi người có mặt đầy đủ trên 2 chiếc xe, lúc đó, tôi nhìn đồng hồ tay là đúng 11 giờ 30.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 158 - 161)