Huyền Không Tự

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 35 - 40)

III. Ngũ Đài Sơn

01.Huyền Không Tự

Đường vào chùa Huyền Không, hai bên là núi đá chập chùng, hùng vĩ. Chùa nằm lưng chừng một phần ba núi, tính từ dưới đất lên đến đỉnh núi. Núi nầy là núi Hằng Sơn. Được biết ở Trung Quốc có 5 quả núi quan trọng, đó là : Hằng Sơn ở phía Bắc, Thái Sơn ở phía Đông, Hoa Sơn ở phía Tây, Hoành Sơn ở phía Nam, và chính giữa là Tung Sơn. Núi Hằng Sơn, nằm ở phía trước chùa và phía sau chùa là núi Thúy Bính. Phong cảnh nơi đây thật ngoạn mục hữu tình. Ngôi chùa được kiến tạo cách đây hơn 1.400 năm, thuộc thời đại Bắc Ngụy. Chùa đã được trùng tu nhiều lần, trải qua ba triều đại: Kim, Minh và Thanh. Bên trong chùa có tất cả 40 phòng. Các tượng Phật được tôn thờ tính chung lớn nhỏ có hơn 80 tượng, chạm khắc, tạc đắp bằng các loại đồng, sắt, đá và bùn rất có giá trị nghệ thuật. Đặc biệt lối thiết kế thờ phụng ở đây mang màu sắc đượm nhuần Tam Giáo: Phật, Lão, Khổng. Đây là điểm dung hợp rất kỳ thú, mà ta ít thấy ở trong các ngôi chùa Trung Quốc. Ở trên đá có khắc chữ viết của Lý Bạch, một thi hào nổi tiếng cự phách ở vào triều đại nhà Thanh.

Chùa Treo là một di tích lịch sử văn hóa quan trọng của Hằng Sơn, nên được nhà nước bảo quản một cách rất nghiêm mật chu đáo. Năm 1958, đập nước nhân tạo và cầu treo được xây dựng ở phía nam của ngôi chùa. Vì thế, nên hai nơi nầy đã được đánh giá là một trong mười tám bức tranh đẹp nhất ở núi Hằng Sơn. Toàn chùa được kiến trúc bằng gỗ, với tất cả là mười trụ cột nâng ở phía ngoài và cây xà ngang được đúc sâu vào trong đá, nhờ vậy, mà vị thế của chùa được giữ khá vững chắc. Dưới chùa là một hoa viên rộng lớn như là một thung lũng. Trước kia nó là một con sông, bề ngang cũng khá rộng.

Đối diện ngôi chùa có nhiều tòa nhà, đây là những nơi trưng bày bán đủ thứ vật phẩm để du khách mua làm quà kỷ niệm. Từ bãi đậu xe, muốn đi

lên chùa, du khách phải đi ngang qua cây cầu dây đu đưa, khoảng độ 50 mét. Đối diện cây cầu nầy, là một đập nước khá lớn, có dòng nước từ trên núi cao chảy xuống, giống như từ trong hang động chảy ra. Chung quanh bao bọc bởi núi đá, trông cảnh rất hùng vĩ nghiêm trang. Về nguyên do xây chùa lơ lững lưng chừng núi, theo hướng dẫn viên địa phương cho biết, là nhằm ngăn nước từ trên núi tràn xuống. Đây là do vua Hiếu Văn Đế đời Bắc Ngụy sắc chỉ.

Sau khi tham quan, mọi người ra xe để tiếp tục cuộc hành trình đến Ngũ Đài Sơn. Vì đường xa, nên mọi người ai nấy đều ngủ gà ngủ gật. Mỗi người ngủ mỗi cách, thấy thế, tôi làm bài thơ trào phúng chọc cười cho vui, để mọi người tỉnh táo.

Ngủ trên xe

Trên đường xe chạy Ngũ Đài Sơn Nhắm mắt thả hồn ngủ hết trơn Có kẻ nghiêng đầu cười nhếch mép Còn người gục gật lễ phép hơn Miệng chép thấy ngon nào biết đói Tiếng kèn ngáy ngủ thổi từng cơn Ngủ quách cho rồi quên sự thế Ngủ Đài, ngủ núi, ngủ xe hơn!

Xe chạy gần đến Ngũ Đài, nhìn thấy hai bên đường có nhiều núi non chớn chở, hùng vĩ, xinh tươi đẹp mắt, tôi liền lấy giấy bút ra dệt lên một vài câu thơ để nói lên cái cảm xúc của mình.

Đường đến Ngũ Đài ôi! sao đẹp quá! Núi trải dài vách đá nối liền nhau

Như tấm lụa xanh dàn trải chỗ thấp cao Rồi rêu phủ bạc màu thay biến dạng

Cảnh thiên nhiên ngắm nhìn không biết chán Vui cảnh trần ngao ngán chỉ thêm đau! Mái tóc xanh nhìn lại đã bạc màu Bao nổi khổ dạt dào trong kiếp sống

Đừng theo đuổi bóng hồng trong biển động Hãy quay về chớ dệt mộng nữa làm chi Của, công, danh như bọt nước có ra gì

Tỉnh giấc mộng như bước đi trong núi lạnh... Hoa lá cây rừng trời xanh bao la rộng khắp…

Mãi ngắm nhìn cảnh trí thiên nhiên nên thơ ngoạn mục, do tạo hóa ban cho con người thưởng ngoạn, mỗi người có một nếp nghĩ riêng. Có thể, có người đang suy tư theo dòng đời trôi chảy cuốn phăng bao nhiêu những thứ yêu thương, để lại cảnh chán chường trong cuộc sống. Rồi cũng có người nhìn lại đoạn đường trong mấy ngày qua thật là ý nghĩa. Vì cuộc sống luôn hòa nhập tiếp cận với thiên nhiên, với cảnh núi non hoa lá cây rừng...Và nhìn lại thấy mình đang là người đi tìm một sinh thức hài hòa trong tình thương của thầy, của bạn đang trên bước đường hành hương tìm lại chính mình. Có thể mỗi người có mỗi nếp suy tư khác nhau khi ngang qua đồi núi chập chùng…

Thế rồi, xe ngừng lại trước khách sạn khi nào không hay. “Tới rồi, xin mọi người hãy xuống xe”. Đó là lời mời của người hướng dẫn. Mọi người trở về với thực tế. Thực tế là tất cả xuống xe vào trong khách sạn khoảng 15 phút. Sau đó, mọi người trở ra xe để đi chiêm bái. Ngôi chùa mà chúng tôi đến thăm viếng đầu tiên tại núi Ngũ Đài là chùa Long Tuyền. Trước hết xin nói sơ qua về vùng núi linh thiêng nầy. Nói về địa thế của núi nầy, trong tác phẩm Mount Emei and Leshan Giant Buddha có viết:“Ngũ Đài Sơn, ngoài thế núi kỳ lạ, còn được ngợi ca là một vùng môi trường tinh khiết lý tưởng, khí hậu trong mát, cuộc sống yên lành. Hàng năm trừ các tháng 6,7 và 8, những tháng còn lại đỉnh núi liên tục bị tuyết phủ dầy. Trong chín tháng đó, hầu như ở Ngũ Đài Sơn không có mùa hè. Vì vậy Ngũ Đài Sơn còn được

mệnh danh là Thanh Lương Sơn, bởi ở đây “Băng đóng suốt năm, khiến mùa hạ vẫn có tuyết bay, khí hậu quanh năm mát mẻ”.

Được gọi Thanh Lương Sơn còn vì một lẽ khác gắn liền với một câu chuyện thần kỳ: Tương truyền rằng vào thời thượng cổ, Ngũ Đài Sơn là khu vực có khí hậu khắc nghiệt khác thường, mùa đông nước đóng thành băng, mùa xuân cát bay đá lở, mùa hạ khí hậu nóng bức. Vì thế, người nông dân không thể nào cày cấy, trồng trọt được. Để giải thoát khổ nạn nầy cho chúng sanh, Văn Thù Bồ Tát đến Long Cung cầu viện, mượn về một khối đá có tên là “Yết Long Thạch”. Sau khi Bồ tát ném tảng đá xuống, cả khu vực trở nên mát mẻ, khí hậu trong lành. Từ đó dân chúng quanh vùng gọi tảng đá ấy là Thanh Lương Thạch và người đời đã xây cất Thanh Lương Tự để thờ.

Từ đời xa xưa, tín đồ Phật giáo hết lòng ngưỡng mộ Ngũ Đài Sơn và xếp vào một trong Tứ Đại Phật Sơn, vì đây là nơi hóa thân của Văn Thù Bồ Tát. Ngài thành Phật với tên Long Chủng Thượng Tôn Như Lai, đã từng dẫn dắt nhiều Phật tử tu hành đắc đạo, nên được gọi là Tam Thế Phật Mẫu.

Vào thế kỷ VI trước Tây Lịch, Ngài giáng sinh ở Ấn Độ, hiện thân Bồ Tát để trợ giúp Phật Thích Ca Mâu Ni trong việc thuyết pháp. Ngài còn là vị Bồ Tát thứ nhất chủ trì lãnh vực trí tuệ. Hình tượng phổ biến của Ngài là năm búi tóc trên đầu, biểu thị năm loại Phật trí, tay cầm bảo kiếm thể hiện trí tuệ sắc bén, còn sư tử biểu hiện sức mạnh của trí tuệ.

Ngũ Đài Sơn là nơi tu luyện của Văn Thù Bồ Tát từ đời Đường. Trải qua gần 2000 năm, Ngũ Đài Sơn là nơi hình thành các tông phái Phật giáo có thế lực mạnh và ảnh hưởng rất lớn như: Thiền Tông, Hoa Nghiêm Tông, Luật Tông, Mật Tông v.v… Truyền thuyết kể rằng “vào đời Đường, niên hiệu Khai Thành, khoảng năm 838, Lãng Đạt Ma giết người anh lên ngôi, có ý đồ tiêu diệt Phật giáo, khiến các tín đồ tức giận. Một hôm vào dịp lễ trọng đại, một vị tăng của Ngũ Đài Sơn tên là Đa Nhĩ Cát, cải trang thành con bạch mã, nhuộm lông màu đen, mình mặc áo đen, vào cung ca hát. Khi đến gần Lãng Đạt Ma, Đa Nhĩ Cát đã bắn chết Đạt Ma. Khi bị truy đuổi, Đa Nhĩ Cát phi ngựa qua dòng sông, ngựa trở thành con bạch mã và ông thay áo trắng, nhờ thế ông thoát thân và từ đó Phật giáo vùng Tây Tạng ngày càng phát triển”.

Tài liệu nêu trên, chỉ đề cập phớt qua vài nét về Bồ Tát Văn Thù, một vị Bồ Tát rất quan trọng, chẳng những là Tôn chủ trú xứ Ngũ Đài Sơn mà

còn tối ư quan trọng trong các Kinh điển Đại thừa. Để hiểu rõ hơn về Bồ Tát, chúng tôi xin được trích dẫn thêm một tài liệu khác nói về Ngài.

“Bồ Tát Văn Thù tiếng Phạn là Bodhisattva Mànjusri. Văn Thù Sư Lợi cũng gọi là Mạn Thù Thất Lỵ, dịch nghĩa là Diệu Đức, Diệu Cát Tường. Vì thấy rõ Phật tánh, mọi đức đều tròn đầy, không sự ràng buộc nào chẳng dứt, nên gọi là Diệu Đức.

Bồ Tát Văn Thù là vị Bồ Tát có quan hệ rất sâu xa với Kinh điển Bát nhã. Ngài là một trong 4 vị Bồ Tát mà người Trung Quốc rất sùng mộ tín ngưỡng. Có thuyết cho rằng Bồ Tát nầy là Phật đã thành, như Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội có ghi: Thuở xưa, cách nay với số kiếp lâu xa có Long Chủng Thượng Như lai, thành tựu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác ở thế giới Bình Đẳng Phương Nam, sống lâu 440 vạn tuổi và nhập Niết bàn, đức Phật ấy nay là Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử. Có thuyết cho rằng Bồ Tát nầy là nhân vật có thật, như Kinh Văn Thù Sư Lợi Bát Niết Bàn cho rằng: Bồ Tát nầy sanh vào nhà Bà La Môn Phạm Đức ở tụ lạc Đa La thuộc nước Xá Vệ, lúc Bồ Tát sanh ra, ngôi nhà hóa thành hoa sen. Bồ Tát từ hông phải của mẹ sanh ra, về sau đi xuất gia, học đạo với Phât Thích Ca Mâu Ni. Ngoài ra cũng có thuyết cho rằng: Bồ Tát Văn Thù là mẹ của chư Phật, Bồ Tát. Thông thường cho rằng Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi và Bồ Tát Phổ Hiền đều hầu cận đức Phật Thích Ca, Bồ Tát Văn Thù biểu thị cho Phật trí, Bồ Tát Phổ Hiền biểu thị cho Phật huệ. Sư tử mà Bồ Tát Văn Thù ngồi tượng trưng cho sự uy mãnh.

Tượng của Ngài ta thấy có nơi thờ, tay mặt của Ngài cầm kiếm sắc bén. Đây là biểu thị cho trí đức. Nghĩa là dùng trí huệ sáng suốt phá tan tất cả vô minh hắc ám. Ánh sáng trí huệ soi đến đâu, hắc ám vô minh tan đến đấy. Như dũng sĩ cầm kiếm bén xông pha trong trận mạc, thanh kiếm lia đến đâu, thì đầu giặc rơi đến đấy. Sức trí huệ vô cùng mãnh liệt, như thanh kiếm báu cứng chắc san sảng, dù chạm phải cùng loại kim khí vẫn không bị khờn mẻ, mà có thể chặt đứt tất cả. Còn tay trái cầm hoa sen xanh là biểu thị cho đoạn đức. Đối với tự thân cũng do sức trí huệ dứt sạch mọi nhiễm ô tham ái, như hoa sen ở trong bùn mà không nhiễm bùn. Bồ Tát không phải người ẩn nơi non cao rừng thẩm, sống trong cảnh thanh tịnh u nhàn, mà là người sống chung đụng với quần chúng, lăn lộn trong đám bụi trần để cứu độ chúng sanh, nên có lúc ra làm vua, có khi làm quan, cũng có khi làm kẻ tật nguyền cùng khổ…tuy sống trong dục lạc dẫy đầy, mà Bồ Tát vẫn giữ tâm thanh tịnh không bị ô nhiễm như người đời. Đó là nhờ trí huệ dứt sạch tham ái, viên thành đoạn đức”. 5

Như vậy, người Phật tử khi đảnh lễ Ngài, nên nghĩ đến trí tuệ của ta và ta phải sử dụng thanh kiếm bén trí tuệ của chính mình để chặt đứt mọi thứ dây mơ rễ má phiền não, tà chấp, mê hoặc. Có thế, thì ta mới được lợi ích thiết thực vậy.

Trở lại vấn đề, như trên đã nói, ngôi chùa mà chúng tôi đến viếng thăm chiêm bái đầu tiên là chùa Long Tuyền.

---o0o---

Một phần của tài liệu Hanh-Huong-Tu-Dai-Danh-Son-Trung-Quoc-TT-Thich-Phuoc-Thai (Trang 35 - 40)